'Huyền thoại' Lê Công Vinh: Tài năng hay không tài năng?

Trung Kiên 30/03/2020 14:25

(Baonghean.vn) - Cựu tiền đạo Lê Công Vinh được xem là “huyền thoại” của bóng đá Việt Nam. Nhắc đến Lê Công Vinh là người ta sẽ nghĩ đến sự khổ luyện, chăm chỉ và nỗ lực không ngừng vươn lên. Nhưng liệu cựu tiền đạo trưởng thành từ SLNA có được thành công đâu chỉ nhờ vào sự may mắn.

Xuất thân

Lê Công Vinh xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Anh sinh 1985 tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh là con trai duy nhất trong nhà, có chị và em gái Khánh Chi. Khi vừa lớn lên, gia đình lâm vào cảnh kinh tế kiệt quệ vì bố bị tai nạn giao thông. Để giải quyết những khó khăn đó, người bố là ông Lê Công Duệ tìm đến con đường buôn chất cấm và bị bắt, chịu án tù 12 năm.

Thời gian đó, Lê Công Vinh trải qua những ngày tháng kham khổ, mẹ là chỗ dựa duy nhất của gia đình. Bây giờ, Lê Công Vinh còn nhớ đến kỷ niệm buồn không có đến một đôi dép lành lặn để đi đám cưới họ hàng và phải đi mượn.

Gia đình của Lê Công Vinh không có ai theo nghiệp thể thao. Và khi vào lò SLNA khi đã 14 tuổi, độ tuổi khá muộn so với một cầu thủ bóng đá năng khiếu mà đội bóng xứ Nghệ thu nạp. Trước khi đến với SLNA, Lê Công Vinh chỉ chơi ở những sân làng hay lớn hơn là Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An.

Tuổi thơ đầy gian khó của Lê Công Vinh. Ảnh: FBNV
Tuổi thơ đầy gian khó của Lê Công Vinh. Ảnh: FBNV

Dấu hỏi về tài năng

Vì vào lò SLNA muộn nên năng khiếu, kỹ thuật của Lê Công Vinh thuộc diện “bét” nhất so với lứa cầu thủ lúc đó, thể hình mảnh khảnh và chưa có một ý thức chiến thuật nào. Và đương nhiên, Lê Công Vinh không được xếp vào diện những ngôi sao có triển vọng phát triển.

Trong cuốn tự truyện của mình, Lê Công Vinh kể: “Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Bù lại cho những hạn chế về hình thể và kỹ thuật, tôi lại có được một ý chí mạnh mẽ. Bởi thế mà trong những buổi tập, tôi luôn nỗ lực nhiều hơn các bạn khác.

Tôi cũng không cho phép mình được thua họ trong những trò chơi về kỹ năng. Một trong những trò chơi yêu thích nhất của tôi là bóng lưới. Giăng lưới cao như bóng chuyền, rồi dùng đầu và vai đưa quả bóng sang bên kia, ai để bóng chạm đất là thua. Tôi đã chơi trò này không biết mệt mỏi.

Thoạt đầu tiên tôi thua nhiều hơn thắng. Và hễ ai thua thì phải chui qua háng đối thủ. Ban đầu chui, ai cũng cảm thấy rất nhục nhã. Vừa phải khom lưng cúi đầu, vừa phải nghe tiếng cười nhạo chế giễu, có cảm giác như không có gì xấu hổ hơn giây phút ấy nữa. Nhưng thua riết thành... quen.

Lê Công Vinh khi còn khoác áo SLNA. Ảnh: SLNA FC
Lê Công Vinh khi còn khoác áo SLNA. Ảnh: SLNA FC

Cứ thấy ai rủ chơi là tôi tham gia, có phải chui háng cũng chịu. Chui được một thời gian thì tôi tiến bộ rõ. Từ chỗ thua nhiều hơn thắng đã thành thắng nhiều hơn thua. Môn thể thao tập mà chơi, chơi mà tập này giúp tôi tiến bộ trông thấy ở khả năng xử lý bóng bằng đầu. Nhưng để vượt qua kỳ sát hạch, tôi vẫn còn phải hoàn thiện hàng tá những kỹ năng khác”.

