Nguyễn Anh Tú: Đến tận cùng đam mê

(Baonghean) - Chiếc khăn hồng tung ra và bất ngờ chú chim bồ câu trắng muốt xòe cánh bay lên, những đồng xu chui qua mặt bàn kính, hay chính nó lại biến mất sau những ngón tay dài, tờ giấy trắng bỗng thành những tờ tiền mới coóng, bộ bài Tây rơi dính vào nhau trong không khí… Bạn nghĩ tôi đang kể về một giấc mơ kỳ dị? Không đâu, đó là hiện thực đang hiện ra trước mắt tôi, khi xem “ảo thuật gia” Nguyễn Anh Tú biểu diễn. Nhưng, không chỉ có thế, anh chàng duyên dáng đó còn khiến người khác cuốn hút bởi những bản khả năng chơi đàn và tài thổi sáo tay điêu luyện…

Cậu em trai tỏ vẻ ngạc nhiên và gọi tôi là “bà già lạc hậu” khi không biết đến Sky Nguyễn và những quán cà phê ở Vinh thường trưng biển: Tối nay có chương trình ảo thuật của Sky Nguyễn. Nó khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chả bạn trẻ nào ở Vinh mà không biết tới Sky Nguyễn cả”, và nhắn, nếu tò mò muốn gặp cậu ta thì lại chỗ “Retro café” trên đường Hồ Tùng Mậu do chính cậu ta làm chủ nhá. 
Biểu diễn ảo thuật trên đường phố.
Biểu diễn ảo thuật trên đường phố.
Hóa ra, tôi đã gặp chàng trai trẻ này một vài lần rồi. Lần đầu là một chiều cách đây chừng 2 năm. Hôm đó, cậu ta đi biểu diễn miễn phí trên đường phố cho bất cứ ai dừng lại xem và yêu cầu. Một vài lần khác, lại thoáng thấy cậu tham gia phát cơm, phát sữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, rồi biểu diễn trong các chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Cả lần gặp này nữa, tôi luôn thấy ngọn lửa ấm áp tỏa ra từ con người Nguyễn Anh Tú (thường được gọi là “Tú ảo thuật” hay “Sky Nguyễn”). Sự năng động, nhiệt thành chăng? Chưa hẳn, mà hơn cả thế, đó là ngọn lửa của niềm đam mê chưa bao giờ nguội tàn đối với…ảo thuật. 
Nguyễn Anh Tú
Nguyễn Anh Tú
Nguyễn Anh Tú hỏi tôi, có lẽ nhìn em chị cứ tưởng là dân phố Vinh nhỉ, cũng nhiều người tưởng thế lắm, nhưng em là cậu trai miền núi “xịn” đấy chị ạ. Em sinh ra ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Bố mẹ em cũng đang trên đó. Mẹ em là giáo viên mầm non, bố em là bộ đội về hưu, chả có ai theo đuổi nghệ thuật cả. “Thế vì sao mà em lại “lạc bước” vào nghệ thuật?”- Tôi hỏi. Tú hồ hởi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm ấu thơ, niềm đam mê và những ngã rẽ của cuộc đời.
“Thực ra, thành tích học tập của em cũng không có gì đáng để tự hào. Em chỉ là một cậu học sinh bình thường, có chăng là hay tham gia phong trào văn nghệ của trường mà thôi. Năm em học lớp 7, có người bạn tặng cho gia đình em một cây đàn ghi ta. Em và anh trai mày mò mãi và cuối cùng cũng thành công khi khám phá ra những giai điệu quyến rũ trên những sợi dây đồng ấy”. Cái giây phút nghe bàn tay mình lướt trên dây đàn, Tú hạnh phúc đến ngộp thở. Tú cảm giác như mình đã chạm đến một điều kỳ diệu. Trong đời mình, Tú thấy may mắn là rất nhiều lần có được cái cảm giác ấy: chạm đến điều kỳ diệu!
Cây đàn đã theo Tú một thời ấu thơ. Kỷ niệm âm nhạc ghi dấu ấn với Tú, ấy là lần đệm đàn cho một bạn đứng hát trên sân khấu tại một hội thi cấp trường và cả hai đã được chọn đi biểu diễn ở huyện. Ngày ấy, Tú được mẹ hướng đi theo con đường sư phạm. Vậy là, cậu đã chọn sư phạm âm nhạc khi thi vào Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An với ý nghĩ mình sẽ trở thành một giáo viên dạy nhạc. Học xong cao đẳng rồi, Tú đăng ký học lên đại học tại Học viện Âm nhạc Huế và vừa tốt nghiệp cách đây không lâu.
