Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và sai lầm không thể vãn hồi

(Baonghean) - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng cho biết sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định đưa quân đội xứ sương mù đến tham chiến tại Iraq. Cuộc điều tra kéo dài tới 7 năm về sự dính dáng của Anh vừa đưa ra kết luận rằng London đã không tận dụng triệt để các giải pháp hòa bình.

Năm 2002, Blair tuyên bố ủng hộ Tổng thống Mỹ Bush xâm lược Iraq. Ảnh: AFP.
Năm 2002, Blair tuyên bố ủng hộ Tổng thống Mỹ Bush xâm lược Iraq. Ảnh: AFP.

Điều tra suốt 7 năm

Cuộc điều tra dưới trướng Sir John Chilcot đã công bố bản báo cáo gồm 2,6 triệu  từ hôm 6/7 sau nhiều năm ròng rã tiến hành. Kết luận là Anh đã xâm lược Iraq trước khi các phương án hòa bình để tước vũ trang của nhà độc tài Saddam Hussein được tận dụng triệt để.

Trong phát biểu tối cùng ngày, cựu lãnh đạo Chính phủ vương quốc sương mù vẫn khẳng định thế giới trở thành chốn an toàn hơn nhờ động thái quân sự trên. Ấy nhưng, ông cũng tuyên bố: “Về chuyện này tôi thấy buồn, hối hận và có lỗi hơn nhiều so với những gì mọi người vẫn nghĩ”.

Lật lại lịch sử, năm 2002, Blair khẳng định sẽ hỗ trợ cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush trong cuộc chiến này. Trong thư Blair gửi đến Bush đề ngày 27/8/2002, tức mùa Hè trước khi cuộc xâm lược Iraq được châm ngòi, có đoạn: “Tôi sẽ ủng hộ ông dù gì đi nữa. Nhưng đây là thời khắc thẳng thắn đánh giá khó khăn. Lên kế hoạch và chiến lược cho việc này khó hơn bao giờ hết”.

Cũng trong năm đó, Blair tuyên bố xóa bỏ vai trò của Saddam là “việc cần làm”, bởi “ông ta là một mối đe dọa tiềm ẩn, có thể tạo sự kìm hãm, mà kìm hãm bao giờ cũng đầy rủi ro. Sự ra đi của ông ta sẽ giải thoát cho cả khu vực, và chế độ của ông ta hiện quá tàn bạo và vô nhân đạo”.

Trong cuộc họp báo tại London hôm 6/7, Blair thừa nhận đó là quyết định khó khăn nhất ông từng đưa ra trên cương vị Thủ tướng Anh, song ông phủ nhận cuộc xâm lược Iraq khởi nguồn cho chủ nghĩa khủng bố hiện nay. Thế nhưng, điều đó không ngăn Chilcott nhận xét quyết định tham gia cuộc xâm chiếm đầu tiên đối với một quốc gia có chủ quyền sau Chiến tranh thế giới thứ 2 không phải cứu cánh của Blair, và đã phải hứng lấy thất bại “nhờ” lập kế hoạch ẩu đoảng cho Iraq thời hậu Saddam.

Dối trá và hiếu chiến?

Giới phân tích cho rằng bản báo cáo về vai trò của Anh trong cuộc chiến Iraq là lời tuyên án mạnh mẽ đối với cựu Thủ tướng Anh. Rồi đây, liệu ông Blair sẽ đi vào sử sách với hình ảnh một kẻ dối trá và diều hâu hiếu chiến hay không?

Từ lâu, trong con mắt của dân chúng, ông đã bị quy là “kẻ tội đồ”. Một cuộc thăm dò dư luận cho rằng Blair tham chiến tại Iraq cùng với Bush là vì mục đích nâng tầm quan trọng của ông trên cương vị chính trị gia quốc tế cùng đồng minh thân cận nhất của Tổng thống xứ cờ hoa. Không ít ý kiến lại tin ông đã nói dối Quốc hội và người dân, và phải gánh trách nhiệm trước sự chết chóc và hỗn loạn tại Trung Đông.