Ở các giải đấu trẻ như U16 hay U18, Lê Công Vinh đều không có dấu ấn gì đặc biệt. Tuy nhiên, năm 2002, lần đầu tiên Lê Công Vinh được gọi vào ĐT U18 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Sau đó 1 năm, Lê Công Vinh được tuyển thẳng lên đội U20 Việt Nam và được vinh dự mang băng thủ quân.

Tại vòng loại U20 châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Minh Xương, Lê Công Vinh giúp đội nhà giành vé dự vòng chung kết với 4 bàn thắng. Cũng trong năm 2002, Lê Công Vinh dự giải U21 quốc gia rồi giành danh hiệu Vua phá lưới, còn U21 SLNA giành ngôi Á quân.

Thời điểm đó, so với những Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn, chưa kể cả các ngoại binh, Lê Công Vinh không được xếp vào diện được lên đội 1 SLNA. Sau khi Công Vinh trở về từ Than Quảng Ninh theo dạng cho mượn, đội bóng xứ Nghệ đã lên kế hoạch cho Thừa Thiên Huế mượn cầu thủ trẻ này.

Bước ngoặt trong sự nghiệp

Giải tiền SEA Games 22 - JVC Cup diễn ra năm 2003 được xem là giải đấu cuối cùng của Công Vinh trong màu áo SLNA trước khi vào Huế. Tuy nhiên, tại giải đấu đó, Lê Công Vinh thi đấu đầy ấn tượng, ghi bàn ấn định tỷ số 3-0 trong trận gặp Persik Kediri (Indonesia), để cùng SLNA bước vào trận chung kết gặp Perak.

Trận chung kết đó là một ký ức đẹp của Lê Công Vinh, HLV Hữu Thắng và các cầu thủ SLNA thời điểm đó. Với riêng Công Vinh, anh ghi 2 bàn thắng và giúp đội nhà ngược dòng thắng 2-1, nâng cao chiếc Cúp vô địch. Nhờ màn trình diễn ấn tượng này (4 bàn thắng), Công Vinh được HLV A. Riedl gọi bổ sung vào danh sách dự SEA Games 22. Và đương nhiên, Lê Công Vinh được SLNA giữ lại để tham dự V.League 2004 còn Phan Thanh Hoàn vào Huế.

Giải bóng đá tập huấn JVC Cúp 2003 đã thay đổi sự nghiệp Lê Công Vinh. Ảnh: BLV Quang Huy
Giải bóng đá tập huấn JVC Cúp 2003 đã thay đổi sự nghiệp Lê Công Vinh. Ảnh: BLV Quang Huy

Đến năm 2004, Công Vinh ghi bàn đầu tiên ở V.League ngày 8/2/2004 vào lưới Đồng Tháp. Anh nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của bóng đá Việt Nam, nhận luôn danh hiệu Quả bóng vàng. Đó cũng là thời điểm Lê Công Vinh trở thành “top” cầu thủ trẻ nhất được gọi vào ĐTQG khi anh mới 18 tuổi 183 ngày.

Những ánh hào quang đó giúp Lê Công Vinh được các CLB Nhật Bản và Ả Rập Xê Út mời chào với mức lương 8.000 tới 10.000 USD/ tháng. Nhưng con số lớn nhất mà Công Vinh được đề nghị là vào năm 2007, khi ông Đỗ Quang Hiển đặt vấn đề với SLNA bằng số tiền 1 triệu USD nhưng thương vụ này vẫn không thành công.

Trở thành “tỷ phú” chuyển nhượng

Lê Công Vinh được xếp vào diện những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất bóng đá Việt Nam. Kết thúc V.League 2008, Công Vinh gia nhập CLB Hà Nội (Hà Nội T&T) với số tiền lót tay 8 tỷ, CLB Hà Nội chỉ phải trả cho SLNA 500 triệu đồng tiền phí đào tạo.

Đến V.League 2011, Lê Công Vinh đến với CLB Hà Nội ACB của bầu Kiên với số tiền 13 tỷ đồng, mức lương thuộc hàng kỷ lục là khoảng 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Công Vinh cũng chỉ thi đấu cho CLB Hà Nội trong 1 năm và đội bóng này không tham dự V.League 2013. Anh được SLNA dang tay chào đón.

