Điệp khúc khoai tây Trung Quốc "ngược đường" lên Đà Lạt

 Ngày 26-6, trong vai những vị khách tham quan, chúng tôi dạo quanh chợ nông sản Đà Lạt và chứng kiến những quầy hàng ở đây đã nhộn nhịp trở lại, khi vừa có số lượng lớn khoai tây Trung Quốc nhập về. Tấp nập cảnh chọn lựa, phân loại, “khoác áo” đất đỏ ba-zan, đóng hàng… để kịp chuyển đến các bạn hàng tiêu thụ.
Khoai tây Trung Quốc đã được “khoác” lớp đất đỏ Đà Lạt chuẩn bị đưa ra thị trường.
Khoai tây Trung Quốc đã được “khoác” lớp đất đỏ Đà Lạt chuẩn bị đưa ra thị trường.
Điệp khúc buồn
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp mùa mưa, mùa trái vụ, khi sản lượng khoai tây Đà Lạt không đủ cung ứng, điệp khúc “đưa khoai tây Trung Quốc ngược lên xứ sở khoai tây Đà Lạt” để nhập nhèm thương hiệu lại tái diễn.
Tại vựa khoai tây Trang, hai thanh niên làm công đang phân loại khoai tây để kịp chuyển hàng phân phối thị trường TP Hồ Chí Minh, họ không ngần ngại cho biết: Đây là khoai tây Trung Quốc, loại khoai vàng, vừa mới nhập về. Nhìn vào trong kho, một lượng lớn khoai tây Trung Quốc đang chờ “mông má” để cung cấp ra thị trường.
- Nhiều vựa ở đây nhuộm đất đỏ cho khoai tây để làm gì? - Tôi hỏi.
- Cho đẹp thôi. Tùy bạn hàng yêu cầu mà. - Một thanh niên trả lời.
Có lẽ, nếu một người không sành về phân biệt khoai tây như tôi mà không có câu trả lời “minh bạch” của những người làm công trên thì cũng đành chịu thua. Chưa kể, nếu cung đường khoai tây Trung Quốc từ cửa khẩu phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh, lên Đà Lạt, rồi từ Đà Lạt “đi” tiếp phía nam (nhuộm mầu đất hay không, chưa quan trọng), thì những khách hàng ở chợ lẻ tự nhiên khẳng định đó là khoai tây Đà Lạt!?
Bước nhanh về gian hàng phía cuối chợ, trong ánh mắt dò xét của nhiều chủ vựa khoai tây, tôi hỏi vội hai thiếu nữ đang ngồi phân loại khoai tây:
- Khoai gì đây em?
- Khoai Đà Lạt đó, lên mạng mà xem cách phân loại. Nhà báo chứ gì, còn vờ hỏi nữa. - Một cô gái nói.
- Khoai Đà Lạt sao phải nhuộm đất đỏ? - Tôi hỏi rốn. Hai cô gái dành cho tôi sự im lặng và tiếp tục công việc…
Đối diện gian hàng này, một phụ nữ trung niên đang cần mẫn ngắt mầm những củ khoai tây cỡ vừa, có lẽ do cất trữ lâu ngày. Theo cảm quan, về hình thái, mầu sắc đều khác hẳn khoai tây hai gian hàng trước đó. “Khoai Đà Lạt đó em, trữ lâu ngày trong kho để cung ứng thị trường mùa trái vụ nên nó lên mầm. Ế lắm, không cạnh tranh nổi với giá khoai Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt”. Thoáng buồn phớt qua trên khuôn mặt chị. “Đừng đưa hình chị lên báo nhé” - chị nói với theo…
Tình trạng khoai tây Trung Quốc “chuyển ngược” từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, hoặc trực tiếp từ cửa khẩu phía bắc vào, “trang điểm” đất đỏ, rồi xuất ra thị trường để “nhập nhèm” thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã diễn ra từ nhiều năm qua, làm cho nhà nông ở đây điêu đứng, còn khách hàng thì không biết chắc chắn mình đang sử dụng loại khoai gì?!
Theo Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, trung tuần tháng 6-2014, qua “cầu nối” của các công ty xuất nhập khẩu gần biên giới phía bắc, ba tiểu thương ở chợ nông sản này đã nhập về 44 tấn khoai tây Trung Quốc. Giá khoai tây Trung Quốc thời điểm nhập chỉ 3.380 đồng/kg, sau khi qua khâu “làm đẹp” và phân loại, được “tái xuất” thị trường với giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Thấp hơn giá khoai tây Đà Lạt chính hiệu từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.

 Ông Dương Minh Sơn, Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho hay: “Chợ này có 65 quầy hàng hoạt động, trong đó có ba quầy kinh doanh khoai Trung Quốc. Hàng lấy tới đâu họ làm và xuất đi tới đó. Họ nói, phải làm để giữ mối. Còn chuyện trộn đất đỏ thì do bạn hàng “giao kèo” với nhau, bọn mình chỉ vận động họ hạn chế làm “chuyện đó”, làm ăn cả đời mà. Nhưng…”. Câu nói được bỏ lửng và ẩn dấu câu chuyện dài về nổi buồn “thương hiệu” khoai tây Đà Lạt.

Khi ra thị trường, tất cả “đều được gọi” là khoai tây Đà Lạt, và khách hàng thì đương nhiên chọn mua món hàng giá rẻ. Khoai tây thương hiệu Đà Lạt lại tiếp tục “lận đận”, khi thiếu sự minh bạch trên thị trường.
Minh bạch… còn dài hơi
Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao khoai tây Trung Quốc lại được nhập ồ ạt về Đà Lạt mà không phải thị trường khác? Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khẳng định: “Đó là sự kinh doanh “nhập nhèm”, gian lận thương mại. Vì khoai tây Đà Lạt đã có thương hiệu. Nhưng, để tạo sự minh bạch trong kinh doanh mặt hàng này là công việc dài hơi, cần nhiều đơn vị chức năng vào cuộc”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, để giảm thiệt hại cho nhà nông, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp giáo dục cho tiểu thương, để họ bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt; tiếp tục phổ biến cách phân loại sản phẩm. Tiếp đến là phải minh bạch, ghi rõ sản phẩm của Đà Lạt khi bán hàng, kể cả những người bán lẻ. Trên cơ sở đó mới giúp cơ quan chuyên môn giám sát, kiểm tra được.
“Trước mắt, nên tiến hành nhanh việc ghi nhãn ở một số mặt hàng đang bị cạnh tranh mạnh. Tiểu thương cũng phải cam kết thực hiện như thế. Sau khi họ cam kết thì chúng ta mới áp dụng biện pháp chế tài”. - Ông Hưng nêu vấn đề.
Hiện, cơ quan chức năng Đà Lạt vẫn duy trì công tác kiểm tra định kỳ về giấy tờ, chất lượng nông sản tại các chợ đầu mối, vựa nông sản lớn hàng tháng. “Nếu thấy “có vấn đề” thì kiểm tra đột xuất. Bây giờ họ làm công khai lắm, khi được hỏi trộn đất để làm gì, họ bảo: để khoai có mầu đẹp”. - Ông Hưng cho hay.
Việc “biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt… có lẽ là câu chuyện dài trong đạo đức kinh doanh và khâu quản lý! Bởi, trong “cung đường” khoai tây Trung Quốc (đã được nhuộm đất đỏ) đến với thị trường vẫn là khoai tây Trung Quốc - nếu cơ quan chức năng kiểm tra. Chỉ khi đến tay người tiêu dùng, mới bổng dưng “trở thành” khoai tây Đà Lạt.
“Rõ ràng, khi khoai tây “xuất phát” từ Đà Lạt ra thị trường, đó là cơ sở để họ (người kinh doanh - PV) nói là “xuất xứ Đà Lạt”, chứ người mua đâu biết là khoai Trung Quốc, khi không phân biệt được” - Ông Hưng nói.
Để phần nào “minh oan” cho thương hiệu nông sản Đà Lạt, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường công tác phổ biến cách nhận diện một số đặc sản như khoai tây, dâu tây, hành tây… trên website, phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Cơ quan nào sẽ bám sát “cung đường đi” của khoai tây Trung Quốc từ đầu mối Đà Lạt đến tay người tiêu dùng, từ đó mới có biện pháp hạn chế? Đó chính là “nút thắt” cần được tháo gỡ. “Bởi, nếu hiện tượng này cứ lặp đi, lặp lại, e rằng… nhà nông Đà Lạt sẽ không “theo” khoai tây nữa, vì sản xuất không có lời” - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nghi ngại.
Khoai tây Đà Lạt khốn đốn vì khoai tây Trung Quốc nhập nhèm thương hiệu.
Khoai tây Trung Quốc dễ nhận dạng bằng cảm quan, kích cỡ khá đều, da láng, mắt củ cạn. Còn khoai Đà Lạt củ không đều nhau, vỏ mỏng, thường bị trầy xước, nhiều vết lõm sâu. “Nói chung, mẫu mã khoai tây Trung Quốc rất bắt mắt, nhưng khi ăn mới thấy chất lượng kém hơn nhiều so với khoai Đà Lạt”. - Ông Hưng cho hay.
Theo NDĐT

tin mới

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.