Nghệ An: Nơi lá thông rụng đắt như “vàng“

Xuân Hoàng 13/08/2018 10:47

(Baonghean.vn) - Vào vụ trồng hành tăm, bà con nông dân nhiều xã ở huyện Nghi Lộc sử dụng một lượng lá thông khô khá lớn để phủ lên luống. Bởi vậy, nếu ở nơi khác, lá thông là thứ bỏ đi thì ở đây lại được xem là hàng quý.

Những luống hành tăm ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) vừa mới xuống giống, được phủ kín lá thông khô. Ảnh: Xuân Hoàng
Những luống hành tăm ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) vừa mới xuống giống, được phủ kín lá thông khô. Ảnh: Xuân Hoàng

Thời điểm này, bà con nông dân các xã: Nghi Lâm, Nghi Mỹ, Nghi Kiều (Nghi Lộc) ra đồng làm đất trồng hành tăm. Có một thứ vật liệu khá độc đáo dùng để phủ luống hành tăm ở địa phương này là lá thông khô.

Đang ôm lá thông khô để phủ lên luống hành tăm vừa được gieo giống, bà Nguyễn Thị Thương ở xóm 11, xã Nghi Lâm cho biết: Hành tăm sau khi gieo giống xong, bà con phủ 1 lớp lá thông khô dày từ 10 - 15 cm. Để có đủ lá thông phủ 1 sào hành tăm của gia đình, vợ chồng bà phải vào rừng thông 4 ngày liền mới gom đủ 7 xe bò, khoảng 1 tấn lá.

"Trước lúc vào vụ trồng hành tăm, hàng trăm người trong xã kéo nhau vào rừng thông vơ lá khô, do vậy, những người đi sau phải chấp nhận đi xa 2 - 3 km mới có lá thông. Nhiều gia đình không vào rừng được thì phải bỏ tiền ra mua lá thông, 1 xe ô tô khoảng 4 - 5 m3 có giá đến 1 triệu đồng" - bà Thương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thương (xóm 11, xã Nghi Lâm) cho biết, hành tăm sau khi xuống giống giống phải rắc một lớp trấu mỏng lên luống sau đó mới phủ kín lá thông. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà Nguyễn Thị Thương (xóm 11, xã Nghi Lâm) cho biết, hành tăm sau khi xuống giống phải rắc một lớp trấu mỏng lên luống sau đó mới phủ kín lá thông. Ảnh: Xuân Hoàng

Lão nông Nguyễn Huy Thắng ở xóm 11, xã Nghi Mỹ cũng cho hay: Dù đã ngoài 60 nhưng trước khi bước vào vụ trồng hành tăm, 2 ông bà vẫn tranh thủ vào rừng thông sớm để vơ cho đủ 15 gánh lá thông khô về phủ hành tăm (chừng 450 kg). Nếu đi muộn, thì vất vả lắm vì phải đến các rừng thông xa hơn".

Phải phủ một lớp lá thông dày như vậy, nên bà con ở đây đã sử dụng một khối lượng lá thông khổng lồ. Theo bà con, 1 sào hành tăm sử dụng 400 - 500 kg lá thông, tính ra 1 ha sử dụng tới 10 tấn lá thông khô.

Bà Nguyễn Thị Thương (xóm 11, xã Nghi Lâm) cho biết, hành tăm sau khi xuống giống giống phải rắc một lớp trấu mỏng lên luống sau đó mới phủ kín lá thông. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Nguyễn Huy Thắng ở xã Nghi Mỹ cho rằng: Bà con sử dụng lá thông đã hơn 10 năm nay, kể từ khi bắt đầu đưa cây hành tăm về trồng. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Nghi Lâm có 80 ha hành tăm. Để trồng 1 ha cần tới 20 xe lá thông, có nghĩa là tốn khoảng 20 triệu đồng (mỗi xe 1 triệu đồng). Tính ra, 80 ha hành tăm nếu bà con mua lá thông thì chi phí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Đây là một nguồn lợi vô giá mà nhiều nơi còn bỏ hoang.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc: Sở dĩ bà con vùng thâm canh cây hành tăm sử dụng lá thông khô để phủ luống vì lá thông là vật liệu sạch, có độ xốp cao, cung cấp một lượng dinh dưỡng cho đất, rất phù hợp với các loại cây trồng có nhiều củ, đặc biệt là hành tăm. Trước khi trồng hành tăm, bà con đã vào rừng vơ lá thông trước đó một thời gian, vận chuyển ra đồng ủ, đến khi gần mục mới dỡ ra phủ lên luống hành tăm.

Ông Quang cho biết thêm: Sử dụng lá thông khô để trồng hành tăm còn có tác dụng hạn chế cháy rừng thông. Và trên thực tế cho thấy, những khu vực rừng thông trên địa bàn này rất ít xảy ra cháy, nếu có cháy cũng dễ dập lửa, bởi thực bì ít. Bà con đi vơ lá thông cũng đồng nghĩa với việc dọn sạch thực bì cho các rừng thông. Với 120 ha trồng hành tăm của các xã: Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Mỹ... mỗi năm có đến hàng nghìn tấn lá thông đã được thu dọn. Đây là một cách làm độc đáo của huyện Nghi Lộc, vừa bảo vệ rừng vừa hữu ích cho đồng ruộng.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nơi lá thông rụng đắt như “vàng“
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO