“Người âm” chữa bệnh…vô sinh hay là trò lừa đảo ?

(Baonghean.vn) Những năm trước đây, ở một số huyện thị trong tỉnh từng sinh sôi nhiều “thầy”, “cô” có khả năng kết nối với các vị thánh thần, người âm để “làm phúc” – xem hung cát, cho thuốc chữa bệnh…khiến nhiều người tiền mất tật mang. Và tình trạng này chỉ mới tạm lắng một thời gian do sự vào cuộc kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan của các cấp chính quyền, cũng như thuốc của các vị này chẳng thiêng.

Vừa đây các trung tâm ngoại cảm ở xã Nam Cát, Xuân Hòa huyện Nam Đàn, đã bị các cơ quan chức năng lột mặt nạ lừa đảo thì ngay lập tức ở xã Nam Phúc lại nảy ra một “bà” có khả năng cho vong nhập… để thu tiền. Vào vai cặp vợ chồng bị bệnh vô sinh, phóng viên Báo Nghệ An đã tìm đến nhờ bà “giúp đỡ”…

“Bà Tấn” cho biết: bệnh nan y nào qua tay bà đều vô sự ngay

Từ cầu Yên Xuân đi vào hỏi “Bà Tấn” thì đến ngay đám trẻ chăn trâu cũng tỏ tường khả năng siêu nhiên của bà. Chúng kể: Có mấy anh lớn tuổi hơn thèm ăn thịt chó, được bà chỉ cho biết dưới đống rơm cách đó chừng 2km có chiếc ví đựng tiền ai đó bỏ quên, các con đến đó lấy mà đi uống rượu. Quả nhiên bữa đó mấy anh được một bữa no say…Đám trẻ tận tình dắt ngay đến ngõ. Nhà “Bà Tấn” hóa ra khác xa với sự hình dung ban đầu của chúng tôi (phải có gian thờ cúng bề thế riêng, khói hương nghi ngút), mà cũng bình thường như bao nhiêu ngôi nhà khác ở vùng quê nghèo khó “một nắng hai sương” này. Sau này tìm hiểu mới biết, bà mới “phát” được dăm tháng nên chưa có điều kiện để xây cất cho đàng hoàng…

Đến cổng liếc vào thì mới chỉ có ba chiếc xe máy lấm lem bùn đỏ dựng trong sân. Chắn ngay trước cổng, một cụ ông chừng ngoài thất thập như đứng canh cửa, hối thúc: Các con vào nhanh đi, bà giúp sớm, chậm tý nữa, người đến đông lại phải đợi lâu. Cụ mắt kèm nhèm rồi nhưng xem ra vẫn tinh tường lắm, thấy “vợ chồng tôi” đi tay không, cụ chỉ cho vào một quán tạp hóa gần đó dặn mua lễ để vào – còn lễ như thể nào ra đó ắt biết. Cô chủ quán mặt tươi như hoa, tay nhanh gói ghém, thu tiền, nói như giải thích: Thẻ hương để bà coi quẻ, dây sữa tươi là để bà bồi dưỡng sức khỏe, còn phong bì là để các cháu tùy tâm gửi cho bà. Chủ quán cẩn thận dặn dò thêm: Vào đó, đừng thấy bà trẻ mà gọi cô, gọi chị mà phải gọi là “Bà Tấn” nhé, không bà phật lòng không giúp đâu.

Dắt xe vào sân, một phụ nữ trung niên tự xưng là đệ tử của bà yêu cầu phải bỏ giày, dép phía ngoài đi chân trần vào “linh đường” (Chẳng hiểu có phải không khí trước gian thờ tổ tiên nhà bà thiêng liêng hay cái lạnh khí trời mùa Đông cộng hưởng lạnh từ sàn lát gạch dội lên mà chân “vợ chồng tôi” bỗng run lên cầm cập). Theo hướng dẫn, chúng tôi được bố trí ngồi trên chiếc ghế đòn đối diện nơi làm phép của Bà cùng hai người khác đang chờ sẵn đó đợi gọi đến lượt. “Bà Tấn” trạc tuổi bốn mươi, trong trang phục đồ ở nhà đang ngồi trên chiếc giường phủ màn trắng, bừa bộn chăn nệm. Mắt bà trợn ngược, chốc chốc đầu lại giật giật quay quay. Bất thần, “Bà Tấn” hua tay, hua chân ngồi múa máy rồi chỉ vào một chị đến trước chúng tôi, ra hiệu tiến đến  ngồi lên chiếc ghế nhựa bên mạ giường để bà làm phép. Hai bà đệ tử đứng ngay bên cửa ra vào hô to: “Bà nhập rồi. Bà nhập rồi”…Chị được bà gọi khúm núm đặt lễ lên chiếc bàn gỗ nhem nhuốc trước bàn thờ. Bàn đựng lễ, một chiếc đĩa nhựa có chừng chục tờ tiền mệnh giá 50 nghìn đồng đặt lộn xộn tự bao giờ.

