Bảo đảm huy động vốn cho ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý

(Baonghean) - Trong những tháng đầu năm, công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển (ĐTPT) thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) được triển khai trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn. Trong thời gian còn lại của năm, làm thế nào để tiếp tục huy động được các nguồn vốn cho NSNN và ĐTPT là nhiệm vụ nặng nề của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN). Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi của Báo với Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà về nội dung này.

Thi công đường đoạn qua xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Dự án Châu Thôn - Tân Xuân). Ảnh: T.L
Thi công đường đoạn qua xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Dự án Châu Thôn - Tân Xuân). Ảnh: T.L
P.V: Thưa đồng chí Nguyễn Hồng Hà, trong những tháng đầu năm, nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho ĐTPT đã đạt được những kết quả khả quan là do những nguyên nhân nào? 
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Trong những tháng đầu năm, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sự kiểm soát lạm phát tốt, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản như chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tốc độ cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, giải ngân vốn ODA… đều có xu hướng tăng và tăng cao so với cùng kỳ năm trước… là các yếu tố nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tài chính (TTTC) nói chung và thị trường TPCP nói riêng. Không những thế, TTTC tiếp tục được tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, qua đó giúp thị trường có tính thanh khoản hơn so với các năm trước. Đó là những điểm thuận lợi. Tận dụng sự thuận lợi đó, 6 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được trên 100 nghìn tỷ đồng tiền vốn, trong đó đấu thầu trái phiếu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gần 80.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là kỳ hạn 5 năm. Số tiền Quỹ Bảo hiểm XHVN mua trái phiếu là  5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 6,39%/năm; phát hành 1 tỷ đô la Mỹ (tương đương 21.458 tỷ đồng), kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,80%/năm và đấu thầu tín phiếu Kho bạc qua NHNN đạt gần 10 nghìn tỷ đồng.  
Tuy nhiên, công tác huy động vốn cũng gặp không ít khó khăn. Theo quy định của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2015, KBNN chỉ được phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Các  thành viên thị trường trái phiếu có ý kiến cho rằng kỳ hạn này là dài so với khả năng cung ứng vốn, trong khi các nhà đầu tư trái phiếu chủ yếu là ngân hàng thương mại (NHTM), tính chất nguồn vốn ngắn hạn. Thực trạng là trên thị trường TPCP hiện nay, gần 80% là các NHTM, do vậy, để bảo đảm an toàn thanh khoản, tỷ lệ được đầu tư vào các công cụ dài hạn từ 5 năm trở lên rất hạn chế.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) và ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định các TCTD được đầu tư mua TPCP theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% đối với NHTM Nhà nước, 35% đối với NHTM cổ phần và 15% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đầu tư TPCP của các NHTM, đặc biệt là khối các ngân hàng nước ngoài. 
Ngoài ra, thị trường tiền tệ, ngoại hối có nhiều biến động mạnh từ giữa tháng 3/2015 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản và lãi suất trên thị trường TPCP. Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng hơn 5%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là 1,5%. Do đó, nguồn vốn các ngân hàng dành cho đầu tư TPCP bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và ĐTPT năm 2015 thông qua phát hành TPCP đã được giao là 250 nghìn tỷ đồng.  
P.V: Với tình hình như vậy, KBNN đã thực hiện các giải pháp nào, và trong đó, đâu là giải pháp hiệu quả nhất, thưa đồng chí?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Để thực hiện nhiệm vụ được giao, KBNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên, trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ huy động vốn năm 2015 và các quý, KBNN đã xây dựng lịch biểu phát hành chi tiết cả năm, kế hoạch phát hành theo từng loại kỳ hạn và công bố công khai trên trang web của Bộ Tài chính, HNX, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) để các nhà đầu tư chủ động bố trí vốn tham gia thị trường. Thứ hai: tổ chức phát hành các loại trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội để kéo dài kỳ hạn vay trung bình của danh mục nợ TPCP, giảm áp lực về trả nợ gốc đối với NSNN trong ngắn hạn. Thứ ba: bám sát tình hình thị trường quyết định kỳ hạn, khối lượng và lãi suất phát hành từng đợt đấu thầu, bảo đảm huy động vốn với chi phí hợp lý.
