Diễn Châu là một trong những địa phương "nóng" nhất trên địa bàn tỉnh về các vụ cháy rừng trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Diễn Châu đã xảy ra 20 vụ cháy rừng tại các xã Diễn An, Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Yên và Diễn Đoài. Diện tích thiệt hại khoảng 404,85ha, chủ yếu là thông và keo. Đặc biệt vụ cháy ở xã Diễn Lợi năm 2020 kéo dài 2 ngày thiệt hại hơn 350 ha rừng thông.
Mới đây nhất, vào chiều 30/5/2021 trên địa bàn xã Diễn Lộc lại tiếp tục xảy ra cháy rừng, rất may là lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để dập lửa, tuy nhiên ngọn lửa cũng đã thiêu rụi hơn 2ha rừng thông đang trong độ tuổi khai thác. Nguy cơ cháy rừng tại địa phương này vẫn đang hiện hữu, nhất là thời điểm nắng nóng đang kéo dài.
Có mặt tại xã Diễn An, Diễn Phú (Diễn Châu) trong sáng 3/6, chúng tôi ghi nhận, nhiều cánh rừng tại địa phương này có lượng thực bì quá dày, do lâu ngày không được thu gom nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Một số hình ảnh ghi nhận của PV tại thực địa trong sáng 3/6:
|
Thời điểm này đang là mùa thông rụng lá, lượng lá rụng rất nhiều tạo nên những thảm thực bì dày, gây nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Tiến Đông |
|
Sau khi rụng xuống, lá thông đã tạo lớp thực bì dày, trở thành chất dễ cháy. Ảnh: Quang An |
|
Ông Lê Minh Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Diễn Châu thừa nhận lớp thực bì tại những cánh rừng trên địa bàn huyện đang quá dày do không đủ kinh phí thu gom hàng năm. Ảnh: Tiến Đông |
|
Ông Phan Xuân Nuôi, xóm 5, xã Diễn An, người đã có thâm niên trên 20 làm chủ rừng tại địa phương cho biết: “Trước đây, đời sống còn vất vả, chưa có bếp ga, bếp điện như bây giờ nên những người sống ven rừng như chúng tôi thường xuyên vào rừng để thu gom lá thông, lá bạch đàn về phục vụ nấu nướng, làm phân bón cây… Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, việc thu gom thực bì không còn diễn ra thường xuyên nữa, lớp thực bì vì thế mà cũng dày thêm". Ảnh: Quang An |
|
Trước thực trạng thực bì quá dày, các lực lượng chức năng huyện Diễn Châu đã tổ chức phát quang bụi rậm, nhưng vẫn không thể thu dọn hết được. Ảnh: Tiến Đông |
|
Mặc dù nhiều chủ rừng được giao khoán thu hoạch nhựa thông, nhưng do giá nhựa thông sụt giảm mạnh nên người dân không mặn mà sản xuất và chăm sóc rừng. Ảnh: Tiến Đông |