Được mùa lạc đông

(Baonghean) - Trong tiết trời nắng ấm, trên những cánh đồng ở Diễn Châu, Nghi Lộc, nơi được xác định là “vựa lạc” của Nghệ An, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch lạc đông. Thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nên lạc cho năng suất cao. Niềm vui được mùa lạc đông hiện rõ gương mặt mỗi người dân...
Thu hoạch lạc đông tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu.
Thu hoạch lạc đông tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu.
Vụ đông năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Thu, xóm 18, xã Diễn Hoàng (Diễn Châu) chỉ trồng 300m2 lạc giống L14 nhưng đã thu về 80 kg lạc làm giống cho vụ xuân. Chị vui vẻ cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, không bị mưa lụt nên lạc phát triển tốt. Được mùa nên lạc chắc, hạt sáng. Do đó, ngoài để làm giống cho mấy sào lạc xuân, nhà tui còn có bán, giá khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg”.
Toàn xã Diễn Hoàng có 62 ha lạc đông được trồng từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch. Cách đây 10 - 15 ngày, bà con đã bắt đầu ra đồng thu hoạch lạc, dự kiến trong vài ngày tới sẽ hoàn thành thu hoạch lạc đông. Ông Nguyễn Chí Vinh - cán bộ nông nghiệp xã cho hay: “Vụ đông năm nay, diện tích lạc tăng so với năm ngoái 7 ha. Đây cũng là một trong những vụ được mùa nhất từ trước đến nay. Nếu mọi năm, năng suất lạc chỉ đạt xấp xỉ 1 tạ/sào thì vụ đông năm nay, bình quân đạt từ 1,2 - 1,3 tạ/sào. Không những đảm bảo đủ giống cho việc gieo trồng 170 ha lạc xuân sắp tới, mà còn có lạc giống bán ra thị trường”. 
Hiện tại, ở các xã vùng trọng điểm lạc của Diễn Châu như Diễn Kỷ, Diễn Thành, Diễn Hùng, Diễn Phong, bà con đang tích cực thu hoạch lạc. Vụ đông năm nay, toàn huyện Diễn Châu gieo trỉa 400 ha lạc, chủ yếu là giống L14, sen Nghệ An, tuy không đạt kế hoạch đề ra về diện tích nhưng năng suất đạt cao và đồng đều. Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì lạc luôn được xác định là loại cây trồng chủ lực, hiệu quả và an toàn nhất trong sản xuất vụ đông. Là một trong những “vựa lạc” của tỉnh. Với 400 ha lạc đông, lại được mùa như năm nay, ngoài làm giống cho trên 3.000 ha lạc vụ xuân, vẫn còn dư ra để bán, người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể. Nhờ thời tiết thuận lợi, nên củ lạc chắc, sáng, nhân đều. Đặc biệt, tại xã Diễn Phong có 8 ha lạc giống L20 từ chương trình, dự án của Bộ NN&PTNT, năng suất đạt tới 1,4 - 1,5 tạ/sào. 
Tại Nghi Hợp (Nghi Lộc), lạc đông trồng sớm cũng đã được thu hoạch cách đây vài chục ngày. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 125 ha đất màu, nhưng chủ yếu trồng lạc vụ xuân, vụ đông chỉ có 24 ha dùng làm giống. Năm nay, lần đầu tiên Nghi Hợp đưa vào trồng 5 ha lạc thu đông, gieo sớm hơn lạc đông từ 20 - 25 ngày, mục đích sẽ dần thay thế cây lạc đông thường gặp thời tiết bất lợi do thời tiết càng về sau càng rét, trong khi độ ẩm đất cao nên lạc thường bị nảy mầm nếu không thu hoạch sớm. Diện tích này đã được thu hoạch từ đầu tháng 11. Nếu mọi năm, năng suất lạc đông thường chỉ đạt 70 - 80 kg/sào thì năm nay, những diện tích đã cho thu hoạch bình quân đạt xấp xỉ trên 1 tạ/sào, đặc biệt trong đó có 3 ha làm giống lạc L14 nguyên chủng, năng suất đạt trên 1,2 - 1,3 tạ/sào. “Vụ đông năm nay thời tiết rất thuận lợi cho cây lạc phát triển, vào giai đoạn lạc ra hoa trời nắng, khi hoa rũ, đâm tia thì gặp mưa, lượng mưa vừa đủ cho cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, củ nhiều. Ở những diện tích trồng lạc L14 nguyên chủng, có những gốc lạc gần 100 củ” - ông Hà chia sẻ. 
Huyện Nghi Lộc có 4.000 ha đất màu, trong vụ xuân, diện tích lạc của Nghi Lộc lên tới trên 3.000 ha, riêng trong vụ đông, có những năm diện tích lạc toàn huyện trên 1.000 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ chủ trương không mở rộng diện tích mà chỉ chọn những vùng an toàn nhất để trồng, diện tích lạc đông của Nghi Lộc dao động ở mức 400 - 500 ha. Sản xuất lạc vụ đông để làm giống cho sản xuất vụ xuân được đánh giá là giải quyết được khá nhiều vấn đề. Trước hết khắc phục được tình trạng người dân phải bảo quản giống lạc vụ xuân theo phương thức cũ để làm giống cho vụ xuân năm sau, vừa tốn công bảo quản vừa không đảm bảo tỷ lệ nảy mầm. Sử dụng lạc vụ đông làm giống, vừa tạo được hệ số nhân giống cao, hiệu quả sản xuất lạc đông cũng rất rõ vì giá bán lạc giống rất cao, mỗi sào lạc bình quân cho thu nhập 3 - 4 triệu đồng/sào. Đồng thời, qua chương trình sản xuất lạc vụ đông, đã giải quyết được vấn đề đưa nhanh các giống lạc mới vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, từ trước đến nay huyện đã đưa khá nhiều giống lạc mới trồng thử nghiệm trong vụ đông và lựa chọn giống lạc L14 làm chủ lực. Vụ đông năm nay, huyện đưa vào triển khai chương trình nhân giống lạc nguyên chủng L14 tại 3 điểm là Nghi Văn, Nghi Long và Nghi Hợp, với tổng diện tích 15 ha, bước đầu cho kết quả rất khả quan, năng suất lên tới 25 - 26 tạ/ha. Hiện tại, bà con đang tiếp tục thu hoạch lạc đông, theo đánh giá chung, vụ đông năm nay tuy diện tích lạc của Nghi Lộc không nhiều, nhưng là một năm được mùa, với năng suất bình quân dự kiến khoảng 21 - 22 tạ/ha. 
Phú Hương

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.