Pháp luật

Tọa đàm 555 năm danh xưng Tương Dương

Tiến Đông 26/12/2024 18:13

Chiều 26/12, huyện Tương Dương tổ chức tọa đàm kỷ niệm 555 năm danh xưng (1469 - 2024).

Tham dự buổi tọa đàm, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Trọng Hoàng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Hải – Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

Về phía huyện Tương Dương có các đồng chí: Lê Văn Lương - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ; nguyên là lãnh đạo huyện Tương Dương qua các thời kỳ; cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương tham gia…

Cùng dự có đại diện các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia.

bna_16.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm 555 năm danh xưng Tương Dương. Ảnh: Tiến Đông
bna_12.jpg
Các đại biểu tham dự tại buổi toạ đàm. Ảnh: Tiến Đông
bna_1(5).jpg
Tham dự buổi Toạ đàm còn có đại diện các huyện bạn, các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Ảnh: Đình Tuân

Mảnh đất giàu truyền thống

Tại buổi toạ đàm, các vị đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hình thành và phát triển của huyện Tương Dương. Theo đó, Tương Dương xưa gọi là Mường Xùng, thuộc vương quốc Bổn Man. Sau khi Bổn Man thuộc về Đại Việt vào thời nhà Trần thì nơi này gọi là đất Nam Nung.

Vào thế kỷ XIII, vùng đất Tương Dương được gọi là Mật Châu, nơi tiếp giáp các tuyến đường giao thương trọng yếu giữa miền xuôi và vùng biên giới. Dưới thời thuộc Minh, vùng đất này được đổi thành châu Trà Long, trở thành nơi quản lý hành chính quan trọng của nhà Minh.

bna_17.jpg
Một tiết mục văn nghệ tại buổi toạ đàm. Ảnh: Tiến Đông

Năm 1469, dưới niên hiệu Quang Thuận thứ 10, Vua Lê Thánh Tông thực hiện cuộc cải cách hành chính, định hình bản đồ Đại Việt. Trong sự kiện quan trọng ấy, tên gọi Tương Dương lần đầu tiên được nhắc đến như một huyện, thuộc phủ Trà Lân. Huyện Tương Dương khi ấy bao gồm 7 động và 1 phường, là một phần của thừa tuyên Nghệ An...

Trước năm 1945, huyện Tương Dương bao gồm cả 3 huyện là Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Đến năm 1945, huyện Con Cuông tách ra khỏi Tương Dương. Và đến ngày 17/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 65/CP, tách huyện Kỳ Sơn ra khỏi Tương Dương, khẳng định địa giới hành chính của huyện.

bna_9(1).jpg
Đồng chí Đinh Hồng Vinh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương báo cáo một số kết quả kinh tế, xã hội nổi bật của huyện Tương Dương trong thời gian qua. Ảnh: Đình Tuân

Hiện nay, Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn rộng nhất cả nước với 280.777ha, và có 58km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Với 17 xã, thị trấn, và 6 dân tộc anh em gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng.

Sau 555 năm hình thành và phát triển, huyện Tương Dương đang dần chuyển mình để hòa nhịp với xu thế hiện đại. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Tương Dương vẫn là địa phương giữ được vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.

bna_4(3).jpg
Buổi toạ đàm đã thu hút nhiều đại biểu tham gia. Ảnh: Đình Tuân

Riêng năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương ước đạt 6.193.268 triệu đồng, đạt 100,1% Nghị quyết Hội đồng nhân dân giao. Tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 7,7%; thu nhập bình quân trên đầu người ước đạt 38,4 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ...

Khơi dậy khát vọng vươn lên

Tham dự toạ đàm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, biểu dương những kết quả mà cấp uỷ, chính quyền, nhân dân huyện Tương Dương đã đạt được trong thời gian qua.

cọn nước
Du lịch cộng đồng ngày càng phát triển tại huyện Tương Dương với nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Đình Tuyên

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh, thời gian tới tập thể Ban Thường vụ Huyện uỷ, cấp uỷ chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội sinh đưa Tương Dương phát triển nhanh và bền vững; khơi dậy được ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân; tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, không bảo thủ, tích cực chủ động đón nhận cái mới, sáng tạo, mạnh dạn và quyết liệt, thống nhất thực hiện.

bna_19(1).jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu chỉ đạo tại toạ đàm 555 năm danh xưng Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân

Đồng thời rà soát, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, vận dụng nguồn lực nội sinh và tích cực huy động, kêu gọi, thu hút các nguồn lực khác để tăng tốc, bứt phá hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ 2025-2030.

bna_22(2).jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 555 năm danh xưng Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đề nghị lãnh đạo huyện Tương Dương trước mắt cần thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành Đại hội cấp cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, phải nghiêm túc trong kiểm điểm, đúc rút các bài học kinh nghiệm, làm rõ các nguyên nhân trong việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

bna_25.jpg
Đồng chí Lê Văn Lương - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Tương Dương phát biểu bế mạc. Ảnh: Tiến Đông

Từ đó, có những giải pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu trong thời gian tới, như chỉ đạo, quán triệt của Tổng Bí thư Tô Lâm là xây dựng dự thảo văn kiện đại hội mang hơi thở cuộc sống, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện như sách giáo khoa. Chỉ rõ phương hướng, nguồn lực, cách làm, có chương trình hành động, không phải để ban hành nhiều Nghị quyết thực hiện, tránh trường hợp nửa nhiệm kỳ vẫn ban hành Nghị quyết, không khả thi...

Đặc biệt, cần chú trọng công tác nhân sự cho đại hội, phải lựa chọn những nhân sự cho nhiệm kỳ mới, bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ, có đức, có tài.

bna_23.jpg
Đại diện một số doanh nghiệp thuộc Đảng uỷ Khối Các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh đã trao tặng 200 triệu đồng xoá nhà tạm, nhà dột nát và 500 triệu đồng xây dựng 1 cây cầu dân sinh tại xã Yên Hoà. Ảnh: Đình Tuân

Cũng tại buổi Toạ đàm, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại cuộc thi "Sáng tác biểu trưng huyện Tương Dương”. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Đoàn Văn Quang (TP. Vinh).

bna_20-c519aac91e2f4808b6b949e829117e3d.jpg
Trao giải Nhất cuộc thi "Sáng tác biểu trưng huyện Tương Dương" cho tác giả Đoàn Văn Quang (TP. Vinh). Ảnh: Đình Tuân

Mới nhất

x
Tọa đàm 555 năm danh xưng Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO