Làng hoa Hồng Phú

(Baonghean) - Ở gần huyện lỵ Quỳnh Lưu (Thị trấn Giát), có một làng hoa chưa thật sự nổi tiếng, nhưng cũng đủ để người dân quanh vùng biết đến, đó là làng Hồng Phú, thuộc xã Quỳnh Hồng. Từ mấy năm nay, những vườn hoa và cánh đồng hoa đã đem đến cho đời sống nông dân nơi đây bao hương sắc mới...
Mùa Đông đã “gõ cửa” những ngôi làng vùng biển, cơn gió từ khơi xa đã mang ít nhiều cái buốt lạnh. Những ngày này, chúng tôi về Hồng Phú, một địa danh mới nghe qua đã gợi lên cảm giác ấm áp và tươi vui, sự no đủ và giàu có. Từ Quốc lộ 1A đã mở rộng thênh thang, rẽ về phía biển mấy trăm mét là chạm đến vùng đất đang từng bước được “đổi đời” nhờ biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng. Những ngôi nhà cấp 4 khang trang và nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên như một minh chứng cho tên gọi của làng... Người dân làng Hồng Phú, đàn ông thì đang tích cực thi công các tuyến đường nội thôn và đường phục vụ làng nghề. Còn phụ nữ lại đang mải miết giữa những khu vườn nhà và cánh đồng rộng lớn. Những luồng gió lạnh tràn về cũng là lúc bà con nông dân bắt đầu vụ trồng hoa, cái đích họ hướng tới là thị trường dịp Tết Nguyên đán. 
Hoa làng Hồng Phú được bày bán ở các khu chợ trên địa bàn Quỳnh Lưu.
Hoa làng Hồng Phú được bày bán ở các chợ trên địa bàn Quỳnh Lưu.
Ở cái làng này, gần như nhà nhà bận rộn, người người bận rộn, muốn gặp gỡ và chuyện trò quả là rất khó. Giữa cánh đồng rộn rã tiếng nói cười, tiếng những nhát cuốc xới vào thửa đất, chúng tôi tìm gặp Trưởng thôn Trần Thị Quang. Người phụ nữ xốc vác và năng động này vừa tiếp chuyện với khách, nhưng tay vẫn không rời cây cuốc, mắt vẫn không chịu buông khỏi những luống đất đã vun cao. “Mùa trồng hoa đến rồi, phải tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, chứ ít lâu nữa lạnh quá, năng suất sẽ giảm xuống thì tiếc lắm” - chị Quang bộc bạch. Gió lạnh nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhãi trên khuông mặt, chúng tôi đọc được trong ánh mắt chị niềm vui, niềm hy vọng và tin tưởng sẽ có một mùa hoa bội thu sau khoảng 3 tháng nữa, khi cái Tết đã cận kề. Những thửa ruộng xung quanh, những người hàng xóm của chị Quang cũng đang miệt mài với công việc xới đất, bón phân, gieo hạt và trồng hoa. Nói như vậy không có nghĩa là người Hồng Phú không hiếu khách, những câu chuyện của họ rất đỗi chân tình, họ sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi lo toan cuộc sống cùng những dự định tương lai. 
Người Hồng Phú vẫn chưa quên khoảng 10 năm về trước, khi cây hoa bén rễ chưa nhiều, bà con nông dân chủ yếu chăm lo 2 vụ lúa mỗi năm. Ông bà xưa thường nói: “Con đông thì đói, độc canh thì nghèo”, làng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Lúa trồng có mùa vụ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày, nhà nào dư một ít thì bán để lo chuyện học hành cho con cái và sắm sửa các loại vật dụng trong gia đình. Nhưng giá lúa chẳng mấy khi cao, nếu tính chi phí giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật có khi vừa hết, may mắn lắm thì lấy công làm lãi. Do vậy, để có tiền trang trải các nhu cầu về cuộc sống, vào mỗi dịp nông nhàn, bà con phải bươn chải khắp nơi, làm đủ nghề. Lớp trẻ lớn lên đều tìm cách rời khỏi quê hương, không học hành lên cao thì cũng đến các khu công nghiệp khắp mọi miền đất nước để tìm kế sinh nhai. Rồi một ngày, người Hồng Phú nhận thấy nhu cầu thị trường hoa ngày một lớn, khi cuộc sống vật chất được cải thiện con người có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần và tâm linh. Một thời, nhiều người xem cây hoa là thứ phù phiếm, nên thị trường hoa bó hẹp. Nay vào dịp lễ, Tết, hội hè, cưới hỏi, ngày rằm nhiều người đã tìm đến hoa, và dĩ nhiên thị trường hoa ngày càng mở rộng. 
