Dẻo thơm bánh chưng Vĩnh Hòa

Làng 3 giờ sáng
Đi hết đất Diễn Châu, qua cây cầu Bà, chạm vào tầm mắt là ngôi làng trù phú, với mái đình nhà thờ cao vút, những ngôi nhà khang trang, không khí buôn bán dọc hai bên Tỉnh lộ 38 ồn ào, nhộn nhịp. Làng công giáo Vĩnh Hòa nằm ngay “địa đầu” của huyện Yên Thành, là một vùng đất cổ, gắn với tên gọi Cồn Bi, Chùa Bi, có lịch sử từ thời Hậu Lê. Theo danh nhân Phan Thúc Trực thì đây là vùng “rốn nước của Đông thành, lắm cây bần và cây dừa nước mọc thành lùm, ở đó có đền Tam Tòa và chùa Bụt”. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vùng đất chiêm trũng, ngập úng Chùa Bi trở thành điểm quần cư của những người theo đạo Công giáo vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Là một vùng đất chiêm trũng, chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã khô, người dân Vĩnh Hòa phải lăn lộn với đủ các nghề để kiếm sống, trong đó có nghề chế biến các loại bánh từ lúa gạo.
Nhiều người nói, nghề làm bánh chưng Vĩnh Hòa được “khai sinh” bởi cụ cố Hiền. Từ thời kháng Pháp, ở quán bán nước chè, bánh chưng của cố Hiền đã nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người đi qua, về lại biết đến. Sau đó, đến thời của bà Lành, bà Tôn.., bây giờ đều đã ra người thiên cổ. Có được nghề, nhiều người dân ở làng Vĩnh Hòa đã nô nức theo, bánh chưng, bánh tét được đưa đi bán khắp các chợ trong và ngoài huyện Yên Thành. Cũng từ đó, bánh chưng Vĩnh Hòa nức tiếng gần xa với vị ngọt, dẻo của đậu và lúa nếp, màu xanh của lá dong, vị béo ngậy của thịt heo, vị thơm của ớt tiêu, hành củ…
Ghé vào một hàng bánh chưng nhỏ ven đường, anh chủ quán trẻ niềm nở, vui vẻ mời khách ăn thử một lát bánh chưng. Giữa tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm, cắn một miếng bánh, cảm nhận thấy mùa xuân, sự sum họp đã đến rất gần. Chỉ một đoạn ngắn dọc con đường 38 đi qua xóm, đã có 7- 8 nhà vừa sản xuất vừa bán bánh chưng, kẹo lạc. Khách mua có đủ loại, từ những chị thồ mắm, muối từ Diễn Châu, Quỳnh Lưu lên vùng trên đi bán, ghé qua ăn một cái bánh tét, miếng kẹo lạc, uống ngụm nước chè lấy sức cho chặng đường xa, đến những người đi ô tô, ghé qua mua đưa đi Vinh, thậm chí ra cả Hà Nội làm món quà quê quý giá. Bánh chưng ở đây được bán khá rẻ, chỉ 25 nghìn đồng/cặp bánh mà nếu mua ở Vinh cũng phải 35- 40 nghìn đồng. Miếng bánh rền, chặt, nói như lời giới thiệu tự hào của anh Phan Đức Hạnh (chủ cơ sở sản xuất bánh Hạnh Tình), thì là “cứng trong mềm”, nghĩa là miếng bánh “cứng” nhưng vẫn dẻo, mềm,  không hề bị rã.
Gia đình anh Phạm Văn Lộc chuẩn bị lá dong và nguyên liệu để gói bánh chưng. Ảnh: N.K
Gia đình anh Phạm Văn Lộc chuẩn bị lá dong và nguyên liệu để gói bánh chưng. Ảnh: N.K
Theo nhiều hộ dân làm bánh ở đây, nghề làm bánh chưng ở Vĩnh Hòa cũng chẳng có bí quyết gì đặc biệt, nhưng phải đặt cả tấm lòng của mình vào đó. Anh Hạnh cho biết: Giữ lửa đỏ đều, đun đủ lâu là một yếu tố rất quan trọng giúp bánh rền, mềm, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu mà mỗi người làm bánh phải chú ý đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu. Dù phải mua đắt hơn, nhưng nhất thiết nếp phải là loại thật ngon, giúp bánh vừa mềm vừa săn. Lá chuối gói bánh cũng chỉ dùng lá chuối nhà, tuyệt đối không dùng lá chuối rừng gói vì bánh sẽ không ngon. Ở Vĩnh Hòa có một “đội quân” chuyên đi “săn lùng” tận các xã miền trên của Yên Thành như: Quang Thành, Kim Thành, Tây Thành, tận miệt Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ... để thu gom lá.
Dây lạt dùng gói bánh cũng được một số người trong xóm chuyên lên tận Quang Thành, Đức Thành chặt, gom đưa về “cung ứng”. “Nói chung là hình thành cả một mạng lưới cung cấp đủ các nguyên liệu cần thiết, chúng tôi chỉ việc “trau” cho bánh ngon, tạo dựng và giữ được uy tín với người tiêu dùng về thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hòa”- anh Hạnh tự hào. Đặc biệt nhất, bánh chưng được bày bán ở đây đều không để qua ngày thứ hai. Mọi nhà đều căn lượng bánh bán ra hàng ngày để không gói thừa, dù trời rét thế này bánh có thể để được mấy ngày, nhưng nhà nào cũng vậy, hôm nào ế thì chấp nhận lỗ để giữ thương hiệu của làng chứ quyết không lừa khách.
Về Vĩnh Hòa vào ngày cuối năm, một không khí tấp nập, hồ hởi, phấn khởi và rộn rã hiện rõ trên từng ngõ xóm, từng góc nhà của người dân. Trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới, anh Phạm Văn Lộc (52 tuổi) vừa thoăn thoắt dùng dao chẻ lạt, vừa dùng tấm khăn ướt để tỉ mỉ lau sạch những tấm lá chuối đã được cắt và xếp cẩn thận thành từng lớp ở giữa nhà. Phía ngoài, người vợ của anh đang cẩn thận xới cho đều nồi đậu xanh đã hông rồi thoăn thoắt xé lá chuối, dùng chiếc bát nhỏ xúc gạo, gắp thịt để gói bánh chưng. Anh Lộc tâm sự, từ thời ông, thời cha mình đã có nghề gói bánh chưng, bà nội và mẹ của anh từng cõng bánh, đạp xe sang huyện Đô Lương, đến Chợ Dùng, Chợ Rạng, lên tận huyện Anh Sơn để bán bánh chưng. Trong đói nghèo, những nồi bánh chưng đã nuôi sống cả gia đình anh.
Từ lúc 5 tuổi, anh Lộc đã biết chọn lá dong, biết róc lá chuối, biết chẻ lạt và gói bánh chưng, bánh tét. Lớn lên, lập gia đình, anh vẫn tiếp tục theo nghề của cha ông. Vợ anh, người làng bên cũng học nghề nấu bánh và chạy chợ. Lịch làm việc của vợ chồng anh Lộc bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, khi con gà chưa kịp cất tiếng gáy, hai vợ chồng đã dậy vớt bánh cho ráo nước, chất lên đôi quang gánh để 4h sáng bắt đầu mang ra chợ bán. Với những gia đình đi chợ xa hơn ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Anh Sơn, họ phải xuất phát từ sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Trong khi các bà vợ mang bánh ra chợ thì những người đàn ông ở Vĩnh Hòa lại ở nhà làm thay việc của người mẹ, chăm lo việc ăn uống cho các con trước khi đưa chúng đến trường và chuẩn bị nguyên liệu cho buổi gói bánh ban chiều.
 