Thứ tư: vào những thời điểm việc phát hành TPCP không thuận lợi, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp để tăng cường khả năng huy động vốn cho NSNN và đáp ứng nhu cầu chi của các dự án trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội như: tăng tần suất đấu thầu lên 2 phiên/tuần; động viên Bảo hiểm xã hội Việt Nam mua TPCP; phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ. Trong tháng 6/2015, do nhu cầu chi trả nợ đến hạn lớn, nguồn thu chưa tập trung kịp, KBNN đã phát hành tín phiếu Kho bạc ngắn hạn để bù đắp thiếu hụt tạm thời của NSNN (vay trong năm, trả trong năm, không tính trong bội chi NSNN). Thứ năm: duy trì việc liên hệ chặt chẽ với các thành viên thị trường bằng nhiều hình thức, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có cơ sở đề xuất, báo cáo Bộ các giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường TPCP.
P.V: Như vậy, chặng đường từ nay đến cuối năm được dự báo là khá khó khăn, và KBNN sẽ tiếp tục các giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn rất quan trọng này từ thị trường tài chính, thưa đồng chí?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Có thể nói, nhiệm vụ huy động vốn còn lại những tháng cuối năm 2015 khá nặng nề. Với 173 nghìn tỷ đồng cần huy động, bình quân mỗi tháng sẽ phải huy động thành công khoảng 27 nghìn tỷ đồng. Đây là áp lực cung lớn đối với thị trường, có khả năng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất trái phiếu lên cao. Thêm vào đó, các quy định về kỳ hạn trái phiếu và quy định về tỷ lệ đầu tư TPCP trên nguồn vốn ngắn hạn đối với các NHTM sẽ tiếp tục tác động đến công tác phát hành TPCP trong thời gian tới. Ngoài ra, các NHTM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng từ 8-10% để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 - 15% năm 2015 mà NHNN đã đề ra, lớn hơn mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm. Do đó, nhu cầu về TPCP đối với các NHTM có khả năng giảm sút.
Trước tình hình đó, KBNN xác định các giải pháp thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN 6 tháng cuối năm 2015 bao gồm: tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp huy động vốn đã triển khai từ đầu năm để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu chi của NSNN, đặc biệt là nhu cầu chi cho các công trình trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Duy trì các đợt đấu thầu TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên qua HNX với tần suất 2 phiên/tuần. Theo dõi sát sao tình hình thị trường, tồn quỹ NSNN, tồn ngân Kho bạc để xác định khối lượng, kỳ hạn và lãi suất từng đợt phát hành phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức nhiệm vụ huy động vốn để có những biện pháp duy trì sự ổn định của thị trường TPCP. Thực hiện thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi TPCP đến hạn để bảo đảm uy tín của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với các nhà đầu tư.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ sự phát triển của thị trường TPCP, qua đó tác động đến khả năng huy động vốn cho NSNN và ĐTPT, sau khi Bộ Tài chính sửa đổi quy định về hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước (dự kiến trong Quý III/2015), KBNN sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai ngay các quy định mới trong công tác tổ chức phát hành TPCP, đồng thời nghiên cứu tiếp tục giảm thời gian từ khi đấu thầu đến khi trái phiếu được giao dịch trên thị trường thứ cấp từ 3 ngày làm việc xuống 2 ngày làm việc để tăng thanh khoản cho TPCP. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và triển khai thí điểm phát hành sản phẩm mới trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ (dự kiến Quý IV/2015) nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cho thị trường.
Bên cạnh đó, KBNN sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài để quảng bá về thị trường TPCP Việt Nam nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức này đối với TPCP nội địa, thực hiện mục tiêu mở rộng cơ sở nhà đầu tư của thị trường TPCP. Đồng thời, sẽ kiến nghị với NHNN đánh giá tác động của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN đến hoạt động đầu tư TPCP của các ngân hàng và xem xét sửa đổi theo hướng tạo điều kiện cho các NHTM tham gia mua TPCP bình đẳng, thuận lợi, phù hợp với thực trạng thị trường hiện nay.
Cuối cùng, do việc huy động vốn cho NSNN và cho ĐTPT thông qua phát hành TPCP trong năm 2015 theo kế hoạch đặt ra là hết sức khó khăn, KBNN kiến nghị Bộ Tài chính cần điều hành các khoản chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa việc bổ sung chi ngoài dự toán; tăng cường tập trung nguồn thu, phấn đấu  thu vượt chỉ tiêu dự toán được giao để bảo đảm nguồn chi của NSNN; rà soát khả năng vay từ các quỹ tài chính thuộc phạm vi quản lý để hỗ trợ tối đa cho NSNN, giảm tải áp lực vay từ TPCP. Trường hợp kết quả huy động vốn không như dự kiến, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép đa dạng kỳ hạn trái phiếu dưới 5 năm và phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Sông Hồng (Thực hiện)

tin mới

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.