Xe quá tải hoành hành đường liên xã

(Baonghean) - Tình trạng xe quá tải liên tục hoành hành trên các tuyến đường liên xã, liên huyện ở Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Đô Lương… khiến đường giao thông bị hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong khi đó, lực lượng chức năng địa phương lại “lúng túng” khi xử lý vấn đề này.
Nhức nhối xe quá tải
Gần đây, tuyến giao thông liên xã Châu Hội - Châu Nga liên tục bị các loại xe ô tô chở keo trọng tải lớn lưu thông. Tuyến đường này cách trung tâm huyện 7 km, nối với Quốc lộ 48 bằng cây cầu treo xã Châu Hội. Khoảng 12 giờ trưa, ở đầu bản Hội 1, bỗng ầm ầm từng đoàn xe chở keo lao ra phía đầu dốc. Những xe keo chất cao gấp đôi, gấp 3 so với chiều cao quy định của thành thùng cứ thế rồ ga chạy. Chị Lục Thị Quỳnh, ở bản Hội 1, bức xúc nói: “Xe chở keo ở Châu Nga hoạt động cả ngày lẫn đêm, cứ tầm 12 giờ trưa, 2 giờ sáng là đua nhau chạy náo loạn cả đường làng, gây tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân bản chúng tôi”. 
Xe “hổ vồ” chở gần 100 tấn đá trắng tại xã Châu Hồng (Quỳ Hợp).
Xe “hổ vồ” chở gần 100 tấn đá trắng tại xã Châu Hồng (Quỳ Hợp).
Tuyến đường này mới được Nhà nước đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng đầu tư trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hàng ngày phải “oằn” mình hứng chịu xe trọng tải lớn nên nhiều đoạn bị xuống cấp. Mặt đường chi chít ổ voi, ổ trâu, nhiều đoạn lớp nhựa bị bung ra lộ toàn đá dăm. Bà con địa phương phản ánh nếu không có giải pháp ngăn chặn xe chở keo quá tải thì tuyến đường này chẳng mấy chốc sẽ hư hỏng hết. Điều đáng lo nữa là xe chở keo quá tải còn chạy rầm rập trên cả cầu treo xã Châu Hội, gây nguy cơ đứt, gãy cầu. 
Tình trạng xảy ra tương tự tại đường liên xã chạy về bản Kẻ Nính xã Châu Hạnh sang Thị trấn Tân Lạc. Trao đổi về vấn đề này, ông Lang Anh Tý, Chủ tịch UBND xã Châu Hội lý giải: “Chúng tôi đã cử 2 bảo vệ ngày đêm chốt chặn ngay tại đầu cầu treo nên không có xe chở keo đi qua. Tôi hỏi tiếp: Thế tại sao chúng tôi vẫn thấy xe chở keo chạy qua cầu treo? Ông Tý ngạc nhiên: Chắc là chạy xe không có hàng, mà có hàng thì phải đủ tải mới được qua”. Theo ông Tý, “đủ” tải là 8 tấn, mà chủ yếu kiểm tra bằng mắt thường chứ không có cân.
Được biết, do bị xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2014, cây cầu này đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 3,5 tỷ đồng để duy tu sửa chữa. Tuy nhiên, với mật độ xe chở keo quá tải tàn phá như hiện nay thì cây cầu tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy cho người tham gia giao thông. Một lãnh đạo Công an huyện Quỳ Châu cho hay: “Cảnh sát giao thông huyện cũng có tuần tra, xử lý xe chở keo quá tải, tuy nhiên do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên chưa thể kiểm tra, xử lý hết được.”
Tại huyện Quỳ Hợp hiện có khá nhiều đường liên xã bị xe chở đá phá nát. Điển hình là tuyến đường nối Quốc lộ 48C đi Châu Lộc và Liên Hợp dài khoảng 14 km đang phải ngày đêm chịu xe “siêu tải” hành hạ. Có mặt ở tuyến đường này khoảng 5 giờ chiều chúng tôi đã thấy những chiếc xe “hổ vồ” (HOWO, loại xe tải nặng của Trung Quốc) được gắn lô gô doanh nghiệp Thành Trung đang ì ạch lưu thông. Theo một lái xe thì loại “hổ vồ”này chở ít nhất 80 tấn, trong khi tải trọng đường chỉ đạt 13 tấn thì không con đường nào chịu đựng nổi. Xẩm tối, xe chở đá quá tải đua nhau ra đường, tiếng máy nổ đinh tai, bụi cuốn lên từng đám mịt mù.
Ông Sầm Minh Châu ở bản Na Tỳ  than thở: “Xe chở đá từ các mỏ ở Châu Lộc,  Liên Hợp về các xưởng sản xuất đều lưu thông trên tuyến đường này. Nhà chúng tôi ở sát đường nên cả ngày phải “cửa đóng then cài” vì bụi không thể chịu được”. Ông Vi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lộc chia sẻ: Địa bàn xã Châu Lộc có khoảng gần 10 mỏ đá đang hoạt động, chưa kể ở các mỏ đá Liên Hợp. Hầu hết các xe chở đá từ mỏ về xưởng sản xuất đi qua tuyến đường này đều chưa “cắt thùng”. Loại xe “hổ vồ” chở quá tải làm hư hỏng đường, bà con rất bức xúc đã có kiến nghị lên UBND xã và huyện. Tuy nhiên chúng tôi chỉ kiến nghị lên cấp trên chứ không có thẩm quyền để xử lý xe quá tải. Chúng tôi chỉ thấy lực lượng cảnh sát giao thông xử lý ngoài đường QL48 C, còn rất ít khi vào tuyến đường này để kiểm tra, xử lý. 