“Bà Tấn” làm phép như sau: Yêu cầu chị kia kéo áo lên. Một tay bà vít cổ kéo vào, lòng bàn tay kia áp vào phần bụng chị kia ra sức ấn…Giữa cuộc “truyền công” dài chừng 5 phút. Một đệ tử bà nhỏ to cho “vợ chồng tôi” hay: Bệnh gì bà cũng chữa được hết. Chị này nhà ở phường Bến Thủy, Thành phố Vinh bị bệnh ung thư cổ tử cung, bà chỉ cần ấn 12 lần là khỏi hẳn, 2 ngày thì ấn một lần, hôm nay là lần thứ 5 rồi. Ung thư cổ tử cung là bệnh nặng nên phải ấn nhiều lần thế, chứ như bệnh ung thư phổi nhẹ hơn bà chỉ cần ấn 7 lần là bệnh tiêu tan. Chốc nữa bà ấn xong, chị kia chạy ra khỏi nhà. Hồn thăng và bà nằm xuống, nhờ cháu và cậu kia cố gập chân bà vào nhé…Đệ tử vừa dứt lời thì bà ngã vật ra giường, mồm há hốc, chân thẳng đuột, lưng giãy lên như cá mắc cạn, tay bỗng cứng đờ giơ cao. Chị vừa được bà truyền công mắt nhắm tít, chạy ù ra khỏi phòng, chân vấp vào bậc cửa ngã rõ đau, lồm cồm bò dậy, mắt vẫn nhắm và chạy tiếp.

Đám đệ tử người cầm bình, người cầm cốc liên tục đổ nước sôi vào miệng bà, không ngừng hối thúc tôi và một cậu thanh niên ỏ đó cố gắng ra sức gập chân bà lại để “người âm” mau thăng, người dương mau về. Theo lời dặn: một người một chân, tay này để dưới lè nâng lên, tay kia để trên óng chân đẩy vào. Quả nhiên vẫn không thể đẩy chân bà co lại được….Đám đệ tử luôn miệng úi chà, thấy chưa, hồn nặng lắm, sức thanh niên, toát cả mồ hôi cũng không gập chân bà lại được (Làm sao mà gập được chứ, theo tư thế này thì chân bà trở thành một cái đòn bẩy, tay dưới tay trên sẽ tạo thế cân bằng lực, trừ khi bà muốn co lại chứ không thì chân  mãi đuột ra – Chắc chắn bài này đã được bà áp dụng nhiều lần để bịp bợm người mê tín, nhằm tạo lòng tin). Hình như bị đám đệ tử đổ nước nhiều quá, sợ sặc, bà vội đập đập tay xuống nệm ra hiệu hồn xuất rồi…

Ngồi dậy nghỉ chừng 2 phút, mắt bà vẫn trợn lên, có vẻ lườm lườm. Có phải vì thấy lấp ló trong lễ cầm trên tay có chiếc phong bì nom cũng hay hay chăng mà “vợ chồng tôi” được ưu tiên “ban phúc” trước. Khúm núm, thành kính đến bên bà, chưa kịp thưa bẩm gì, “Bà Tấn” phán ngay: Chữa cận thị phải không, cởi kính ra để bà thổi, chỉ cần thổi vài lần là hết ngay. Cố nín cười, nhỏ nhẹ thưa rằng: Vợ chồng chúng con lấy nhau được 5 năm, cố mãi, chạy chữa khắp trong Nam ngoài Bắc mà không khám ra bệnh, chưa có cháu. Nay nghe mọi người mới biết đến bà, chúng con đến nhờ bà giúp đỡ cho… “Bà Tấn” cười phớ lớ trấn an “vợ chồng tôi” rằng: Bệnh này đơn giản lắm, đã có mấy cặp đến bà đều được cả. Hôm qua, có một cô đã mang bầu đến cảm ơn hậu tạ bà. “Bà Tấn” yêu cầu tôi đưa thẻ hương trong lễ ra để bà xem phần âm có vấn đề gì không – Ngồi tẩn mẩn, xoi đếm đi đếm lại các que hương, đếm 3-4 lần số que hương vẫn không đổi, bà mới nói rằng: phúc đức ông bà bên nhà nội vẫn tốt. Nói đoạn bà lại yêu cầu tôi vén áo lên để bà xem bụng, thắt lưng…

Xem chừng không thấy tôi có vết sẹo nào, cũng không xem “vợ tôi” ra sao. “Bà Tấn” cho “vợ chồng tôi” bài  thuốc chữa bệnh vô sinh nguyên văn như sau: “Vợ chồng con đi kiếm cho bà một con cu cu (bồ câu) trên đầu có ba cườm, 150 lá diếp cá, 150 hạt đậu đen xanh lòng về đây bà bày tiếp cho. Đảm bảo sau một tháng là hai con có tin vui”. Đang băn khoăn chưa biết tìm thuốc ở đâu thì đám đệ tự xen vào nhờ bà chỉ luôn. Mắt “Bà Tấn” lại trợn lên quay quay chỉ hướng, tay chỉ thiên chỉ địa, rồi bà chỉ đường dẫn lối là: Phía Tây Nam có 3 con cu cu nhưng nhà đó có tang nên không được, nhà phía Đông có 1 con, các con tìm theo hướng đó. Cứ tìm được cu cu đến đây, bà cho đệ tử kiếm các thứ còn lại cho…Vừa lui bước cho “vợ tôi” lên xem thì ngoài sân, chị bị ung thư và một chị khác vừa đi kiếm được thuốc về. Chị bị ung thư thì cầm theo mấy lá ngải tướng quân, chị kia cầm chừng mười quả chanh – hỏi kiếm đâu thì được biết mua nhà bên cạnh. Lá ngải thiêng có giá 100 nghìn đồng, chanh thuốc có giá 20 nghìn một quả.

Quay lại linh đường, nghe lỏm bỏm “Bà Tấn” xui xút “vợ tôi” rằng: Không phải người vợ bị lạnh mà chất lượng tinh binh của tôi có vấn đề (Trong khi đó “vợ diễn” chưa lập gia đình còn tôi và vợ đăng ký kết hôn đã có hai cháu một gái, một trai). Còn bệnh ngứa chân của “vợ tôi” (do trời lạnh) thì được bà suy diễn ra bệnh suy thận, chữa bệnh này cần uống nước nấu từ rễ, thân cây lá lốt sau khi rang vàng, hạ thổ xong…Đám đệ tử lại lăng xăng hỏi “vợ tôi” có đi tìm liền không hay để họ đi kiếm giúp cho. Chuyện xem bệnh vô sinh thế là tạm ổn, chưa vội về “vợ chồng tôi” vẫn nán lại để chứng kiến thêm việc xem, khám bệnh của bà.

Anh thanh niên nãy đẩy chân cùng tôi lại được “Bà Tấn” xoi đếm chân hương, vén áo xem bụng. Anh này được bà cho hay đường công danh thì tháng 2 năm tới sẽ phất, cần đề phòng một người bạn thấp, đậm, có vết nám bên mặt. Trong khi cậu chàng đang lục tìm trong trí nhớ liệu có quen ai với đặc điểm nhận dạng như trên không, thì bà nói tiếp bệnh lý anh này không phải tim, gan gì cả mà là đau dạ dày do uống rượu nhiều. Và theo “Bà Tấn” chỉ cần mua 20 quả trứng vịt xanh, về bác cùng lá ngải cứu thì hết bệnh và uống rượu thoải mái khỏi lo bệnh dạ dày…

Xem bộ cũng biết sơ bộ bài của “Bà Tấn”, chúng tôi tìm đến UBND xã Nam Phúc và dò hỏi xung quanh láng giềng để rõ nhân thân và chân dung của bà. “Bà Tấn” có tên khai sinh là Phan Thị Tuyết, năm nay 41 tuổi. Tên “Bà Tấn” xuất hiện chừng 5 tháng nay khi Thị Tuyết một hôm đi chợ bổng ngã vật ra do bà Tấn – là mẹ đẻ đã mất cách đó chừng 4 năm nay nhập hồn vào. Từ khi được mẹ đẻ nhập hồn, cô Tuyết bỗng có khả năng “siêu nhiên” xem bệnh và coi bói.

Tuyết vốn lấy chồng về xã Nam Cường gần 20 năm nay, khi được người cõi âm chiếu cố cho “ban phúc”, Phan Thị Tuyết sáng đến nhà anh trai là Phan Trọng Vịnh ở xóm 3, Xã Nam Phúc này để hành nghề mê tín dị đoan và đến tối lại trở về nhà. Tìm hiểu kỹ hơn, hóa ra làm nghề nông nặng nhọc quá, chẳng khấm khá bao nhiêu, thấy nhiều người vẫn cuồng tín “thánh thần”, Phan Thị Tuyết nảy sinh ra trò này…Quanh năm chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng nên chẳng biết chiến trường A, B nào để làm ngoại cảm tìm mộ, thôi thì mượn tạm vong linh của chính mẹ mình để chắc ăn…Đã có hàng trăm người tìm đến “Bà Tấn” để nhờ giúp đỡ.

Và như lời ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Nam Phúc thì trong số những người được bà ban phúc, khám bệnh có cả cán bộ Hợp tác xã, như ông Đỉnh cán bộ thủy lợi uống thuốc của “Bà Tấn” xong đều thấy đỡ hẳn. Ông Đạo cho biết: Khi mới nảy sinh hiện tượng “Bà Tấn” xã đã cử công an đến thăm dò, kiểm tra nhưng chỉ thấy bà cho thuốc Nam chứ không thấy vụ lợi gì, mất trật tự gì nên xã thấy thế rồi thôi không xử lý, nhắc nhở gì. Riêng ông cũng không rõ ràng lắm bởi ông không mê tín nên không đến coi. Và khi nghe chúng tôi thông báo lại những yếu tố mê tín dị đoan để trục lợi của Phan Thị Tuyết thì ông chủ tịch xã lấy làm ngạc nhiên lắm, bởi theo ông có tới 3 công an viên của xã chính là hàng xóm của ông…- nơi Phan Thị Tuyết hành nghề. Ông Nguyễn Văn Đạo vẫn không khỏi thán phục khả năng của “Bà Tấn” và còn vui miệng nhắc lại câu chuyện người thực việc thực “kỳ lạ” chiếc ví và bữa thịt chó mà đám trẻ trâu đã kể chúng tôi nghe…

Nam Phúc vẫn là một xã nghèo, thuần nông và hình như những thánh thần kiểu như “Bà Tấn” cộng thêm nhận thức chưa cao đã khiến cho nhiều người dân ở đây  khốn khó hơn…Trên đường về, chúng tôi song hành cùng một chị vừa ở nhà “Bà Tấn” ra. Chị này vẫn u mê bảo: Nghe ở Yên Thành có bà tổ cô thiêng lắm, mai chị phải ra xem…/.

Thành Chung

tin mới

Công nhân và những diễn đàn được nói

Lắng nghe ý kiến của công nhân

(Baonghean.vn) - Nhu cầu được lắng nghe là một trong những nhu cầu mà đoàn viên, công nhân, lao động mong muốn đáp ứng. Từ sự lắng nghe đó, những vướng mắc có cơ hội được tháo gỡ, những chính sách có cơ hội được hoàn thiện và bản thân công nhân, lao động được khẳng định vị thế của mình.

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

(Baonghean.vn) - Các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 20 huyện, thành, thị đã mang đến không khí sôi động bằng những màn trình diễn hấp dẫn, với những tinh hoa văn hóa đặc sắc của các đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An tại Lễ hội quảng diễn đường phố "Quê hương mùa sen nở".

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại đón hàng chục nghìn lượt khách từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế về tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người.

Đồng lúa và sen

Mùa vàng trên quê Bác

(Baonghean.vn) - Cùng với những đổi thay trên quê Bác, ngày mùa ở Kim Liên (Nam Đàn) dường như cũng đẹp hơn, rộn ràng hơn. 

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

(Baonghean.vn) - Chiều 13/5, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ”.