Vì sao Iran đột nhiên 'rắn' với Mỹ?

(Baonghean) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại lệnh tấn công Iran chỉ 10 phút trước khi các tên lửa khai hỏa. Dư luận thế giới thở phào nhẹ nhõm khi Mỹ và Iran đã không rơi vào vòng xoáy đối đầu quân sự. Tổng thống Donald Trump được ca ngợi khi quyết định “tháo ngòi nổ” vào phút chót với một lý do rất nhân văn.

Nhưng với Iran, dù ông Donald Trump có ra lệnh tấn công hay không, đó đều là những phản ứng đã nằm trong dự đoán khi quốc gia này liên tiếp có hành động “rắn” với Mỹ thời gian gần đây.

Mỹ và Iran - ai sẽ lùi bước trước? Ảnh: CNN
Mỹ và Iran - ai sẽ lùi bước trước? Ảnh: CNN

Iran “không còn gì để mất”

Hành động Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ chỉ là một phần trong chuỗi hành động gây leo thang căng thẳng với Mỹ của Iran thời gian gần đây, dù đây là hành động nguy hiểm nhất có khả năng kích hoạt một cuộc chiến tranh.

Trước đó, việc các tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman - dù Iran luôn phủ nhận mọi cáo buộc đứng sau vụ việc, hay việc Iran tuyên bố không tuân thủ một phần thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 đều được nhìn nhận đầy cứng rắn trước sức ép ngày càng gia tăng của chính quyền Mỹ.

Trong bối cảnh “nước sôi nửa bỏng”, chắc chắn Iran sẽ không đưa ra bất kỳ hành động nào mà không có lý do. Khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đang phát huy tác dụng, gây sức ép ngày càng lớn với nền kinh tế Iran, giới phân tích hầu hết đều cho rằng Iran chỉ có hai lựa chọn: hoặc tiếp tục gồng mình chống đỡ các lệnh trừng phạt, hoặc khuất phục và chấp nhận đàm phán như Mỹ mong muốn.

Nhưng Iran đã cho thấy họ có lựa chọn thứ 3 để phá vỡ thế bế tắc này, cho dù đó là một lựa chọn đầy rủi ro. Bằng cách liên tục có những hành động cứng rắn, đẩy mối quan hệ Mỹ - Iran leo thang căng thẳng tới mức nguy hiểm, Iran đã khiến Mỹ mới trở thành bên phải nhún nhường.

Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ gây leo thang căng thẳng. Ảnh: New York Post
Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ gây leo thang căng thẳng. Ảnh: New York Post

Những bước đi của Iran được cho là có sự tính toán kỹ lưỡng và dự liệu đầy đủ về những phản ứng của Mỹ. Việc các tầu chở dầu bị đánh đắm - dù Iran có “nhúng tay” hay không - là một cách “quốc tế hóa” xung đột giữa Mỹ và Iran.

Nếu Mỹ trả đũa cứng rắn vụ việc này, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng bởi tuyến đường vận chuyển dầu ở vùng Vịnh liên quan tới lợi ích của rất nhiều quốc gia, từ châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Việc hàng loạt đồng minh của Mỹ kêu gọi kiềm chế và làm dịu căng thẳng cho thấy Iran đã không tính toán sai. Với vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, Iran cũng rất khôn khéo khi công bố thông tin chỉ bắn hạ chiếc RQ-4A Global Hawk mà “tha” cho một chiếc máy bay do thám khác của Mỹ là P8 xuất hiện gần đó cùng thời điểm bởi trên chiếc P8 có phi hành đoàn của Mỹ.

Iran “đánh cược” vào việc ông Donald Trump sẽ không ra lệnh tấn công bởi Quốc hội Mỹ không muốn chiến tranh, người dân Mỹ không muốn chiến tranh, nhất là trong thời điểm nhạy cảm cuộc chạy đua Tổng thống nhiệm kỳ mới đã bắt đầu.

Nhưng cho dù Tổng thống Donald Trump không rút lại lệnh tấn công, thì một cuộc xung đột ở quy mô hạn chế cũng đã nằm trong dự liệu của Iran. Các cuộc tấn công của Mỹ có thể khiến một số người thiệt mạng, một số cơ sở hạ tầng bị hư hại, nhưng hậu quả đó không phải quá lớn nếu tính đến việc Iran sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vai “nạn nhân”.

Bởi vậy, Iran có lẽ nhận thấy sẽ “được nhiều hơn mất” khi quyết định “rắn” với Mỹ thay vì không làm gì và gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt. Iran chính xác không tìm kiếm một cuộc chiến, nhưng sự mạo hiểm có thể mang lại lời giải cho một vấn đề hóc búa lâu nay giữa Mỹ và Iran, đưa Iran lên vị thế đối tác tích cực thay vì chỉ biết thụ động trong mối quan hệ với Mỹ.