Hiện nay còn khá nhiều tuyến đường khác đang phải gồng mình chống chọi xe quá tải phá nát đường như tuyến Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) đi Truông Bành (Quế Sơn - Quế Phong) chủ yếu do xe chở vật liệu xây dựng; Tuyến đường Tăng - Láng (Yên Thành) dài trên 20 km bị xe chở keo quá tải làm hư hỏng nặng trên toàn tuyến… Một trong những tuyến căng nhất hiện nay là đường Châu Thôn - Tân Xuân mới làm nhưng một số phương tiện chở đá ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ phá nát. Lực lượng chức năng chốt ở Quỳ Hợp thì xe quá tải chạy sang Tân Kỳ. Điển hình như phương tiện của doanh nghiệp Bình Dương, Hoàng Hồng Phúc chở đá cách thùng xe 1m, thường xuyên chạy vào khoảng 3 giờ sáng để trốn lực lượng chức năng. Hiện nay, đoạn cuối cùng giáp đường 545 (xã Nghĩa Đồng, Tân Kỳ) vừa làm nhưng đã hư hỏng nặng. 
Ứng phó với quá tải
Thay đổi thiết kế, phải khắc phục hư hỏng… là những cách ứng phó với những tuyến đường xuống cấp do xe quá tải. Đi qua các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường, Châu Quang là tuyến đường huyết mạch của huyện Quỳ Hợp nhưng đã bị cày nát. Chúng tôi chứng kiến tại xã Châu Hồng, những xe siêu tải “hổ vồ” chở đá tảng nguyên khối cỡ trên 100 tấn tự do chạy trên đường giữa thanh thiên bạch nhật mà không thấy bóng dáng cơ quan chức năng. Nhiều đoạn đường đã biến thành “luống khoai”, ổ voi, ổ gà, có đoạn chỉ cần trận mưa nhỏ có thể biến thành “mặt ruộng”. Hầu hết đường giao thông ở Quỳ Hợp là đường cấp 5,6, thiết kế chịu được tải trọng dưới 15 tấn.
Tuy nhiên, những chiếc xe “siêu tải” “hổ vồ” được nâng cấp có tải trọng lên đến gần 100 tấn đã phá nát tất cả những con đường liên xã. Ông Trương Hải Nam, Phó phòng Công Thương huyện Quỳ Hợp tâm sự: Tuyến đường nối các xã: Châu Lộc - Liên Hợp - Châu Tiến - Châu Hồng được khởi công xây dựng từ  năm 2010 theo tiêu chuẩn cấp 6 miền núi, dài 16,6 km, gồm 5 cầu, 66 cống nước, chịu được trọng tải 30 tấn… Công trình được xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và huy động từ các nguồn hợp pháp khác với tổng kinh phí 64,8 tỷ đồng. Đến nay, đường vẫn chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng xe chở đá quá tải đã phá hư hỏng. 
Tuyến đường vào trung tâm xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa) bắt đầu từ Quốc lộ 48 đi qua các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Long có chiều dài 16,5 km, được khởi công từ năm 2010. Đến năm 2014, tuyến đường ngoài đô thị với tổng chiều dài 12,5 km đã được hoàn thành với tổng vốn đầu tư là 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên đoạn đường vừa mới được hoàn thành vào năm 2014 đã xảy ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Nói về nguyên nhân xuống cấp của tuyến đường, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Quản lý dự án Thị xã Thái Hòa cho biết, nguyên nhân là do tuyến đường có mạch nước ngầm nhưng quá trình tư vấn thiết kế chưa khảo sát đánh giá hết. Ngoài ra, sau khi tuyến đường được rải bê tông nhựa, nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông trên Quốc lộ 48 rồi rẽ vào con đường tránh này hòng “né” trạm cân của lực lượng CSGT được đặt trên Quốc lộ 48 khiến công trình xuống cấp. Hiện nay, tất cả các điểm bị hư hỏng đã được nhà thầu huy động phương tiện máy lu, rải nhựa… để khẩn trương khắc phục. 
Thời gian qua, việc xử lý xe quá khổ quá tải đã có nhiều chuyển biến tích cực, Nghệ An được đánh giá là tỉnh vào cuộc sớm, nghiêm túc nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng  giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, khó khăn trong công tác xử lý; chủ hàng, chủ xe vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định về tải trọng. Dư luận không khỏi bức xúc về tình trạng xe quá khổ quá tải hoạt động vào ban đêm, tránh trạm cân, lực lượng chức năng nên đi vào đường liên huyện, liên xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Chương, Phó Chánh thanh tra, Sở GTVT, cho biết: “Có nhiều khó khăn, áp lực cho lực lượng thanh tra giao thông chúng tôi. Như trên tuyến Quốc lộ 7, bãi hạ tải ở Cửa khẩu Nậm Cắn không có nên một số xe lợi dụng đi thẳng từ cửa khẩu về. Toàn tỉnh có 17.000 km đường, mỗi trạm chỉ có 9 - 10 người, phải trực 24/24 giờ trong ngày nên rất căng, không có thời gian để kiểm tra tuyến huyện, xã. Thỉnh thoảng chúng tôi có tổ chức đi kiểm tra lưu động nhưng lái xe theo dõi, đối phó nên cũng không dễ xử lý. Vấn đề đặt ra là lực lượng công an huyện xã, chính quyền địa phương… phải vào cuộc để cùng lực lượng thanh tra giao thông xử lý mới có hiệu quả”. 
Văn Trường - Thu Huyền

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.