Hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp với làng nghề

(Baonghean) - Nghệ An hiện có 133 làng nghề của 18/21 huyện, thành, thị trong tỉnh với đa dạng các nghề sản xuất như: mây tre đan, dệt thổ cẩm, dâu tằm tơ, chế biến hải sản, làm bún bánh, kẹo, mộc dân dụng và mỹ nghệ, đóng tàu thuyền, chổi đót, làm hương, hoa cây cảnh... Tuy vậy, hoạt động sản xuất và đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề chủ yếu do người dân tự xoay trở. Điều này đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với làng nghề. 

HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi xã Thọ Thành (Yên Thành) lâu nay chuyên cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm hàng mây tre đan cho các làng nghề và làng có nghề ở 7 xã gồm Hồng Thành, Thọ Thành, Phú Thành, Mã Thành, Liên Thành, Khánh Thành, Bảo Thành. Sự liên kết mật thiết giữa HTX với lao động làng nghề đã duy trì nghề mây tre đan không những phát triển mà còn nhân rộng, giải quyết nhiều việc làm và ổn định an sinh xã hội cho các xã vùng nông thôn. Thời kỳ đầu, HTX chỉ cung ứng nguyên liệu thô cho người lao động, quá trình làm nhận thấy người dân tốn rất nhiều thời gian cho việc chẻ nan thủ công. HTX đã mua 6 máy chẻ nan tinh và 2 máy chẻ nan thô, hàng ngày tất cả 8 máy đều làm việc hết công suất để đảm bảo nguồn nan tinh cung ứng cho người lao động. Nhiều năm nay người lao động ở 7 xã trên của huyện Yên Thành không phải tốn công sức chẻ nan, chỉ việc nhận nan về đan nhờ đó mà năng suất lao động cao gấp nhiều lần so với trước.
Nghề dệt thổ cẩm ở Kỳ Sơn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Nghề dệt thổ cẩm ở Kỳ Sơn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Chị Phạm Thị Lương người dân xã Thọ Thành chia sẻ: "Là người theo nghề mây tre đan đã lâu năm chưa bao giờ tôi thấy sự liên kết mật thiết, sát sao giữa HTX với người lao động như những năm gần đây. Bây giờ người làm nghề rất thuận tiện, hoàn toàn không phải lo mua nguyên liệu hay bán sản phẩm mà tất cả các khâu đều có HTX lo hết, mình chỉ việc làm công và nhận tiền. Cái thuận lợi nữa là làm việc ngay tại nhà nên tranh thủ mọi thời gian để đan mà vẫn hoàn thành các việc trong gia đình. Mỗi lần có mẫu mã mới đều được người của HTX xuống tận nơi hướng dẫn cách làm nên ai cũng dễ tiếp thu. Làm nghề này tuy thu nhập không cao bằng một số nghề khác nhưng phù hợp với phụ nữ nông thôn và giúp tăng thêm thu nhập cải thiện kinh tế gia đình, một mình tôi chăm chỉ đan lát mỗi tháng cũng có thu nhập 3 triệu đồng từ làm nghề mây tre đan, chứ nhà nông chỉ nhìn vào ruộng thì không có tiền trang trải chi tiêu hàng ngày, rất chật vật...".
Với 400 - 500 lao động ở các làng nghề chuyên sản xuất hàng mây tre đan cho HTX Thắng Lợi, các máy chẻ nan hoạt động tối đa công suất mới chỉ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của lao động làm nghề ở 3 xã. HTX này đang dự định đầu tư thêm nhiều máy chẻ nan để đưa xuống các làng nghề thuận lợi cho bà con làm tại chỗ, mỗi làng nghề phải có 2 máy chẻ nan mỏng và 1 máy chẻ nan thô mới đáp ứng được nguyên liệu. Mỗi năm HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi mua 200 tấn nguyên liệu từ Quỳ Châu về để cung ứng cho người lao động, HTX thu gom tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong 7 tháng đầu năm đạt doanh số 3,6 tỷ đồng. HTX thường xuyên hợp đồng bán hàng với 4 công ty ở Hà Nội nên liên tục có đơn đặt hàng quanh năm, lao động không khi nào hết việc làm.
Ông Tăng Tiến Huỳnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: "HTX phải liên kết chặt chẽ với lao động làng nghề thì mới có sản phẩm để đảm bảo đơn hàng. HTX đảm bảo đầu ra liên tục, thanh toán tiền công lao động kịp thời, cung ứng nguyên liệu đầy đủ, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. HTX có 10 giáo viên vừa làm nghề vừa đào tạo nghề, mỗi lần có mẫu mã mới đều trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động. Sự liên kết bền chặt này có lợi cho cả đôi bên."
