Yên Thành: Có tình trạng sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích
(Baonghean.vn) - Đó là một trong những ý kiến được UBND huyện Yên Thành nêu ra tại cuộc làm việc sáng 28/5 với Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Ông Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Phương Thúy |
Cuộc làm việc được tiến hành theo chương trình giám sát công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, việc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến cấp giấy chứng nhận được thực hiện kịp thời, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân về nhóm đất nông nghiệp, đến nay Yên Thành đã cấp lần đầu 69.238 giấy, đạt 97,71%; còn phải cấp 1.620 giấy, với diện tích 2.950,39 ha.
Với nhóm đất phi nông nghiệp, tổng diện tích phải cấp giấy chứng nhận là 1.690,49 ha, đến nay cấp 1.642,74 ha, đạt 91,17%. Tổng số thửa đất phải cấp giấy chứng nhận là 69.764 thửa, đến nay đã cấp 67.898 giấy, đạt 97,32%; còn 2.898 giấy cần phải cấp.
Về kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận từ 1/1/2015-30/4/2018, trong số 37.667 hồ sơ tiếp nhận xử lý có 2.366 hồ sơ giải quyết quá hẹn và 157 hồ sơ đang trong thời gian giải quyết.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND huyện làm rõ một số nội dung liên quan đến tồn đọng trong cấp đổi và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khó khăn liên quan đến kinh phí đo đạc; hướng giải quyết trong công tác lập hồ sơ kéo dài; công tác thanh tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh về cấp giấy chứng nhận…
Thừa nhận những khó khăn, hạn chế trong thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lãnh đạo huyện Yên Thành nêu một số nguyên nhân chủ quan như: đối với lĩnh vực đất đai, mặc dù UBND huyện có nhiều văn bản đôn đốc chỉ đạo, nhưng một số xã chưa quan tâm chỉ đạo cán bộ chuyên môn thực hiện; một số cán bộ chuyên môn chưa nắm bắt kịp thời các chủ trương chính sách thay đổi dẫn đến còn lúng túng trong công tác xử lý hồ sơ, gây phản cảm cho dân...
Ông Thái Hữu An - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành nêu những tồn tại và khó khăn đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liên quan đến đất. Ảnh: Phương Thúy |
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa đơn vị tư vấn với các ngành và UBND các xã trong việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa nhịp nhàng, nhiều khi đơn vị tư vấn bố trí nhân lực còn ít, dẫn đến công tác lập hồ sơ kéo dài. Một số xã chưa chú trọng việc xét duyệt hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ.
Đại diện huyện cũng cho biết, cơ bản các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64 do tồn tại chung của lịch sử, nên hồ sơ sơ sài, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trước đây còn nhiều sai sót, hồ sơ có sai số, chồng lấn về diện tích nên giải quyết tranh chấp liên quan hết sức khó khăn.
Ngoài ra, sau khi chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08-CT/TU đã xảy ra tình trạng lợi dụng giao khoán đất nông nghiệp cận canh, cận cư sử dụng không đúng mục đích gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và khó khăn trong công tác quản lý đất đai cũng như xử lý vi phạm.
Lãnh đạo UBND huyện Yên Thành đề xuất tỉnh bố trí kinh phí để chỉnh lý bản đồ sau chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 08/CT-TU, đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị đo đạc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập hồ sơ để UBND huyện có cơ sở xét duyệt, cấp giấy đảm bảo tiến độ.
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng chia sẻ với huyện Yên Thành bởi đây là một trong những địa phương có diện tích rộng, nhiều đơn vị hành chính nên công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện quan tâm chỉ đạo để khắc phục những tồn đọng, hạn chế trong việc cấp giấy sử dụng đất; kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các xã về công tác tiếp dân tại cơ sở; thường xuyên tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt vấn đề liên quan đến sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...