Khoảng 2h chiều, là thời gian sôi động nhất trong ngày của Vĩnh Hòa. Đây là lúc cả làng cùng nhau ngồi gói bánh. Từ các em nhỏ sau buổi học, đến các cụ già, thanh niên, phụ nữ đều xắn tay vào công việc. Người chuẩn bị lá, người xay gạo, người chẻ lạt, người gói bánh, nhóm lò, người thay nước. Tiếng thái thịt, tiếng băm hành, tiếng xay bột hòa lẫn với tiếng người gọi nhau í ới, hỏi thăm nhau về phiên chợ ban sáng cùng với tiếng nhạc vui nhộn của những ca khúc giáng sinh khiến cho Vĩnh Hòa trở nên sôi động không kém gì ở thành phố. Nhịp sống ở Vĩnh Hòa cứ thế đến hết đêm, khi những nồi bánh chưng được bắc lên bếp, sôi sùng sục, tỏa khói nghi ngút. Khoảng 3 – 4 giờ sáng, cả làng Vĩnh Hòa đều thức dậy, sáng đèn như ban ngày. Ô tô, xe máy tấp nập vào nhận bánh để tỏa đi muôn nơi. Cũng vì thế mà mấy năm nay, Vĩnh Hòa còn có tên gọi khác là “Làng 3 giờ sáng”. 
Mang xuân đến muôn nơi
Người dân Vĩnh Hòa không bao giờ lo thất nghiệp vì thương hiệu bánh chưng, bánh tét của mình đã được nhiều người biết đến. Từ bao năm nay, bánh Vĩnh Hòa đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang tận nước bạn Lào. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, khi Tết đến, Xuân về, cả xóm như một công xưởng ồn ào, náo nhiệt. Mọi người làm việc suốt ngày đêm để kịp giao hàng cho khách đặt. Mỗi gia đình sản xuất từ 8 – 9 tạ gạo nếp loại ngon cùng một lượng lớn đậu xanh, thịt lợn ba chỉ, hành tỏi, ớt tiêu. Tết năm trước, gia đình anh Lộc gói được 3 ngàn cặp bánh chưng, dự kiến đơn hàng năm nay sẽ tiếp tục tăng lên. “Nếu như trước đây, bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa giúp người dân trong làng thoát cảnh nghèo đói thì ngày nay, người dân trong làng làm bánh vào dịp Tết không đơn thuần chỉ là việc mưu sinh nữa. Với chúng tôi, đây là cả một phong tục, một nét truyền thống ngày xuân. Chúng tôi sản xuất ra mặt hàng vừa dân giã nhưng cũng rất thiêng liêng, là hồn dân tộc trong những ngày Tết nên gói chiếc bánh chưng phục vụ Tết cho bà con cũng phải cầu kỳ, chăm chút hơn ngày trước rất nhiều” - chị Nguyễn Thị Xuân, người dân xóm Vĩnh Hòa tâm sự.
Nếu ngày thường, gia đình bà Phan Thị Bình - một hộ có thâm niên 30 năm làm bánh chưng chỉ có 5 lò nấu bánh, thì những ngày giáp tết, bà phải đắp thêm vài ba lò “dã chiến”, than đỏ rực suốt ngày đêm, những cái nồi quân dụng chứa được tận 70 cặp bánh chưng sôi sùng sục. Bằng những nồi bánh chưng, bánh mướt, bà đã nuôi 5 người con trai trưởng thành, đều đang đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Ngày thường, mình bà lọ mọ làm bánh, đưa ra chợ Hợp Thành ngồi bán với sự phụ giúp của con dâu, nhưng từ khoảng ngày 27 Tết trở đi, khi các “đơn hàng” tới tấp bay về, ba cô con dâu sang tập trung hẳn bên nhà mẹ, mấy mẹ con thay phiên nhau làm liên tục từ sáng tới đêm, từ đêm tới sáng, đến tận chiều 30 mới nghỉ tay để tất bật đi sắm Tết. Cũng hàng chục năm nay, hầu như không buổi chợ nào vắng bà Bình. “Con cái trưởng thành, tiền không thiếu nữa, chúng nó cứ mong mẹ nghỉ ngơi, nhưng tui không bỏ được nghề”- bà Bình chia sẻ. Giống như rất nhiều người dân ở xóm đạo này, những cái bánh chưng nhỏ bé không chỉ là cứu cánh trong những ngày mưu sinh vất vả, mà đã trở thành tình yêu, hồn cốt, là niềm gắn bó, sự sẻ chia tình làng nghĩa xóm, là nét riêng của quê hương không dễ gì từ bỏ và quên lãng.
Ông Lưu Đức Bằng, Xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa cho biết, cả xóm có 320 hộ thì hầu như tất cả đều theo nghề truyền thống như gói bánh chưng, làm bánh đa, bánh ít, bánh cuốn, bánh mướt. Hiện nay, cả xóm chỉ còn 17 hộ nghèo, nhiều hộ khá và giàu, thành lập được các công ty buôn bán các mặt hàng do chính những người dân địa phương sản xuất. Nhờ sự năng động, chịu khó của bao nhiêu thế hệ người dân mà đến nay, bánh chưng Vĩnh Hòa đã trở thành một thương hiệu có mặt khắp nơi, từ các chợ cóc ở miền quê đến những khu vực buôn bán sầm uất ở Hà Nội, Sài Gòn. Từ hạt gạo của vùng đồng bằng chiêm trũng, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo và sự chịu thương chịu khó của con người nơi đây, những chiếc bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt, len lỏi vào nhiều gia đình, mang theo hơi xuân, phong vị Tết cổ truyền và mang theo cả tình cảm chân chất của những người dân quê lúa.
Dẫn chúng tôi đi xem các gia đình làm bánh truyền thống rồi vòng ra nhà thờ xứ, ông Hoàng Thế Nhân – Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vĩnh Hòa tâm sự rằng, cũng nhờ chiếc bánh chưng mà người dân Vĩnh Hòa đang thay đổi từng ngày. Con em Vĩnh Hòa được đến trường, học lên cao đẳng, đại học, bà con cùng chung tay xây dựng mối đoàn kết toàn dân, cùng yêu thương gắn bó, kính Chúa yêu Nước, nhờ vậy ngôi làng cổ nghèo khó trước đây nay trở thành một vùng phát triển sầm uất, yên bình.
Còn ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành nói vui, ví von rằng, ở Vĩnh Hòa, hầu như ngày nào cũng là ngày Tết, mùa nào cũng là mùa Xuân. Bàn tay khéo léo cùng những bí quyết gia truyền của người dân Vĩnh Hòa đang từng ngày, từng giờ thổi hồn vào những chiếc bánh chưng, những cây bánh tét, mang Tết đến muôn nơi.
Nguyên Khoa - Phú Hương

tin mới

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, thành Vinh khoác lên mình tấm áo rực rỡ được dệt từ nhiều sắc hoa tươi tắn như bằng lăng, giáng hương, phượng vàng, phượng vĩ... 

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

(Baonghean.vn) - Đường N5 kéo dài kết nối với đường Hồ Chí Minh từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương lên huyện Tân Kỳ có chiều dài 15 km. Hiện nay, tuyến đường chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, dù đã cắm biển cấm nhưng các phương tiện vẫn “vô tư” đi vào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà huyện Hưng Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo địa phương quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.