Ngư dân Nghệ An nỗ lực vươn khơi

(Baonghean) - Để khai thác tiềm năng hải sản, ngư dân các địa phương ở Nghệ An mạnh dạn đóng tàu to, thuyền lớn, tích cực vươn khơi đánh bắt xa bờ, dẫu phải luôn đối mặt với những gian nan, hiểm nguy trên biển cả...

Vượt khó

Thường ngày, hoạt động nghề biển vốn dĩ gặp nhiều khó khăn với sóng gió, bão bùng. Nhưng ngư dân Nghệ An vẫn hướng ra biển, ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, “cơn bão biển” vừa qua, sau sự cố mất an toàn môi trường vào tháng 4/2016 của Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formusa đóng trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngư dân Nghệ An vẫn đều đặn ra biển xa, tìm nguồn cá sạch, duy trì, phát triển nghề truyền thống.

Tàu Đức Tâm 01 vừa đóng mới theo diện vay vốn của Nghị định 67 bên cảng Cửa Lò.
Tàu Đức Tâm 01 vừa đóng mới theo diện vay vốn của Nghị định 67 bên cảng Cửa Lò.

Thời gian qua, theo quan trắc hàng ngày ở vùng biển Cửa Lò và vùng lân cận cho thấy, biển Nghệ An không bị ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Nhưng sự cố đó vẫn làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hải sản của ngư dân Nghệ An. Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng đối với hải sản làm giảm mạnh sức mua, mặc dù chất lượng cũng như sản lượng cá ở vùng biển Nghệ An được cơ quan chức năng về môi trường, an toàn thực phẩm khẳng định đảm bảo “sạch” như trước đây.

Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ cá biển tại TP. Vinh và các địa bàn khác giảm sâu. Bên cạnh đó, do một số thông tin thiếu khách quan, thiếu khoa học gây hoang mang trong dư luận khiến một số người dân giảm niềm tin vào chất lượng thực của mặt hàng thủy, hải sản được ngư dân tỉnh nhà đánh bắt, nuôi trồng trên vùng biển đảm bảo môi trường. Không những thế, việc giảm sức mua cũng đã khiến các thương lái có lý do để o ép, đẩy giá các loại hải sản giảm mạnh. 

Bà con ngư dân cũng như chính quyền các địa phương ven biển như TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Cửa Lò cho biết, giá của các loại cá đánh bắt được trong thời gian này giảm nhiều. Theo anh Phạm Văn Công, chủ tàu 097861 BĐ ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), những loại cá bán được giá cao như cá kình bình thường từ 40.000 đồng/kg, nay có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg. Giá hải sản đánh bắt được giảm như thế, thì nếu mỗi chuyến biển kéo dài 5 ngày và cho sản lượng khoảng 10 tấn cá, chỉ cho thu nhập đủ bù chi phí.

Anh Phùng Bá Thu, chủ của 3 con tàu đánh cá ở phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) cũng cho biết, mặc dù năm nay cá tương đối được mùa, nhưng vì giá giảm mạnh nên thu nhập từ các chuyến đi biển giảm trầm trọng. Trước đây, một khay cá nục, cá dong bán ở chợ được ít nhất 200.000 đồng thì những tháng qua, có thời điểm chỉ bán được với giá 70.000 - 80.000 đồng, chỉ bằng giá cá dùng để chế biến thức ăn gia súc. 

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Nghệ An vẫn kiên trì bám biển. Theo báo cáo của phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò), sản lượng khai thác cá năm nay không giảm so với mọi năm. Tính đến đầu tháng 9, toàn thị xã đã khai thác được 5.700 tấn hải sản, đạt 75% kế hoạch của thị xã giao. Còn theo thống kê của thị xã Hoàng Mai, tình hình khai thác ngư trường 8 tháng đầu năm đạt kết quả khá cao, tổng sản lượng khai thác ước đạt 19.743 tấn, bằng 67,85% KH, tăng 4,54% so với cùng kỳ...

Liên kết nâng giá trị khai thác

Cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, để tích cực bám biển trong điều kiện khó khăn chồng chất, ngư dân Nghệ An đã có nhiều phương cách, đồng lòng cùng nhau trong những chuyến biển xa bờ. Chất lượng cũng như sản lượng đánh bắt được nâng cao thông qua việc đóng tàu lớn hơn có sức vươn khơi xa cũng như sức chứa lớn. 

Cá về trên bến Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu).
Cá về trên bến Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu).

Đơn cử anh Phạm Văn Công ở xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu) chủ động vay vốn ngân hàng để sắm một con tàu trị giá 8 tỷ đồng cho phép anh vươn khơi đến ngư trường Vịnh Bắc bộ, cách đất liền khoảng 120 hải lý để đánh bắt các loài hải sản có giá trị cao như cá ngừ đại dương. Loại tàu này cho phép anh Công có thể đi biển từ 5-10 ngày với sản lượng khoảng 10 tấn.