Trong thời gian thi đấu cho SLNA, Công Vinh dẫn đầu danh sách ghi bàn V.League khi hết lượt đi, anh được SLNA cho Consodale Sapporo (Nhật Bản) mượn trong vòng 5 tháng để chơi tại giải J.League 2 của Nhật Bản. Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh không dưới 60.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng).

Lê Công Vinh khi vừa trở về SLNA năm 2013. Ảnh: Đức Đồng
Lê Công Vinh khi vừa trở về SLNA năm 2013. Ảnh: Đức Đồng

Sau khi V.League 2014 kết thúc, Lê Công Vinh chấp nhận ở lại SLNA 3 năm với số tiền chuyển nhượng 6 tỷ đồng nhưng đội bóng xứ Nghệ không đồng ý. Anh gia nhập CLB B. Bình Dương theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, mức lót tay từ 8 - 10 tỷ đồng. Tổng cộng, sau hơn 10 năm thi đấu đỉnh cao với 3 lần chuyển nhượng chính thức, Lê Công Vinh đã kiếm được số tiền xấp xỉ 30 tỷ đồng.

Thu nhập của Lê Công Vinh cũng thuộc diện rất cao với hàng loạt hợp đồng quảng cáo. Theo tiết lộ của Lê Công Vinh, tổng số tiền thu về từ quảng cáo của anh lên đến hàng tỷ đồng. Những con số này đủ chứng minh anh là cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất trong làng bóng đá Việt.

Thành tích cá nhân và danh hiệu

Ở cấp độ ĐTQG, Lê Công Vinh vô địch AFF Cup 2008, là người ghi bàn trong trận chung kết lượt đi lẫn lượt về. Ở cấp độ V.League, lần duy nhất Lê Công Vinh trở thành nhà vô địch là năm 2015 trong màu áo B. Bình Dương. Tuy nhiên, năm đó anh đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, ghi được 4 bàn sau 20 trận.

Trong lịch sử thi đấu, Lê Công Vinh đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2004, 2006, 2007; Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2005; Quả bóng Đồng Việt Nam năm 2008, 2014, 2015; Vua phá lưới Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2004 và Cúp QG Việt Nam 2004; Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2004.

Lê Công Vinh và danh hiệu đồ sộ của mình trong sự nghiệp. Ảnh: FBNV
Lê Công Vinh và danh hiệu đồ sộ của mình trong sự nghiệp. Ảnh: FBNV

Hiện nay, Lê Công Vinh đang giữ kỷ lục Cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất lịch sử giải vô địch quốc gia Việt Nam (V.League) với 132 bàn theo thống kê của Soccerway và 116 bàn theo thống kê trong nước. Cựu tiền đạo xứ Nghệ là người ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG với 51 bàn thắng và khoác áo ĐTQG nhiều nhất với 85 trận.

Không chỉ là 1 trong 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại lịch sử Giải Vô địch Đông Nam Á, anh còn thuộc top 10 cầu thủ trên thế giới ghi bàn nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia thế giới tính đến năm 2016. Và nhờ đó, Lê Công Vinh được công nhận là huyền thoại bóng đá của Đông Nam Á, sánh vai với những gương mặt như Bambang Pamungkas (Indonesia), Kiatisak (Thái Lan)...

Đến thời điểm này, khi bóng đá Việt Nam chứng kiến những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu lần lượt ra nước ngoài thi đấu thì vẫn chưa có cầu thủ nào được thi đấu nhiều nhất và có thành tích vượt mặt đàn anh. Cụ thể, Công Vinh đã thi đấu 132 phút/3 trận/1 bàn thắng tại Bồ Đào Nha trong màu áo CLB Leixoẽs S.C và 503 phút/11 trận/4 bàn thắng tại Nhật Bản.

Nhắc đến Lê Công Vinh, đa phần người hâm mộ sẽ nhớ đến một cầu thủ thành công nhất trong suốt 2 thập kỷ 2000-2020, xét về những danh hiệu, kỷ lục lẫn sự giàu có. Và nếu quay ngược lại thời gian và đánh giá rằng, Lê Công Vinh không phải là một cầu thủ tài năng và chỉ nhờ vào khổ luyện, may mắn thì đó có lẽ đó là một nhận định sai lầm.

Mới nhất
x
'Huyền thoại' Lê Công Vinh: Tài năng hay không tài năng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO