Niềm vui mùa vụ ở Châu Kim

(Baonghean) - Thiên nhiên ưu đãi cho xã Châu Kim (Quế Phong) một vùng bình địa rộng lớn, đất đai tươi tốt. Lại thêm dòng sông Nậm Giải mềm mại uốn lượn chảy qua, làm cho cánh đồng trước mặt ngôi đền Chín Gian từ đời này sang đời khác là “túi gạo, rương tiền” của đồng bào các dân tộc ít người trong vùng... Năm nay là năm đầu tiên đồng lúa nước của Châu Kim năng suất và giá trị hàng hóa đều cao, tư thương tìm đến mua lúa tươi ngay tại chân ruộng. Mà lúa thì gặt ra tuốt không kịp để bán.
Nông dân xã Châu Kim (Quế Phong) thu hoạch lúa vụ mùa 2014.
Nông dân xã Châu Kim (Quế Phong) thu hoạch lúa vụ mùa 2014.
Cụ bà Lương Thị Kim ở bản Chổi, năm nay đã 70 tuổi, con cháu không cho cụ ra đồng đi gặt lúa mới, nhưng cụ nhất quyết đi bằng được. Cụ hăng hái có mặt sớm tại cánh đồng Ná Chờ Bọc, xã Châu Kim (Quế Phong) như thế, là để “thực mục sở thị” sự trầm trồ của người trong bản về một vụ mùa đặc biệt nhất từ trước tới nay... Bà cụ Kim vui và tò mò cũng phải, cánh đồng lúa nước rộng lớn hiếm có ở mường Quế này, lâu nay sản xuất cũng chỉ mới là “tự cung tự cấp”, sản lượng có cao, nhưng giá trị hàng hóa chưa cao, hạt lúa, hạt gạo vừa khó bán, vừa giá rẻ. Ấy vậy mà vụ mùa 2014 này, khi thu hoạch lúa người dân Châu Kim lại “gặp khó” vì người mua nài nỉ khiếp quá, chỉ sợ bán hết thì không có gạo ngon mà ăn. Ra tận ruộng rồi, bà cụ Kim mới khẳng định là không phải mình nghễnh ngãng nên nghe nhầm cái tin vui rộn bản mường ấy...
Chuyện là sau khi huyện Quế Phong chủ trương đưa vào thực nghiệm mô hình giống lúa thuần Japonica tại địa bàn các xã Tri Lễ, Mường Nọc (từ năm 2011), qua 4 năm “thử thách” về độ chịu hạn và chịu lạnh, giống lúa thuần này đã bén duyên mạnh với ruộng lúa nước Quế Phong và được nhân rộng dần, từ 2.000m2 năm 2011, năm 2012 là 6 ha, năm 2013 là 50 ha. Nhận thấy lúa Japonica tại các xã thực nghiệm có năng suất ổn định đạt cao, từ 57- 62 tạ/ha, hạt gạo thơm, dẻo, được người tiêu dùng rất ưa thích và mua với giá cao hơn nhiều lần so với lúa lai, người trồng lúa vô cùng háo hức. Năm 2013 trên địa bàn huyện Quế Phong các loại lúa lai, lúa thường có giá 6.000 đồng/kg, thì lúa Japonica giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá gạo bán ra từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Chị Vi Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Châu Kim cho biết năm 2014 Châu Kim là 1 trong 3 xã được giao để trồng giống lúa này. Trong tổng số 100 ha trồng lúa Japonica thì Châu Kim được giao 45 ha, số còn lại xã Mường Nọc 45 ha, xã Tiền Phong 10 ha. Thực hiện yêu cầu cần sản xuất tập trung để tránh sự lai tạp các giống lúa khác, vụ mùa 2014 xã Châu Kim đã cho sản xuất tập trung giống lúa Japolica tại 3 bản: bản Chổi 18 ha, bản Mồng 12 ha, bản Liên Minh 15 ha.
