‘Người đứng mũi’ ở Thằm Thẩm

‘Người đứng mũi’ ở Thằm Thẩm

Khánh Ly- Quỳnh An

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Vượt cung đường quanh co, uốn lượn quanh sườn núi, ghé bản Thằm Thẩm, xã biên giới Nhôn Mai (Tương Dương), hỏi thăm Trưởng bản Và Bá Ca, người dân chỉ vào ngôi nhà có vườn cải vàng rực trong nắng Xuân và nói: “Nhà của người nói được, làm được ở Thằm Thẩm đấy”!

Ở miền biên viễn xa xôi này, những người không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, nuôi hai con học đại học, lại chăm lo việc dân, việc bản như Và Bá Ca là “ của hiếm”.

Tiên phong phát triển kinh tế

Nhanh nhẹn dẫn khách đi thăm vườn đào có tới vài trăm gốc trên sườn đồi với những nụ hoa phơn phớt hồng, xung quanh là những cây đu đủ quả căng tròn, lúc lỉu, Trưởng bản Và Bá Ca (SN 1986) nở nụ cười chất phác nói: “Năm ngoái, đào nở sớm nên thất thu, năm nay đào nở đúng mùa, hoa đều nên được giá, người dân cũng có cái Tết ấm no hơn”.

anh-va-ba-ca-ao-trang-dang-dan-can-bo-dia-phuong-vao-tham-vuon-dao-cua-gia-dinh-anh-an-quynh-4571-6276.jpg
Trưởng bản Thằm Thẩm xã Nhôn Mai (Tương Dương) Và Bá Ca (áo trắng) đang dẫn cán bộ địa phương vào thăm vườn đào của gia đình. Ảnh: Quỳnh An

Được biết, Và Bá Ca là một trong những hộ tiên phong trồng đào cảnh ở Thằm Thẩm với 3 vườn, mỗi vườn vài trăm gốc, bình quân thu nhập từ 20-30 triệu đồng/vụ đào Tết. Đào chủ yếu bán cho người dưới xuôi lên mua để buôn hoặc trưng Tết, họ vào vườn thích cây nào thì ra giá để đào cả gốc hoặc chặt cành.

Thấy trưởng bản trồng đào hiệu quả, từ năm 2020, nhiều người dân ở Thằm Thẩm bắt đầu trồng theo, nhà ít khoảng vài chục gốc, nhà nhiều thì 100-300 gốc, riêng năm 2023, cả bản trồng mới được hơn 3.000 gốc. Đào trồng trong khoảng 4-6 năm là có thể bán được.

bna-fotojet-6213-3199.jpeg
Bán đào Tết mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình trưởng bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai Và Bá Ca. Ảnh: Khánh Ly

Thằm Thẩm là bản nằm ở đầu xã Nhôn Mai, bám dọc hai bên Quốc lộ 16, trước kia chỉ có mười mấy hộ dân đồng bào Khơ Mú sinh sống. Và Bá Ca vốn gốc ở bản Huồi Cọ là một trong những hộ người Mông đầu tiên chuyển về sinh sống ở Thằm Thẩm từ năm 2003 vì anh nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu nơi đây cộng thêm địa hình gần quốc lộ thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Đến nay, bản Thằm Thẩm đã phát triển lên 32 hộ, 130 nhân khẩu, trong đó, có 12 hộ dân tộc Mông, 1 hộ dân tộc Thái, còn lại là đồng bào Khơ Mú.

Trưởng bản Và Bá Ca nói về kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân của người đứng đầu thôn bản. CLip: Khánh Ly

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, là người đứng đầu thôn bản, Và Bá Ca cùng Chi bộ, Ban Quản lý bản Thằm Thẩm luôn trăn trở tìm hướng tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm chỉ phát triển kinh tế hộ để giảm nghèo theo định hướng của Nghị quyết Đảng bộ xã và thực tế tại địa bàn. Anh luôn tâm niệm rằng “để dân nghe, dân tin thì bản thân những người đứng đầu thôn bản như mình không thể đi sau, mà phải “ đi trước, làm trước” để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, nếp làm, tập quán canh tác cũ của bà con”, từ việc khai hoang, vỡ đất trỉa ngô, làm lúa nước rồi trồng gừng, trồng đào...

truong-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-tuong-duong-va-ba-ca-trao-doi-kinh-nghiem-trong-daoanh-kl-2251-6829.jpg
Trưởng bản Thằm Thẩm xã Nhôn Mai ( Tương Dương) Và Bá Ca chia sẻ về kinh nghiệm trồng đào cảnh. Ảnh: Khánh Ly

Khi trong bản chưa ai dám trồng chanh leo thì Và Bá Ca đã mạnh dạn trồng thử nghiệm với 300 gốc, sau đó, tiếp tục mở rộng diện tích chanh leo lên 700 gốc. Sau đó, người dân trong bản thấy giá trị kinh tế cao nên đua nhau trồng theo. Đến khi chanh leo không còn phát huy hiệu quả do sâu bệnh, Và Bá Ca lại tiên phong phá bỏ hơn 2 ha chuyển sang trồng sắn cao sản. Chỉ riêng năm ngoái, gia đình Và Bá Ca thu hoạch được 70 triệu đồng tiền thu hoạch từ sắn.

Bên cạnh đó, Và Bá Ca còn đầu tư phát triển chăn nuôi. Anh mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng đàn như làm lồng ấm nuôi gà con; trồng cỏ voi nuôi trâu, bò vỗ béo.... Nhờ cần cù, chăm chỉ, đến nay, gia đình trưởng bản Và Bá Ca đã trở thành “triệu phú nông dân” khi có trong tay gần 40 con trâu, bò thả; đàn gà hơn 100 con. Bên cạnh nuôi thả ở vùng đồi, Và Bá Ca còn làm chuồng, làm lán trại và học hỏi kinh nghiệm chống rét, chống nóng cho trâu, bò.

truong-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-tuong-duong-va-ba-ca-anh-kl2-7938-9579.jpg
Ngoài trồng đào, trồng sắn, Trưởng bản Thằm Thẩm ( xã Nhôn Mai) Và Bá Ca còn trồng cây ăn quả. Ảnh: Khánh Ly

Nói về thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, anh Và Bá Ca chia sẻ: “Bình quân gia đình 1 năm bán từ 7-8 con trâu, bò, cộng thêm thu nhập từ gừng, đào, sắn... mỗi năm thu về chừng 100-150 triệu đồng, đủ nuôi 2 đứa con lớn học đại học và đứa nhỏ học tiểu học.

Bấy giờ, nhiều người dân trong bản thấy gia đình mình làm có kết quả, kinh tế ổn định, nên họ cũng đến tham quan và học hỏi cách làm. Ai đến mình cũng tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, chia sẻ kinh nghiệm cho họ làm theo, trong đó một số hộ thoát nghèo, có của ăn, của để”.

Như đã nói, ban đầu chỉ có vài hộ trong bản Thằm Thẩm mạnh dạn theo Và Bá Ca phá bỏ chanh leo để trồng sắn, thì nay, trong bản đã có 12 ha sắn cao sản phủ xanh đất trống. Năm nay, hộ ít nhất thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ sắn, hộ nhiều như gia đình Và Bá Giờ thu nhập từ 50-80 triệu đồng. Nhiều hộ dân trong bản chăn nuôi trâu, bò (hiện cả bản có khoảng 170 con), nhà nhiều nuôi từ 20-40 con.

