Ấm tình người nơi ‘rốn lũ’ Thanh Mỹ

Công Kiên 01/11/2020 15:59

(Baonghean.vn) - “Rốn lũ” Thanh Mỹ (Thanh Chương) sáng nay nước đã rút gần như hoàn toàn. Cuộc sống của người dân đang đối mặt với bao khó khăn, thử thách sau cơn đại hồng thủy nhưng bà con vùng lũ không đơn độc, luôn nhận được sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền và bè bạn gần xa.

Trắng tay sau lũ

Cơn lũ đã đi qua còn để lại cho người dân Thanh Mỹ nỗi bàng hoàng, bởi lẽ đã hàng chục năm qua chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước dâng nhanh và cao đến thế. Ông Trần Kim Thanh (78 tuổi) ở thôn Mỹ Hương cho biết: “Có lẽ phải đến 40 năm rồi tôi mới thấy một trận lũ kinh hoàng như thế này.

Ảnh: Công Kiên
Xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) tan hoang sau lũ. Ảnh: Công Kiên

Không ai kịp trở tay, đồ đạc tài sản bị trôi và hư hỏng hết, may là không thiệt hại về người”. Quả thật, khi nước rút đã để lại cảnh hoang tàn, xơ xác trên những con đường và vườn tược. Những gia đình bị ngập lũ đồ đạc đang bề bộn, ngổn ngang, người dân đã mệt mỏi sau những ngày “sống chung với lũ” đang gượng sức để dọn dẹp nhà cửa.

Mỹ Lương là một trong những thôn bị ngập nặng nhất xã, hầu hết các hộ đều chìm trong nước lũ. Chị Trần Thị Đào (SN 1976) kể lại: “Nước dâng lên quá nhanh, chồng đang đi làm xa, mấy mẹ con ở nhà không xoay xở kịp. Chỉ kịp đưa một ít quần áo lên cao rồi chạy đi sơ tán, may nhận được cứu trợ trong 2 ngày ngập lũ mới có cái ăn. Khi nước rút, xã cử lực lượng đến hỗ trợ dọn dẹp đồ đạc, vệ sinh nhà cửa, nếu không chắc phải mất cả tuần mới xong. Bây giờ đồ điện đã hỏng hết, gần 1 tấn lúa cũng bị ướt chưa biết xử lý ra sao…”.

Ảnh: Công Kiên
Chị Trần Thị Đào, thôn Mỹ Lương (xã Thanh Mỹ - Thanh Chương) dựng lại vườn ngô vừa bị lũ làm gãy đổ. Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Công Kiên
Phần lớn số lúa của gia đình ông Trần Xuân Thanh, thôn Mỹ Hương (xã Thanh Mỹ) bị ướt do nước ngập. Ảnh: Công Kiên

Ở cạnh nhà chị Đào, anh Trần Xuân Hiền cho biết: “Nhà tôi ở cao hơn so với các hộ khác trong xóm, khi lũ bắt đầu lên tôi lo chuyển đồ đạc giúp mấy nhà lân cận. Trở về nhà thì nước đã ngập nửa tường, không kịp chuyển thứ gì, lúa bị ướt, đồ điện bị hỏng, bây giờ coi như tay trắng”.

Cùng với Mỹ Lương, thôn Mỹ Hương cũng bị ngập sâu trong lũ, thiệt hại không thể thống kê. Bà Ngô Thị Thanh (66 tuổi) các con đều ở xa, chồng đang nằm viện ở Vinh, lũ ập về khi bà ở nhà một mình. Không đủ sức khuân đồ đạc lên cao, bà Thanh đành nhìn toàn bộ số lúa được đóng bì giữa nhà và đồ đạc gia đình chìm dần giữa dòng nước.

Ảnh: Công Kiên
Nhà của ông Trần Xuân Thanh trở thành điểm sơ tán của bà con trong xóm, nhiều hộ mang theo cả đồ đạc, gia súc, gia cầm đến gửi. Ảnh: Công Kiên
Ảnh: Công Kiên
Ông Trần Kim Thanh, thôn Mỹ Hương (Thanh Mỹ) xoay xở với những đồ đạc vừa được lau rửa. Ảnh: Công Kiên

Khi một người cháu họ và hàng xóm đến giúp chỉ kịp chuyển được một ít, còn bà Thanh dỡ ngói lên ngôi trên mái nhà chờ xuồng cứu hộ. Và hầu hết bà con trong thôn Mỹ Hương đều bất ngờ khi lũ đến quá nhanh, nhà nào cũng bị thiệt hại tài sản.

Ảnh: Công Kiên
Có rất nhiều đoàn đã đưa hàng cứu trợ về Thanh Mỹ giúp bà con vùng "rốn lũ". Ảnh: Công Kiên

Ông Hoàng Tiến Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Trong đợt lũ vừa qua, toàn xã có hơn 700 hộ bị ngập, 1 người bị chết do lũ cuốn, còn thiệt về hoa màu, gia súc, gia cầm và tài sản chưa thể thống kê. Trước mắt, bà con đang tập trung khắc phục hậu quả, đời sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Nồng ấm tình người

Sau cơn lũ dữ, khung cảnh tan hoang, nhà cửa ngổn ngang bề bộn nhưng về Thanh Mỹ được nghe những câu chuyện và thấy những nghĩa cử khiến chúng tôi thực sự ấm lòng. Điều ấy sẽ giúp bà con nơi đây có thêm động lực tinh thần để gượng lên trong quãng thời gian đầy khó khăn sắp tới.

Ngôi nhà của ông Trần Xuân Thanh ở thôn Mỹ Lương vẫn còn ngổn ngang nào bì tải lúa, ngô và cả gia súc, gia cầm. Số tài sản này không phải của gia đình ông, mà của những nhà hàng xóm mang đến gửi khi lũ bắt đầu dâng, nay vẫn chưa kịp chuyển về.

Ảnh: Công Kiên
Bà con thôn Mỹ Hương (xã Thanh Mỹ) được nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Công Kiên
Ảnh: Công Kiên
Em bé 2 tuổi được tặng sữa hộp sau những ngày lũ. Ảnh: Công Kiên

Trong mấy ngày ngập lũ, do ở vị trí cao nên nhà ông Thanh nước ngập ít nên trở thành điểm sơ tán của hơn 10 hộ trong xóm. Không ai kịp chuyển lúa gạo, ông Thanh và vợ đã nấu ăn cho cả mấy gia đình sơ tán trong mấy ngày liền.

“Là hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là chuyện bình thường. Ai rồi cũng có lúc gặp khó khăn nên phải luôn xây đắp ân tình” - ông Thanh nói.

Bữa trưa hôm nay, gia đình bà Ngô Thị Thanh có xôi và thịt kho, sau những ngày lũ thì có thể nói đây là món ăn nhiều người ao ước. Những món ăn này được con gái bà Thanh lấy chồng về huyện Anh Sơn mang xuống tiếp tế.

Ảnh: Công Kiên
Con gái bà Ngô Thị Thanh, thôn Mỹ Hương (xã Thanh Mỹ) từ huyện Anh Sơn mang xôi về tiếp tế cho mẹ, bà Thanh san sẻ cho bà con xóm giềng. Ảnh: Công Kiên

Xôi rất nhiều, bà Thanh chia cho mỗi gia đình quanh xóm một ít gọi là tấm lòng thảo thơm của con gái lấy chồng xa. Nhận đĩa xôi sau ngày lũ, những người dân thôn Mỹ Hương chợt rưng rưng và cảm thấy ấm lòng, bởi giờ đây không chỉ là một món ăn và kết đọng cả nghĩa tình của quê hương, giềng xóm.

Thanh Mỹ hôm nay đón rất nhiều cứu trợ đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, thậm chí từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ. Những chiếc xe tải lớn, nhỏ căng những tấm băng rôn đầy ý nghĩa cũng đủ mang đến niềm tin: “Cán bộ và Nhân dân xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hướng về Nghệ An”, “Tôi là người Lệ Thủy, Thanh Chương - Nghệ An ơi chờ tôi nhé!”, “Nghệ An ơi! Chúng tôi sẽ đến với các bạn”…

“Hay tin Nghệ An bị ngập lũ, người dân quê em liền gom hàng cứu trợ để kịp ra giúp đỡ bà con. Vì khi quê em bị lũ, bà con Nghệ An đã giúp đỡ rất nhiều, ân tình ấy không bao giờ quên được”.

Chị Nguyễn Thị Hương, người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

Tại trụ sở UBND xã, từ sáng đã có nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ gồm mì tôm, gạo, nước sạch, áo quần và các loại nhu yếu phẩm đến hỗ trợ người dân vừa bị ngập lũ. Hội trường và phòng làm việc của các ban, ngành trở thành kho chứa hàng cứu trợ, lực lượng tiếp nhận của xã đang hối hả phân phát về các thôn để đến được từng nhà.

Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Gia Hồng, thôn Mỹ Hương (xã Thanh Mỹ) bị tai biến mạch máu não, nhà bị ngập, hiện đang sơ tán tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Công Kiên

Khi lúa, gạo đang ướt, nước sạch chưa có, điện lưới đang bị cắt thì đây là những thứ vô cùng thiết thực, tiếp sức cho bà con gượng lên để soạn sửa, sắp đặt lại cửa nhà.

Trong và sau cơn lũ, người dân Thanh Mỹ không hề đơn độc, luôn có lực lượng chức năng đứng bên hỗ trợ mỗi nhà. Hôm nay, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), BCH Quân sự huyện Thanh Chương và Trại giam số 6 đã cử lực lượng với tổng số hơn 200 cán bộ, chiến sỹ về Thanh Mỹ giúp dân.

Ảnh: Công Kiên
Cán bộ, chiến sỹ BCH Quân sự huyện Thanh Chương giúp bà con xã Thanh Mỹ vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Công Kiên

Những gia đình neo người, có người già, người ốm yếu đều được hỗ trợ thau rửa nhà cửa, dọn dẹp và sắp đặt lại đồ đạc. Chừng đó cũng đủ để động viên bà con trong những ngày khó khăn, vất vả và cảm nhận được hơi ấm tình người…

“Hiện tại, xã vừa chỉ đạo tập trung thực hiện phân phát hàng cứu trợ, vừa khắc phục hậu quả lũ lụt và vệ sinh môi trường, phòng chống sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh. Tài sản, giống cây trồng, vật nuôi của bà con đã bị cuốn trôi và hư hỏng, thời gian tới việc sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ giống, vật tư để Nhân dân sớm ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn, sản xuất, từng bước gượng lên sau lũ”.

Ông Hoàng Tiến Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ (Thanh Chương)

Mới nhất

x
Ấm tình người nơi ‘rốn lũ’ Thanh Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO