Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/11

Quốc Sơn - Hữu Quân 25/11/2022 19:00

(Baonghean.vn) - Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Thẩm tra báo cáo Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nhiều địa phương đấu giá đất không có người mua; TP.Vinh lý giải nguyên nhân ngập úng… là một số nội dung đáng chú ý trong ngày 25/11.

* Sáng 25/11, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Phiên thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi năm 2022, nhiệm vụ năm 2023.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2025 được thực hiện trên địa bàn 131 xã.

Ngày 18/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3639-QĐ/UBND về việc phân bổ vốn năm 2022 (đợt 1) cho 166/316 danh mục dự án đạt 52,53%. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện nay chỉ mới giải ngân được 11.730/302.432 triệu đồng đạt 3,88% (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì). Hiện nay các sở, ngành và UBND các huyện hiện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân vào tháng 12/2022.

Tại buổi thẩm tra, ý kiến các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích rõ hơn về những khó khăn vướng mắc; vai trò trách nhiệm của các sở, ngành, các huyện chậm công tác tham mưu.

Ngoài đề xuất với bộ, ngành Trung ương cần bổ sung đề xuất với tỉnh; đánh giá rõ những văn bản Trung ương ban hành còn chồng chéo, hướng dẫn chưa cụ thể, khó thực hiện để kiến nghị Trung ương sửa đổi; Bổ sung phần bài học kinh nghiệm; đánh giá thêm công tác tuyên truyền phổ biến; tính khả thi giải ngân vốn của một số dự án; xác định nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của năm 2023 của 8 sở, ngành, 12 huyện liên quan,…

Toàn cảnh phiên thẩm tra. Ảnh: Lê Thanh

* Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 49km, đi qua Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Hiện, tiến độ dự án còn bị chậm.

Vừa qua, sau cuộc kiểm tra dự án, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch tiến độ đã được doanh nghiệp dự án chấp thuận, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu loại bỏ các nhà thầu yếu kém về năng lực ra khỏi dự án, nhất là các nhà thầu: Công ty cổ phần 456, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp…

Thi công cầu Ồ Ồ qua huyện Nghi Lộc. Ảnh: Trân Châu

* Sáng 25/11, tại thành phố Vinh, Sở Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.

Nội dung chương trình tập huấn nhằm triển khai hướng dẫn các đơn vị sử dụng phần mềm báo cáo thống kê du lịch của Tổng cục Du lịch theo Thông tư số 18/2021/TT/BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; ứng dụng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác báo cáo thống kê du lịch, giúp doanh nghiệp gửi báo cáo nhanh chóng đến cơ quan quản lý.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Công Khang

* Sau những phiên đấu giá đất thu hút hàng nghìn người tham gia tại các huyện ở địa bàn Nghệ An (thời điểm sốt đất), thì đến nay, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng, nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất nhưng có rất ít người tham gia.

Theo báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An thu từ tiền sử dụng đất (đất dự án và khai thác đấu giá quyền sử dụng đất) đạt trên 6.900 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là số thu hầu hết trong khoảng 4 tháng đầu năm. Ngành chức năng đã thu trên 50 tỷ đồng (từ trên 200 lô đất bỏ cọc) nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Số lô đất bỏ cọc nhiều tập trung ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu…

Khu hạ tầng ở huyện Đô Lương được đầu tư đồng bộ, nhưng thời điểm này rất khó giao dịch. Ảnh: Hải An

* Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với dải hội tụ trên cao nên trong các ngày từ 23-25/11, trên địa bàn khu vực TP. Vinh và vùng phụ cận có mưa to đến rất to.

Kết quả quan trắc đo mưa của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ vào sáng 25/11 cho biết: địa bàn hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong đợt này là TP. Vinh với tổng lượng mưa trong 3 ngày lên tới 709 mm, cách kỷ lục mưa lớn nhất năm 2019 khoảng 200 mm. Cụ thể, ngày 23/11 là 217 mm, ngày 24/11 là 370 mm và ngày 25/11 là 122 mm.

Đại diện Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn thành phố Vinh cho biết, mưa vào cuối mùa, thành phố Vinh đã huy động tối đa nhân lực và trạm bơm công suất lớn đặt tại các vùng xung yếu chạy 3 ngày liên tục để bơm tăng bo ra mương thoát, qua đó hạn chế ngập lụt tại khu vực chợ Vinh và giúp một số vùng khác nước rút nhanh hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, qua trận mưa lớn vừa rồi, khách quan đánh giá thì năng lực hệ thống tiêu thoát chống ngập vẫn còn những bất cập, hạn chế, công tác vận hành, chống ngập lụt và tiêu thoát nước vẫn còn một số chủ quan, nhất là cấp cơ sở, khối xóm.

Mưa lớn ngập đường Hoàng Phan Thái ra đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh vào chiều tối 24/11. Ảnh: CTV
Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO