"Cú hích" từ cho vay đầu tư máy nông nghiệp ở Nghệ An

(Baonghean) - Chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những “cú hích” quan trọng trong đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát huy hiệu quả của dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn được hỗ trợ chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân và các địa phương.

Mỗi năm, Đô Lương cơ cấu xấp xỉ 15 nghìn ha lúa, đến nay toàn huyện chỉ còn 11 xóm ở 6 xã chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa. Ruộng đồng được đưa về ô thửa lớn, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng là những điều kiện rất thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. “Trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đưa máy móc vào để rút ngắn thời gian, chạy đua kịp thời vụ là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu là rất lớn thì mỗi năm bình quân Đô Lương chỉ được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng, đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu thực tế. Theo tôi, tỉnh không nên chia nguồn hỗ trợ này cho các huyện theo kiểu “bình quân” mà nên ưu tiên cho các huyện đồng bằng có diện tích đất sản xuất lớn”- ông Nguyễn Công Châu  - Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương chia sẻ.

Bình chỉnh đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng ở Xuân Hòa (Nam Đàn)
Bình chỉnh đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng ở Xuân Hòa (Nam Đàn)

Dù đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nhưng anh Vương Đình Trung (xóm Đông Lưu- xã Nam Thành- Yên Thành) đã đưa cái máy gặt đập liên hoàn trị giá 610 triệu đồng đi “khai thác” được một vụ xuân, thu về trên 100 triệu đồng. Sau một tuần cật lực làm việc  ở Yên Thành, kết thúc mùa vụ, anh Trung kéo máy đi các huyện khác và ra các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình… “Cứ mỗi tỉnh 3- 4 ngày, tính cả ở Yên Thành, tôi đi hơn một tháng mới về. Nếu cứ đà này, chỉ khoảng 3 năm là hoàn vốn. Dù có được hỗ trợ hay không thì vẫn mua để làm ăn”- anh Trung cho biết.

Toàn huyện Yên Thành  hiện có trên 20 máy gặt đập liên hoàn và trên 1.000 cái máy làm đất nhỏ, đáp ứng 90% việc làm đất và 60% gặt. Ngoài ra, bà con còn đưa máy đi làm dịch vụ ở các  địa phương khác trong tỉnh, thậm chí ra cả các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… Nếu trước đây, mỗi vụ cả gặt và cấy mất khoảng 20 ngày thì nay rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 10 ngày, giúp chạy đua với thời vụ; chi phí thuê máy cũng rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhân công; đồng thời giúp giảm lao động nông nghiệp để chuyển sang ngành nghề khác, tạo điều kiện đầu tư thâm canh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dương (trưởng phòng Nông nghiệp huyện), thì với 400 triệu đồng được phân khai năm 2015 chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân; hơn 20 cái máy gặt đập liên hoàn chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trên địa bàn và phải thuê máy từ nơi khác đến. Đồng thời, cần thêm chính sách hỗ trợ để tiếp tục chỉnh trang đồng ruộng và nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng.

Trình diễn máy cấy ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên)
Trình diễn máy cấy ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên)

Băt đầu tham gia cung ứng máy nông nghiệp cho nông dân theo chính sách hỗ trợ của tỉnh từ năm 1999 theo QĐ 05, thời gian đầu Công ty cổ phần cơ giới nông nghiệp và PTNT Nghệ An chủ yếu bán các loại máy cày đa chức năng loại nhỏ, được tỉnh hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây bà con chủ yếu mua máy cày đa chức năng loại nhỏ, máy xay xát,  nhưng mấy năm gần đây chuyển sang tiêu thụ nhiều các loại máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa và máy cày đa chức năng công suất lớn.

Chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có từ những năm 1999- 2000,  nhưng đến nay đã thực sự tạo thành phong trào. Kết quả của dồn điền đổi thửa chính là một trong những tiền đề quan trọng để chính sách này nhanh chóng phát huy hiệu quả. Với mức hỗ trợ ban đầu đối với máy cày đa chức năng là 15% (các huyện đồng bằng) và 20% (huyện miền núi); 20% đối với máy gặt đập liên hợp, cộng thêm hỗ trợ lãi suất 100% trong 24 tháng đầu, 50% trong 12 tháng tiếp theo, chính sách này đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập; giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ.

ằng máy tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn)
Làm đất bằng máy tại xã Xuân Hòa (Nam Đàn)

Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc  Sở NN&PTNT, thì dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là hiện việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hầu như mới chỉ dừng ở các khâu làm đất, thu hoạch trong trồng trọt. Hệ thống  giao thông, thủy lợi nội đồng còn bất cập. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp hầu như chưa có; nguồn vốn của nông dân còn thiếu và tính hợp tác với nhau giữa các hộ gia đình chưa cao…

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên)
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên)

Ông Phan Duy Thiều - Phó phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT cho biết: trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, nguồn kinh phí  tỉnh hỗ trơ cho chương trình này là 25 tỷ 260 triệu đồng, riêng năm 2015 kế hoạch ban đầu là 4,9 tỷ đồng. Hiện Sở NN&PTNT đang cùng Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung thêm nguồn hỗ trợ. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn như hiện nay, các địa phương và người dân không nên quá trông chờ. Hiện tỉnh đang cho phép các địa phương cân đối nguồn không sử dụng hết từ những chương trình khác như kinh phí xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, phủ nilon lạc đông… để chuyển qua chương trình hỗ trợ mua máy.  Tuy nhiên chính sách chỉ mang tính chất hỗ trợ trong khả năng cho phép của nguồn ngân sách. Các huyện phải có kế hoạch, giao chỉ tiêu phân bổ cho từng xã dựa trên diện tích sản xuất thực tế cũng như số lượng máy móc đã có trên địa bàn; tăng cường  tuyên truyền, tập huấn về sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh  xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng/.

            Phú Hương

tin mới

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.