Tạo đòn bẩy đàm phán

Với các hành động liên tục - đủ cứng rắn nhưng cũng không quá đà để biến chiến tranh thành một lựa chọn không tránh khỏi, Iran đã chuyển tải đầy đủ thông điệp về việc có thể “khuấy đảo” các lợi ích của Mỹ trong khu vực như thế nào.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các sự cố đối với các tàu chở dầu ở vịnh Oman là “rất nhỏ”, không đáng để gây chiến. Đối với vụ bắn hạ máy bay không người lái, ông Donald Trump cũng đã rút lại lệnh tấn công.

Ông Donald Trump cũng nhiều lần nhắc lại mong muốn đàm phán với Iran, kể cả việc thông qua Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi đề xuất đàm phán tới giới lãnh đạo Iran trong chuyến công du nước này gần đây. Những động thái này cho thấy Iran đã phần nào tạo được “đòn bẩy” cho các cuộc đàm phán với Mỹ như mong muốn.

Điều dư luận quan tâm lúc này là Iran sẽ tiếp tục hành xử như thế nào sau khi Tổng thống Mỹ đã tỏ ra khá nhún nhường? Về mặt lý thuyết, Iran sẽ có một vài lựa chọn. Thứ nhất, Iran có thể lặp lại những hành động khiêu khích Mỹ, tiếp tục khiến ông Donald Trump “đau đầu” trước hàng loạt sức ép liên quan đến việc tấn công hay không trước khi lựa chọn nới lỏng các lệnh trừng phạt với Iran.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt với Iran. Ảnh: CBS News
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt với Iran. Ảnh: CBS News
Nhưng với lựa chọn này, Iran cũng có rủi ro là khiến cộng đồng quốc tế mệt mỏi, và sự ủng hộ có thể dần chuyển sang phía Mỹ. Sự cô lập chắn chắn là điều mà Iran không muốn trong bối cảnh quốc gia này đã đủ khó khăn khi phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Lựa chọn thứ hai của Iran là dừng các hành động khiêu khích vì họ đã cho thấy rõ quan điểm của mình khi bị dồn ép và có thể chuyển sang theo đuổi các giải pháp ngoại giao. Với lựa chọn này, Iran có thể bí mật đàm phán với Mỹ, hoặc thông qua một nước thứ ba hoặc theo những cách ít công khai hơn.

Cả Mỹ và Iran hiện nay đều có những bước đi khiến cho đối phương không dễ dàng đưa ra lựa chọn. Mỹ luôn luôn cho rằng sẽ chỉ nới lỏng các biện pháp trừng phạt khi Iran thỏa thiệp về chương trình hạt nhân - điều mà Iran rất khó chấp nhận.

Ngược lại, Iran cũng nhất quyết chỉ ngồi lại đàm phán khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, khác hẳn với cách tiếp cận của chính quyền Mỹ hiện nay. Nhưng rõ ràng, cả hai cùng không mong muốn phải bước vào một cuộc chiến tranh.

Vì thế, nhiều khả năng Mỹ và Iran sẽ vẫn còn tiếp tục giằng co sát ranh giới nguy hiểm, và rất khó có thể dự đoán bên nào sẽ quyết định bước qua lằn ranh đó, hoặc quyết định lùi lại để mở ra cơ hội đàm phán cho cả hai bên.

tin mới

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí. 

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

(Baonghean.vn) - Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh và cạnh tranh giữa các siêu cường, châu Phi là khu vực mà Liên Xô trước đây rất ít ảnh hưởng. Đây là sân banh của Pháp trong hơn 6 thập niên qua, và với mỗi nước châu Phi này, Pháp chỉ tốn “vài bộ đồ vest” để duy trì ảnh hưởng hậu thuộc địa.

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

(Baonghean.vn) - Tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng, việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đối lấy tư cách thành viên NATO là một lựa chọn tốt để Ukraine chấm dứt xung đột, nhưng dường như nó đã bị bỏ lỡ. Hiện, việc đạt được thoả thuận như vậy khó khăn hơn nhiều, khi Nga đã chiếm ưu thế lớn.

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

(Baonghean.vn) - Nói trước Quốc hội ngày 26/4, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng, Nga nên lo sợ một cuộc đụng độ với NATO vì một cuộc chiến như vậy sẽ kết thúc với “thất bại không thể tránh khỏi” đối với Moskva.