Trăn trở làng nồi

(Baonghean) - Tôi đã biết nhiều về chiếc nồi đất gần gũi, thân quen với người nông dân, qua những lần mẹ tôi mua về kho cá, luộc khoai, sắn cách đây 20 năm có lẻ. Hôm nay, tôi mới có dịp bước qua những chiếc cổng làng của xã Trù Sơn, huyện Đô Lương để nhìn thấy cái hồn cốt riêng bởi những lớp nghệ nhân tài hoa, tâm huyết với nghề nồi đất mang đậm chất quê này... 
Bà Nguyễn Thị Lưu đang làm nghề.
Bà Nguyễn Thị Lưu đang làm nghề.
Con đường dẫn chúng tôi đến Trù Sơn ngập tràn không khí của một làng quê yên bình, dân dã, với những tấm lòng mộc mạc của những con người sống bằng cái nghề “vắt” đất. Bà Phạm Thị Liên, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm 10, có dáng cao đậm, người hơi nghiêng về phía sườn bên trái, dẫn chúng tôi qua mấy con đường làng ngoằn ngoèo đến với nghệ nhân làng có tên là Nguyễn Thị Lưu. Bà Lưu năm nay bước sang tuổi 75, trên đầu đã điểm hai thứ tóc, nhưng nom bà còn khỏe và minh mẫn. Lúc này, bà cùng với người con dâu đang mải miết bên cái bàn xoay, được làm bằng gỗ xà cừ, tác phẩm là những chiếc nồi cho kịp phơi cái nắng đẹp hôm nay. Xung quanh bà là từng lớp nồi đất chồng lên nhau, đều đã được phơi nắng, chuẩn bị cho vào lò. Được ngồi nghe bà Lưu kể về cái nghề của làng, được chiêm ngưỡng những tác phẩm dung dị mà chứa bao nét tài hoa đó, tôi cũng thấu hiểu hơn về cái nghề một thời được, quý trọng, trải dọc trên dải đất miền Trung lắm gian nan và đầy trăn trở này...
Làm nồi đất không khó lắm, nhưng đòi hỏi phải con người phải có lòng kiên nhẫn, có bàn tay khéo léo. Tuy nhiên, làm nhiều sẽ thành quen, nên lớp phụ nữ trong làng trước đây, ai cũng biết làm nồi đất. Để cho ra những chiếc nồi đất, phải cần nhiều công đoạn. Thứ nhất, là khâu đi lấy đất sét. Thứ đất sét trắng này ở Trù Sơn không có, mà người ta phải đến tận xã Nghi Văn (Nghi Lộc). Trước đây, những người đàn ông lực lưỡng trong gia đình, sử dụng xe đạp thồ, sáng dậy thật sớm, đạp xe 12 km, đến xã Nghi Văn, họ tập trung đào một chỗ, sâu chừng 1m là đến phần đất sét trắng. Mỗi người lấy 3 bao tải đất đầy, thồ về. Sau này, người dân sắm được xe máy, việc đi lấy đất đỡ phần vất vả hơn.
Ông Nguyễn Đình Sơn, con trai bà Hứa, bộc bạch: Bây giờ đi lấy đất sét, chúng tôi phải trả cho người dân Nghi Văn với giá 15.000 đồng/xe, về nhà phơi đất ra nắng, sau đó đập nhỏ, phun nước vào, lấy chân đạp cho nhuyễn, dùng kéo cắt đất, cắt từng lát thật mỏng, rồi tiếp tục dẫm đạp, cứ thế làm khi nào dùng ngón tay miết thấy dẻo, giống như đất nặn là được. Mỗi chuyến chở xe máy, lượng đất đó có thể làm ra 300 - 400 chiếc nồi. Ngần ấy sản phẩm đủ để đốt một mẻ lò. Ngày trước, người dân Trù Sơn nung nồi bằng cây bổi (cây vọt), dần dà đồi núi trơ trọi, bởi ngày nào cũng có người lên núi lấy bổi. Sau này, một phần sản phẩm nồi đất ít dần, rừng keo ngày càng nhiều, nên người dân đi vơ lá keo về, kết hợp với rơm rạ để đốt lò, nung nồi. Lò nung làm khá đơn giản, dùng gạch xây nổi trên mặt đất, thành vòng tròn, cao chừng 50 cm ở góc vườn, có tấm lưới bằng thép cứng, xếp nồi đất lên, cứ thế đốt liên tục trong 90 phút là được một mẻ. 
Thời điểm này, gia đình bà Lưu sản xuất chủ yếu là nồi kho cá tộ, nhập cho các nhà hàng, khách sạn. Đường kính của những chiếc nồi này chưa đầy 20 cm. Bà Lưu vắt một nắm đất nhỏ, đặt lên bàn xoay, dùng bàn tay dát đều để làm đáy nồi. Sau đó từng nắm đất được lăn dài độ một gang tay, bà Lưu đặt lên mép ngoài của đáy nồi, dùng ngón trỏ của bàn chân phải điều khiển bàn xoay. Khi bàn xoay quay hết một vòng, thì nắm đất cũng vừa hết, hình hài chiếc nồi đất được hoàn thiện chỉ sau 2 - 3 phút. Từng 60 năm làm nghề, nên mọi công đoạn làm nồi đất đối với bà Lưu giống như có sẵn trong khuôn mẫu, không hề bị lỗi một nào. Chiếc nồi vừa được làm xong, bà đặt xuống nền đất, con dâu của bà nhẹ nhàng dùng thanh nhựa gọt lại một lần cho mịn, sau đó đánh bóng một lần bằng nước, mới đem ra phơi nắng. Trời nắng chang chang từ sáng sớm đến chiều như hôm nay, chỉ cần phơi một ngày là đẹp. Khi đủ 400 chiếc nồi, xếp lên lò, dùng rơm, rạ, hoặc lá cây đốt đúng 90 phút là dập lửa. Mọi công đoạn làm nồi đất, không hề có sự tham gia của máy móc kỹ thuật gì. Bởi thế mà điều đặc biệt tôi cảm nhận được trong cái nhịp làm nghề của Trù Sơn là rất đỗi bình yên, như chính thiên nhiên nơi đây vậy!
Hỏi về lai lịch của nghề nồi đất Trù Sơn, bà Lưu cười: Cái nghề này, có trên đất Trù Sơn từ lúc nào, không ai biết? Chỉ có một điều, phụ nữ ở vùng quê này trước đây ai cũng làm được nồi đất. Họ truyền cho nhau, chứ không hề có bất cứ lớp học nào. Bản thân bà, hồi lên 15 tuổi đã được mẹ và chị bày cho. Rồi bà bám cái nghề này cho đến bây giờ. Cũng nhờ có cái nghề “vắt đất” này, cuộc sống người dân ở đây đủ đầy hơn nhiều. Không ít gia đình nuôi được con cái học đại học, làm được nhà cửa khang trang. Thế rồi, giọng bà Lưu chùng xuống, khẽ thở dài, bởi bà lo cái nghề truyền thống rồi đây sẽ không còn nữa, bởi lớp trẻ bây giờ không còn ai học làm nồi! Thời buổi kinh tế thị trường, nồi nhôm, gang, bán tràn ngập, chiếm chỗ nồi đất. Bây giờ, trong mỗi gia đình, họa hoằn lắm mới sắm chiếc nồi đất để sắc thuốc bắc, chứ ai dùng nấu thức ăn như trước nữa.
Một phần con cháu học hành đỗ đạt, nếu không cũng kéo nhau vào Nam làm công nhân, hàng tháng nhận tiền lương, chứ làm nghề này suốt ngày cặm cụi, vẹo cả xương sống, cảm thấy chán. Nói đến đây, tôi nhớ mấy câu thơ khá nổi tiếng của ông Ngô Đức Tiến (hiện là Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Yên Thành), viết về người con gái làng nồi ở Yên Thành: “Con gái làng nồi/Sớm ngày Bộng, Vẹo/Đêm đêm miệt mài bàn xoay/Nồi đất thì tròn/Mà ngực em bên đầy bên lép...”. Bà Liên ngồi bên, cho biết thêm: Ngày trước cả làng này chăm chú làm nghề, đàn ông đi lấy đất, phụ nữ ở nhà làm ra sản phẩm, bao nhiêu nồi, niêu đều do đàn ông thồ đi khắp nơi tiêu thụ. Tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các tỉnh từ Nghệ An vào tới Quảng Trị. Nhưng bây giờ, trong xóm 10, chỉ còn 10 hộ duy trì cái nghề này nữa thôi. Các cháu gái lớn lên, không học nghề nữa, thành thử, rồi đây e rằng sản phẩm nồi đất Trù Sơn sẽ không còn nữa?!
Xếp nồi  lên lò nung.
Xếp nồi lên lò nung.
Trong hơn 10 năm trở lại đây kinh tế thị trường phát triển, nhiều sản phẩm nồi, niêu bằng kim loại như: nhôm, gang, đồng... bán ra thị trường, do vậy, thị trường nồi đất bị thu hẹp là điều đương nhiên. Mặc dù luộc khoai, sắn, hay kho cá, không có dụng cụ nào có thể ngon bằng sử dụng nồi đất, nhưng do tiện lợi, nên người tiêu dùng tìm đến các loại nồi bằng kim loại, dẫn đến nghề nồi đất Trù Sơn bị thu hẹp. Nhưng không phải vì thế mà sản phẩm không còn chỗ đứng chân. Những nhà hàng, khách sạn ở thành phố, họ sử dụng nồi đất để kho cá tộ, nấu cơm niêu, phục vụ thực khách, đều tìm đến Trù Sơn đặt hàng với số lượng nhiều. Sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ hết tới đó, vì hết thảy đều là do khách hàng đến tận nơi để đặt và nhận hàng bằng xe ô tô. Vì khách hàng “khó tính” nên các nghệ nhân làng chủ động cải tiến kỹ thuật, mỹ thuật, để vẫn giữ được giá trị truyền thống, chinh phục thị trường. 
Ông Nguyễn Hữu Lịch - Phó Chủ tịch UBND xã nói rằng: Nghề nồi đất ở Trù Sơn có từ thế kỷ XV, phát triển mạnh nhất vào đầu thế kỷ XX. Đây là nghề truyền thống của địa phương, họ tự truyền cho nhau từ đời này sang đời khác. Đến cuối thế kỷ XX, nghề nồi đất Trù Sơn mai một dần. Bởi vậy, cho đến bây giờ, Trù Sơn chỉ còn 4/16 xóm, gồm: xóm 10, 11, 12 và 13, với khoảng 100 hộ đang duy trì nghề nồi đất truyền thống. Sản phẩm, trước đây đủ loại, như nồi, chảo rang, chỏ hông xôi, ấm nước... thì nay chỉ còn một số sản phẩm chính là: niêu cơm và nồi kho cá tộ, ấm sắc thuốc bắc. Ngoài ra, còn có một số đơn đặt hàng làm bát lấy mủ cao su, hay những chiếc đĩa dùng trong các tiệm vàng...
Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình, các nghệ nhân làng vẫn canh cánh trong lòng những trăn trở, những ước mong, bởi cái nghề làm nồi đất này sẽ có nguy cơ không còn cơ hội sống mãi với Trù Sơn. Một nghề truyền thống mà biết bao thế hệ con người nơi đây bám lấy để sống, ở đó đã sản sinh ra biết bao thế hệ nghệ nhân làng khéo léo, tài hoa, tô đẹp thêm cho bức tranh làng quê nông thôn Việt Nam. Mong ước lớn nhất của các nghệ nhân làng Trù Sơn là được chính quyền địa phương quan tâm, thành lập điểm sản xuất nồi đất tập trung tại làng, thay cho hộ gia đình như lâu nay. Mỗi điểm có không gian trưng bày sản phẩm, để làng nghề không bị mai một, mà càng giá trị hơn, trở thành điểm đến cho khách du lịch thích khám phá, tìm hiểu về làng nghề nồi đất. Và để sức sống của cái nghề nồi đất thêm bền vững với thời gian, Trù Sơn vẫn phải biết tự hào là vùng đất gắn với cái nghề độc đáo mà hiếm nơi nào có được!
Nguyễn Hoàng

tin mới

Các hộ dân ký nhận tiền hỗ trợ

Chi trả hỗ trợ bổ sung cho 5 hộ dân Diễn Châu bị ảnh hưởng khi thi công cao tốc Bắc - Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 3/5, tại xã Diễn Phú, UBND huyện Diễn Châu phối hợp với doanh nghiệp đầu tư dự án là Công ty TNHH Phúc Thành Hưng tổ chức chi trả bổ sung cho 5 hộ dân xóm 2, xã Diễn Phú bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

(Baonghean.vn) - Nguồn vốn đầu tư công xây dựng công trình “điện, đường, trường, trạm” đã trở thành động lực quan trọng có tính chất “mở đường” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bởi vậy, đẩy nhanh hiệu quả giải ngân đầu tư công luôn được các địa phương, sở, ngành nỗ lực ưu tiên hàng đầu.

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.