Để nghề mây tre đan phát triển bền vững

(Baonghean) - Mây tre đan là một trong những nghề truyền thống của người dân ở các vùng nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 13 ngàn lao động trong tỉnh Nghệ An. Không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình phát triển nhưng nghề mây tre đan đang có những dấu hiệu khởi sắc đáng mừng.
Là một trong những điểm sáng được tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề vào năm 2005, làng nghề Đồng Văn ở xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) từng bước xây dựng được thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường mây tre đan. Đến làng vào thời điểm này chúng tôi bắt gặp hình ảnh người già, trẻ nhỏ tất bật với công việc chẻ mây, đan lát, bởi đây đang là thời điểm nông nhàn và thời tiết bắt đầu nắng ấm. Các sản phẩm rổ, rá đèn lồng, khay đựng với những mối đan tinh xảo được những bàn tay khéo léo làm ra phơi khắp trong nhà, ngoài sân. Hiện tại làng nghề Đồng Văn có gần 250 lao động theo nghề, phân bố tại 6 xóm với trình độ tay nghề khá cao.
Sơ chế nguyên liệu tại Công ty Đức Phong.
Sơ chế nguyên liệu tại Công ty Đức Phong.
Bà Trần Thị Lài - Trưởng ban quản lý làng nghề cho biết: “Sản phẩm của bà con làm ra đều được các công ty bao tiêu sản phẩm với mức giá khá ổn định. Thu nhập từ nghề cùng với sản xuất nông nghiệp giúp cho cuộc sống của người dân bớt khó khăn. Những năm qua, làng có 50 hộ thoát nghèo, 30 hộ thoát cận nghèo. Đặc biệt, trong đó có 15 hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành các hộ khá, giàu của địa phương. Để nâng cao tay nghề, các lao động của địa phương đã đăng ký tham gia các lớp đào tạo do các công ty hoặc trung tâm dạy nghề tổ chức. Trong năm 2014 đã có 4 lớp học nghề với 120 học viên tham gia”. Hiện tại, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 12 làng nghề mây tre đan, với hơn 4.000 lao động trong nghề, tổng thu nhập mang lại trong năm 2014 đạt 8,4 tỷ đồng. 
Về xã Tiền Phong (huyện Quế Phong), địa phương có sản phẩm mâm mây Na Nhắng được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Theo ông Moong Thái Dương, Bí thư chi bộ bản cho biết: “Hiện Na Nhắng có 55 hộ theo nghề. Bà con thường đan mâm mây, ghế, sọt… với mức giá giao động từ 200 đến 300 nghìn đồng một sản phẩm. Đối với những sản phẩm đòi hỏi sự công phu và kích thước lớn thì hơn 1 triệu đồng. Hằng tuần, các thương lái ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp thường tìm về để nhập hàng nên đầu ra cũng tạm ổn”. Cùng đó, bản Khủn của xã Tiền Phong cũng là nơi đã gắn liền với nghề đan từ lâu đời với 53 hộ theo nghề. Ông Vi Thanh Hiếu là một trong những người có thâm niên gần 30 năm trong nghề, chia sẻ: “Ngoài thời gian làm rẫy, gia đình tôi có 5 người làm nghề. Đây là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình… ”. 
Về phía doanh nghiệp, tìm hiểu qua Công ty Đức Phong (Thành phố Vinh), được biết, hơn 70% sản phẩm của công ty được xuất bán trên 34 quốc gia, đặc biệt các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Đây là doanh nghiệp đầu mối liên kết với các làng nghề trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm cũng như cung cấp nguồn nguyên liệu và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Hiện doanh nghiệp có 70 người tham gia các tổ nhóm từ sơ chế nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, thi công với mức lương 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Sự liên kết giữa Công ty Đức Phong, HTX Thắng Lợi (Yên Thành) và Công ty Phương Anh (Quỳnh Lưu) được xem là thế “kiềng 3 chân” trong vấn đề bao tiêu sản phẩm từ các làng nghề mây tre đan, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con làm nghề.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 43 làng nghề mây tre đan với hơn 13 ngàn lao động hoạt động nghề, trong đó có 3.700 lao động thường xuyên, năm 2014, doanh thu từ mây tre đan đạt gần 85 tỷ đồng. Phần lớn những sản phẩm được làm ra đã đạt tới độ tinh xảo, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, hiện nay nghề mây tre đan đang gặp khó khăn do nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Định Kiệm, Phó Chủ tịch xã Tiền Phong (Quế Phong) cho biết: “Ngày xưa bà con chỉ cần vào rừng Nậm Niêng hay các dãy núi thuộc vùng Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn là có mây, nhưng nay cơm đùm cơm nắm cả 3 ngày trời mới tìm được mây. Trước tình hình đó, năm 2011, xã đã thí điểm cung cấp hơn 2.000 cây mây nếp giống cho 6 hộ dân trồng nhưng vì trồng ở đất vườn nên không phát triển được. Khó khăn trong khâu nguyên liệu hiện đang là vấn đề nan giải đối với nghề…”. 
Về đầu ra cho sản phẩm, trước đây toàn tỉnh có hơn 10 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề mây tre đan, nhưng hiện chỉ còn 6 doanh nghiệp và phần lớn trong số đó có quy mô nhỏ, khả năng thích nghi, phản ứng nhanh trước những biến động của thị trường còn yếu. Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của nghề, ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong cho biết: “Để có thể tiêu thụ được các mặt hàng mây tre đan, ngoài chất lượng sản phẩm thì yếu tố mẫu mã, thiết kế kỹ thuật cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt, khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe.
Do đó, tay nghề phải không ngừng được nâng cao, trong khi nguồn lao động của chúng ta lại chủ yếu xem đây là nghề phụ làm trong thời gian nông nhàn nên phần lớn vẫn chưa đầu tư nâng cao tay nghề. Mặt khác, nguồn nguyên liệu chỉ dồi dào vào mùa nắng nhưng đơn đặt hàng thì lại phân bố đều trong năm đòi hỏi các doanh nghiệp cần có nguồn dự trữ đủ. Trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao (những năm trước giá 1.300 đồng/kg lùng, nay đã tăng lên tới 5.000 đồng/kg), nhưng giá đầu ra lại tăng chậm nên các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.”
Hy vọng cho nghề mây tre đản được mở ra khi Dự án “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây, lùng và người dân tộc thiểu số nghèo” do tổ chức Oxfam tài trợ được triển khai (từ năm 2013) tại 4 huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu và Quế Phong, với tổng số vốn 1,3 triệu USD. Sau gần 2 năm thực hiện, đã có trên 3.500 hộ vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận và tham gia phát triển chuỗi giá trị mây, lùng. Các huyện đã thành lập được 6 vườn ươm giống và sản xuất được trên 600 nghìn cây giống; trồng mới được 50 ha mây. Về đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, Sở LĐ - TB&XH, Liên minh Hợp tác xã cùng với phòng nông nghiệp của các huyện cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề cho các học viên đăng ký. Tuy nhiên, để nghề mây tre đan phát triển, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và tổ chức các hội chợ, tăng cường quảng bá sản phẩm ra thị trường trong, ngoài nước. Nếu lồng ghép, thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nghề mây tre đan.
Thanh Quỳnh

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.