Nghệ sỹ Hoa Hạnh và "một thời vang bóng"

(Baonghean) - Nhắc đến nghệ thuật cải lương thời “lên ngôi”, không người xứ Nghệ nào đã qua thời ấy không biết đến nghệ sỹ Hoa Hạnh. Hoa Hạnh - ấy là cô Lựu trong “Đời cô Lựu”, là bà mẹ Hảo trong “Nhân danh và công lý”, là Kiều trong “Kiều”, là Lan trong “Chiếc nhẫn ngọc”, là công chúa trong “Thạch Sanh”, là Tám Bính trong “Bỉ vỏ”… Đóng nữ chính trong gần 50 vở diễn, Hoa Hạnh được xem là “nữ hoàng sân khấu cải lương” tỉnh nhà. Giờ đây, người nghệ sỹ “một thời vang bóng” lặng lẽ với chức phận làm bà, làm mẹ, làm vợ trong căn nhà ấm cúng  của mình trên đường Võ Thị Sáu (T.P Vinh), căn nhà mà theo chị là món quà có giá trị nhất về vật chất mà đời nghệ sỹ mang lại cho mình.
Nghệ sỹ Hoa Hạnh
Nghệ sỹ Hoa Hạnh
Chị nói tôi chờ chị một lát, và khi bước ra ngoài chào khách, tôi đã thấy chị kịp tô son trên môi và vuốt lớp keo trên mái tóc bồng bềnh. Bước qua tuổi 60 nhưng nghệ sỹ Hoa Hạnh vẫn còn vẻ đằm thắm của nhan sắc sân khấu một thuở. Mỉm cười, chị giải thích: “Có một điều thành cố hữu, khi xuất hiện trước người khác mình rất sợ một hình ảnh xộc xệch. Nhớ cái thời đóng Thơ Mây trong “Hai phương trời thương nhớ”, đã 4 con rồi, nhưng lên sân khấu, khán giả thấy lộng lẫy, trẻ trung cứ ngỡ chưa có chồng. Sau đêm diễn, nhiều người hâm mộ tìm đến nhà. Nghe tiếng hỏi thăm lao xao đầu ngõ, mình khi ấy vội luồn ra sau nhà, trang điểm thật nhanh rồi mới xuất hiện. Mình sợ nhất là làm mất đi hình ảnh nhân vật, và cả hình ảnh người diễn viên trong mắt khán giả. Lần khác, đóng Kiều trong đêm diễn phục vụ khách Trung ương về. Cô Kiều trên sân khấu xinh đẹp là thế, nhưng có biết đâu diễn viên đang phải nịt bụng bầu. Diễn xong, có phần giao lưu, lúc đó mình đã tẩy trang, tháo nịt bụng. Khách cứ hỏi “Kiều đâu?”, mình nhắn anh em trong đoàn nói giúp rằng “Kiều” có việc đột xuất về rồi, thế là vẫn đường hoàng ngồi giao lưu mà không ai biết chính cái cô Kiều đang ngồi bên cạnh”. 
Nghệ sỹ Hoa Hạnh đã bắt đầu như vậy, trước khi ngồi cùng tôi nhớ về những chặng đời, chặng nghề của mình.
