Sẽ bố trí thêm 993 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng đại dự án Bản Mồng

Thành Duy 06/07/2023 11:07

(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vào sáng 6/7.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.

BNA_3327-01.jpeg
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chủ tọa kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Tại phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh trao đổi cho cử tri biết giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, đặc biệt là liên quan đến giao đất tái định cư cho người dân, xử lý tái lấn chiếm đất của người dân trồng cây lâu năm trên dự án.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thanh Vinh cho biết: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2006 và đến năm 2009, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 3.741 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792, do tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện cắt giảm đầu tư công nên dự án bị giãn tiến độ. Đến năm 2017, dự án mới được bố trí vốn thực hiện 4 hợp phần: đập chính, thủy điện, giải phóng mặt bằng, kênh mương.

Trong đó, hợp phần giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Nghệ An. Từ 2009 đến nay, tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng 672 ha, với kinh phí 574 tỷ đồng. Sau cuộc làm việc tại Nghệ An vào tháng 7/2022, trên cơ sở khảo sát thực tế tại dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo kết luận, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bố trí thực hiện tiếp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư bổ sung 1.850 tỷ đồng do trượt giá và một số chính sách.

BNA_3516-01.jpeg
Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh phát biểu giải trình. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2006 chỉ có thông báo chủ trương đầu tư, trong khi đó, theo quy định mới của pháp luật cần phải có quyết địnhchủ trương đầu tư nên Bộ NN&PTNT đã tham mưu và Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Đến nay, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự kiến thêm 1.850 tỷ đồng, trong đó, Nghệ An được bố trí thêm 993 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết, tỉnh sẽ triển khai tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến triển khai giai đoạn 2023 - 2026.

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An, cũng như vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, thay vì hoàn thành theo tiến độ đề ra là năm 2015, thì đến nay, công trình trọng điểm quốc gia này vẫn còn dang dở. Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa là 225 triệu m3, là dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống dân sinh khu vực miền Tây Nghệ An và một phần của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và Nam Thanh Hóa, sẽ cấp nước tưới cho 18.871 ha cây trồng ven sông Hiếu; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Lam, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời, kết hợp phát điện với công suất 45MW, phát triển du lịch.

Liên quan đến ý kiến thảo luận ở tổ vào chiều 5/7 đề nghị tăng đối tượng hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trình kỳ họp thứ 14 xem xét thông qua, cụ thể là bổ sung đối tượng là đồng bào ở khu vực I, II, ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, chính sách trên được thiết kế hướng đến chủ quản lý, bảo vệ rừng; cụ thể là 99 chủ rừng, với 955 cán bộ, viên chức; theo đó, được hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng không quá 300.000 đồng/ha.

Tại tại khu vực II, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chỉ tính riêng năm 2023, Nghệ An được bố trí 454 tỷ đồng đảm bảo cho nhu cầu hỗ trợ những người quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đối với khu vực I, Nghệ An được Chính phủ bố trí 53 tỷ đồng; theo đó, Sở NN&PTNT cũng tham mưu ưu tiên cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hôm nay, 5 lãnh đạo sở sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

06/07/2023 06:15

Sẽ bố trí thêm 993 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng đại dự án Bản Mồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO