Toà nhà Nam Đàn Plaza - công trình 'khó coi' ở thị trấn Nam Đàn

Tiến Đông 01/06/2022 08:35

(Baonghean.vn) - Dù là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh, vậy nhưng tòa nhà Nam Đàn Plaza lại xây dựng trái phép khi chưa hoàn thành thủ tục về đất đai và giấy phép xây dựng được cơ quan chức năng cấp. Đến nay hậu quả mà dự án này để lại vẫn chưa khắc phục được, khiến nó như một cái gai nhức nhối ở địa phương.

Xây dựng trái phép

Liên quan đến tòa nhà Nam Đàn Plaza dù đã bị chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan kể từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thể phá dỡ để UBND huyện Nam Đàn thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị mà Báo Nghệ An vừa phản ánh trong những bài viết mới đây. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án này từng là niềm kỳ vọng của địa phương, là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh, thế nhưng lại xây dựng khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa có Giấy phép xây dựng…

Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza nằm ngay vị trí đắc địa của trung tâm thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Tiến Đông

Lần giở lại quá khứ, vào đầu năm 2010, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 2.633,70m2 đất tại Trung tâm Thương mại Nam Đàn cũ, thuộc địa bàn khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn, để thực hiện Dự án xây dựng tòa nhà Nam Đàn Plaza. Theo báo cáo thuyết trình của OceanBank, công trình có tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng, cao 3 tầng, với mục đích “làm văn phòng Ngân hàng TMCP Đại Dương tại Nghệ An, cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại; nhà khách; khu dịch vụ”. Công trình này được kỳ vọng sẽ “góp phần tạo bộ mặt mới của huyện, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Nam Đàn và các vùng phụ cận”.

Bất chấp việc chưa hoàn thành thủ tục giao đất, chưa có Giấy phép xây dựng, vào năm 2014, chủ đầu tư vẫn cho tiến hành xây dựng dự án này. Thế nhưng, thay vì đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa dự án đi vào hoạt động thì OceanBank nhiều lần thất hứa, xây dựng chậm tiến độ, dù đã từng cam kết đến ngày 31/12/2014 sẽ hoàn thành. Chính vì thế mà liên tục trong các năm 2015, 2016, 2017, UBND huyện Nam Đàn và các đoàn kiểm tra liên ngành đã nhiều lần kiểm tra, thúc giục chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án.

Thời điểm triển khai, dự án này đã xây dựng trái phép khi chưa hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý. Ảnh: Tiến Đông

Cụ thể, vào ngày 30/9/2015, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đã có Văn bản số 1562/UBND-ĐT gửi đơn vị chủ quản của OceanBank (Thời điểm này là Ngân hàng Công thương Việt Nam), về việc tiếp tục xây dựng tòa nhà Nam Đàn Plaza, trong đó nhấn mạnh: “Tòa nhà Nam Đàn Plaza được xây dựng tại vị trí đắc địa của huyện Nam Đàn. Đây là công trình tạo điểm nhấn và bộ mặt của thị trấn Nam Đàn nên chính quyền và người dân hết sức quan tâm, do đó, việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương không tổ chức thi công hoàn thiện công trình đã gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân Nam Đàn. Để sớm đưa tòa nhà Nam Đàn Plaza đi vào sử dụng theo cam kết đầu tư, UBND huyện Nam Đàn đề nghị Ngân hàng Công thương Việt Nam tiếp tục tổ chức thi công theo cam kết. Trường hợp Ngân hàng Công thương Việt Nam không tiếp tục tổ chức thi công hoàn thiện, để đưa công trình đi vào sử dụng, đề nghị Ngân hàng Công thương Việt Nam trả lời bằng văn bản để UBND huyện báo cáo HĐND huyện có phương án xử lý”.

