Thanh Chương: Sau lũ lụt người dân mất ăn, mất ngủ vì sạt lở nghiêm trọng
(Baonghean.vn) - Bờ sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An), sạt lở kéo dài nhiều năm khiến nhiều hộ dân luôn trong tình trạng thấp thỏm lo sợ. Trong khi đó, giải pháp di dời người dân đến khu vực an toàn vẫn đang còn phải...chờ!.
Theo phản ánh của các hộ dân ở thôn Minh Đức (trước đây là thôn Vận Tải), xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ (nơi sinh sống hàng chục năm qua) khiến họ vô cùng hoang mang và lo lắng.
Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ khiến người dân vô cùng lo lắng. Ảnh: Văn Lý |
Là hộ bị sạt lở nặng nề nhất, nhiều năm qua gia đình bà Nguyễn Thị Trinh (SN 1954, trú ở thôn Minh Đức, xã Võ Liệt) luôn phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm khi dòng sông Rộ đã “ăn” sát nhà. Nhiều tài sản, khu vực chăn nuôi của gia đình đã bị trôi hết xuống sông.
Theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Rộ đoạn qua Minh Đức, xã Võ Liệt, nhiều diện tích đất bị lấn sâu khu vực nhà ở từ 2-5 mét, nhiều nhà dân ở khu vực này nằm chênh vênh bên mép sông khiến họ hàng ngày luôn sống trong cảnh bất an.
Trận mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở, nhấn chìm toàn bộ hệ thống chuồng trại chăn nuôi và đất ở của một số hộ dân sinh sống tại đây. Mong muốn của người dân là chính quyền bố trí nơi ở mới để yên tâm làm ăn, sinh sống.
Ông Nguyễn Đình Ngọ (SN 1954, con trai bà Trinh) cho hay, mặc dù gia đình đã có đơn yêu cầu nhiều năm rồi nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa bố trí được nơi ở mới. Đợt vừa qua, gia đình đã mua hơn 40 xe đất để đổ phía mép sông để đảm bảo an toàn, nhưng nay đã trôi theo dòng nước lũ.
“Nước dâng cao gần 2 mét khiến gia đình tôi và các hộ khác nơi đây bị ngập sâu nhiều ngày. Riêng mẹ tôi phải cõng đi nơi cao hơn để tránh trú, nhà cửa có thể “trôi” xuống sông bất cứ lúc nào nên chúng tôi rất lo lắng”, ông Ngọ nói.
Sạt lở bờ sông đã áp sát các nhà dân. Ảnh: Văn Lý |
Theo ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, vào năm 2018, xã đã lập hồ sơ liên quan đến việc di dời nhà ở của các hộ dân khỏi vùng đất có nguy cơ sạt lở bờ sông, có 3 hộ trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Trinh.
Ông Nguyễn Tư Hùng - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương xác nhận, ngoài gia đình bà Nguyễn Thị Trinh, còn một số hộ dân khác nằm trong diện sạt lở bờ sông có thể gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của gia đình.
Phương án lâu dài là phải tái định cư cho hộ dân. Trước mắt, khi xảy ra lũ lụt, mưa bão, chính quyền địa phương phải hỗ trợ người dân di dời và vận chuyển đồ đạc đến nơi khác để đảm bảo an toàn.
“Xã đang tiến hành quy hoạch vị trí mới và đang trình UBND huyện tổng hợp để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2030; khi đưa được vào kế hoạch đó thì xã mới thực hiện các bước tiếp theo để đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân theo quy định” - ông Nguyễn Tư Hùng cho biết.
Điểm sạt lở đã được cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo. Ảnh: Văn Lý |
Qua tìm hiểu của PV, trước đó vào tháng 5/2017, một trận mưa lớn đã làm sạt lở ở các hộ gia đình. Thời điểm đó, theo thống kê của chính quyền xã Võ Liệt, các hộ nằm trực tiếp khu vực có nguy cơ sạt lở khi có lũ xảy ra bao gồm: thôn Vận Tải có 5 hộ với 26 nhân khẩu, thôn Yên Xuân có 3 hộ với 13 nhân khẩu và thôn Hòa Hợp có 3 hộ với 14 nhân khẩu.
Theo báo cáo thiệt hại do mưa lũ của UBND huyện Thanh Chương: Mưa lũ đã cuốn trôi ba người, bị thương ba người; hư hỏng 35 nhà ở; hư hại nhiều hạ tầng giao thông, hệ thống điện; 26 trường học bị ngập và hư hại. Hơn 3.000 ha cây trồng và thủy sản bị thiệt hại. Tổ chức di dời hơn 4.700 hộ dân do bị ngập và bị sạt lở đất… Ước thiệt hại toàn huyện hơn 60 tỷ đồng.