Người nuôi lợn rừng "sạch"

(Baonghean) - Với phương pháp nuôi lợn rừng bán hoang dã và sử dụng cây thuốc Bắc, thuốc Nam để làm thức ăn và phòng, chống dịch bệnh, anh Trần Phúc Đạt (SN 1965) ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành (Yên Thành) đã gây dựng được thương hiệu trang trại lợn rừng “sạch”, có uy tín cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
“Từ quan” về nhà bốc thuốc, nuôi lợn rừng
Xuất ngũ năm 1988, anh Trần Phúc Đạt trở về địa phương tích cực tham gia công tác Đoàn xã. Trải qua quá trình công tác, học tập và phấn đấu, anh được bầu làm Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Là một chủ tịch xã có năng lực, uy tín được nhân dân và chính quyền tín nhiệm. Thế nhưng, năm 2010, anh làm đơn “treo ấn, từ quan”. Anh Đạt tâm sự: “Gia đình làm nghề bốc thuốc Bắc gia truyền, nên khi cha già yếu, tôi đã quyết định nghỉ việc ở xã để về nối nghiệp. Chức chủ tịch xã mình không làm thì sẽ có người khác làm, nhưng nghề bốc thuốc này mà thất truyền thì có tội với tổ tiên và dân chúng…”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề bốc thuốc Bắc của gia đình anh Đạt bao đời nay nổi tiếng và có uy tín. Anh Trần Độ, một người dân trong xóm cho biết: “Anh Đạt là một lương y đức độ và giàu lòng nhân ái, anh đã chữa khỏi cho hàng ngàn người bệnh. Những bệnh nhân nghèo đến bốc thuốc anh đều không lấy tiền, thậm chí còn cho tiền họ nữa. 
Anh Trần Phúc Đạt hướng dẫn khách tham quan trang trại nuôi lợn rừng.
Anh Trần Phúc Đạt hướng dẫn khách tham quan trang trại nuôi lợn rừng.
Với nghề bốc thuốc gia truyền và mấy sào ruộng khoán, cuộc sống gia đình anh không giàu nhưng cũng đủ sống thanh đạm ở trong lòng xóm mạc. Thế nhưng cái máu thích chăn nuôi, trồng trọt vẫn luôn “nóng” trong con người anh. Một lần xem ti vi thấy mô hình nuôi lợn rừng, anh Đạt nghĩ: Nếu như nuôi thành công lợn rừng theo kiểu bán hoang dã sẽ cho thu nhập cao vì lợn rừng là đặc sản. Nghĩ là làm, anh Đạt tìm hiểu và đi Quỳnh Lưu mua cặp lợn rừng giống về nuôi. Thế nhưng, sau hơn 8 tháng  chăm sóc cả 2 con lăn đùng ra chết vì bị mắc dịch tai xanh. Thất bại nhưng không nản chí, anh tìm tài liệu nghiên cứu về phương pháp nuôi lợn rừng và mua về 2 cặp giống tiếp theo. Lần này có kinh nghiệm hơn nên 2 cặp lợn sau 1 năm nuôi đã sinh sản… Dần dần anh đã gây dựng được một trang trại lợn rừng rộng hơn 1 ha với gần 100 con, bao gồm cả lợn sinh sản, lợn phối giống và lợn giống.
Phương pháp nuôi độc đáo
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Đạt cho biết, nuôi lợn rừng dễ, nhưng để tạo được thương hiệu lợn rừng “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng thì không phải ai cũng làm được. Theo anh Đạt, lợn rừng là động vật hoang dã nên không thể áp dụng phương pháp chăn nuôi như lợn nhà. Việc đầu tiên là phải xin giấy phép chăn nuôi. Chuồng trại làm đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của lợn rừng để bố trí chuồng trại, phân loại theo tuổi. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống… Điều quan trọng nữa là tường rào phải chắc chắn, kiên cố. Theo quan sát của chúng tôi, chuồng trại của anh được làm nơi đất cao thoáng mát, có chỗ thoát nước để vệ sinh; có nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ cho lợn uống mà còn duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ẩm thích hợp cho lợn rừng. “Thả lợn trong 1 ha rừng thì chẳng khác gì lợn rừng hoang dã, nhưng tôi đã huấn luyện được chúng theo giờ giấc như ăn, tắm nắng, “vận động thể dục” và vào chuồng 1 cách quy củ. Chính những điều đó góp phần tạo nên  sản phẩm thịt lợn ngon và sạch”. 
Điều độc đáo nữa là thức ăn cho lợn rừng, ngoài các loại cỏ, cây, mầm cây, rễ cây, hạt ngũ cốc, củ quả, thì anh Đạt còn bổ sung các loại cây, lá thuốc Nam, thuốc Bắc để tạo sức đề kháng và phòng, chống dịch bệnh cho lợn rừng. “Lợn rừng là động vật hoang dã mới được thuần hóa, nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, lợn rừng cũng thường bị một số bệnh như dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh thông thường khác. Tôi đã ứng dụng cây thuốc Nam và thuốc Bắc để làm thức ăn và điều trị bệnh nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt”, anh Đạt chia sẻ về bí quyết phòng, chống dịch bệnh, nhưng anh cũng khuyến cáo: “Thức ăn của lợn  rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt bị biến đổi và nhiều khi làm cho lợn bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy…”.
Những phương pháp độc đáo đã chứng minh được hiệu quả khi chất lượng thịt tốt, đầu ra sản phẩm lợn rừng của anh được khách hàng ưa chuộng; mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện, anh Đạt không chỉ cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các trang trại, nhà hàng ở Yên Thành mà còn là đầu mối cung cấp cho nhiều huyện, thị ở Nghệ An. Đánh giá về mô hình nuôi lợn rừng của anh Đạt, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trang trại của anh Đạt nuôi lợn rừng là mô hình đầu tiên của xã Tân Thành; cho hiệu quả, thu nhập cao. Đây cũng là mô hình mà cấp uỷ, chính quyền địa phương đang có kế hoạch tổ chức cho bà con tham quan học tập để nhân rộng.
Tiến Dũng

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.