Việc phải chờ đợi lâu trước khi công bố báo cáo điều tra được xem là cũng bõ công sau khi vạch rõ cách thức để xảy ra sai lầm chính trị lớn nhất tại nước Anh thời hậu chiến. Báo cáo là lời khép tội, là sự hủy diệt đối với ông Blair, khiến bộ máy chính quyền cũ của Anh một lần nữa lại phải chứng minh những điểm tốt của họ trong bối cảnh tình hình chính trị rối ren lúc bấy giờ. Chủ nhân bản báo cáo 2,6 triệu từ không chỉ giải thích cách ông Blair sa chân vào cuộc chiến năm 2002, mà còn cả việc ông này sau đó viện đến thông tin tình báo để biện minh cho quyết định của mình.

“Án tuyên” của Chilcot hết sức rạch ròi: Chẳng có lí do thích đáng nào để bước vào cuộc chiến năm 2003, và cũng không có cơ sở pháp lý để xâm lược Iraq. Báo cáo của các cơ quan tình báo về cái được xem là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein vẫn còn nhiều hồ nghi. Cuộc chiến không chút chính đáng, ấy vậy mà Blair đã cương quyết, “qua mặt” Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với đội quân được trang bị không đầy đủ, thất bại trong quá trình hoạch định cho thời kỳ hậu chiến tranh.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ảnh: Reuters.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ảnh: Reuters.

Sai từ đầu

Nhiều nhóm người Anh đã đổ xuống đường để phản đối trước thềm cuộc xâm lược. Họ cảm thấy bản thấy bị lừa gạt và tin rằng chẳng có “mối đe dọa sắp xảy đến” hay vũ khí hủy diệt hàng loạt nào của Saddam thực sự tồn tại. Chỉ có Blair bỏ mặc dân chúng theo đúng kiểu mà ông ta đã phớt lờ những phản đối từ Pháp và Đức.

Cú “liều” của Blair đã dẫn tới việc theo chân Tổng thống Bush và dắt Anh vào cuộc chiến khép lại trong thảm kịch. Báo cáo đã truy hồi khung thời gian từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 tới tình hình quốc gia hỗn loạn như hiện nay tại điểm nóng trên. Nhiều chuyên gia nhận định những biện minh dối trá của cựu Thủ tướng về cuộc chiến đã qua hủy hoại lòng tin từ phía các cử tri. Ông dối gạt nội các, và dùng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát chính phủ.

Blair giờ đây hứng chỉ trích là người đặt nền móng cho sự thù địch và chống đối mà giới chính khách hiện nay thường phải đối mặt. Ông đã phạm sai lầm cơ bản, thổi phồng sự mất lòng tin của vô số người đối với hoạt động chính trị.

Không thể vãn hồi

Xuất hiện vài hôm trước là một Blair đã kém sắc và luống màu tuổi tác, khi nói về nỗi buồn và ân hận của mình với một chất giọng tưởng như sắp vỡ vụn.

Thế nhưng, có lẽ ông vẫn chưa thấu hiểu được tình hình, bởi vẫn “bổn cũ soạn lại” những lý lẽ như trước: Thế giới tốt đẹp hơn nếu không có Saddam, loạt tấn công 11/9 đã thay đổi thế giới vĩnh viễn, và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực hiện nay chẳng có liên hệ gì với cuộc xâm lược khi ấy.

Phải chăng Blair đang tìm cách biện hộ cho điều không thể: một chuỗi sai lầm chính trị và quân sự sởn tóc gáy, những phán đoán sai lầm và thái độ ngạo mạn của chính ông?

Nói cách khác, bản báo cáo vừa được công bố đã khiến danh tiếng của Tony Blair tan như bong bóng xà phòng. Có lẽ, những gì tốt đẹp mà Blair từng gặt hái được trong nhiệm kỳ Thủ tướng rồi đây sẽ chịu cảnh chôn vùi dưới những tàn tích của cuộc chiến Iraq.

Vẫn phải chờ xem liệu ông có phải hầu tòa hay không, nhưng chắc chắn lịch sử sẽ phán xét về vị chính khách này: là người chiến đấu trong cuộc chiến sai lầm, vì những lý do sai lầm, và với bản kế hoạch sai lầm.

Thu Giang

(Theo DW)

tin mới

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.