nguoi-dan-xa-bien-gioi-nhon-mai-tuong-duong-thu-hoach-san-cao-sananh-kl-1436-5198-6576.jpg
Người dân xã biên giới Nhôn Mai, Tương Dương thu hoạch sắn cao sản. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh đó, Chi bộ, Ban Quản lý bản còn khuyến khích người dân mạnh dạn đưa giống cây, con có hiệu quả kinh tế như gừng, bí xanh, khoai sọ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân bản Thằm Thẩm tuy chưa hết khó khăn nhưng đã khá hơn trước nhiều. Năm 2023, trong bản có 1 hộ xung phong ra khỏi hộ nghèo là Moong Văn Hợi, 4 hộ từ hộ nghèo vươn lên cận nghèo. Một số hộ vươn lên thành hộ khá như hộ Và Tồng Dê với mô hình chăn nuôi và mở lò rèn phục vụ nhân dân trong bản và vùng lân cận, sản phẩm còn bán cả sang Lào.

Clip Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương Lương Văn Thanh trao đổi về vai trò của Trưởng bản Thằm Thẩm Và Bá Ca. Clip: Khánh Ly

Nói về vai trò tiên phong của “thủ lĩnh” bản Thằm Thẩm Và Bá Ca, ông Lương Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết: Trên địa bàn có 12 bản, trong số các trưởng bản trẻ nổi bật nhất vẫn là anh Và Bá Ca - người đi tiên phong trong phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo với nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao để bà con dân bản học tập, noi theo.

bna2-fotojet-2715-353.jpeg
Nhờ chăm chỉ, gia đình Trưởng bản Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) Và Bá Ca có cuộc sống ổn định. Ảnh: Khánh Ly- Quỳnh An

Sự siêng năng, cần cù của Trưởng bản Và Bá Ca thể hiện ngay trong vườn nhà với những luống cải xanh hoa vàng rực, kho thóc đầy ăm ắp, khu vực để củi chất đầy củi khô, chuồng trâu, bò được gia cố chắc chắn. Trong vườn còn có những chuồng gà bằng gỗ nhỏ xinh do gia chủ tự đóng, phía dưới sườn dốc thoai thoải phía sau nhà là vạt cỏ voi xanh tốt phục vụ chăn nuôi. Tất cả ngăn nắp, sạch sẽ, quy củ.

Hết lòng vì việc dân, việc bản

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế mà theo nhận xét của Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Lương Văn Hóa: “Trưởng bản Thằm Thẩm Và Bá Ca còn là một người cán bộ cơ sở gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm với việc dân, việc bản”.

tuyen-quoc-lo-16-di-qua-dia-ban-xa-nhon-mai-anh-tu-lieu-pv-518.jpg
Tuyến quốc lộ 16 đi qua địa bàn xã Nhôn Mai ( Tương Dương). Ảnh tư liệu: Phóng viên

Là người Mông sinh ra và lớn lên ở bản sát biên giới Việt - Lào, tìm xuống bản của người gốc Khơ Mú định cư, lập nghiệp. Ban đầu có một số người chưa “ưng cái bụng” lắm nhưng bằng nỗ lực của mình, Và Bá Ca đã dần xóa đi khoảng cách, được người dân trong bản tin yêu.

Năm 2006, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đang là Phó trưởng bản kiêm công an viên. Đến năm 2008, Và Bá Ca được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản 2 nhiệm kỳ rồi làm Bí thư Chi bộ.

z5137165410520-8136086d7291dd3db5781f69f7ded7e9-3959-3205.jpg
"Đi trước, làm trước" là bí quyết dân vận của Phó bí thư chi bộ, Trưởng bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương Và Bá Ca. Ảnh: Quỳnh An

Trước đây, Chi bộ bản Thằm Thẩm nằm trong Đề án 01 của Tỉnh ủy về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”.

Để tạo nguồn phát triển Đảng cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tìm nhân tố gây dựng bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng, chống tái trắng đảng viên, Và Bá Ca (lúc bấy giờ đang là Bí thư Chi bộ) và các đảng viên luôn phát huy tinh thần nêu gương trong mọi việc để bà con đã tin, nghe và làm theo.