Tương tự, Công ty TNHH Đức Phong cũng là đơn vị chuyên cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động làm nghề mây tre đan. Hàng chục năm nay, mối quan hệ khăng khít giữa doanh nghiệp với lao động làng nghề đã làm cho nghề mây tre đan có sức sống bền bỉ ngay cả những lúc thăng trầm. Công ty này chuyên thu gom sản phẩm cho các làng nghề mây tre đan ở huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương... Mỗi năm Công ty Đức Phong mua 2.000 tấn nguyên liệu để cung ứng cho các làng nghề và thu gom sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị hơn 1 triệu USD/năm. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp chăm lo trọn vẹn cho làng nghề, từ cung ứng nguyên liệu tinh (đã chẻ thành nan) cho đến đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm, thanh toán đầy đủ kịp thời tiền công cho người lao động. Suốt quá trình hợp tác với lao động làng nghề, tất cả mọi khó khăn doanh nghiệp đều giải quyết hết. Công ty không khi nào thiếu việc làm, thị trường xuất khẩu rộng mở các nước Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Chi Lê, Trung Quốc... do đó phải thường xuyên liên kết với làng nghề, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho người lao động để khuyến khích họ yên tâm gắn bó với nghề.
Ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng tư vấn chính sách Liên minh HTX tỉnh Nghệ An nhận định: Những làng nghề có mối liên kết với các tổ chức kinh tế thì phát triển tốt và bền vững hơn, hỗ trợ được đầu vào, đầu ra, đăng ký thương hiệu, nhãn mác, đặc biệt sản phẩm lưu thông tốt hay không phụ thuộc vào sức tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Là tỉnh có nhiều làng nghề và khá đa dạng ngành nghề nhưng đến nay mới chỉ có lĩnh vực hàng mây tre đan là có mối liên kết thường xuyên giữa doanh nghiệp với làng nghề, còn lại các mặt hàng khác như hoa cây cảnh, bún bánh, chiếu cói, chổi đót, chế biến hải sản...  sự liên kết giữa doanh nghiệp với lao động trong các nghề này chưa bền chặt. Còn sản phẩm dệt thổ cẩm, mộc dân dụng và mỹ nghệ, nước mắm cũng đã có sự liên kết giữa người làm nghề với doanh nghiệp, HTX nhưng chưa nhiều.
Nhìn chung đa số sản xuất ở các làng nghề theo quy mô kinh tế hộ sản phẩm chưa đủ mạnh về mọi mặt để bán được ở thị trường lớn nên những tổ chức như doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này không hiệu quả do đó mối liên kết giữa đơn vị kinh tế và lao động làng nghề chưa nhiều. Từ thực tiễn sản xuất cho thấy hình thức từng hộ cá thể hoặc tổ hợp tự tiêu thụ hiệu quả cao hơn, như mặt hàng bún bánh do tính chất đặc trưng của sản phẩm nên quy mô gia đình tự tiêu thụ đem lại hiệu quả tối đa. Như vậy để có sự liên kết chặt chẽ giữa làng nghề và doanh nghiệp thì làng nghề phải đáp ứng được yêu cầu về số lượng hàng hóa lớn, chất lượng sản phẩm và cả thương hiệu. Và điều quan trọng là doanh nghiệp phải tìm được đầu ra cho hàng hóa.
Quỳnh Lan

tin mới

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

(Baonghean.vn) -Giá vàng miếng SJC liên tục xô đổ mọi kỷ lục, tăng vọt lên trên 92 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng thêm, chạm mốc 77 triệu đồng/lượng. Vàng tăng giá sốc, thị trường vàng ở Nghệ An chỗ đông đúc người giao dịch, chỗ lại vắng lặng….

Châu chấu gây hại cho rừng mét ở huyện Tân Kỳ

Châu chấu gây hại cho rừng mét ở huyện Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, châu chấu lưng vàng đã phát sinh tàn phá rừng mét ở huyện Tân Kỳ, nhiều diện tích đã bị châu chấu ăn trụi lá. Châu chấu lây lan, gây hại trên diện rộng là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có các biện pháp phòng trừ hiệu quả.