Trở ngại bủa vây Trump vì đánh mất lòng tin của người Cộng hòa

Tổng thống Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thu phục ủng hộ, kể cả từ các thành viên Cộng hòa, khi thông qua những quyết sách quan trọng.

tro-ngai-bua-vay-trump-vi-danh-mat-long-tin-cua-nguoi-cong-hoa

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ các thành viên Cộng hòa để bàn về dự luật chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Washington Post

Cố tìm kiếm sự ủng hộ đối với dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/6 gọi điện cho thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mike Lee để thuyết phục ông bỏ phiếu tán đồng. Tuy nhiên, cuộc gọi riêng từ Tổng thống Mỹ là chưa đủ. Ngày 27/6, Lee cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống, theo Washington Post.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 22/6 công bố dự luật chăm sóc sức khỏe mới đã sửa đổi từ bản mà hạ viện Mỹ đã thông qua, nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng (Obamacare) từ thời cựu tổng thống Barack Obama. Dự luật mới đang chờ thông qua tại thượng viện, song chuyên gia nhận định quá trình này vô cùng khó khăn.

Các lãnh đạo phe Cộng hòa ở thượng viện đã hoãn việc bỏ phiếu thông qua dự thảo bởi quá nhiều người Cộng hòa phản đối, ít nhất là ở hiện tại.

Trump từng lạc quan cho rằng dự luật chăm sóc sức khỏe có thể được thông qua dễ dàng. Nhưng mọi chuyện không như tưởng tượng, dự luật bị trì hoãn và ông phải quay trở về bàn đàm phán. Theo các cây bút Philip Rucker, Robert Costa và Ashley Parker từ Washington Post, đây là bằng chứng mới nhất về những giới hạn của Tổng thống Mỹ trong việc thu phục ủng hộ tại Đồi Capitol.

Lòng tin đánh mất

Lịch sử đã chứng minh rằng các tổng thống Mỹ thành công đều là những người được nể sợ và kính trọng. Nhưng những mối bất đồng bên trong đảng Cộng hòa ở Washington đang cho thấy điều ngược lại, giới quan sát đánh giá.

Dù là lãnh đạo đảng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía mình khi thông qua những quyết định quan trọng. Hệ quả là chưa quyết sách nào thực sự đột phá được đưa ra trong 5 tháng đầu ông nhậm chức. Việc phê chuẩn chức vụ đối với thẩm phán  Tòa án Tối cao Neil M. Gorsuch là thành tựu đáng kể hơn cả tính đến nay.

Trump "là tổng thống đầu tiên trong lịch sử không có cả kinh nghiệm chính trị lẫn quân sự. Vì thế, việc học cách giao tiếp với quốc hội và thúc đẩy chương trình nghị sự thực sự là thử thách khó khăn với ông ấy", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Maine Susan Collins nhận xét. Bà Collins cũng phản đối dự thảo luật chăm sóc sức khỏe do đảng Cộng hòa đề xuất.

"Tổng thống vẫn một mình một đường, không phải một phần của đảng Cộng hòa truyền thống", hạ nghị sĩ bang Florida Carlos Curbelo bình luận. "Tôi trao cho ông Trump chính quyền đúng theo cách đã trao cho ông Obama. Khi tôi đồng thuận, tôi làm việc với họ. Khi tôi bất đồng, tôi từ chối", ông nhấn mạnh.

Trong các cuộc đối thoại cá nhân ở Đồi Capitol, ông Trump thường không được coi trọng, theo Washington Post. Một số nghị sĩ Cộng hòa xem những lời hứa của ông, ví dụ như tuyên bố buộc Mexico phải trả tiền xây bức tường biên giới ngăn cách hai nước, là điều không tưởng.

Họ đôi khi kiệt sức và tức giận trước cách ông liên tục nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác hay vì những dòng trạng thái gây kích động trên Twitter mà Tổng thống Mỹ đăng tải. Họ nhanh chóng nhận ra sự thiếu kinh nghiệm trong điều hành và hoạch định chính sách ở ông. Không ít người coi những lời đe dọa từ Trump là vô nghĩa và họ cảm thấy chẳng có vấn đề gì nguy hiểm nếu chống lại ông.

"Cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo sức khỏe ở hạ viện cho thấy ông ấy phần nào được ủng hộ, đặc biệt từ những người cánh hữu", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey O. Graham bình luận. "Cuộc bỏ phiếu tại thượng viện cho thấy chăm sóc sức khỏe là một vấn đề sống còn và rất khó để một chính trị gia thúc ép được một thượng nghị sĩ bỏ lá phiếu có thể để lại hậu quả suốt quãng đời còn lại của họ".

Khi được hỏi bản thân ông có sợ Tổng thống Trump không, Graham bật cười và nói: "Không".

Nghị sĩ Cộng hòa bang California Darrell Issa, người bất đồng với Trump trước hàng loạt vấn đề, cho hay rất ít thành viên quốc hội e sợ việc Tổng thống Mỹ trả đũa họ.

"Ông ấy đến từ khu vực tư nhân, nơi đối tác kinh doanh hôm nay của bạn không phải lúc nào cũng là đối tác vào ngày mai", Issa nói. "Bạn đồng tình hôm nay không có nghĩa bạn phải đồng tình mãi về sau".

Một thành viên cấp cao đảng Cộng hòa thân thiết với Nhà Trắng và nhiều thượng nghị sĩ nhận xét Tổng thống Trump không khác gì "hổ giấy". Điều này khiến các nghị sĩ Cộng hòa cảm thấy tự do, thoải mái "làm theo cách của mình".

John Weaver, một cố vấn đảng Cộng hòa thường xuyên chỉ trích ông Trump, đã thẳng thắn nêu lên lý do khiến Tổng thống Mỹ không thể điều hành bộ máy thuận lợi.

"Khi bạn đạt mức tín nhiệm chỉ 35% và bạn bị FBI điều tra, tiếng nói của bạn không thể có trọng lượng", Weaver nói, nhắc tới cuộc điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Theo Chris Whipple, tác giả cuốn sách với tựa đề "The Gatekeepers" (tạm dịch: Những người gác cổng) viết về công việc của các chánh văn phòng Nhà Trắng, những rối loạn bên trong phủ tổng thống cũng như việc Trump không thể đưa ra thông điệp hay tầm nhìn rõ ràng về chương trình nghị sự khiến ông gặp khó khăn khi áp đặt khuôn khổ tại quốc hội.

"Không điều gì gây nể sợ ở Đồi Capitol hơn là sự thành công, và tất cả những gì Nhà Trắng đã làm được là thất bại nối tiếp thất bại", ông Whipple nói. "Họ chưa có thành tích gì cả. Ai sẽ sợ cơ chứ".

Theo VNE

tin mới

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.