Đỉnh điểm của sự bức xúc là vào năm 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh sau khi đi kiểm tra đã có Báo cáo số 120/BC-SKHĐT nêu rõ: “Gần 7 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định... Việc nhà đầu tư triển khai xây dựng công trình trên đất khi chưa được Nhà nước cho thuê đất, chưa có giấy phép xây dựng là chưa phù hợp quy định pháp luật; dự án triển khai quá chậm, đã được gia hạn nhiều lần, nhà đầu tư cam kết tiến độ 2 lần nhưng không thực hiện”. Chính vì thế, Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị UBND tỉnh xem xét hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan đến dự án, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

Dù đã bị chấm dứt hoạt động nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Tiến Đông

Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 2364/QĐ.UBND ngày 2/7/2017 phê duyệt kết quả kiểm tra, chấm dứt hoạt động Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan, xử lý công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 10/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Thông báo số 216/TB-UBND về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, chấm dứt hoạt động Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza tại huyện Nam Đàn theo Quyết định số 2364. Đồng thời, đề nghị OceanBank sớm báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đề xuất phương án thanh lý dự án và tài sản theo quy định hiện hành, để tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện Nam Đàn lập quy hoạch xây dựng công trình công cộng phục vụ nhân dân tại khu vực dự án.

Nhập nhằng

Theo xác minh của chúng tôi, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần chỉ đạo OceanBank nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza. Sau đó đã có 3 phương án được đưa ra để xử lý tài sản này.

Hiện tại phía tầng 1 của dự án này đang được trưng dụng làm điểm rửa xe. Ảnh: Tiến Đông

Phương án thứ nhất mà OceanBank đề xuất là UBND tỉnh cho phép hoán đổi tài sản. Bởi theo như diễn giải thì chi nhánh của OceanBank tại Vinh hiện nay chưa được đầu tư trụ sở làm việc, đang phải thuê văn phòng làm trụ sở. Việc thuê văn phòng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do chi phí thuê thường phải điều chỉnh tăng hàng năm theo yêu cầu của đối tác, hoặc từ sức ép của thị trường, cũng như thiếu tính ổn định khi đối tác không tiếp tục cho thuê khi hết hạn hợp đồng. Vì vậy, có thể đưa ra phương án xin UBND tỉnh cho phép hoán đổi tài sản (là nhà, đất) tại thành phố Vinh để sử dụng làm trụ sở làm việc của chi nhánh Vinh.

Phương án thứ 2 mà ngân hàng này đề xuất là OceanBank chuyển giao tài sản dự án về địa phương quản lý, xử lý theo nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng tài sản dự án. Nội dung này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, gợi ý trong buổi làm việc ngày 5/4/2019 với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.

Quán cà phê mọc lên bên dưới tầng 1 của Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra phía OceanBank còn đưa ra phương án thứ 3 là thanh lý dự án và tài sản trên đất. Tuy nhiên, phương án này được cho là gặp nhiều trở ngại hơn bởi còn những vướng mắc liên quan đến các bên liên quan như Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC). Được biết, chi phí mà OceanBank đã bỏ ra đầu tư cho dự án này là 7 tỷ 599.114.955 đồng.

Kể từ khi có quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza đến nay đã gần 5 năm, thế nhưng, việc xử lý tài sản này vẫn chưa được thực hiện một cách dứt điểm.

Phối cảnh khu đô thị, thương mại, khách sạn Nam Đàn Complex tại khu vực trụ sở cũ của các cơ quan đã được một đơn vị lập nên nhưng đã không thành hiện thực do còn vướng Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Mặc dù phía UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với cả OceanBank và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời các bên liên quan cũng đã thống nhất việc chấm dứt hoạt động Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza. Vậy nhưng, đến nay việc xử lý vẫn dẫm chân tại chỗ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung của địa phương. Chưa kể, UBND huyện Nam Đàn cũng đã nhiều lần có ý kiến bằng văn bản nhưng không nhận được câu trả lời.

Có thể thấy rằng, việc OceanBank xây dựng Dự án Tòa nhà Nam Đàn Plaza trái phép vào thời điểm năm 2014 đã là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Bức xúc hơn khi dự án này nhiều năm liền trở thành cái gai cản trở sự phát triển của huyện Nam Đàn. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải mạnh tay hơn đối với dự án này, thậm chí là cưỡng chế, phá dỡ nếu như phía đơn vị chủ quản không chịu xử lý.

Mới nhất

x
Toà nhà Nam Đàn Plaza - công trình 'khó coi' ở thị trấn Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO