Lầu Năm Góc công bố đánh giá chỉ trích chính quyền Triều Tiên

Phú Bình (Theo CNN)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Trong khi hội nghị thượng đỉnh theo dự kiến diễn ra ngày 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn đang ở thế lưỡng lự, Lầu Năm Góc đã bất ngờ công khai một bản đánh giá lên án chế độ của ông Kim Jong-un.

Cơ quan này kết luận chức năng chính của chính quyền tại Bình Nhưỡng là bảo đảm “quyền thống trị vĩnh viễn của gia tộc họ Kim” với cái giá là phúc lợi của người dân Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN
Bản báo cáo nói trên hoàn toàn khác với đánh giá công khai của ông Trump về ông Kim. Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “người tên lửa bé nhỏ” song những tuần gần đây ông lại hết lời khen ngợi ông Kim, đánh giá nhân vật này “rất cởi mở và rất đáng tôn trọng”. Bản báo cáo cũng nêu rõ những vật cản Trump đối diện để thuyết phục Kim từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, vốn được Kim xem là chìa khóa để duy trì sự nắm quyền.

Nghiên cứu của Lầu Năm Góc về những diễn biến quân sự và an ninh tại Triều Tiên được Quốc hội ủy nhiệm tiến hành, và ấn bản mới nhất được hoàn thiện trước khi Trump đồng ý gặp ông Kim. Tuy vậy, nó cung cấp đánh giá công khai chi tiết mới nhất từ chính quyền Trump về chương trình vũ khí của Kim cũng như những động cơ tiềm năng thúc đẩy ông Kim duy trì quyền lực, trước thềm một hội nghị thượng đỉnh có thể sắp diễn ra.

Đánh giá kết luận rằng chế độ của ông Kim “tìm cách duy trì quyền kiểm soát đối với bộ phận người dân đang ngày một giảm tín nhiệm đối với họ. Mục tiêu chiến lược chính của Triều Tiên là sự cai trị vĩnh viễn của gia tộc họ Kim thông qua phát triển đồng thời nền kinh tế và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này”.

Lầu Năm Góc khẳng định, chế độ của ông Kim “không còn cung cấp nhu yếu phẩm và những dịch vụ cần thiết phía ngoài thủ đô và các thành phố lớn”, và dựa vào sự đe dọa về tư tưởng để duy trì trật tự.

Bản báo cáo trên nhấn mạnh quan điểm lâu nay của giới tình báo Mỹ rằng ông Kim có động cơ chính là khát khao duy trì quyền lực. “Loại trừ những thứ được cho là mối đe dọa đối với chế độ của gia tộc họ Kim và sự tin tưởng rằng Triều Tiên có quyền được tôn trọng như một cường quốc thế giới là những động lực chính của chiến lược an ninh Triều Tiên”.

Giới tình báo và quân đội Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Giới tình báo và quân đội Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Bất kể động cơ hiện nay của ông Kim khi can dự vào các cuộc đàm phán với Mỹ là gì, một số quan chức quốc phòng cho biết, quân đội và giới tình báo Mỹ sẽ tiếp tục thu thập tin tức tình báo về chính quyền này, thông qua việc tiếp tục sử dụng vệ tinh để giám sát các địa điểm đặt vũ khí, các vật thể bay gần không phận Triều Tiên để thu thập các hệ thống đánh chặn điện tử và hợp tác với các nhân lực được Mỹ hậu thuẫn để thu thập bất kỳ thông tin nào có thể về ông Kim cùng các cố vấn thân cận.

“Chúng tôi không thể dừng lại”, một quan chức quốc phòng nói về sự cần thiết phải tiếp tục theo dõi bất kỳ động thái chiến lược nào của Triều Tiên có thể cho thấy việc phát triển hoặc thử nghiệm thêm các tên lửa và đầu đạn hạt nhân của nước này.

Một nguồn thạo tin cho biết, một trong những minh họa rõ rệt nhất về lập trường quân sự và tình báo của Mỹ, ngay cả khi Triều Tiên trong tuần này công khai việc đóng cửa một địa điểm thử hạt nhân ngầm, là các vệ tinh của Mỹ đang tiếp tục giám sát để xem liệu có bất cứ địa điểm thử nghiệm nào mới xuất hiện không.

Giới tình báo Mỹ cũng tiếp tục tính toán lượng thời gian và thiết bị Triều Tiên cần nếu nước này quyết định phóng tên lửa hay tiến hành bất cứ dạng thử hạt nhân nào khác. Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng diễn ra vào năm ngoái.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng chỉ ra những nỗ lực của Triều Tiên về vũ khí mạng cũng như các chương trình vũ khí hóa học và sinh học của nước này, vốn được Mỹ cho là chưa hề suy suyển. Văn bản trên cũng lưu ý rằng Triều Tiên duy trì một chương trình vũ khí thông thường quy mô. Kho vũ khí đó không nằm trong nội dung các cuộc thảo luận của Mỹ với chính quyền ông Kim.

Triều Tiên cũng duy trì các lực lượng pháo binh đáng kể dọc khu phi quân sự (DMZ), đặt ra một mối đe dọa trực tiếp với Seoul. Năm 2016, Triều Tiên đã thử một “tên lửa đạn đạo tầm ngắn” có tên là KN-SS-X-9, có khả năng trao cho nước này năng lực tiếp cận US Garrison Humphreys, địa điểm hiện đặt trụ sở chính Quân đoàn số 8 của Mỹ, cách Seoul khoảng 64 km về phía Nam.

tin mới

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí.