Nét mới ở lễ hội Đền vua Mai năm 2013

21/02/2013 15:11

(Baonghean.vn) - Đã trở thành nếp truyền thống và nét đẹp văn hóa vốn có lâu nay trên mảnh đất Nam Đàn, vào dịp rằm tháng Giêng nhân dân lại nô nức trẩy hội Đền vua Mai. Lễ hội Đền vua Mai năm 2013 diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ (tức từ ngày 22 đến 24/2/2013).

Những ngày gần đến lễ hội Đền vua Mai, chúng tôi về Nam Đàn cảm nhận rất rõ sự khẩn trương, háo hức, phấn khởi của người dân chờ ngày khai hội. Trên các trục đường khắp huyện Nam Đàn rực đỏ một màu cờ đỏ sao vàng, cờ hội, cờ vui và băng rôn, các cụm tranh, ảnh tuyên truyền cổ động về lễ hội Đền vua Mai năm 2013. Trong các công sở, nhà máy và trên đồng ruộng trên địa bàn huyện, mỗi người đều cố gắng thu xếp công việc của mình để được có mặt trong ngày lễ hội. “Tranh thủ dắm cho xong các ruộng mạ, lạc xuân để vui chơi cho thật thoải mái trong những ngày hội, chị ạ!”- chị Nguyễn Thị Dung, xã Vân Diên (Nam Đàn) chia sẻ.



Lễ rước kiệu tại lễ hội Đền vua Mai

Đền vua Mai, trong tiềm thức của những người con Nam Đàn là nơi tôn kính và rất linh thiêng. Bởi thế trong mỗi năm hầu như mỗi người dân, ít thì đến một vài lần, nhiều thì có hàng chục, vào rằm và mồng một hàng tháng hoặc khi muốn làm một việc gì quan trọng người dân đều đến đây thắp hương xin vua Mai và các tướng lĩnh hiển thánh phù trợ giúp đỡ. Có người tìm đến cửa đền gửi gắm những tâm sự riêng tư, tìm sự thư thái trong tâm hồn, đặc biệt là cầu và mong ước những niềm vui, may mắn đối với gia đình, đối với con cháu mình đang học tập và công tác ở phương xa, đất khách quê người. Chúng tôi vẫn được nghe những lời hẹn ước của nhiều người con Nam Đàn xa quê rằng: “Đến lễ hội Đền vua Mai năm Quý Tỵ mình gặp nhau nhé!”. “Lễ hội Đền vua Mai là địa điểm, là mốc thời gian để anh em, bạn bè hội ngộ, được hòa vào các hoạt động văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi, được thể hiện sự thành tâm; là điểm tâm linh thật sự liêng thiêng để cầu may cho cả một năm trọn vẹn, thành công. Năm nào mà không về, không vào Đền vua Mai, tôi có cảm giác như mình mắc thiếu sót, mang nặng nợ với quê hương”, tâm sự của anh Nguyễn Văn Bình một người con xa quê hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đền vua Mai không chỉ có trong tiềm thức của những người con Nam Đàn mà có cả trong tiềm thức của du khách thập phương. Và đối với nhiều người Đền vua Mai trên đất Nam Đàn là địa điểm không thể thiếu trong hành trình du xuân, viếng đền, chùa đầu năm của nhiều người dân khắp cả nước và cả khách nước ngoài. Bởi đây là nơi linh thiêng và có phong cảnh hùng vĩ dưới chân dãy núi Đụn. Quả đúng như vậy! Là người được may mắn tham gia lễ hội Đền vua Mai nhiều năm, tôi (pv) cảm nhận rất rõ sự đa sắc văn hóa truyền thống, sự trang trọng, linh thiêng.

Một điều khó lý giải là vào các mùa lễ hội các năm trước, thời điểm trước lễ hội dù có mưa dầm, rét mướt, nhưng đến ngày khai mai lễ hội Đền vua Mai và suốt những ngày diễn ra lễ hội thì thời tiết và bầu trời trở nên rất đẹp và trong xanh. Đền vua Mai cũng là nơi thu hút khá nhiều các nhà khoa học, lịch sử, quân sự tìm về thỏa sự mong muốn tìm tòi, nghiên cứu nơi khởi phát khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò đóng góp của Mai Thúc Loan đối với đất nước Vạn An; sự phối hợp giữa Mai Thúc Loan với nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu; Mai Hắc Đế - truyền thuyết và việc thờ cúng từ lịch sử đến đương đại; Di tích về Mai Thúc Loan trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế; đây cũng là nơi đang lưu giữ 13 sắc phong từ đời vua Gia Định, Minh Mạng, Khải Định... Đền vua Mai đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước ta như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan; nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt... Khu di tích Đền vua Mai cũng đã thu hút được sự đóng góp, cung tiến của nhiều doanh nghiệp và nhân dân để góp phần tôn tạo, nâng cấp khu lăng mộ, sữa chữa đường lên và hàng rào xung quanh khu mộ Mai Thiếu Đế, mộ và nhà thờ thân mẫu vua Mai, nhà ở, nơi sinh ra Vua Mai. Có doanh nghiệp cung tiến hàng trăm triệu đồng và dành tiến mua hàng trăm héc ta đất cung tiến mở rộng khuôn viên trong cụm di tích vua Mai rộng rãi và khang trang hơn.



Đông đảo du khách tham gia Lễ hội Đền thờ vua Mai

Nét mới Lễ hội Đền vua Mai năm nay là gắn lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và kỷ niệm 1.290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế. Đặc biệt lễ hội Đền vua Mai năm năm được nâng lên với quy mô cấp tỉnh sau nhiều năm được tổ chức với quy mô cấp huyện. Do đó, các hoạt động lễ hội truyền thống, gồm phần lễ và phần hội cũng được mở rộng quy mô và trang trọng hơn. Phần lễ, gồm lễ yết cáo (được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng năm Quý Tỵ); lễ rước và lễ đại tế (diễn ra vào 8h ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ); lễ tạ (diễn ra lúc 17h ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ).

Lễ mít tinh kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và khai mạc Lễ hội đền vua Mai năm 2013, diễn ra vào lúc 19h30 phút ngày 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ. Phần hội bao gồm: hội trại thanh niên; giải bóng chuyền nữ mở rộng; các trò chơi dân gian như cờ người, đấu vật, leo núi, đu tiên, kéo co, nhảy bao bố, thi cỗ xôi gà... Dịp này, cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của vua Mai cũng sẽ được tổng kết và trao phần thưởng; tổ chức phát hành cuốn sách “Mai Thúc Loan – Cuộc đời và sự nghiệp”; tổ chức hội thảo quốc gia “Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sự đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc”.... “Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế và lễ hội Đền vua Mai năm 2013 đã hoàn tất. UBND huyện Nam Đàn được UBND tỉnh giao chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành, tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo lễ hội gắn với lễ kỷ niệm được diễn ra tôn nghiêm, trang trọng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm; tạo ra động lực, khí thế mới để huyện Nam Đàn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013; góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung ra với bạn bè trong nước và thế giới” - Ông Hồ Anh Mai (Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Đàn) cho chúng tôi biết.

Với sự chuẩn bị chu đáo và được nâng cấp về quy mô gắn với lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế, hứa hẹn về một mùa lễ hội Đền vua Mai năm 2013 sôi nổi, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc trên đất Nam Đàn.


Mai Hoa

Nét mới ở lễ hội Đền vua Mai năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO