Những chùm ca bệnh mất dấu F0 ở Nghệ An

Tiến Hùng 21/08/2021 12:53

(Baonghean.vn) - Hiện nay, có 3 chùm ca bệnh phức tạp nhất đều mất dấu F0, đó là chùm ca bệnh liên quan chợ đầu mối Vinh, Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc và ở xã Diễn Yên (Diễn Châu).

Dịch tái bùng phát ở chợ đầu mối Vinh

Tính đến sáng 21/8, toàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 781 ca bệnh (kể từ ngày 13/6). Trong 21 huyện, thành, thị thì chỉ còn mỗi huyện Quỳ Châu là chưa ghi nhận một ca bệnh nào. Điều đáng lo ngại là hiện nay xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mất dấu F0, có lịch trình tiếp xúc rất phức tạp, nguy cơ lây lan mạnh là rất cao.

Trong số các chùm ca bệnh thì đầu tiên phải kể đến ổ dịch tại chợ đầu mối Vinh. Đến nay, ổ dịch này đã ghi nhận hơn 100 ca bệnh, lây lan ra 8 huyện, thành, thị và sang cả tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, số ca bệnh ghi nhận nhiều nhất là ở TP. Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, TX.Cửa Lò, Nghi Lộc…

Chợ đầu mối Vinh lần thứ 2 bùng phát dịch với mức độ nghiêm trọng hơn. Ảnh: Tiến Hùng
Chợ đầu mối Vinh lần thứ 2 bùng phát dịch với mức độ nghiêm trọng hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày 14/8, sau hơn 1 tháng bình yên, không ghi nhận các ca nhiễm trọng cộng đồng, TP. Vinh đã phát hiện ca bệnh đầu tiên liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Vinh. Đây là lần thứ 2, ổ dịch xuất hiện tại ngôi chợ phức tạp này. Bệnh nhân là chị L.T.T.X (42 tuổi, trú ở phường Cửa Nam). Chị X. chuyên bán hoa quả ở chợ đầu mối.

Ngày 13/8, chị thấy mệt mỏi, ho. Sáng 14/8 xuất hiện sốt, sau đó gọi dịch vụ xét nghiệm đến nhà làm test nhanh cho kết quả 2 lần dương tính. Kết quả xét nghiệm khẳng định vào cùng ngày cho thấy dương tính với Covid-19. Các F1 của chị này lập tức được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trong cùng ngày, ghi nhận thêm 2 ca bệnh nữa là con gái và tài xế chuyên giao, nhận hàng cho chị X…Cơ quan chức năng vì thế không thể xác định được người nào đã lây cho người nào.

Nhận thấy tình hình phức tạp, TP. Vinh ngay lập tức phong tỏa đồng thời rốt ráo tìm người từng đến chợ đầu mối để xét nghiệm diện rộng. TP. Vinh sau đó phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 kể từ 0h ngày 15/8, sau 26 ngày được nới lỏng.

Nhịp sống nhộn nhịp ở chợ đầu mối Vinh trước khi xuất hiện dịch. Ảnh: CTV
Nhịp sống nhộn nhịp ở chợ đầu mối Vinh trước khi xuất hiện dịch. Ảnh: C.T.V

Sau khi xét nghiệm những người liên quan, hàng loạt địa phương lần lượt ghi nhận các ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch này, trong đó phần lớn là tiểu thương. Trong số đó, phải kể đến ca bệnh ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Người này là tiểu thương, mua cá ở chợ đầu mối Vinh, qua bán tại chợ Quang Trung. Vì thế, một chùm ca bệnh khác tại chợ Quang Trung lại được hình thành. Không chỉ tiểu thương, nhiều người dân đi mua hàng tại chợ này cũng bị phát hiện nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, một F1 của tiểu thương này trú tại thị xã Thái Hòa sau khi xét nghiệm cũng cho thấy đã nhiễm Covid-19 (Người này đi giỗ ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tiếp xúc với tiểu thương bán cá ở chợ Quang Trung). Từ đó, hình thành thêm một chùm ca bệnh khác ở thị xã Thái Hòa. Đến nay, đã ghi nhận đến 6 ca bệnh ở thị xã này, đều bắt nguồn từ tiểu thương bán cá này. Như vậy, từ ổ dịch lớn chợ đầu mối Vinh, sau đó đã hình thành thêm nhiều chùm ca bệnh nhỏ liên quan. Sau tròn 1 tuần kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hiện nay ổ dịch vẫn còn rất phức tạp khi mà liên tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Từ chợ đầu mối này, hiện nay hàng loạt tiểu thương của nhiều chợ khác cũng đã bị nhiễm Covid-19.

Ổ dịch giữa làng quê

Khi mà ổ dịch chợ đầu mối vẫn chưa được kiểm soát thì tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu lại xuất hiện một chùm ca bệnh mất dấu F0 rất phức tạp khác. Theo đó, ngày 18/8, bà N.T.L (57 tuổi, làm nghề nông ở xã Diễn Yên), đưa con gái 33 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn test nhanh sau khi thấy có triệu chứng mệt mỏi. Kết quả cho thấy, cả hai mẹ con đều nhiễm Covid-19.

Theo ông Dương Đăng Hoàng - Chủ tịch UBND xã Diễn Yên, con gái bà L. lấy chồng về xã Diễn Đoài, gần đây bị ốm nên bà L. qua đó chăm con, trước khi cả hai phát hiện nhiễm Covid-19. Gần đây, hai mẹ con bà này không đi đâu xa, không tiếp xúc với người có yếu tố dịch tễ. “Trước đó, ngày 11/7, bà L. vào TP. Vũng Tàu chăm cháu. Nhưng bà đã về quê từ ngày 11/7, đến nay đã hơn 1 tháng”, ông Hoàng nói.

Cơ quan y tế đang phải thức trắng đêm để tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: CTV
Cơ quan y tế đang phải thức trắng đêm để tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: C.T.V

Sau khi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc với hai mẹ con này, ngày 19/8, cơ quan chức năng phát hiện thêm 10 người nhiễm Covid-19. Phần lớn những người này đều là người thân trong gia đình, bà con họ hàng và hàng xóm của hai mẹ con.

Theo bác sỹ Thái Phan Ất - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, do cả 12 ca bệnh đều được phát hiện gần như cùng một lúc nên không thể xác định được ai đã lây nhiễm cho ai (mất dấu F0). Chưa kể, một số bệnh nhân không hợp tác, không thành khẩn trong việc khai báo lịch sử tiếp xúc khiến cho việc điều tra nguồn lây lại càng khó khăn hơn.

Cũng theo ông Ất, hiện nay các nhân viên y tế đang phải thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho hàng nghìn hộ dân ở xã Diễn Yên để tìm F0. Theo nhận định, vẫn còn rất nhiều F0 liên quan đến chùm ca bệnh này chưa được phát hiện, do phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng. Đến nay, đã có tổng cộng 14 ca bệnh tại 3 xã Diễn Yên, Diễn Đoài của huyện Diễn Châu và xã Đô Thành của huyện Yên Thành liên quan đến ổ dịch này.

Cùng thời điểm này, cơ quan chức năng cũng phát hiện một chùm ca bệnh khác liên quan đến Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc. Theo đó, ngày 17/8, 2 sinh viên cùng 18 tuổi quê ở xã Phú Thành và xã Tăng Thành cùng có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, rát họng. Một ngày sau, cả hai đến Trung tâm Y tế huyện Yên Thành để test nhanh thì phát hiện đã bị nhiễm Covid-19.

Trước tình hình phức tạp của các ổ dịch, lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát, hạn chế người ra đường. Ảnh: Tiến Hùng
Trước tình hình phức tạp của các ổ dịch, lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm soát, hạn chế người ra đường. Ảnh: Tiến Hùng

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho rằng, cả 2 bệnh nhân này có lịch trình học tập, di chuyển phức tạp và tiếp xúc với nhiều người tại nhiều địa phương. Vì thế, có nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng rất cao. Ngay lập tức, Sở Y tế phải phát thông báo khẩn, tìm người từng đến, trở về từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để triển khai các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, huyện Yên Thành cũng lập tức được cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Gần 1.000 sinh viên, giảng viên của trường nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung, hơn 700 người khác bị yêu cầu cách ly tại nhà.

Đến nay, Sở Y tế đã ghi nhận 17 ca dương tính liên quan đến chùm ca bệnh này. Trong đó, huyện Yên Thành có đến 12 ca (8 sinh viên, 4 người tiếp xúc gần); TX. Hoàng Mai: 2 ca (1 sinh viên, 1 tiếp xúc gần); huyện Nghi Lộc: 1 ca (tiếp xúc gần), huyện Đô Lương: 1 ca (sinh viên), TP. Vinh: 1 ca (giảng viên).

Theo ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc thì hiện nay, rất khó để tìm ra nguồn lây ban đầu của chùm ca bệnh nay. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong số các ca bệnh, phần lớn đều quê ở Yên Thành. Trong khi đó, nhà trường chỉ mới bắt đầu học từ ngày 9/8. Đến ngày 15/8 thì cho các em tạm nghỉ học về quê do TP. Vinh bắt đầu giãn cách xã hội.

“Các em chỉ vào ở ký túc xá của trường được 1 tuần thì phải nghỉ. Về quê được 1 ngày thì có triệu chứng của dịch. Vì thế, cũng không loại trừ khả năng các em đã bị nhiễm bệnh từ trước ngày 9/8, bị nhiễm từ khi còn ở quê. Sau đó, vào trường học thì vô tình lây nhiễm cho những người khác”, Hiệu trưởng Đàm nêu nhận định và cho rằng, các cơ quan y tế cần mở rộng truy vết, đặc biệt là lưu ý quãng thời gian trước khi các bệnh nhân ở huyện Yên Thành vào nhập học để tìm ra nguồn lây.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có khá nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh mất dấu F0 khác nhưng số lượng bệnh nhân chưa nhiều. Đơn cử như tại Công ty may Việt Nhật MLB, có địa chỉ tại khối 3, thị trấn Yên Thành. Ngày 20/8, cơ quan y tế đã phát hiện 2 công nhân tại đây bị nhiễm Covid-19. Trong đó, một người quê ở xã Diễn Đồng (Diễn Châu), một người trú ở xã Tăng Thành. Công ty MLB có tổng số 1.225 cán bộ, công nhân. Kết quả điều tra, truy vết cho thấy 2 ca bệnh có 131 F1, trong đó có 88 F1 là công nhân công ty. Do công nhân đông đúc, lại đi về hàng ngày, vì thế nguy cơ hình thành ổ dịch phức tạp tại đây là có thể xảy ra. Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa rõ nguồn lây của 2 bệnh nhân này.

Thời gian qua, có hơn 15.000 người từ vùng dịch phía Nam về quê Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng
Thời gian qua, có hơn 15.000 người từ vùng dịch phía Nam về quê Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng

Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An (Quỳnh Lưu), Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, đến nay đã có 103 ca mắc tại 2 huyện, trong đó: Quỳnh Lưu: 91 ca (tại 10 xã); TX. Hoàng Mai: 12 ca (tại 2 xã). Hiện nay, ổ dịch này đã được kiểm soát.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An nhận định tỉnh đang ở mức độ nguy cơ rất cao. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do có ổ dịch lớn khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng và đã lây sang tỉnh khác (ổ dịch chợ đầu mối Vinh, chợ Quang Trung và Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc). Trong thời gian tới nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng ở các địa phương.

Trong khi đó, một số trường hợp F0 xuất hiện triệu chứng như sốt, mệt mỏi nhưng không đi khai báo, không đến cơ sở y tế để xét nghiệm và tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Vẫn còn tình trạng người dân trở về từ các khu vực ghi nhận ca nhiễm Covid-19 không khai báo, chỉ đi xét nghiệm khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh./.

Mới nhất
x
Những chùm ca bệnh mất dấu F0 ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO