Đình công tại Công ty TNHH Viet Glory: Mối lo từ 'tiền lệ xấu'
(Baonghean.vn) - Sự việc đình công của gần 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) một lần nữa cho thấy những “điểm nghẽn” trong công tác đối thoại tại doanh nghiệp.
Lần đình công thứ 3
Cuộc đình công của gần 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Điều đáng nói, đây là lần đình công thứ 3 tại công ty này, dù công ty chỉ mới đi vào hoạt động được 3 năm.
Theo đó, sau giờ cơm trưa ngày 2/10, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory tập trung tại nhà để xe là đồng loạt ra về, không làm việc ca chiều. Khi sự việc xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cùng các cơ quan chức năng của huyện đã có mặt, nắm bắt tâm tư, thu thập ý kiến của người lao động.
Sau khi làm việc riêng với đại diện công nhân, tổ chức công đoàn đã ghi nhận 8 nhóm kiến nghị của người lao động và chuyển tới lãnh đạo công ty, trong đó hai nội dung chính là tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm. Còn lại là các nội dung liên quan đến lợi ích người lao động khác như chế độ độc hại, thai sản, phạt tiền chuyên cần, thời gian họp, thái độ của quản lý, cơ chế chấm công…
Ngay trong ngày 2/10, Công ty TNHH Viet Glory đã có thông báo trả lời các kiến nghị gửi người lao động. Cụ thể, lãnh đạo công ty cho biết, theo quy định, mức lương tối thiểu vùng mà Công ty TNHH VietGlory phải trả cho công nhân là 3.640.000 đồng/tháng. Hiện tại, công ty đã trả cho công nhân là 4.130.000 đồng/tháng, cao hơn mức quy định. Tình hình kinh doanh sản xuất hiện tại khó khăn, không cho phép công ty điều chỉnh tăng mức lương cơ bản cao hơn, mong cán bộ công nhân viên thông cảm và chia sẻ.
Về vấn đề sản lượng, công ty không giải thích rõ mà chỉ đưa ra giải thích rõ ràng mà chỉ đưa ra phương án mang tính giải quyết tình thế: Để động viên tinh thần của cán bộ công nhân viên đồng thời tăng thu nhập đảm bảo đời sống người lao động, công ty quyết định tăng thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy ngày 1/10/2023.
Một số kiến nghị liên quan đến thái độ làm việc của cán bộ quản lý, máy chấm công, thời gian họp... được công ty tiếp thu và điều chỉnh. Công ty cũng hứa sẽ xem xét, giải quyết 2 kiến nghị tăng số lượng người được tính phụ cấp độc hại, tăng phụ cấp độc hại và thưởng tháng 13 trong thời gian tới. Trong thông báo này, Ban giám đốc công ty cũng yêu cầu tất cả công nhân đi làm trở lại vào sáng 3/10. Những công nhân không đến làm việc sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và công ty, những công nhân nghỉ tự do 5 ngày trong tháng sẽ bị sa thải.
Sau thông báo này, những ngày sau đó, công nhân Công ty TNHH Viet Glory vẫn tiếp tục tập trung trước cổng công ty mà không quay lại nhà xưởng để làm việc. Ngày 4/10, đoàn liên ngành có đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan có mặt, trực tiếp đối thoại với công nhân và nắm bắt các nguyện vọng công nhân. Đoàn cũng đã kêu gọi các công nhân sớm trở lại làm việc để đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động cũng như duy trì hoạt động sản xuất của công ty.
Sau khi đối thoại với công nhân, đoàn công tác đã đối thoại với chủ doanh nghiệp về những kiến nghị, tâm tư của người lao động. Kết luận buổi làm việc ngày 4/10, đoàn công tác đề nghị công ty, Liên đoàn Lao động huyện, phòng Lao động - thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu phối hợp để ban hành thông báo kết quả làm việc, tuyên truyền đến công nhân nội dung thông báo và vận động công nhân sớm trở lại làm việc. Đồng thời, sau khi ổn định tình hình, UBND huyện Diễn Châu cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty TNHH Viet Glory.
Trước đó, ngày 16/2/2021 (tức mùng 5 Tết Nhâm Dần), hơn 1.400 công nhân Công ty TNHH Viet Glory cũng đã ngừng việc tập thể để yêu cầu quyền lợi. Sau khi được giải quyết một số kiến nghị, ngày 18/2/2021, công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường. Sau khi có sự tham gia giải quyết của Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, công ty đã thành lập công đoàn cơ sở vào tháng 3 năm 2021.
Một năm sau, ngày 7/2/2022, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, gần 5.000 công nhân công ty này tiếp tục ngừng việc để yêu cầu đảm bảo quyền lợi. Đến ngày 13/2/2022, các công nhân đã đi làm trở lại sau khi các kiến nghị được công ty giải quyết, trong đó công nhân được tăng 6% lương cơ bản, bổ sung tiền thâm niên cho lao động làm việc từ đủ 1 năm trở lên.
“Không cần thiết phải dùng đến biện pháp này”
Trong buổi làm việc với đoàn liên ngành sáng 4/10, lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory đã nói như vậy: “Những kiến nghị này công nhân có thể trực tiếp đề đạt với công ty để chúng tôi sẽ xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Không nhất thiết phải dùng đến biện pháp cuối cùng này” (đình công - PV). Quả thật, từ thông tin của đoàn liên ngành, có thể thấy rất nhiều nội dung kiến nghị xuất phát từ việc công nhân không rõ, không hiểu, không nắm được. Hay nói đúng hơn, giữa người lao động và doanh nghiệp thiếu sự kết nối, truyền đạt, đối thoại để hiểu nhau và tìm ra tiếng nói chung.
