Hậu Brexit, Anh là 'cái gai' trong mắt EU?

(Baonghean) - Các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) đã lần đầu tiên thảo luận các đề xuất của Pháp và Đức nhằm tăng cường hợp tác quân sự trong EU tại cuộc họp ở Bratislava, Slovakia. Với việc Anh quyết định rời khỏi EU, Pháp và Đức đang dẫn đầu các nỗ lực để EU có thể tự đảm đương các hoạt động an ninh của khối. Dù vậy, cho tới khi Brexit chưa hoàn thành, Anh vẫn là “cái gai” trong nhiều kế hoạch quốc phòng của khối. 

Tăng cường khả năng phản ứng của EU

Tại cuộc gặp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU, Pháp và Đức đã trình bày một kế hoạch tổng thể về chiến lược hợp tác quốc phòng của khối, trước khi trình lên các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị cấp cao vào tháng 12 tới.

Các Bộ trưởng Quốc phòng EU lần đầu thảo luận về đề xuất của Pháp và Đức. Ảnh: Internet.
Các Bộ trưởng Quốc phòng EU lần đầu thảo luận về đề xuất của Pháp và Đức. Ảnh: Internet.

Kế hoạch này bao gồm nhiều nội dung như tăng chi ngân sách cho các sứ mệnh quân sự, cùng phát triển các khí tài như máy bay trực thăng và máy bay không người lái, mở rộng hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài và xây dựng các hệ thống phòng thủ mạnh hơn nhằm chống lại các tin tặc trong không gian mạng… 

Đặc biệt, việc có một trụ sở chính trị - quân sự chung sẽ giúp châu Âu điều phối các sứ mệnh chung một cách hiệu quả hơn (hiện nay EU đang thực hiện 30 sứ mệnh tại 3 châu lục). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, các nội dung trong bản kế hoạch nhằm tập hợp thế mạnh của các quốc gia châu Âu, giúp quân đội các nước có thể cùng nhau hành động một cách mau lẹ trong mọi hoàn cảnh. "Vấn đề là cần phải cùng nhau trở nên mạnh hơn và hiệu quả hơn. Không ai trong chúng ta có thể đơn lẻ chống trả lại các cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm cả cuộc xung đột Nga - Ukraine”, bà Ursula von der Leyen nói. 

Sau khi Anh quyết định ra khỏi EU, Pháp và Đức đang cùng nhau thúc đẩy nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo EU có thể tự đảm đương các hoạt động an ninh khi không có Anh. Sự “lo xa” của Pháp và Đức là có thể hiểu được bởi từ trước đến nay, với năng lực quốc phòng vượt xa các nước thành viên EU khác, Anh luôn là nước đóng góp nhiều nhất cho các kế hoạch quốc phòng của khối.

Ngoài tiềm lực về tài chính, với việc là đồng minh thân cận của Mỹ, sát cánh với quân đội Mỹ trong nhiều chiến dịch, quân đội Anh còn được đánh giá là thiện chiến, nhiều kinh nghiệm nhất trong các nước châu Âu. Vì vậy, kế hoạch được trình bày tại Bratislava là một phần trong nỗ lực của hai “đầu tàu” trong EU nhằm lấp chỗ trống mà Anh để lại sau khi nước này ra khỏi EU. 

Cơ hội cho Pháp và Đức 

Trong quá khứ, Anh là nước thường xuyên phản đối sự hợp tác quân sự sâu rộng hơn của EU với lý do các kế hoạch quân sự của khối có thể làm suy yếu Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Anh lập luận rằng việc các nước phải phân bổ thêm ngân sách cho các hoạt động hợp tác quân sự mới sẽ ảnh hưởng đến đóng góp cho NATO.

EU tìm cách tự đảm bảo năng lực an ninh khi không còn Anh. Ảnh: Eurative.
EU tìm cách tự đảm bảo năng lực an ninh khi không còn Anh. Ảnh: Eurative.

Không những vậy, Anh lo ngại bất cứ cơ chế hợp tác quân sự mới nào cũng có nguy cơ hình thành “đối thủ cạnh tranh” với NATO. Với vị trí là đồng minh thân cận của Mỹ trong khối quân sự lớn nhất hành tinh này, Anh rõ ràng không muốn đặt ra những cản trở - dù chỉ ở mức “tiềm tàng” cho NATO. 

