"Siêu thứ Ba" - trận đánh lớn hướng đến Nhà Trắng

(Baonghean) - Ngày 1/3 (theo giờ Mỹ), cuộc đua bầu chọn hai ứng viên đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của nước Mỹ đã được hâm nóng với sự kiện quan trọng đó là ngày “Siêu thứ Ba”. Ngày “Siêu thứ Ba” vốn luôn được coi là “trận đánh lớn” có tính chất quyết định với bất kỳ ứng viên nào của cả hai đảng. Liệu thế trận và triển vọng các ứng viên trong ngày “Siêu thứ Ba” này ra sao?

Tại sao lại là “Siêu thứ Ba”?
Giải thích một cách đơn giản, “Siêu thứ Ba” được chọn là ngày thứ Ba đầu tiên trong tháng 2 hoặc tháng 3 của các năm bầu cử Tổng thống ở xứ cờ hoa. Đây là một trong những thời điểm quan trọng, khi có tới 12 tiểu bang và 1 vùng lãnh thổ hải ngoại đồng loạt tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ, nhằm bầu chọn ra hai đại diện xứng đáng nhất cho mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đó là 12 tiểu bang gồm Alabama, Alaska, Arkansas, Colorado, Georgia, Massachusetts, Minnesota, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont, Virginia và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa.
1
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ (phải) và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa (trái) đang là những ứng viên sáng giá trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba. Nguồn: ABCNews
Quan trọng là bởi, các cuộc bầu cử sơ bộ đồng loạt trong ngày “Siêu thứ Ba” sẽ quyết định một lượng lớn số phiếu cho các ứng viên, tạo lợi thế không nhỏ cho chặng đua quyết liệt sắp tới. Cụ thể với đảng Dân chủ, “Siêu thứ Ba” sẽ quyết định 865 trong tổng số 4.763 phiếu đại biểu; trong khi một ứng viên cần có ít nhất 2.382 phiếu để giành vị trí đại diện cho đảng tham gia tranh cử Tổng thống. 
Còn với đảng Cộng hòa, “Siêu thứ Ba” sẽ quyết định 595 phiếu đại biểu trong tổng số 2.472 phiếu. Nếu ứng viên nào giành được số phiếu này sẽ nắm tới một nửa cơ hội chắc thắng, bởi mỗi ứng viên đảng Cộng hòa chỉ cần giành được 1.237 phiếu đại biểu sẽ được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng. 
Như thế, “Siêu thứ Ba” sẽ là một bức tranh phác họa cơ bản về sức ảnh hưởng và khả năng lôi kéo của các ứng viên trên phạm vi toàn quốc chứ không chỉ ở các địa phương riêng lẻ. Theo đó, bầu cử diễn ra sớm nhất tại tiểu bang Virginia vào lúc 19 giờ địa phương (7 giờ sáng ngày 2/3 theo giờ Việt Nam) và bang cuối cùng bầu cử trong ngày “Siêu thứ Ba” là Alaska vào lúc 1 giờ sáng 2/3 địa phương (13 giờ chiều 2/3 theo giờ Việt Nam).
Lộ diện “song mã”
Cho đến trước ngày “Siêu thứ Ba”, kết quả bầu cử sơ bộ của các bang trước cũng như hầu hết mọi cuộc thăm dò đều tập trung vào 2 ứng viên sáng giá nhất là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa. Nếu như ứng viên Hillary Clinton duy trì được phong độ ngay từ chiến thắng tại điểm bầu cử đầu tiên là bang Iowa, thì ứng viên Donald Trump sau thất bại đầu tiên tại Iowa đã vượt lên một cách ngoạn mục. 
2
Ứng viên Hillary Clinton, bên phải, phía sau sân khấu trường Đại học Arkansas tại Pine Bluff hôm Chủ nhật 28/2. Nguồn: The New York Times
Cụ thể, bà Hillary dù chưa bứt phá hẳn về số phiếu so với ứng viên tiềm năng là Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, nhưng bà đã có được 3 chiến thắng sau cuộc đua tại 4 bang. Trong khi đó, theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất, khoảng cách trong tỷ lệ ủng hộ của bà so với ông Sanders đã cao hơn xấp xỉ 20%. Theo thống kê của AP, bà Hillary hiện đã có ít nhất 536 phiếu đại biểu, bỏ xa ông Sander với 83 phiếu.
Trong khi đó, sau mở màn thất bại tại bang Iowa, tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa đã lấy lại phong độ, thắng liên tiếp tại 3 bang sau đó là New Hampshire, Nevada và Nam Carolina. Thậm chí, đà chiến thắng của vị tỷ phú này đã khiến không ít nhà lãnh đạo trong chính đảng Cộng hòa phải kinh ngạc.
Cùng với đó, ứng viên này còn duy trì được tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, tạo khoảng cách an toàn so với các ứng viên còn lại như Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio hay Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz. Theo AP, số phiếu đại biểu mà ông Donald Trump có được lúc này là 81 phiếu, bỏ xa ông Ted Cruz với 17 phiếu, ông Marco Rubio cũng với 17 phiếu.
Còn nhiều gay cấn
Với những gì đang diễn ra, dư luận đang dồn vào khả năng hai ứng viên là Hillary Clinton và Donald Trump sẽ là hai đại diện cuối cùng cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống quyết định vào tháng 11 tới đây.
Thế nhưng cũng chưa thể nói trước điều gì! Bởi cựu ngoại trưởng Hillary dù đang có nhiều lợi thế nhưng Thượng nghị sỹ Bernie Sanders vẫn có cơ hội lội ngược dòng. Vì trong số 12 bang tiến hành bầu cử trong ngày “Siêu thứ Ba”, có không ít bang như Oklahma hay Minnesota có rất nhiều cử tri da trắng - lực lượng vốn ủng hộ ông Sanders. Hay như bang Texas cũng được dự báo sẽ là chiến trường quyết liệt chưa phân thắng bại nhằm giành giật các cử tri gốc Latin - lực lượng từng chiếm 32% tổng số cử tri hồi năm 2008.
3
Ứng viên Donald Trump thở phào sau khi thoát khỏi một đám đông tại Đại học Radford ở Virginia. Nguồn: The New York Times
Còn với tỷ phú Donald Trump, những chiến thắng vừa qua của ứng viên này được giải thích do người dân đang đặt một sự kỳ vọng tức thời vào một nhân vật có quyền lực về tài chính. Thế nhưng, các cử tri đảng Cộng hòa sau đó cũng sẽ giật mình và muốn xuy xét kỹ lưỡng: Liệu vị tỷ phú này có một chính sách kinh tế - chính trị đáng tin cậy sau hàng loạt phát ngôn gây sốc hay không? 
Thực tế thời gian qua, cử tri và chính nội bộ đảng Cộng hòa đang lâm vào cảnh “rối bời”, khi không có một ứng viên nào hội đủ tiêu chuẩn cho chiếc vé cuối cùng, kể cả tỷ phú Donald Trump. Thậm chí, có nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa vừa qua đã phát biểu rằng, ông thà bỏ phiếu bầu cho bà Hillary còn hơn là tỷ phú Trump. Bởi thế giới chuyên gia cho rằng, nếu các ứng viên khác của đảng Cộng hòa không muốn kết thúc sớm cuộc đua trong chia rẽ và bất lực, thì “Siêu thứ Ba” sẽ là cơ hội để họ sửa sai chiến lược.
Đặt trong kịch bản, nếu các kết quả bầu cử ngày “Siêu thứ Ba” đúng như dự đoán, hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump giành thắng lợi áp đảo, cuộc đua giành “ghế nóng” rất có thể sẽ trở thành cuộc đua “song mã”. Nhưng tất nhiên, dù kết quả có như thế nào, chặng đường đến Nhà trắng vẫn còn rất gập ghềnh với nhiều vòng bầu cử sơ bộ tiếp theo tại hàng loạt bang quan trọng như Florida, Illinois (ngày 15/3), New York (ngày 19/4) hay loạt các bang California, New Jersey, New Mexico, Montana, South Dakota và North Dakota (ngày 7/6)… Vì thế, cuộc đua sẽ còn gay cấn cho tới phút chót là ngày 8/11 năm nay./.
Phương Hoa

tin mới

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí. 

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

(Baonghean.vn) - Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh và cạnh tranh giữa các siêu cường, châu Phi là khu vực mà Liên Xô trước đây rất ít ảnh hưởng. Đây là sân banh của Pháp trong hơn 6 thập niên qua, và với mỗi nước châu Phi này, Pháp chỉ tốn “vài bộ đồ vest” để duy trì ảnh hưởng hậu thuộc địa.