Các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, củng cố an ninh, trật tự vùng biên do chi bộ triển khai được thực hiện có hiệu quả. Quần chúng phấn khởi và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ, từ đó có động cơ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

mot-goc-yen-binh-tai-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-tuong-duonganh-kl-7236-4374.jpg
Một góc yên bình tại bản Thằm Thẩm xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: Khánh Ly

Nhờ đó, Chi bộ bản Thằm Thẩm kết nạp thêm được 4 đảng viên tại chỗ. Năm 2022, chi bộ kết nạp thêm 1 đảng viên từ Đoàn thanh niên là anh Và Bá Giống và năm nay được bổ sung thêm 1 đảng viên ở quân đội về.

Đến thời điểm hiện tại, Chi bộ bản Thằm Thẩm có 9 đảng viên, trong đó, có 7 đảng viên tại chỗ, 1 cán bộ xã tăng cường, 1 đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời. “Phó bản Thằm Thẩm, đảng viên Và Bá Cở tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là em trai Và Bá Ca đấy, cả vợ của Và Bá Cở cũng là đảng viên”, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Lương Văn Hóa cho biết thêm.

Hiện tại, trên cương vị là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng bản, anh Và Bá Ca vẫn tiếp tục là trung tâm đoàn kết, người có uy tín trong bản. “Vì bản có nhiều thành phần dân tộc nên mọi việc luôn đòi hỏi sự khách quan, công tâm, công bằng, công khai minh bạch và sự gương mẫu của cán bộ thôn, bản, đảng viên, từ việc bình xét hộ nghèo đến các chính sách khác.

Trong các cuộc họp, bên cạnh nói tiếng Mông, Ban Quản lý bản sẽ nói cả tiếng Thái để bà con có thể hiểu rõ và bày tỏ ý kiến theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Bí thư Chi bộ Moong Văn Hợi là người Khơ Mú, bản thân tôi là người Mông nhưng có thể nói tiếng Thái thành thạo nên cũng thuận lợi hơn trong công tác dân vận bởi người Khơ Mú đều biết tiếng Thái”, Trưởng bản Và Bá Ca chia sẻ.

nha-van-hoa-cong-dong-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-dang-duoc-khan-truong-tu-sua-phuc-vu-sinh-hoat-cong-dong-trong-dip-tetanh-kl-8375-200.jpg
Nhà văn hoá cộng đồng bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương đang được tu sửa phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ảnh: Khánh Ly

Với tinh thần đoàn kết của chi bộ, ban quản lý bản, sự đồng lòng của nhân dân cùng sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Biên phòng (thuộc Đồn Biên phòng Nhôn Mai) đóng chân trên địa bàn, Thằm Thẩm hiện là bản sạch ma túy, tình hình an ninh, trật tự ổn định, trong bản ít xảy ra mâu thuẫn phải hòa giải.

Năm 2023, từ nguồn xi măng do Nhà nước hỗ trợ, Trưởng bản Và Bá Ca và ban quản lý bản đã “dân vận khéo” vận động người dân tham gia làm 2 tuyến đường giao thông, sửa chữa, láng nền khu vực nhà văn hóa. Kinh phí mua cát, sỏi được trích từ tiền phí bảo vệ rừng gần 200 triệu đồng/năm, một phần chia cho dân (mỗi hộ từ 4-5 triệu đồng/năm), một phần để lại làm quỹ bản phục vụ cho những công trình, hoạt động cộng đồng.