Một số nhà phân tích còn cho rằng, lo ngại sâu xa hơn của Anh là với các kế hoạch hợp tác quân sự sâu rộng hơn, trong đó có việc thành lập quân đội chung, quyền kiểm soát và điều phối chung sẽ nằm trong tay Brussels. Điều này hoàn toàn không phù hợp với Anh khi nước này từ lâu vẫn luôn tìm kiếm một cơ chế đặc biệt nhằm có nhiều ảnh hưởng hơn tới các quyết định chung của khối. 

Giờ đây, khi quyết định ra khỏi EU, Anh sẽ càng không mặn mà với ý tưởng hợp tác quân sự sâu rộng hơn bởi khả năng tác động tới Brussels suy giảm. 

Trong khi đó, hai nước Pháp và Đức đang rất hy vọng tình hình hiện nay sẽ thuận lợi hơn cho việc xúc tiến các kế hoạch hợp tác quân sự trong khối khi không còn phải tính đến lập trường của Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer hôm 26/9 còn thẳng thừng tuyên bố: "Tôi không thể hình dung được rằng một nước đã quyết định rời bỏ EU lại có thể cản trở những nước còn lại làm điều mà họ muốn".

Dù vậy, để rộng đường cho các kế hoạch này, Đức và Pháp đã cùng nhau bác bỏ những đồn đoán về một “mưu toan tạo ra một tổ chức thay thế hay đối thủ cạnh tranh với NATO”. Đức và Pháp đã khẳng định rằng một NATO mạnh có lợi cho EU. Ngược lại, chính sách chung về các vấn đề quốc phòng của EU mạnh mẽ hơn cũng sẽ giúp NATO vận hành hiệu quả hơn. 

Sau Brexit - Anh vẫn là “cái gai”

Dù vậy, đến nay Anh vẫn còn toàn quyền bỏ phiếu cho các quyết định về quân sự của EU cho đến khi nước này hoàn thành tiến trình Brexit - dự kiến phải đến năm 2019. Cho đến thời điểm đó, EU vẫn khó có thể xúc tiến những kế hoạch tham vọng của mình nếu không có sự đồng thuận của Anh.

Trong khi đó, Anh còn có lợi thế khi luôn được các nước thành viên như Ba Lan và các quốc gia Baltic ủng hộ. Luôn tìm sự “bao bọc” của NATO trước các mối đe dọa từ phía Nga, các quốc gia này cũng lo sợ không kém gì Anh trước viễn cảnh một NATO suy yếu.

Tòa nhà diễn ra cuộc họp. Ảnh: Eurative.
Tòa nhà diễn ra cuộc họp. Ảnh: Eurative.

Tại cuộc gặp ở Bratislava hôm 27/9, Anh tiếp tục cho thấy nước này không phải là đối tác dễ dàng bị gạt ra bên lề trong những tính toán của EU. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất cứ ý tưởng nào về việc thành lập một lực lượng quân đội EU hay trụ sở quân sự EU.” 

Để tìm kiếm sự ủng hộ của Anh cho các kế hoạch hợp tác quân sự chung, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã phải cam kết rằng không có kế hoạch về một quân đội châu Âu.

Dù việc thành lập quân đội châu Âu vẫn là mục tiêu dài hạn đối với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu Elmar Brok, song ở thời điểm hiện tại, EU sẽ phải chấp nhận “lùi một bước để tiến hai bước”. Đây có lẽ là chiến thuật “hoãn binh” phù hợp với EU, vừa để chờ khi Anh hoàn toàn rời khỏi EU, vừa để tiến hành một số thay đổi cần thiết đối với các hiệp định hiện hành, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc thành lập và vận hành lực lượng quân đội chung. 

Thúy Ngọc

tin mới

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí. 

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

(Baonghean.vn) - Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh và cạnh tranh giữa các siêu cường, châu Phi là khu vực mà Liên Xô trước đây rất ít ảnh hưởng. Đây là sân banh của Pháp trong hơn 6 thập niên qua, và với mỗi nước châu Phi này, Pháp chỉ tốn “vài bộ đồ vest” để duy trì ảnh hưởng hậu thuộc địa.

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

(Baonghean.vn) - Tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng, việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đối lấy tư cách thành viên NATO là một lựa chọn tốt để Ukraine chấm dứt xung đột, nhưng dường như nó đã bị bỏ lỡ. Hiện, việc đạt được thoả thuận như vậy khó khăn hơn nhiều, khi Nga đã chiếm ưu thế lớn.

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

(Baonghean.vn) - Nói trước Quốc hội ngày 26/4, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng, Nga nên lo sợ một cuộc đụng độ với NATO vì một cuộc chiến như vậy sẽ kết thúc với “thất bại không thể tránh khỏi” đối với Moskva.