Đấu tranh quyết liệt với 'tín dụng đen' ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn Nghệ An diễn biến rất phức tạp. Nhất là khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất

Phá nhiều vụ án lớn

Gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều đường dây “tín dụng đen” quy mô lớn. Điển hình rạng sáng 15/12/2021, Công an Nghệ An đã triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng liên tỉnh, bước đầu bắt giữ 52 đối tượng và xác định số tiền giao dịch qua đường dây này là hơn 1.000 tỷ đồng với khoảng hơn 10.000 bị hại. Mức lãi suất cao nhất là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm.

Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh  tư liệu Xuân Bắc
Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu: Bình Minh

Để phá đường dây này, Công an Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ tiến hành bắt, khám xét đồng loạt tại 51 điểm là văn phòng đại diện Công ty Tài chính Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Công ty Tài chính Tân Tín Đạt do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng (SN 1982), trú tại phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) làm giám đốc, vỏ bọc là công ty tài chính nhưng thực chất là cho vay lãi nặng với hàng chục văn phòng ở khoảng 30 tỉnh, thành trên cả nước.

Bắt giữ các đối tượng tại đại lý của Tân Tín Đạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu Xuân Bắc
Bắt giữ các đối tượng tại đại lý của Tân Tín Đạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu Xuân Bắc

Trước đó, trong tháng 7/2021, Công an Nghệ An cũng đánh sập một đường dây cho vay nặng lãi núp bóng doanh nghiệp, với số tiền cho vay lên tới hơn 500 tỷ đồng. Theo điều tra của lực lượng chức năng, đường dây này chia làm nhiều nhóm do nhiều đối tượng cầm đầu.

Các nhóm này có hàng chục cơ sở, chi nhánh ở nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh khác. Trong đó, riêng tại Nghệ An, cơ sở của các nhóm đối tượng trên có mặt tại 11 huyện, thành phố, thị xã. Tại tỉnh Hà Tĩnh có 8 cơ sở, ngoài ra, còn có các cơ sở khác tại  các tỉnh Kon Tum, Quảng Bình và Nha Trang…

Các cơ sở hoạt động dưới hình thức cho cá nhân, doanh nghiệp vay với lãi suất từ 3.000 - 8.000 đồng/1 triệu/1 ngày và yêu cầu người vay viết giấy bán tài sản thế chấp, hoặc cho người vay cầm cố tài sản (xe máy, ô tô, bìa đất…) với lãi suất 2.000 - 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Đã có hàng chục nghìn người trên khắp cả nước thực hiện việc vay tiền của các cơ sở trên, số tiền ước tính lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Lực lượng Công an tiến hành khám xét tại một công ty dịch vụ tài chính. Ảnh tư liệu xuân bắc
Lực lượng Công an tiến hành khám xét tại một công ty dịch vụ tài chính. Ảnh tư liệu Xuân Bắc

Trong trường hợp người vay không trả lãi theo đúng yêu cầu hoặc thanh toán không đúng hẹn, nhóm các đối tượng này sẽ liên tục dùng các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp. Sau khi củng cố các tài liệu, ngày 11/7/2021, Công an TP. Vinh đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh, các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị: Diễn Châu, Yên Thành, TX. Cửa Lò, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương… đồng loạt tiến hành khám xét 35 cơ sở là các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ của các nhóm nói trên, bắt giữ 44 đối tượng. 

Thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Công an Nghệ An đã đồng loạt ra quân truy quét, tổng kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã phá thành công 96 chuyên án, vụ án; bắt 163 đối tượng về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, làm rõ số tiền cho vay hơn 600 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen còn tiềm ẩn phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân gặp khó khăn về kinh tế, có nhu cầu sinh hoạt, phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng nên có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, trong đó có “ tín dụng đen” để vay tiền.

Tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh, thiếu niên…Nhiều người có tiền trong khi việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn nên đã sử dụng vào việc cho vay nặng lãi.