Ở Hồng Phú, cây hoa bén rễ từ mấy chục năm trước, nhưng chỉ giới hạn ở những khóm nhỏ quanh vườn, người trồng với mục đích chính là để thưởng ngoạn, làm cảnh. Đã đến lúc diện tích cây hoa được mở rộng, thay thế các loài cây ít có giá trị trong vườn, các giống hoa ngày một tăng cao, đem lai nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Dịp này, người Hồng Phú có cơ hội chứng tỏ được sự năng động trong cơ chế thị trường, khi khắp xóm, khắp làng thắm sắc vườn hoa. Hoa Hồng Phú có mặt ở các phiên chợ Giát, vào chợ Phủ Diễn, ngược lên Nghĩa Đàn, ra tận Thanh Hóa. Ý tưởng hình thành vùng chuyên canh hoa cũng bắt nguồn từ đó. Không ít gia đình ở vùng quê này đã thực sự “đổi đời” nhờ trồng hoa. Hồng Phú có 225 hộ, trong đó 61 hộ công nhân viêc chức, 164 hộ nông dân. Số hộ nông dân chuyên trồng hoa hiện lên tới 130. Hiện tại, chỉ còn 6 hộ nghèo, hầu hết là do rủi ro, tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật.
Năm 2011, UBND tỉnh đã công nhận Hồng Phú là Làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Trên thực tế, cây cảnh chỉ đứng được một thời gian, có người từng lãi đến hàng tỷ đồng. Nhưng về sau thị trường không còn ưa chuộng, nên không còn phát triển, phần lớn các hộ đều đã bỏ hoặc để một ít làm cảnh, không còn nghĩ đến chuyện bán buôn. Với các loài hoa thì lại không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làng làm giàu từ trồng hoa là vì thế. Phần lớn cánh đồng làng giờ đã được quy hoạch trồng hoa, hướng đi của bà con đang ngày càng tiến tới sự chuyên nghiệp hóa. “Nói có sách, mách có chứng”, khi công việc buổi sáng cơ bản đã xong, chị Trần Thị Quang dẫn chúng tôi dạo khắp cánh đồng được quy hoạch trồng hoa, vừa đi vừa trò chuyện như một kỹ sư nông nghiệp giảng bài cho sinh viên.
Những thửa ruộng đã được quy hoạch lại, đất đắt lên cao, bên cạnh là ao nhỏ chứa nước, dùng để tưới cho hoa những lúc cần. Nhiều hộ đã đầu tư dựng cột bê tông, phủ các loại lưới để che mưa, che nắng và ngăn sương muối làm hại cây hoa. Phía dưới là hệ thống phun tưới nước tự động, chỉ cần đóng điện, lập tức các vòi phun quay tít, nước được tưới đều cho các luống hoa. Từ chỗ cánh đồng hoa đang vào vụ gieo trồng, chị Quang chỉ vào làng và không dấu được niềm tự hào: “Muốn biết trồng hoa hiệu quả ra sao, chú chỉ cần nhìn những ngôi nhà cao phía trước, những con đường sạch bong. Điều này trước đây có mơ cũng không ai nghĩ tới”. 
Nói rồi, chị Quang dẫn chúng tôi vào làng, ghé thăm những gia đình có nhiều “duyên nợ” với nghề trồng hoa. Đó là ông Hồ Hữu Đồng, ông Nguyễn Văn Chí, bà Vũ Thị Nhâm và Hồ Thị Hoạt. Những hộ này có điểm chung là cơ ngơi khang trang, tiện nghi đầy đủ, tất cả đều do nghề trồng hoa mang lại. Mỗi năm, trừ các loại chi phí và công sức lao động, mỗi hộ này thu về trên 100 triệu đồng từ việc trồng hoa. Nói như lời ông Nguyễn Văn Chí thì “Chỉ có cây hoa mới đem lại cho người Hồng Phú cuộc sống đủ đầy, sung túc”. Nhưng nghề trồng hoa cũng lắm vất vả, đòi hỏi công phu, người trồng hoa cũng không ít nỗi niềm. Ở đây trồng khá nhiều loài hoa, trong đó chiếm số lượng và diện tích lớn nhất là các loại cúc, hoa lay ơn, hoa đồng tiền. Gần đây, hoa ly - loài hoa ưa kiểu thời tiết lạnh cũng được người Hồng Phú đưa về trồng và cho thu nhập cao. Mỗi loài hoa có kỹ thuật gieo trồng và chăm bón, nhu cầu về nước, vi sinh và ánh sáng khác nhau, cách thu hoạch cũng không giống nhau.