Nhưng, có một giấc mơ, một giấc mơ chưa bao giờ rời bỏ trong Tú, ấy là… ảo thuật. Tú kể rằng, ngay từ nhỏ xíu, xem các chương trình ảo thuật trên vô tuyến, Tú đã thích mê. Những ảo thuật gia, không, phải gọi đúng hơn là những người mang phép thuật đã khiến trí óc non nớt của cậu bé luôn tò mò, ngưỡng mộ. Những lần hiếm hoi có các đoàn nghệ thuật lên Tương Dương biểu diễn, trong đó có tiết mục ảo thuật đối với Tú đó là những ngày hội vui nhất cuộc đời. Lần đầu tiên được xem tận mắt ảo thuật gia Huỳnh Phước biểu diễn tiết mục “Linking ring”, sự biến hóa của những chiếc vòng xoắn được vào nhau trong nháy mắt khi trước đó chúng tách rời và không hề có vết đứt gãy đã khiến cho Anh Tú mê mẩn và tìm mọi cách để hiểu hơn về ảo thuật. Thật khó khăn khi mà sách vở dạy về ảo thuật không nhiều, ngoài đời thực cũng hiếm khi gặp được các ảo thuật gia, hay những người có thể bày vẽ về ảo thuật, thế nhưng, Tú không hề nản. “6 chiếc vòng của ảo thuật gia Huỳnh Phước đã đi theo em mãi”- Tú nói, với một nỗi ngậm ngùi.  
Khi vào học cao đẳng ở Vinh, Tú bắt đầu tìm hiểu về ảo thuật trên mạng internet sau khi lần mò đi hỏi khắp nơi mà không gặp được một ai rành về loại hình nghệ thuật này. Mở mạng, học theo từng động tác, ban đầu là những màn đơn giản: biến giấy trắng thành tiền. Khi thấy mình đã làm được rồi, cảm giác sung sướng khiến Tú không ngủ được suốt đêm. Có lẽ nào mình đã chạm đến điều mình mơ ước? Tú mong trời sáng mau, để có thể đến lớp, biểu diễn cho các bạn xem… Và, khi được xem màn ảo thuật đầu tay ấy, các bạn cùng lớp Tú học đã vô cùng thích thú. Sự thích thú, ngưỡng mộ, động viên từ các bạn đã nhân lên niềm say mê, thôi thúc những khám phá. Mỗi ngày, Tú mày mò để học một trò mới, mang đến “sân khấu” lớp học của mình. Từ giấy trắng thành tiền, những đồng xu biến mất hoặc đi xuyên qua tấm kính, bộ bài kết dính…, đến lúc Tú nghĩ, mình phải sắm bộ đồ nghề để thỏa mãn những đam mê, để có thể làm được nhiều trò hơn. Tú khăn gói một mình ra Hà Nội để mua. 
Bữa đó, Tú có chừng 3 triệu đồng xin mẹ “dắt lưng”, hỏi đường đến cửa hàng bán đạo cụ ảo thuật, chỉ mua có mấy món thôi mà đã hết hơn nửa số tiền rồi. Tú lân la hỏi chủ cửa hàng nơi nào bán chim bồ câu để làm ảo thuật. (Màn biến hóa chim bồ câu từ bông hoa khăn là màn ảo thuật mà Tú mê nhất). Ông chủ cửa hàng chỉ đường cho Tú đến nhà ảo thuật gia Bảo Linh. Tú đến được địa chỉ này thì được biết, ảo thuật gia không có nhà. “Vậy là cái thằng bé tỉnh lẻ, nhà quê ngồi quán nước trước cửa để… chờ. Chờ một cách hú họa vậy, chứ biết đến bao giờ bác ấy mới về”- Tú kể lại.
Cũng may, đến cuối chiều, ảo thuật gia Bảo Linh trở về. Thấy cậu trai trẻ mê ảo thuật lặn lội đường xa tìm đến, Bảo Linh quý lắm. Ông bán cho cậu 2 con chim bồ câu mà chính mình nuôi dưỡng, đồng thời truyền đạt cho cậu biết một số kinh nghiệm, bí quyết khi biểu diễn trên sân khấu, chỉ cho cậu biết biểu diễn đường phố như bấy lâu cậu vẫn làm khác khi biểu diễn trên sân khấu như thế nào. Đó là bài học quý giá vô cùng đối với Nguyễn Anh Tú.
Trên chuyến xe trở về Vinh hôm đó, Nguyễn Anh Tú ôm khư khư 2 con chim bồ câu, bộ đồ nghề ảo thuật và đinh ninh những lời dặn quý báu ấy. Về đến phòng trọ ở Vinh lúc đó là 4 giờ sáng, Tú không ngủ nữa. Cậu lôi hết đạo cụ ảo thuật ra, bật máy tính lên và tập. Thêm nhiều trò nữa được Tú khám phá. Ảo thuật, vốn nó là một điều kỳ diệu, nhưng kỳ diệu hơn nữa là khi mình khám phá nó - Tú chia sẻ - Và kiên trì, đam mê, chắc hẳn sẽ mang lại thành công.
Trước đó, Tú thường xuyên “thử sức” mình trên đường phố, không đơn giản là muốn được nghe sự tán thưởng, cổ vũ, mà còn mong mỏi nhiều người biết và yêu loại hình nghệ thuật diệu kỳ này. Những chiều lang thang công viên, vỉa hè, vườn hoa… , Tú đã nhận được rất nhiều ánh mắt thích thú. Tú cũng nhận lời đi biểu diễn miễn phí ở những chương trình thiện nguyện cho trẻ em làng trẻ SOS, các bệnh nhân trong bệnh viện…“Em cảm thấy thật hạnh phúc mỗi khi đem lại sự thích thú, niềm vui cho bạn, các em, và mang lại cho những người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn cái ý nghĩ rằng cuộc sống còn rất nhiều điều kỳ diệu, không bao giờ con người ta được tắt hy vọng”- Tú chia sẻ. Điều đó cũng lý giải, vì sao người ta hay gặp Tú ở các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng và Tú đã làm, đã cống hiến bằng tất cả sự nhiệt tâm. Tú nói, chia sẻ cũng là cách làm cho mình lớn lên. Và Tú học được rất nhiều điều từ cuộc sống của những người bất hạnh.
Bây giờ thì nhiều sân khấu lớn và nhỏ đã có sự xuất hiện của Tú. Chàng trai 23 tuổi tài năng ấy, không chỉ biểu diễn ảo thuật, mà còn hát, còn đàn và thổi sáo tay nữa. Những ngón tay đầy quyền năng, biết biến hóa ấy không chỉ biết điều khiển những chú chim, những cái khăn, những đồng xu, chiếc vòng sắt… mà còn biết ngân lên giai điệu. Tôi đã nghe bản nhạc “Tình ca du mục” được phối hợp từ miệng và bàn tay của Tú. Không thể nói gì hơn, ngoài từ “rất tuyệt” khi những giai điệu cuối cùng kết thúc. Những tràng pháo tay dành cho Tú, tôi biết, không chỉ vì tài năng đâu. Với tôi, niềm cảm phục dành cho Tú cũng không chỉ vì khả năng mà Tú có, mà chính là điều mà Tú làm được trong khi hầu hết chúng ta không làm được, ấy là dám theo đuổi đến cùng đam mê .
Tôi hỏi, vì sao Tú chọn cái tên “Sky Nguyễn”, Tú giải thích, em muốn vươn tới bầu trời của mình, ở đó, cái giấc mơ ảo thuật gia mà em ấp ủ từ tấm bé. Nó chứa đựng khát khao bay cao, bay xa…
“Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc rồi, Tú mong mỏi điều gì?” “Em muốn được vào một đoàn nghệ thuật nào đó, để có cơ hội đến với nhiều người, còn trước mắt làm “Sky Nguyễn” cho những chương trình thiện nguyện, những chương trình nho nhỏ ở thành phố Vinh mình đã”. Tú cũng kêu gọi thành lập CLB Ảo thuật Vinh, trở Thành nhóm trưởng của CLB này, và nhận dạy ảo thuật cho những ai có nhu cầu với mong mỏi sẽ có nhiều người biết đến sự kỳ diệu của nó.
Bài, ảnh: Thùy Vinh

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.