Nhân tố mới trong mối quan hệ Nga - phương Tây

(Baonghean) - Thứ Tư ngày 23/12, Uỷ ban điều tra liên bang Nga ra thông báo bắt giữ vắng mặt và truy nã quốc tế cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovsky - 2 tuần sau khi nhân vật này đưa ra tuyên bố kêu gọi “một cuộc cách mạng chống lại chính quyền” hiện hành. 
Mikhail Khodorkovsky, 52 tuổi, sống lưu vong ở London và Thụy Sĩ sau khi được phóng thích vào năm 2013. Người đàn ông giàu nhất nước Nga một thời từng bị giam giữ trong hơn 10 năm vì tội danh chủ mưu sát hại Thị trưởng thành phố Nefteyugansk (Siberia), nơi đóng trụ sở chính tập đoàn dầu mỏ Yukos và cũng là nguồn thu nhập lớn của ông ta. 
Mikhail Khodorkovsky vào tháng 6/2015 tại Washington ( Mỹ) Ảnh: AFP
Mikhail Khodorkovsky vào tháng 6/2015 tại Washington ( Mỹ) Ảnh: AFP
Nạn nhân được cho là đã có những quyết định đi ngược lại lợi ích của Yukos trước khi bị 2 nhân viên của tập đoàn này mưu sát dưới sự chỉ đạo của ông chủ Mikhail Khodorkovsky. 
Ngày 25/10/2003, cựu tài phiệt này bị bắt, với 2 tiền án “trốn thuế” và “trộm cắp quy mô lớn bằng thủ đoạn lừa đảo”. Trong thời điểm đó, có ý kiến cho rằng Khodorkovsky là nạn nhân của một vụ “thanh trừng chính trị” do điện Kremlin sắp đặt. Mọi tài sản của ông này được tiếp quản bởi một công ty công lập và điện Kremlin thì loại bỏ được một đối thủ đáng gờm trên chính trường. Tất nhiên, đó chỉ là một giả thiết theo trường phái bài xích Kremlin. 
Ngày nay, việc điện Kremlin theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống lại Khodorkovsky diễn ra trong bối cảnh ít nhiều khác biệt. Gửi yêu cầu lưu vong ở London - cách xa khỏi “tầm với” của các toà án Moskva và các trại giam Siberia - nhưng Khodorkovsky lại không ngừng khiêu khích điện Kremlin. Cựu tài phiệt ngấm ngầm theo đuổi các vụ kiện quốc tế liên quan đến các cựu nhân viên, lãnh đạo của Yukos.
Gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2014, toà quốc tế The Hague - thủ đô công lý của thế giới - đã ra phán quyết cho rằng Nga giải tán Yukos vì lý do chính trị và yêu cầu Nga nộp khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 37 tỷ euro. Mặc dù Nga từ chối án phạt nói trên song các quy trình biên thu vẫn đang được tiến hành ở Pháp, Bỉ, Đức, Anh và Mỹ. 
Nhưng điều đáng nói hơn cả là Mikhail Khodorkovsky đã lên tiếng trên đấu trường chính trị, phá vỡ lời hứa chấm dứt hành động chỉ trích điện Kremlin lúc ông này được phóng thích. Từ một cựu tài phiệt “bị ruồng bỏ”, Khodorkovsky đã sáng lập nên phong trào Open Russia để tập hợp lực lượng đối lập tại Nga. Ông này còn tham gia hỗ trợ công bố cuộc điều tra về mối liên hệ giữa mafia Nga và các nhân vật thân cận với quyền lực điện Kremlin.
Mới đây nhất, ngày 9/12, ông này thậm chí còn đưa ra một bài phát biểu công kích mạnh mẽ Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin nhân một cuộc họp báo tại London: “Nước Nga đã phải chứng kiến một cuộc đảo chính bất hợp pháp: các bộ luật bất hợp pháp do một Nghị viện bất hợp pháp thông qua, được thực thi bởi một chính quyền bất hợp pháp và một nền công lý không độc lập. Để trở lại với một nhà nước pháp quyền chân chính, cần phải tiến hành một cuộc cách mạng”.
Rất nhanh sau đó, Nga đã đẩy mạnh tiến trình pháp lý chống lại Khodorkovsky và những người ủng hộ ông này. Thứ Ba ngày 22/12, cảnh sát Liên bang Nga đã tiến hành bắt giữ nhiều thành viên của phong trào Open Russia tại Moskva. 
Có lẽ cựu tài phiệt này sẽ không thu hút được sự quan tâm chú ý nhiều như vậy của điện Kremlin cũng như quốc tế, nếu không xét đến bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện tại. Bằng chứng là các tiến trình pháp lý chống lại Khodorkovsky đã được Nga “buông lỏng” từ sau khi phóng thích ông này vào năm 2013 và chỉ được “khởi động” trở lại những ngày gần đây.
Chắc chắn, bản thân Khodorkovsky không phải là nguyên nhân duy nhất - trên thực tế, ông này vẫn luôn theo đuổi lập trường chống đối chính quyền Nga đương nhiệm từ trước đến nay. Vậy thì lý do gì khiến cho một nhân vật không mấy nổi bật bỗng nhiên trở thành tiêu điểm của “sân khấu” chính trị thế giới như vậy? Phải chăng bởi một nhân tố như thế này trong bối cảnh hiện tại, sẽ có khả năng tác động đến quan hệ giữa Nga và phương Tây, tuỳ thuộc vào đường hướng mà hai bên lựa chọn? 
Một cuộc cách mạng chống lại điện Kremlin - ý tưởng nghe có vẻ không thực với một nước Nga đang dành sự ủng hộ cao độ cho Tổng thống Vladimir Putin, nhưng có ai dám chắc người Nga - hay ít ra là một bộ phận người Nga - sẽ không thay đổi nếu tình hình kinh tế nội địa tiếp tục diễn biến khó khăn? Phương Tây đã và đang gây sức ép lên Nga, và nếu giải pháp mới họ lựa chọn là hậu thuẫn cho một nhân tố đối lập đã sở hữu một nền tảng, lực lượng sẵn có trong nước, sẽ không phải là một kịch bản làm hài lòng các quan chức điện Kremlin.
Có lẽ Tổng thống Nga đang có quãng thời gian không êm ả trên chính trường quốc tế, nhưng hết sức “sung mãn” trên chính trường nội địa. Không vì thế mà chủ nhân điện Kremlin xem nhẹ những mối nguy cơ bắt nguồn từ phía bên trong đất nước bạch dương và động thái cứng rắn đối với Khodorkovsky chính là bằng chứng cụ thể nhất. Một Khodorkovsky chưa chắc sẽ tạo được “chính biến” ở Nga nhưng rõ ràng, những khả năng, cách thức mới mà phương Tây và Nga dùng để đối đầu với nhau đang dần mở ra…
Thục Anh

tin mới

Ukraine có thể mất toàn bộ các 'thành trì' quan trọng trước khi nhận được 61 tỷ USD

Ukraine có thể mất toàn bộ các 'thành trì' quan trọng trước khi nhận được 61 tỷ USD

(Baonghean.vn) - Dù được Mỹ trang bị gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD, Ukraine vẫn thiếu nhiều điều kiện tiên quyết để giành ưu thế, bao gồm cả đào tạo nhân lực và động lực chiến đấu. Nếu không huy động thêm binh lính, tích cực giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, Kiev có nguy cơ lãng phí viện trợ này.

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.