Đối tượng Bạch Thị Sen trú tại huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Khánh Vân
Đối tượng Bạch Thị Sen trú tại huyện Con Cuông bị khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh tư liệu: Khánh Vân

Điều đáng lưu tâm là hiện nay không chỉ ở thành phố và các khu vực trung tâm, “tín dụng đen” còn xuất hiện cả ở khu vực miền núi. Điển hình trong tháng 1/2021, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Bạch Thị Sen (SN 1969), trú tại xã Bồng Khê (Con Cuông) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn, Sen đứng ra tổ chức cho nhiều người vay gần 1 tỷ đồng với lãi suất cao từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày, thu lợi bất chính gần 200 triệu đồng.

Hay ngày 28/8/2021, Công an huyện Kỳ Sơn chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Ải bắt 1 đối tượng là Phó trưởng Trạm Y tế xã Mường Típ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, làm rõ số tiền cho vay lãi nặng hơn 700 triệu đồng, thu lợi bất chính 500 triệu đồng.

Một số đối tượng còn cho học sinh, sinh viên vay với lãi suất lãi suất 240%/1 năm (tương đương 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày), cao cấp 12 lần so với quy định cho phép như Nguyễn Văn Đoàn (SN 1997), trú tại xã Tân Thành (Yên Thành). Trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 7/2021, Đoàn đã thực hiện hành vi cho vay lãi nặng với khoảng 50 người dân trên địa bàn, chủ yếu là lứa tuổi học sinh với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 150 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Văn Đoàn và tang vật. Ảnh tư liệu Ân Phú
Đối tượng Nguyễn Văn Đoàn và tang vật. Ảnh tư liệu Ân Phú

Thủ đoạn thu hồi nợ của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng vô cùng manh động, liều lĩnh với nhiều hình thức như đe dọa, uy hiếp tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, tung ảnh con nợ lên zalo, facebook… gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội

Xử lý nghiêm

Dự báo thời gian tới, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, ngoài sử dụng các phương thức truyền thống sẽ tăng cường sử dụng mạng internet, các phần mềm quản lý để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội; sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ vay tiền với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như núp bóng doanh nghiệp, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội, nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào người có nhu cầu vay tiền.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý ham lợi của người có tiền nhàn rỗi, có nhu cầu đầu tư kinh doanh để kêu gọi huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tiền ảo trên không gian mạng, hứa hẹn trả lãi suất cao bất thường; hoặc lợi dụng các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ tài chính đối với người dân, các đối tượng có thể móc nối với cán bộ liên quan để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức vay tiền…

Lực lượng Công an thu giữ nhiều tang chứng, vật chứng liên quan đến đường dây tín dụng đen 1000 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Xuân Bắc
Lực lượng Công an thu giữ nhiều tang chứng, vật chứng liên quan đến đường dây tín dụng đen 1.000 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Bình Minh

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, ngày 13/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 9721/UBND-NC chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường đấu tranh với loại tội phạm này. Trong đó, yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và diễn biến của dịch Covid-19.

UBND các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với ngân hàng và các sở, ngành liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong và sau dịch Covid-19. Đồng thời, tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để có các giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục hồi sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”.

Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu Trọng Dại.jpg
Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu Trọng Đại

UBND tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý về an ninh, trật tự có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; triệt để thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ; có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ; kinh doanh dịch vụ cho vay; kinh doanh tài chính hoạt động không phép hoặc biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”.

Nghiên cứu, triển khai, đề xuất các biện pháp quản lý Nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng và các vấn đề nảy sinh liên quan đến quản lý việc góp vốn, đầu tư vào các hoạt động cho vay của người nước ngoài trên địa bàn. Quản lý, theo dõi chặt chẽ số đối tượng có điều kiện, khả năng, biểu hiện hoạt động phạm tội về “tín dụng đen” để phòng ngừa.

Đẩy nhanh độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể dễ tiếp cận đến người dân, cảnh báo sớm phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động “tín dụng đen” có thể xảy ra trên địa bàn. 

Ngày 15/2/2021, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ra Công điện số 44/CĐ-UBND về việc tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, yêu cầu ngành chức năng tập trung chỉ đạo đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, “tín dụng đen”, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê… góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

tin mới

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

(Baonghean.vn) - Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, Tổ tuần tra, kiểm soát Đại đội Cảnh sát Cơ động đã bắt 01 đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và 02 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý; thu giữ các tang vật liên quan.

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.