Ngày 21/10 là ngày thu hoạch đầu tiên giống lúa mới tại xã Châu Kim, thì ngày 22/10 chúng tôi có mặt tại cánh đồng bà con đang thu hoạch để chứng kiến niềm vui mùa vàng bội thu. Khỏi nói về sự vui mừng, phấn khởi của người dân. Khắp cánh đồng là không khí rộn ràng, hối hả, người đi gặt, người đi tuốt lúa, và nhiều người đến nài nỉ để mua lúa tươi. Anh Vi Văn Đức ở bản Mồng cho biết, gia đình anh mới gặt được 1.100m2, tuốt tại đồng và phơi một nắng cân được 6,5 tạ, (bình quân 60 tạ/ha). Gia đình bà Sầm Thị Tuyết ở bản Chổi gieo cấy được 3 sào. Bà Tuyết cho biết, khi bà đang gặt lúa thì có 2 tư thương đến chờ mua ngay tại chân ruộng. Lúa tươi vừa tuốt xong là được họ hỏi mua trả tiền ngay, với giá 10.000 đồng/kg. Trong khi đó trên thị trường Quế Phong các loại lúa lai, lúa thuần khác chỉ 6.000 đồng/kg lúa khô.
Vào thăm nhà ông Lương Văn Trung – Trưởng bản Chổi, được ông cho hay, 70 hộ dân trong bản nhà nào cũng gieo cấy giống lúa mới và đều được mùa. Giống mới Japonica về bản Chổi lần đầu nhưng đã cho năng suất, chất lượng tốt, thành gạo cao (7,5 thành), và điều quan trọng là người mua rất nhiều. Ở vùng miền núi cao, hiếm có sản phẩm cây lương thực nào được săn mua mạnh như giống gạo thơm chịu lạnh, chịu hạn Japonica này. Đến nỗi, trước sức thu mua mạnh với giá cao, đúng nghĩa “tiền tươi thóc thật” ngay tại chân ruộng, không ít hộ dân đã không chờ đợi lúa chín đều mà đã vội thu hoạch sớm hơn, nhiều thửa ruộng bị “gặt ép” để “bán vội”. Điều này hứa hẹn khả năng mở rộng sản xuất giống lúa mới này để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích ở Quế Phong, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao và nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Lương Văn Trung cho biết thêm, hiện ông đang thực hiện chủ trương của xã và huyện là vận động người dân bản Chổi không gặt vội, không bán cho tư thương mà chỉ bán tập trung cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Kim để tạo điều kiện chế biến tập trung, đảm bảo chất lượng và uy tín của giống gạo mới. Vì để tư thương gom mua thì khó giữ được thương hiệu. Một số hộ dân mà chúng tôi gặp ngay tại cánh đồng Châu Kim thì khẳng định rằng lúa thu hoạch được họ không bán mà chỉ dành để ăn. Bà Sầm Thị Tuyết ở bản Mồng, ông Vi Văn Đức ở bản Chổi... nói rằng họ cũng muốn ăn gạo ngon, gạo sạch nên giữ lại hết để phục vụ trong gia đình, thậm chí nếu có ai bán thì họ còn mua thêm.
...“Lúa được mùa, được giá và đắt hàng, cần tiền là có thể bán ngay tại chân ruộng, già đã sống với Châu Kim gần hết đời người mà chưa bao giờ chứng kiến mùa vui lớn như năm nay. Cứ ngỡ như mình đang mơ anh ạ!”  - cụ bà Lương Thị Kim vừa nâng bông lúa vàng, vừa nói với tôi trong niềm vui khôn tả.
Ngô Kiên

tin mới

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

(Baonghean.vn) - Nguồn vốn đầu tư công xây dựng công trình “điện, đường, trường, trạm” đã trở thành động lực quan trọng có tính chất “mở đường” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bởi vậy, đẩy nhanh hiệu quả giải ngân đầu tư công luôn được các địa phương, sở, ngành nỗ lực ưu tiên hàng đầu.

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.