Vào nghề vì… cha
Sinh năm 1953 ở Vinh, là dân Vinh gốc, cô bé Hoa Hạnh (tên thật là Hoàng Thị Hạnh) có một người cha hát hay và mê hát. “Nghe đồng đội cũ của ông kể, thời ấy, cha tôi vào bộ đội, trên đường hành quân có những chặng nghỉ chân, ông đều cất tiếng hát. Tiếng ông vang, lan khắp cánh rừng như tiếp thêm sức cho đồng đội. Sau này rời quân ngũ, về làm một anh thợ cắt tóc, bố tôi vẫn luôn cất tiếng hát”. Thừa hưởng giọng hát hay của cha, cô bé Hoa Hạnh trở thành đội trưởng đội văn nghệ ở trường học. Thời đang học lớp 7, sơ tán ở Nghĩa Đàn, Đoàn Cải lương Nghệ An hồi ấy là Đoàn Hòa Bình đi tuyển diễn viên, Hoa Hạnh được cha khuyên và thậm chí “bắt” đi tuyển. Ông hy vọng cô con gái nhỏ của mình sẽ được “chắp cánh” và giúp ông thực hiện những giấc mơ mình ấp ủ mà không thể…
Thế là Hoa Hạnh, chưa đầy 16 tuổi, vừa đi đến nơi đoàn tuyển vừa khóc. Được đề nghị hát, hát đến nửa bài cũng khóc. Khóc vì sợ, vì không hiểu đi làm diễn viên là thế nào…Thế nhưng, cô bé đã trúng tuyển. Năm 1969, khi chiến tranh đang ác liệt, Hoa Hạnh vào Đoàn. Lúc này thì chính niềm đam mê, hay lớn hơn chính là duyên phận với nghiệp diễn đã cuốn chị đi. Mọi lo lắng, ngỡ ngàng chỉ có trong chị một thời gian rất ngắn. Hòa nhập, say mê học hỏi, luôn tìm tới các diễn viên đi trước bất kể giờ nào rảnh rỗi để mong được chỉ dạy, chỉ 6 tháng sau khi vào Đoàn, Hoa Hạnh được giao vai chính Nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở “Triệu Trinh Nương”. Cái buổi công diễn đầu tiên ấy, mãi mãi còn trong ký ức của chị. “Hồi ấy, mình biểu diễn cho đơn vị bộ đội ở Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu, ngày mai họ sẽ lên đường đi B. Bà Tướng Triệu Thị Trinh trên sân khấu nhỏ bé giữa những diễn viên đóng vai lính cao lớn. Mình vừa hồi hộp, vừa tự hào. Cứ nghĩ về cha: “Cha ơi, thế là con đã đền đáp được mong mỏi của cha. Cha ở xa, không đến xem con gái đứng trên sân khấu, được giao vai chính đầu tiên. Chắc hẳn cha sẽ vui và tự hào lắm.” Buổi biểu diễn thành công. Mình được các anh bộ đội ùa tới bắt tay, bồng cả lên vì “Bà Tướng nhỏ thế”. 
Hoa Hạnh tự nhận thấy mình “ăn” sân khấu. Cứ lên sâu khấu là nhìn rực rỡ. Cứ lên sân khấu là con người đời thường đã nhường chỗ cho nhân vật của kịch bản. Cộng với giọng hát khỏe khoắn, sự nhạy cảm, Hoa Hạnh đã trở thành ngôi sao cải lương thời đó. Đạo diễn Mạnh Linh đã từng nhận xét về Hoa Hạnh sau khi dựng vở diễn “Nhân danh và công lý” cho Đoàn Cải lương Nghệ An: “Dựng vở cho 5 đoàn trên cả nước, nhưng chưa bà mẹ của đoàn nào địch được bà mẹ do Hoa Hạnh thủ vai”. Gần 50 vở diễn, Hoa Hạnh toàn đảm nhận vai “đào thương” là những vai nữ chính tài sắc, có số phận éo le, ngang trái. Nhiều người đến xem đoàn biểu diễn bởi muốn xem Hoa Hạnh. Hoa Hạnh trong “Đời cô Lựu”, “Hai phương trời thương nhớ”, trong “Kiều”, “Dấu chân người trước”, “Cô gái Phù Tang”, “Hoàng tử biển”, “Chiếc nhẫn ngọc”, “Bỉ vỏ”, “Chiếc va ly số 6”…
Một Hoa Hạnh xinh đẹp, tài năng. Một Hoa Hạnh lấy của người ta rất nhiều nước mắt. 25 đêm công diễn “Đời cô Lựu” ở Rạp 12-9 (Vinh) là 25 đêm cháy vé, là 25 đêm khán giả nức nở cùng cô Lựu. Một ông hàng xóm của nghệ sỹ Hoa Hạnh bấy giờ, sau khi đi xem vở cải lương “Nhân danh và công lý” về đã kể lại cùng bà con chòm xóm: “Rõ ràng, buổi chiều thấy hấn (nghệ sỹ Hoa Hạnh- PV) còn đang tất tả đi vay xi măng về làm nhà, đêm thấy hấn diễn trên sân khấu. Tự nhủ, đó là con Hạnh đó, ấy vậy mà cũng không thôi khóc được. Hấn diễn hay quá. Lúc hấn diễn, hấn chính là bà mẹ đau khổ. Đặc biệt là khi người mẹ bước những bước mất hồn ra mộ con thì nước mắt tui rơi tự lúc nào.”
Ngay cả khi đã có 4 con, Hoa Hạnh vẫn được giao “đóng cặp” với những nam diễn viên trẻ mới ra trường. Thế mới có chuyện người hâm mộ tìm đến tận nhà mới vỡ lẽ người con gái trẻ trung trên sân khấu ấy đang có ở phía sau mình cả một đàn con. Chị là một trong số ít diễn viên mà đạo diễn không mấy khi phải “thị phạm”.