Một số hộ khác như ông Hoàng Văn Hoa khối 10 và Phùng Bá Thu khối 8 phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) nhờ được vay vốn từ Nghị định 67 CP của Chính phủ, hai hộ dân này đã đóng 2 con tàu vỏ composit trị giá hơn 12 tỷ đồng với công suất 822CV, cho phép đi được những chuyến biển lên đến 20 ngày với sản lượng chứa đến 70 tấn.

Với tình hình giá cá giảm như hiện nay, thì khoản lãi mỗi chuyến biển mà loại tàu này đem lại vẫn đạt khoảng 200 triệu đồng. Hơn nữa, với 2 con tàu theo diện vay vốn nói trên, quá trình bảo quản cũng được nâng cao nhờ vào các hầm PU giữ nhiệt tốt hơn so với cách bảo quản bằng xốp trước đây.

 Để đảm bảo nguồn hải sản chất lượng tốt không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, ngư dân thường lựa chọn các ngư trường xa. Vì vậy sự liên kết, tương trợ lẫn nhau hết sức được chú trọng. Ngư dân đã thành lập các tổ đội gồm 3 đến 5 tàu. Khi đi khai thác trên biển các tổ đội này giữ liên lạc thông tin về vùng cá chất lượng, giá trị cao cũng như kịp thời hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển. Riêng tại thị xã Hoàng Mai đã thành lập được 66 tổ đội khai thác hải sản xa bờ, phối hợp thành lập được 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại Quỳnh Lập và Quỳnh Phương với trên 350 hộ ngư dân tham gia.

Một chủ thu mua cá ở xã Quỳnh Thuận.
Một chủ thu mua cá ở xã Quỳnh Thuận.
Trong tổng số gần 4.000 tàu thuyền của Nghệ An, hiện có trên 1.300 tàu khai thác xa bờ công suất trên 90CV với nghề chụp mực, cá, vây ánh sáng, lưới rê tầng đáy... Sản lượng khai thác hải sản không ngừng tăng, năm 2015 đạt trên 110.000 tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay đạt 13,5%. 8 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng khai thác hải sản của Nghệ An đạt 78.328 tấn hải sản các loại, giá trị ước đạt 1.335,274 tỷ đồng. Nhờ việc chuyển đổi nghề, đầu tư thuyền to máy lớn mà tỷ trọng sản lượng khai thác vùng khơi chiếm gần 60% với nhiều sản phẩm có giá trị như mực, tôm, cá thu...

Còn ở huyện Quỳnh Lưu, hiện có 110 tổ đội liên kết đánh bắt trên biển. Các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Tiến Thủy, Sơn Hải... trung bình 5-7 tàu thành lập 1 tổ hợp tác khai thác với mục đích giúp nhau trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển; phòng chống thiên tai; hỗ trợ xăng dầu, thực phẩm khi cần thiết. Sự liên kết đó tạo nên điểm tựa vững chắc cho các ngư dân cả trên biển và trên bờ.

Trước khó khăn trong khâu tiêu thụ, bà con ngư dân thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm với một số công ty thu mua, chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, hầu hết các ngư dân đều cố gắng bán hết các loại cá, nếu không có người tiêu dùng mua thì sẽ bán cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn cho gia súc, đây là biện pháp tình thế nhưng vẫn bù đắp được một phần chi phí. 

Vượt qua những thách thức, ngư dân ven biển Nghệ An nỗ lực bám biển và luôn mong mỏi người tiêu dùng tìm lại niềm tin về nguồn hải sản sạch đánh bắt được. Trên chặng đường vượt khó, ngư dân mong các cấp, ngành đứng ra kiểm định chất lượng hải sản, kết nối thêm đầu ra để nguồn hải sản tiêu thụ tốt.

Với hải phận rộng trên 4.200 hải lý vuông, tài nguyên biển của Nghệ An được đánh giá là khá phong phú, với trên 267 loài cá, trong đó 62 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá biển trên 80 nghìn tấn, nhiều loài có giá trị như cá chim, cá thu, cá hồng, cá nục, 20 loài tôm với trữ lượng 610 - 680 tấn... Để khai thác tiềm năng hải sản biển, đội tàu trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng giảm dần loại tàu thuyền có công suất dưới 20CV, số tàu có công suất lớn khai thác xa bờ tăng khá nhanh phục vụ cho đánh bắt vùng khơi nhằm giảm dần hoạt động khai thác ven bờ và vùng lộng.

Hoàng Vũ

tin mới

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

(Baonghean.vn) - Đường N5 kéo dài kết nối với đường Hồ Chí Minh từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương lên huyện Tân Kỳ có chiều dài 15 km. Hiện nay, tuyến đường chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, dù đã cắm biển cấm nhưng các phương tiện vẫn “vô tư” đi vào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà huyện Hưng Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo địa phương quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.