Cụ thể, nhiều công nhân phán ảnh là áp sản lượng cao khiến người lao động phải kéo dài thời gian làm việc để hoàn thành định mức tiêu chuẩn, mà đáng lẽ ra, đây là thời gian được tính là làm thêm giờ. Thêm đó, sản lượng không cố định mà luôn tăng lên ở các ngày sản xuất sau.
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo công ty khẳng định việc áp sản lượng có quy trình bài bản. Khi nhận một mẫu sản phẩm mới, bộ phận kỹ thuật sẽ sản xuất hàng mẫu rồi kiểm tra, tính toán thời gian làm việc rồi mới áp sản lượng cho tất cả các công ty trong tập đoàn. Theo đó, những ngày đầu làm mẫu mới thì công nhân chưa quen nên sản lượng thấp, nhưng những ngày tiếp theo quen tay rồi thì phải nâng sản lượng dần lên để đạt định mức tập đoàn đề ra. Hiện sản lượng của công ty chỉ mới đạt 50-70% so với định mức của các công ty khác trong tập đoàn.
Về vấn đề thai sản, công nhân phản ánh, công nhân nữ đang làm việc ở các bộ phận độc hại khi mang bầu được chuyển sang bộ phận khác, bị cắt phụ cấp độc hại. Mang bầu từ tháng thứ 7 không được nghỉ sớm 1 tiếng theo quy định và bị cho nghỉ sinh sớm. Đại diện công ty trả lời, theo quy định lao động mang thai sẽ được chuyển đến bộ phận sản xuất nhẹ nhàng hơn để đảm bảo an toàn cho công nhân và vẫn được nghỉ sớm 1 tiếng. Từ tháng 10/2023, công ty cam kết sẽ không yêu cầu nghỉ thai sản đối với người lao động mang thai đến tháng thứ 7. Đồng thời, công nhân lao động phải cam kết bảo đảm sức khỏe bản thân để không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Về phụ cấp độc hại, công nhân cho rằng, không công bằng nếu trong cùng trong một chuyền nhưng có người được hưởng độc hại, có người không. Phía công ty trả lời, trên một chuyền nhưng sẽ có bộ phận độc hại, có bộ phận không. Ngoài ra, đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại còn phụ thuộc vào mẫu hàng và những công nhân thi tay nghề đạt thì sẽ đủ điều kiện để hưởng phụ cấp này.
Về việc ép công nhân phải làm việc trước giờ vào ca 10-15 phút, công ty trả lời không hề có chuyện ép công nhân làm thêm giờ, đồng thời sẽ tìm hiểu ai đã ra yêu cầu này và xử lý…
Ở các nội dung trên, đoàn liên ngành đã đưa ra nhiều chất vấn việc tại sao công nhân không nắm được những quy định, quy trình của công ty, tại sao công ty không giải thích, làm rõ vấn đề ngay từ đầu, không công khai kế hoạch dài hạn cho công nhân hiểu… Trả lời đoàn liên ngành, công ty hứa thời gian tới sẽ tuyên truyền đến công nhân những thông tin liên quan như vị trí cụ thể được hưởng độc hại của mỗi dây chuyền, quy trình áp sản lượng…
Lãnh đạo công ty cũng thông tin thêm rằng, dù đã bố trí thùng thư góp ý tại các dây chuyền, ở những nơi khuất camera, nhưng họ không nhận được các kiến nghị, thắc mắc nào của công nhân. Nếu nhận được thì chắc chắn sẽ kịp thời giải quyết vướng mắc. Để đảm bảo tính chính xác trong truyền đạt thông tin, công ty sẽ tổ chức các buổi họp ở từng bộ phận.
Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2023, các cấp công đoàn Nghệ An đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình tại doanh nghiệp này và ghi nhận sự ổn định trong quan hệ lao động. Mặc dù đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn xin thêm các đơn ở những công ty khác để duy trì công việc, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, công ty đang chuẩn bị triển khai xây dựng giai đoạn 2 với quy mô nhà xưởng lớn hơn.
“Sẽ rất đáng lo ngại nếu công nhân có suy nghĩ cứ mâu thuẫn là đình công, cứ đình công là tất các yêu cầu sẽ được đáp ứng. Đình công mang đến rất nhiều tổn thất, cho cả doanh nghiệp, người lao động và môi trường đầu tư của tỉnh nhà. Người lao động cần sáng suốt nhìn nhận đúng – sai, nghĩ dài hạn để giải quyết có lợi cho tất cả các bên” - ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định. Với vai trò là tổ chức công đoàn, ông Công mong muốn doanh nghiệp và người lao động tìm được tiếng nói chung, trên cơ sở hài hòa lợi ích và phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như khả năng của công ty trong thời điểm hiện nay.
Trong 2 ngày 6 và 7/10, gần 1.500 công nhân đã làm việc sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh và vận động của các cấp công đoàn.
Cũng trong ngày 7/10, đồng chí Hà Xuân Quang – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Diễn Châu và đại diện cho các ban ngành cấp huyện đã có cuộc làm việc với Ban giám đốc Công ty TNHH Viet Glory để bàn một số giải pháp. Theo kế hoạch, sáng 09/10 các cơ quan ban ngành đoàn thể tiếp tục có mặt vận động công nhân vào làm việc.