Nghệ sỹ Hoa Hạnh trong vai Tám Bính (Bỉ vỏ). Ảnh tư liệu gia đình
Nghệ sỹ Hoa Hạnh trong vai Tám Bính (Bỉ vỏ). Ảnh tư liệu gia đình
Hết mình vì nghiệp diễn
Hoa Hạnh cho rằng: “Người nghệ sỹ phải thực sự sinh nghề tử nghiệp”. Từ khi bước chân vào nghề, vốn liếng về cải lương với Hoa Hạnh, chỉ là một con số không. Chị đã phải học từng nốt luyến láy, học từng cử chỉ điệu bộ ở những “người thầy” đi trước. Mỗi khi nhận vai diễn, chị lại có những đêm không ngủ. Chờ chồng, con ngủ rồi, một mình chị thức, thắp lên ngọn đèn nhỏ và tập diễn một mình. Chị đặt mình vào tâm trạng nhân vật ấy mà khóc, cười… Chị nói mình phải hóa thân ngay từ khi đọc kịch bản để hiểu đến tận cùng nhân vật mình thủ vai.
Năm 23 tuổi, Hoa Hạnh lấy chồng là một diễn viên cùng đoàn. Lần lượt 4 đứa con ra đời cách nhau 2 - 3 năm một. Chưa một lần sinh nở nào Hoa Hạnh được nghỉ tới 2 tháng. Là diễn viên chính của Đoàn, nên mỗi lần đi biểu diễn nơi xa, dù đang trong giai đoạn nghỉ sinh nhưng Đoàn lại phải gọi Hoa Hạnh bởi “có Hoa Hạnh, chất lượng vở diễn mới được đảm bảo”. Thế là những đứa con, có đứa vừa chẵn tháng đã “lên đường” theo mẹ. Như trường hợp sinh con đầu tiên, vừa đầy tháng, Đoàn đánh xe về đón chị và con lên biên giới biểu diễn. Khi sinh con thứ 2 được 1 tháng rưỡi, Hoa Hạnh đã phải lội nước để cùng đoàn dựng vở “Đời cô Lựu”. Chả là đúng kỳ nước lụt, sân khấu tập của Đoàn ngập trong nước. Đến khi sinh con thứ 3, đúng được 1 tháng 3 ngày, chị bồng con đi tỉnh bạn diễn. Còn khi sinh con thứ 4 gần được 2 tháng, chị lại được yêu cầu đi biên giới. Buổi biểu diễn hôm ấy trong rừng khuya. Diễn trong khi sương xuống dày phủ trùm không gian, vai chị ướt đầm.
Cứ lo sẽ ốm, ảnh hưởng tới con nhỏ, nhưng một đêm, rồi hai, ba đêm, chị vẫn trụ vững trong vai chính trên sân khấu. “Biết là gia đình, người thân chịu thiệt thòi, nhưng mình là nghệ sỹ mà. Hy sinh chẳng phải là điều mà mình đã “được” sao: được mến yêu, được ghi nhận”.  Nghệ sỹ Hoa Hạnh nói vậy, rồi lại tiếp lời: “Thực ra, vất vả sau khi sinh con rồi, chưa thấm vào đâu so với thời trước đó. Mình vẫn nghĩ mình có lỗi với cả 4 đứa con, không phải bởi đã mang chúng theo đi diễn quá sớm mà vì khi có mang cả 4 đứa, mình đều phải nịt bụng lên sân khấu. Nhớ nhất là lần có mang đã sắp sinh, nhưng phải đảm nhận vai Kiều. Chị em trong đoàn vừa giúp nịt bụng, vừa lo.
Lần ấy phải diễn tới 7 màn, mấy tiếng đồng hồ. Đứng trên sân khấu, phải lựa làm sao để khán giả không thể phát hiện ra cô Kiều… đang có mang mà chỉ hơi mập một chút thôi. Đến màn cuối cùng, vừa múa, vừa hát tới mệt lử, lúc dang tay để làm hình tượng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, mình phải ra hiệu cho người kéo màn kéo thật nhanh. Màn vừa kéo, mình chạy vào trong tháo vội nịt bụng. May mắn làm sao, khi cái nịt vừa bung ra, mình nghe thấy con cựa quậy trong bụng… May có ông trời thương, con cái đứa mô cũng khỏe, đứa mô cũng theo mẹ đi diễn tới tháng thứ 9 rồi ngoan ngoãn chịu cai sữa ở nhà với ông, bà.”
Tài danh là thế, vinh quang là thế, nhưng cuộc sống người nghệ sỹ có lẽ chỉ có “hào quang trên sân khấu”. Một lần biểu diễn ở Quỳnh Lưu, Hoa Hạnh và chồng về đến nhà khi 2 giờ sáng. Mở cửa, hình ảnh 4 đứa con dài, ngắn nằm ngủ la liệt trên nền nhà khiến tim chị đau nhói. Lúc đó, chân chị chực khuỵu xuống. “Trời ơi, biết lấy gì mà nuôi con đây?” - chị thốt lên câu đó với chồng. Lúc chiều, khi đi diễn, chị chỉ kịp nấu cơm và vắt một đĩa dưa cho 4 đứa ở nhà. Bây giờ, khi trút bỏ bộ cánh lộng lẫy của công chúa trên sân khấu, chị đối diện với thực tại đầy khó khăn: không còn một đồng nào trong túi. 4 con đang tuổi ăn, tuổi lớn, bố mẹ bận đi diễn cả tháng trời... Bên cạnh đó, lại còn thói tị hiềm thường thấy trong bất cứ tập thể nào, nhất là lại ở môi trường nghệ thuật, sáng tạo. Đã có lần Hoa Hạnh ghi thật đậm vào nhật ký dòng này: “Nghệ thuật ơi, ôi bạc lắm, đời sao cay đắng!”. Thế rồi, chị tự nhủ, sẽ chẳng cho con đi vào con đường nghệ thuật đâu…
Còn bây giờ, ngồi trước tôi, chị lại đang tự hào vì 4 người con đều theo con đường văn hóa, nghệ thuật. “Chúng đều làm việc rất tốt, đều có niềm đam mê. Mình đầu tiên cũng cản không được, để nhận ra, chúng cũng như mình. Có hạnh phúc nào hơn được sống bằng tất cả đam mê và cống hiến vì cái đẹp, cái thiện”.
Năm 45 tuổi, nghệ sỹ Hoa Hạnh xin về hưu. Chị về để “lo cho con cái học hành, để lùi lại cho lớp trẻ cống hiến”. Bao nhiêu hào quang để lại, nhưng nói như nhạc sỹ Thanh Lưu - Trưởng đoàn Văn công dân ca Nghệ An, thật tiếc cho chị khi mà “tài sắc vẹn toàn” “suốt một đời làm nghệ thuật” là thế mà “chưa khi nào được tham dự một hội diễn sân khấu, do đó cũng chưa bao giờ được tặng thưởng một huy chương vàng, bạc nào. Điều đó không phải do chị, mà do vào thời điểm đó, Đoàn Cải lương Nghệ An không có tiết mục tốt để tham dự hội diễn”.
Với Hoa Hạnh, danh hiệu của người nghệ sỹ chính là dòng tên đã neo đậu trong lòng khán giả. Nhớ đến cải lương Nghệ An, người ta lại nhắc về Hoa Hạnh. Không có hội diễn toàn quốc nào, nhưng dấu chân những người nghệ sỹ như chị đã in khắp mọi miền Tổ quốc để mang đến nước mắt, nụ cười cho khán giả, để con người biết tin và yêu cuộc đời.
Lời kết
Và bây giờ, người đàn bà qua tuổi 60 đang ngồi trước mặt tôi, trầm ngâm nhưng rạng rỡ với vệt son tươi trên môi. Chị làm tôi nhớ đến thế câu hát Trịnh: “Sau lưng thời con gái/ Môi son đừng biếng lười/ Cho ta còn mãi mãi/ Chút mùi phấn hương bay”. Nghệ sỹ Hoa Hạnh không có tuổi, cũng như cô Lựu, cô Kiều, cô Lý… mãi mãi ở tuổi thanh xuân. Tôi hiểu, dù có thốt ra “ôi bạc lắm”, nhưng trọn một tấm lòng người nghệ sỹ ấy vẫn hướng về sân khấu. Vì thế, 2 năm trời sau khi nghỉ diễn, chị không dám bước chân tới Đoàn vì sợ “đến đó, nhìn thấy sân khấu, cái sân khấu một thời mình làm mưa làm gió ở đó, thấy bạn bè vẫn đang diễn, mình sẽ không thể kìm nổi cảm xúc”. Và ngồi nhà, nghe tiếng đàn, tiếng hát của Đoàn Chèo tập vở gần nhà “là hai hàng nước mắt lại rưng rưng. Nhớ sân khấu vô cùng”.
Thùy Vinh

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.