Khi chúng tôi ghé thăm, Và Bá Ca đang giám sát công trình sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng do Nhà nước hỗ trợ. Anh vui vẻ cho biết: Có nhà văn hóa mới rộng rãi, Tết này Ban Quản lý bản sẽ tổ chức được nhiều hoạt động vui Tết, đón Xuân cho bà con. Ngoài giao lưu văn hóa, văn nghệ, uống rượu cần, bản còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà... Các gia đình trong bản cũng tự tổ chức lễ cơm mới giao lưu giữa người Mông, người Khơ Mú, tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, đoàn kết trong thôn, bản.

truong-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-va-ba-ca-luon-cham-lo-su-hoc-cho-cac-conanh-kl2-8125-276-7393.jpg
Trưởng bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai Và Bá Ca luôn chăm lo sự học cho các con. Ảnh: Khánh Ly

Bận rộn với việc dân, việc bản và phát triển kinh tế hộ, nhưng Trưởng bản Và Bá Ca vẫn khiến người dân ở mảnh đất biên viễn này nể phục, bởi anh luôn chăm lo đến sự học các con. Hiện hai con lớn của anh đang học Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, bé út học lớp 2. “Vất vả mấy, tôi cũng gắng lo cho con học cái chữ, tích lũy tri thức, bởi sau này dù làm bất cứ việc gì cũng cần phải có kiến thức, có trí tuệ”, Và Bá Ca tâm niệm.

trong-khu-vuon-nha-truong-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-va-ba-ca-luon-co-rau-xanh-bon-mua-anh-kl7-5453-9958.jpg
Trong khu vườn nhà trưởng bản Thằm Thẩm xã Nhôn Mai Và Bá Ca luôn có rau xanh bốn mùa. Ảnh: Quỳnh An

Sự mới trong cách nghĩ, cách làm của người “vác tù và” ở vùng biên viễn xa xôi huyện Tương Dương này là tín hiệu vui cho thấy tầm quan trọng của những người đứng đầu thôn, bản trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới no ấm, tiến bộ hơn!

tin mới

Huyện Nghĩa Đàn trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An

Huyện Nghĩa Đàn trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chiều 16/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn tổ chức trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024

Triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024

(Baonghean.vn) - Chiều 16/5, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức họp triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Sáng 16/5, đoàn đại biểu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh đề nghị huyện Quỳnh Lưu cần chấn chỉnh hoạt động của Bộ phận Một cửa

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh đề nghị huyện Quỳnh Lưu cần chấn chỉnh hoạt động của Bộ phận Một cửa

(Baonghean.vn) - Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An đề nghị huyện Quỳnh Lưu cần chấn chỉnh hoạt động Bộ phận Một cửa, bố trí cán bộ công chức trực đầy đủ để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo đúng quy định.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

(Baonghean.vn) - Chiều 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An triển khai chuyên đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2024

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An triển khai chuyên đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2024

(Baonghean.vn) - Hội nghị quán triệt chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 của Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 159 điểm cầu, với gần 6.500 cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia.

Thúc đẩy 'tri thức hoá nông dân'

Thúc đẩy 'tri thức hoá nông dân'

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân".

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Trung tại lễ hội Làng Sen

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Lễ hội Làng Sen là dịp giới thiệu, quảng bá về văn hoá, mảnh đất, con người xứ Nghệ đến bạn bè trong nước và quốc tế

(Baonghean.vn) - Phát biểu khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Lễ hội là dịp giới thiệu, quảng bá về văn hoá xứ Nghệ, về mảnh đất, con người Nghệ An đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đảng ủy Khối Các quan tỉnh Nghệ An

Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đảng ủy Khối Các quan tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chiều 9/5, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030 theo Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.

Sâu sát cơ sở, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân

Sâu sát cơ sở, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân

(Baonghean.vn) - Ủy ban MTTQ các cấp huyện Nghĩa Đàn tích cực vận động người dân tham gia các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Các hoạt động góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ vai trò "cầu nối" bền chặt giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân.

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và Luật Đấu giá tài sản

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và Luật Đấu giá tài sản

(Baonghean.vn) - Sáng 4/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và Luật Đấu giá tài sản. Hội nghị đã ghi nhận 11 lượt ý kiến góp ý sát với thực tiễn.