Lựa chọn nào cho chính sách tỷ giá 2016?

(Baonghean) - Lịch sử biến động tỷ giá của Việt Nam cho thấy thị trường thường có những phản ứng tâm lý dồn dập sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Thực tế cho thấy, những biến động từ thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế trong năm 2015 đòi hỏi cần có những thay đổi trong cơ chế điều hành tỷ giá để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, ngân hàng Trung ương có thể thực thi chính sách tiền tệ một cách độc lập, hướng đến việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát trong dài hạn.
Lịch sử giá trị của tiền đồng gắn chặt với những biến động kinh tế vĩ mô ở trong nước và quốc tế, trong đó, việc lựa chọn chế độ tỷ giá hối đoái trong từng giai đoạn cũng có những tác động nhất định đến biến động của tỷ giá. Về cơ bản, Việt Nam thực hiện chế độ neo tỷ giá theo đồng USD, và có điều chỉnh tỷ giá chính thức và biên độ giao động của tỷ giá cho phù hợp với những diễn biến chính của kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Biến động tỷ giá về cơ bản được gắn chặt với những lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những biến động dồn dập của tỷ giá từng ngày cho thấy phản ứng tâm lý rất rõ của thị trường sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá. Với những diễn biến dồn dập trên thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế vào thời điểm cuối năm 2015, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất, đồng nhân dân tệ mất giá và chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đã khiến nhiều thời điểm tỷ giá được đưa lên sát mức trần. Tuy nhiên, thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2016 là rất lớn khi Fed đã chính thức nâng lãi suất trong ngày 19/12/2015, kết thúc giai đoạn 7 năm lãi suất được duy trì ở mức gần 0%, và sẽ rất khó có thể tiếp tục đưa ra được một cam kết cứng nhắc đối với tỷ giá. 

Đánh giá sơ bộ về hiệu quả của cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, TS. Bạch Ngọc Thắng cho rằng, không thể phủ nhận nhiều tác động tích cực trên lý thuyết của chế độ neo tỷ giá cố định (có điều chỉnh) vào USD mà NHNN đã thực hiện trong hơn 20 năm qua. Nổi bật trong đó là giúp ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát, và tạo thuận lợi cho các giao dịch với nước ngoài. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới hiện tượng đô-la hóa trong nền kinh tế, suy giảm niềm tin của người dân vào giá trị của đồng nội tệ, và làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ. Hơn nữa, những lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường là không tiên liệu được, gây xáo trộn các hoạt động kinh tế, khiến DN và người dân rất khó có thể đưa ra được kế hoạch kinh doanh ổn định trong trung hạn - TS. Bạch Ngọc Thắng cho biết.
Với tình hình thực tế, liệu chính sách tỷ giá cần thay đổi như thế nào? Dựa trên những phân tích tỷ giá hữu hiệu thực, một nhóm nghiên cứu kinh tế mới đây cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN trong suốt 20 năm vừa qua (đặc biệt là giai đoạn gần đây 2007 - 2015) đã không giúp ích nhiều trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, xu hướng tỷ giá hữu hiệu thực lại bám khá sát Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm vừa qua. 
Việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam trong năm 2016 cần được đặt trong hai bối cảnh mới là đồng nhân dân tệ đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của IMF và Fed đã chính thức đưa ra lộ trình bình thường hóa (tăng) lãi suất trong giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, bối cảnh thứ nhất cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào trao đổi thương mại với Trung Quốc. Những thay đổi trong tỷ giá nhân dân tệ hoàn toàn có thể có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Ở bối cảnh thứ hai, lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ gây áp lực rất lớn đến tài khoản vãng lai của Việt Nam trong ngắn hạn khi các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn có xu hướng chuyển ngược về Mỹ, nơi có lãi suất cao hơn - đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng phân tích.
Theo các chuyên gia, với hai bối cảnh mới nêu trên, cơ chế điều hành tỷ giá mới cần có sự linh hoạt nhất định để tránh gây xáo trộn trong kỳ vọng của thị trường. Trong năm 2016, chính sách điều hành tỷ giá cần có những điều chỉnh cơ bản để tạo tiền đề cho việc tự do hóa lãi suất trong những năm tiếp theo. Điều này là cần thiết bởi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, cơ chế điều hành tỷ giá cứng nhắc và bị động như trong quá khứ sẽ không giúp ích nhiều cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hệ thống tài chính thế giới có nhiều biến động. Một cơ chế điều hành tỷ giá mới cần hướng đến sự linh hoạt của tỷ giá, để tỷ giá có vai trò lớn hơn trong việc xác lập cân bằng trên thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán. Một cơ chế tỷ giá linh hoạt cũng sẽ giúp triệt tiêu tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, giúp ngân hàng trung ương có thể độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng liên quan đến tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn - PGS.TS. Lê Quanh Cảnh nhận định.
Nhìn chung, về chính sách tỷ giá năm 2016, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng Trung ương có thể thực hiện giảm dần việc neo vào USD trong việc điều hành tỷ giá. Thay chỉ dựa vào một đồng tiền duy nhất để định hướng tỷ giá, NHNN có thể đưa ra một tham chiếu như tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa với một rổ tiền tệ bao gồm các đồng tiền chủ chốt, tỷ giá này sẽ làm cơ sở cho các cặp tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng. Trước mắt, NHNN vẫn cần duy trì biên độ giao động của tỷ giá trong ngày, nhưng cho phép biên độ dần được nới rộng hơn. Điểm thay đổi căn bản của một cơ chế điều hành tỷ giá mới đó là tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước có thể làm tham chiếu cho tỷ giá mở cửa của ngày hôm sau trên thị trường liên ngân hàng. Bản chất của cơ chế mới này là tỷ giá có thể thay đổi theo ngày nhưng sẽ vẫn bị “trói” biên độ giao dịch trong ngày. 
Để  làm rõ hơn quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt là rất cần thiết và khả năng lớn là NHNN sẽ có những thay đổi trong cơ chế điều hành tỷ giá trong năm 2016 để hướng tới mục tiêu này. Động thái gần đây của NHNN về việc đưa lãi suất tiền gửi USD của cá nhân xuống 0% sẽ gây áp lực lớn tới quan hệ mua - bán ngoại tệ, thay vì quan hệ tín dụng như trước đây. Nếu NHNN không đưa ra được một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn thì mục tiêu chống đô la hóa sẽ không đạt được. Cơ chế điều hành tỷ giá như vừa đề cập sẽ giúp tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, tránh hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế. 
Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tỷ giá mới này cần một số điều kiện nhất định. Thứ nhất, NHNN cần duy trì một khối lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để can thiệp khi có những biến động lớn trên thị trường. Thứ hai, cần tăng cường công tác dự báo và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn về lạm phát và tăng trưởng. Và điều kiện thứ hai này sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng cho việc tạo dựng một chính sách tỷ giá mới, hiện đại trong tương lai, bởi những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô cần dựa trên những dự báo tốt để điều chỉnh các kỳ vọng và động cơ trên thị trường, hướng đến việc đạt được những mục tiêu trong dài hạn, thay vì các mục tiêu ngắn hạn và chạy theo những diễn biến trong quá khứ - PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng cảnh báo.

Sông Hồng

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.