Hoa cúc, hoa lay ơn thường được nhân giống bằng hạt, sau đó tỉa từng cây giống rồi trồng trên những luống đất đã làm sẵn. Còn hoa ly thường nhân giống bằng củ, lúc đầu trồng dọc theo luống đất, sau đó đưa vào chậu để chăm sóc. Muốn trồng ly, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, phải làm nhà lưới để che chắn, nếu không cây sẽ không chịu được sự biến động phức tạp của thời tiết. Nhiệt độ lên cao, hoa cần được tăng cường tưới nước; nhiệt độ xuống thấp phải mắc bóng điện để giữ ấm cho hoa. Các loài hoa thường bị những loại sâu bệnh và nấm khác nhau, việc phun thuốc loại trừ vì thế cũng phải đảm bảo đúng quy định. Tóm lại, nghề trồng hoa đòi hỏi phải bám sát hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm bón hết sức nghiêm ngặt. Vì thế, mỗi hộ trồng hoa đều có cả tập tài liệu dày cộm để nghiên cứu, học tập và áp dụng vào công việc hàng ngày. Nhưng chỉ sau vài vụ, bà con đã nắm vững kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, không cần đến sách vở, nhiều người trở thành “chuyên gia” có thể hướng dẫn cho những người mới vào nghề. 
Người làng hoa có những đêm thức trắng, cùng rủ nhau ra vườn, ra ruộng thức cùng với hoa. Đó là lúc hoa đến kỳ hé nụ, chủ nhân không tránh khỏi sự hồi hộp, muốn biết công sức của mình sau mấy tháng trời được đền đáp ra sao, lứa hoa nở đẹp hay không. Hồi hộp, nên họ ngồi suốt đêm để xem từng nhành hoa trổ nụ, từng cánh hoa bung tỏa khẽ khàng, hít những làn hương đầu tinh khiết. trong niềm vui sướng. Nhưng cũng có lúc không tránh khỏi nỗi buồn, khi vườn hoa không được như ý. Cũng là lẽ thường, nghề trồng hoa cũng là nghề nông, có lúc sự cần cù, chịu khó của người nông dân không quyết định sự được - mất mà vẫn phải chịu sự chi phối của đất trời.
Người làng hoa vui nhất là những ngày thu hoạch, khắp mọi nơi đều rộn rã tiếng nói cười. Mỗi ngày, có đến hàng chục chiếc xe tải về làng để thu mua, thương nhân thuê người đến cắt tại vườn, tại ruộng. Người trồng hoa chỉ việc kiểm đếm, chuyển giúp lên xe và thu tiền. Ngày này qua ngày khác, nhiều người thấy đã thấm mệt. Nhưng ai cũng vui. Hoa của làng Hồng Phú theo thương nhân tỏa đi khắp nơi, góp phần điểm tô hương sắc cho cuộc sống. 
Người làng hoa Hồng Phú lại bắt đầu công việc buổi chiều, với từng luống đất và từng hạt giống. Một vụ hoa mới đã bắt đầu, họ đang gieo niềm ước mong, hy vọng cho mùa Xuân sắp tới, cho cuộc sống thêm đậm đà sắc hương, cho Hồng Phú thêm giàu và đẹp. Khi tiễn chúng tôi ra về, chị Trần Thị Quang chợt bày tỏ niềm trăn trở: “Lâu nay, việc gieo trồng, chăm bón, thu hoạch và tiêu thụ đều mạnh ai nấy làm, ít khi nhận được sự hỗ trợ, nên nhiều khi chưa thật nhịp nhàng. Mong các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện về việc cung cấp giống và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, chắc hẳn nguồn thu ngày càng ổn định hơn...”!
Bài, ảnh: Công Kiên

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.