Nhớ lắm bạn bè, nhớ mái trường…

(Baonghean) - Tháng 5 về, khi hoa phượng rực cháy một góc trời, bằng lăng tím ngắt sân trường, học sinh khoá 12 lại bồi hồi, xao xuyến khi sắp phải chia xa mái trường, thầy cô, bạn bè và chia tay một thuở học trò hồn nhiên, vô tư….

Tiếng ve kêu râm ran như giục giã, khiến những buổi học cuối cùng của học trò lớp 12 dường như ngắn lại. Những tâm tư, tình cảm, những ước mong và cả  những nỗi niềm hồi hộp lo lắng về kỳ thi sắp tới được các học trò chia sẻ, bộc bạch với thầy, cô giáo. Giờ tan học, các em lại chuyền tay nhau những dòng lưu bút thân thương, lưu dấu những kỷ niệm về thầy  cô, về bạn bè. Với em Đoàn Thị Uyên (lớp 12C2 - Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn), đó là những buổi học vô cùng ý nghĩa và nhiều cảm xúc. “Em cố gắng đến lớp sớm hơn ngày thường để được gặp gỡ chuyện trò với thầy, cô đã đồng hành trong suốt 3 năm qua. Hay đơn giản chỉ để ùa ra sân trường, nơi hàng cây, ghế đá cùng đám bạn vẫn thường chơi đùa, nghịch nghợm, tụm năm, tụm bảy kể chuyện vui buồn… để khắc ghi về một thưở học trò hồn nhiên”.
Em Nguyễn Ngọc Tú, học sinh lớp 12C - khoá 18, Trường THPT Herman Gmeiner (Thành phố Vinh) tâm sự:  “Nhớ 3 năm trước, cảm giác lần đầu tiên đứng trước cổng trường này là hồi hộp, là mong chờ. Còn giờ đây, lại là những luyến tiếc, bâng khuâng. Bởi thế để lưu giữ những kỷ niệm ngọt ngào của một thời cắp sách tới trường, các thành viên trong lớp 12C đã lên kế hoạch thực hiện cuốn nhật ký bằng hình ảnh đầy sống động ghi lại những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ của một thời tuổi trẻ, vui tươi, giàu nhiệt huyết. Bộ ảnh kỷ yếu được chụp ngay tại sân trường tràn ngập nắng và rực rỡ sắc phượng. Suốt 12 năm học mới có một lần chụp ảnh kỷ yếu nên cả lớp đã cùng nhau lên kế hoạch, ý tưởng, chuẩn bị trang phục… Vì đó sẽ là những bức ảnh quý giá nhất, là kỷ niệm để chúng em làm hành trang bước tiếp trên con đường tương lai phía trước. Rồi đây mỗi đứa mỗi nơi… 12 năm cắp sách sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Sau khi ra trường mỗi đứa mỗi phương, thời gian để gặp nhau không nhiều nên dịp cuối năm này, cả lớp em còn tổ chức những buổi dã ngoại, về quê Bác, đi Cửa Lò…”.
Học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner (TP.Vinh) trong ngày tốt nghiệp
Học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner (TP.Vinh) trong ngày lễ tốt nghiệp
Những ngày tháng 5 này, facebook cũng tràn ngập những lời tâm sự của những học  trò cuối cấp, sẻ chia với bạn bè, thầy cô. Không chỉ có cảm giác nhớ nhung, lưu luyến về trường xưa, lớp cũ mà còn xen lẫn cả những trăn trở, âu lo. Em Nguyễn Hoàng Kiên, lớp 12C3 - Trường THPT Nghi Lộc 3 tâm sự: “Nhớ nhất là ngày đầu tháng 5, khi lớp tổ chức sinh nhật cho các bạn sinh cùng tháng. Đó là lễ sinh nhật cuối cùng mình được các bạn tổ chức, hạnh phúc lắm nhưng cũng nhớ lắm. Món quà là quyển vở, cây bút, những bài hát kỷ niệm… mình sẽ cất giữ riêng ở góc nhỏ trong tâm hồn mình.  Sắp tới chia tay thầy cô, bạn bè, bước vào kỳ thi tốt nghiệp, đại học. Sẽ vô cùng khó khăn, nhưng mỗi lần nhớ tới lời căn dặn của thầy cô, những lời chúc đầy tin tưởng của bạn bè, mình như có thêm động lực. Mong các bạn bè mình, những “chiến hữu” 12C3 cùng chiến thắng”. 
Lớp 12C - Trường THPT Hermann Gmeiner (TP.Vinh) chụp ảnh kỷ niệm.
Lớp 12C - Trường THPT Hermann Gmeiner (TP.Vinh) chụp ảnh kỷ niệm.
Còn các thành viên lớp 12B3 - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Vinh) thì lại có cách lưu giữ kỷ niệm về lớp học rất đặc biệt. Các thành viên trong lớp thống nhất với nhau sẽ làm clip để ghi lại những khoảnh khắc thường ngày tới lớp. Đó là những trò tinh nghịch, quậy phá đi học muộn, chọc phá bạn bè… Gương mặt của 38 thành viên nữ của lớp 12B3 được ghi lại với những kiểu tạo dáng riêng, độc đáo, dễ  thương… Không chỉ lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ để làm kỷ niệm những buổi học của năm cuối cấp này mà mỗi bạn đều có những nỗi niềm tâm sự muốn được sẻ chia. Bởi thế trong clip về lớp, bên cạnh những hình ảnh đáng yêu, dễ thương còn có những sự tiếc nuối, nghẹn ngào ngày chia tay;  có những lời xin lỗi chân thành và cảm ơn từ đáy lòng của những người bạn gửi cho nhau; là tình cảm kính yêu và trân trọng gửi tới thầy, cô giáo…
Những video clip ghi lại cảm xúc chân thật, rất hồn nhiên học trò ấy đã được trình chiếu tại buổi Lễ “Tri ân và trưởng thành” như một món quà nhỏ của khối 12 dành tặng các thầy, cô giáo. Những kỷ niệm thân thương của một thuở tới trường đã khiến cho ngày lễ đặc biệt ấy đong đầy cảm xúc. Có những chia sẻ rất thật lần đầu tiên được thổ lộ trong ngày cuối cùng thầy, trò hội ngộ. Những lời hối lỗi chân thành của học trò gửi thầy cô, vì có lúc nghịch phá, không nghe lời, bị điểm kém…. Có những lúc bạn bè giận hờn vu vơ… 
Với những học trò lớp 12, ngày chia tay ấy biết bao cảm xúc, có buồn, tiếc nhớ, luyến thương. Còn với những người thầy, cô giáo, những học trò nhỏ như là những đứa con bé bỏng luôn cần chở che, dạy dỗ. Trong ngày chia tay học trò, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ nhiệm lớp 12B3, không giấu nổi những giọt nước mắt: “Cô bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn với các em, cũng là lúc các em rời xa trường. Với cô, các em vẫn luôn là những cô, cậu học trò ngây thơ, đáng yêu và cô luôn mong muốn được chở che. Trước lúc chia tay cô hy vọng những “chú chim nhỏ” sẽ vững vàng, tự tin hơn tung cánh bay muôn phương….”.
Giờ phút chia tay mái trường, thầy cô, chia tay tuổi học trò trong ngày lễ “Tri ân và trưởng thành”, có những giọt nước mắt luyến tiếc, những cái ôm thật chặt, cái nắm tay đầy tin yêu của thầy, cô giáo với những học trò cố kìm nén cảm xúc nghẹn ngào. Thầy - trò cùng chúc nhau những lời chúc ý nghĩa, thành công trong kỳ thi tới và trong bước đường tương lai. Tin rằng những tình cảm thiêng liêng của học trò cuối cấp khi xa trường gửi lại là lòng biết ơn thầy cô, luyến lưu mái trường, bạn bè… sẽ trở thành hành trang, động lực tinh thần nâng bước các em trong tương lai. Cảm xúc ngày chia tay chợt lắng lại, rồi hoà theo khúc hát “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/ Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại/ Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng/ Sẽ còn mãi trong tim mọi người/ Để tình yêu… ước mơ mãi không phai…”. 
Đinh Nguyệt

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.