Bàn giao lưới điện nông thôn: Còn nhiều vướng mắc

(Baonghean) - Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế về cung cấp điện, tạo sự công bằng trong sử dụng điện giữa người dân nông thôn và thành thị. thời gian qua, công tác giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết.
Bảo dưỡng, duy tu hệ thống điện lưới trước mùa mưa bão ở Thanh Chương  	Ảnh: Thành Chung
Bảo dưỡng, duy tu hệ thống điện lưới trước mùa mưa bão ở Thanh Chương Ảnh: Thành Chung
Theo kế hoạch, huyện Diễn Châu sẽ hoàn thành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn toàn bộ 100% các xã, thị trấn trong năm 2014. Tuy nhiên trên thực tế, mục tiêu này khó trở thành hiện thực. Tính đến ngày 16/10/2014, trên địa bàn huyện có 29 xã, thị trấn đã bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý, với tổng số có 136/183 trạm biến áp. Còn lại 10 xã và 2 HTX chưa bàn giao. Điện lực Diễn Châu đã làm việc với các xã và HTX dịch vụ điện năng, nhưng chưa thống nhất được để bàn giao hoặc xin lùi thời gian bàn giao. Ông Mai Thanh Hùng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp và Điện năng Diễn Hồng cho biết: Năm 1990, HTX bắt đầu có điện, lúc đó người dân đóng góp 50% và HTX bỏ ra 50% để xây dựng công trình điện từ 35KV đến 0,4KV. Đến năm 1997, những hộ sử dụng điện sau đóng góp 500.000 đồng/hộ.
Từ đó HTX quản lý điện có lãi và dùng lãi để đầu tư xây dựng nâng cấp toàn bộ đường dây 0,4KV và đầu tư thêm 3 trạm biến áp; 100% đường dây cáp bọc. Nhờ đó, chất lượng điện của Diễn Hồng luôn đảm bảo. Chúng tôi đồng tình với chủ trương của Nhà nước về bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện. Song HTX đầu tư nâng cấp lưới điện từ năm 1991 đến nay là hàng chục tỷ đồng, do vậy HTX xin kéo dài thời gian bàn giao để thu hồi lại một phần vốn nhằm đầu tư mở rộng dịch vụ kinh doanh khác, đảm bảo việc làm và đời sống cho các thành viên. Ban Quản trị HTX cũng đề nghị, khi bàn giao cho ngành Điện quản lý, phải đánh giá tài sản theo hiện trạng thực tế. 
Ông Tăng Văn Luyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Từ khi có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bàn giao lưới điện trong năm 2014, huyện đã tổ chức cuộc họp với các chủ tịch xã, chủ nhiệm HTX để quán triệt chỉ đạo bàn giao. Song trên địa bàn huyện hiện có hai cái khó, còn 2 xã Diễn Hồng và Diễn Nguyên người dân chưa đồng thuận bàn giao lưới điện, do khi xây dựng lưới điện 0,4KV chủ yếu do dân đóng góp, hiện đang kinh doanh hiệu quả, có lãi nên muốn duy trì. Cùng với đó, Chi nhánh điện Diễn Châu cần nhân lực lớn để tiếp nhận bàn giao quản lý. Hiện còn hơn 11.000 hộ dân sử dụng điện chưa bàn giao, cần lực lượng để làm công tác tiếp nhận. Do đó đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường lực lượng cho Chi nhánh điện Diễn Châu tập trung công tác tiếp nhận mới đảm bảo kế hoạch; đề xuất Sở Công Thương kiểm tra, thông báo cho các đơn vị về “giấy phép kinh doanh có điều kiện” để các xã biết. Kế hoạch của huyện Diễn Châu là bàn giao xong lưới điện trong năm 2014, còn 2 xã Diễn Hồng và Diễn Nguyên cố gắng bàn giao đầu năm 2015. Huyện đang chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân đồng thuận, trước mắt còn có lãi, nhưng về lâu dài, khi hạ tầng lưới điện xuống cấp không đảm bảo, tiêu hao điện, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. 
Trong khi đó, tại huyện miền núi Tương Dương, công tác bàn giao lưới điện được các địa phương đồng tình nhưng, cái khó là ngành Điện thiếu nhân lực vận hành, tiếp nhận. Ông Hoàng Đình Hợi - Phó phòng Công Thương huyện cho hay: Toàn huyện có 15/18 xã, thị trấn có điện. Đến thời điểm hiện nay đã bàn giao được 117 trạm, còn lại 5 trạm chưa bàn giao, trong đó có 4 trạm thuộc xã Tam Hợp và 1 trạm xã Yên Na. Tuy vậy, huyện Tương Dương cố gắng chậm nhất đến hết tháng 10/2014 sẽ bàn giao toàn bộ 5 trạm còn lại cho ngành Điện quản lý. 
Đến nay, toàn tỉnh có 394 xã đã bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý, bán điện. Đồng thời, vẫn còn 28 xã chưa bàn giao. Bên cạnh kết quả đạt được, việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của các xã còn lại thực hiện quá chậm so với văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như chủ trương, kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đề ra. Tiến độ bàn giao và hoàn trả chậm do quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các công trình lưới điện hạ áp nông thôn ngoài Dự án REII được đầu tư xây dựng chưa thực sự tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước và được chuyển giao qua nhiều chủ sở hữu, phần lớn không còn thiết kế, nên công tác khảo sát, xác định giá trị còn lại gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian; các đơn vị trực tiếp tham gia quá trình bàn giao còn chưa tích cực chủ động để thực hiện công tác giao nhận.
Một số địa phương thiếu sự đồng thuận và nhất quán chỉ đạo các chủ tài sản, nên kéo dài thời gian; các địa phương có Dự án REII sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, hàng năm các HTX không trích lập khấu hao đầy đủ để trả nợ và lãi vay đầu tư xây dựng công trình mà sử dụng quỹ khấu hao phải trích lập để thanh toán nợ vốn vay cho mục đích trả thù lao, lương, chi phí khác, vô hình trung đang “kinh doanh có lãi” nên một số HTX trì hoãn, gây khó khăn cho việc bàn giao. Việc xác định cơ cấu nguồn vốn gặp khó khăn do chủ sở hữu các công trình lưới điện hạ áp nông thôn hầu hết không có hồ sơ gốc, sổ kế toán, chứng từ liên quan của công trình để làm căn cứ cho việc hoàn trả. Hiện nay, các chủ tài sản lưới điện hạ áp nông thôn còn lại thống nhất bàn giao theo hình thức hoàn trả vốn, vì vậy, hồ sơ giao và hoàn trả cần phải đầy đủ, đúng quy định.
Đối với tài sản huy động vốn của dân và vốn của HTX để xây dựng công trình cần phải có hồ sơ gốc gồm: Nghị quyết của HĐND, UBND xã hoặc nghị quyết đại hội xã viên; các chứng từ, sổ sách, phiếu thu, danh sách huy động có chữ ký của người nộp tiền. Nhưng do quá trình đầu tư đã qua nhiều năm, các HTX hầu hết không có đầy đủ hồ sơ chứng từ gốc ban đầu theo quy định. Mặt khác, công tác kiểm đếm, thống kê tài sản, phân định nguồn vốn, lập hồ sơ, tổ chức chốt chỉ số công tơ, sửa chữa lưới điện củng cố sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cải tạo cần phải có một thời gian nhất định, vì vậy không thể cùng lúc thực hiện được nhiều xã, đây cũng là nguyên nhân làm cho công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn chậm tiến độ đề ra. Ngày 4/12/2013, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, thay thế cho Thông tư liên tịch 06/2010, bước đầu khắc phục được những bất cập trong công tác bàn giao hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn.
Từ thực tế trên cho thấy, để quá trình bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn được hoàn thành, ngành Điện cần thực hiện nhanh việc hoàn trả vốn, cần đầu tư nâng cấp, tiếp tục khai thác và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người sử dụng điện ở khu vực nông thôn, như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao của người dân cũng như của các HTX.
Quỳnh Lan

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.