Một năm sau vụ thảm họa MH17: Vẫn còn nhiều uẩn khúc!

(Baonghean) - Hôm qua (17/7) là ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia bị bắn hạ trên bầu trời miền Đông Ukranie. Đúng 1 năm đã trôi qua, cũng là một năm ủy ban quốc tế mở cuộc điều tra quy mô lớn, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra được kết quả cụ thể nào, trách nhiệm thuộc về ai? Để giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc, PV Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an về thảm họa này. 

P.V: Xung quanh vụ máy bay MH17 rơi vào ngày 17/7 năm ngoái, dư luận cho rằng thảm kịch này có quan hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng Ukraine. Thiếu tướng có thể bình luận gì về câu chuyện này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là trong 1 năm vừa rồi, xung quanh vụ việc máy bay MH17 bay từ Hà Lan sang Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine đã có rất nhiều dư luận cho rằng thảm kịch này có quan hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng Ukraine. Tôi hoàn toàn đồng tình với dư luận này vì những lý do sau đây. 
Người dân thắp nến và đặt hoa trước Đại sứ quán Hà Lan ở Thủ đô Kiev, Ukraina để tưởng nhớ những người gặp nạn trên chuyến bay xấu số mang quốc tịch Hà Lan. 	Ảnh: Reuters
Người dân thắp nến và đặt hoa trước Đại sứ quán Hà Lan ở Thủ đô Kiev, Ukraina để tưởng nhớ những người gặp nạn trên chuyến bay xấu số mang quốc tịch Hà Lan. Ảnh: Reuters
Thứ nhất, một máy bay dân sự chở hơn 290 người bay qua vùng trời Ukraine, nếu như đất nước này thanh bình thì chắc chắn máy bay MH17 của Malaysia Airlines không thể rơi được. Có thể khẳng định máy bay này không phải rơi do lỗi kỹ thuật, không phải do thời tiết và cũng không phải do lỗi của phi hành đoàn.
Thứ hai, theo điều tra của ủy ban quốc tế nói do “vật cứng” tác động từ bên ngoài, thực chất là tên lửa. Còn tên lửa loại nào, bay từ đâu đến thì đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể nào được đưa ra. Nhưng chắc chắn nếu không có cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì sẽ không có thảm kịch MH17. Từ đây chúng ta có thể rút ra tất cả những cuộc khủng hoảng, điểm nóng hiện nay trên thế giới như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; cuộc xung đột ở Syria; cuộc chiến chống IS, xung đột ở Yemen... có thể phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau với những kịch bản rất xấu mà chúng ta không thể lường trước được.
P.V: Trong 1 năm vừa rồi có rất nhiều giả thiết khác nhau, nhưng tựu trung lại có 2 luồng giả thiết. Thứ nhất, do quân ly khai được Nga hậu thuẫn bắn hạ bằng tên lửa đất đối không; thứ 2, do Quân đội Ukraine bắn “nhầm”. Thiếu tướng có nói rõ hơn về các kịch bản này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng vậy, xung quanh thảm kịch MH17 hiện nay vẫn đang tồn tại song song 2 giả thiết.
Giả thiết thứ nhất, quân ly khai ở miền Đông (Donetsk và Lugansk) bắn hạ máy bay này. Theo tôi, giả thiết này chủ yếu do Mỹ và Liên minh châu Âu và các đồng minh của Mỹ trên thế giới đưa ra. Tuy nhiên, đến nay Mỹ và các đồng minh của mình vẫn chưa đưa ra lý giải tại sao quân ly khai ở miền Đông lại bắn hạ? Vì vậy, giả thiết này đưa ra chủ yếu nhắm về phía Nga. Buộc Nga phải chịu trách nhiệm về thảm họa này, bởi quân ly khai ở miền Đông làm gì có tên lửa.
Vấn đề đặt ra là Nga bắn để làm gì? Đến nay không có một bài bình luận nào mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đưa ra có sức thuyết phục lý giải giả thiết liên quan đến Nga. Tôi cho rằng, một báy bay dân sự khác một máy bay quân sự ở chỗ, máy bay dân sự luôn có hành trình cụ thể, và bất cứ ra đa nào cũng có thể theo dõi được. Trong khi đó như chúng ra đã biết, Nga hiện là cường quốc về kỹ thuật quân sự, vì vậy sẽ không thể nhầm lẫn được. Hơn nữa, theo tôi Nga chẳng có lý do gì để bắn hạ MH17. Còn nhớ thời điểm ấy căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang ở giai đoạn cao trào, liên tiếp các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Vì vậy, Putin chẳng dại gì lấy đá ghè vào chân mình. Xâu chuỗi tất cả những lý do trên, tôi cho rằng giả thiết Nga bắn hạ là không thuyết phục, bởi lý do duy nhất để cáo buộc chỉ là địa điểm máy bay rơi.
Giả thiết thứ hai do Nga đưa ra và các đồng minh của Nga cũng đang nghiêng về giả thiết này, đó là MH17 rơi là do tên lửa không đối không của Ukraine bắn hạ. Với giả thiết này, Nga đã một vài lần nói rõ sở dĩ MH17 rơi là do tên lửa được bắn ra từ máy bay Su25 của Kiev. Xung quanh quan điểm này, Moscow có đưa ra mấy vấn đề sau.
Thứ nhất, trong quan sát không lưu, Nga đã có thông tin và hình ảnh rõ nét về việc một chiếc Su25 của Ukraine xuất hiện gần MH17 ở độ cao hơn 9.000m và sau đó 15 phút máy bay mang số hiệu MH17 nổ tung. Thông tin này được công bố bởi Trung tướng Cục trưởng Cục tác chiến Quân đội Nga. 
Thứ hai, chiếc MH17 rơi là do quân đội Ukraine bắn nhầm. Bởi ngày 17/7/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin trên đường trở về Moscow từ Brazil sau khi tham dự cuộc họp khối BRICS. Thông thường quỹ đạo các chuyến bay từ Moscow đến Brazil và ngược lại sẽ bay trên bầu trời miền Đông. Nhưng trước chuyến bay này, Tổng thống Putin yêu cầu phi hành đoàn thay đổi quỹ đạo bay để không bay qua miền Đông Ukraine. Vì vậy, phía Nga cho rằng đây là một sự “nhầm lẫn” của chính quyền Kiev, đáng lẽ ra mục tiêu của chiếc Su25 là chuyên cơ chở Tổng thống Nga chứ không phải MH17. Xin thông tin thêm để độc giả tham khảo, từ năm 2011 - 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 2 lần bị ám sát hụt, trong đó có một lần xảy ra trên đất Ukraine và một lần là khi ông đang đi chơi trong rừng. Vì vậy, có thể nói Putin là một đối tượng bị săn tìm của những lực lượng nước ngoài xem ông là đối tượng cần phải loại bỏ.
P.V: Sau tròn 1 năm xảy ra thảm kịch, ủy ban điều tra quốc tế đã làm được những gì, và liệu kết quả điều tra có thực sự khách quan, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như chúng ta đã biết, ủy ban điều tra do Mỹ và Liên minh châu Âu chi phối, họ đều xem Nga là đối thủ, vì thế tôi cho rằng khó có sự khách quan. Hiện ủy ban này đang điều tra theo hướng quân ly khai ở miền Đông Ukraine được Nga hậu thuẫn bắn hạ MH17. Điều này có nghĩa là phải tìm được bằng chứng về một quả tên lửa đất đối không được phóng lên ở vùng Donbass. Nhưng 1 năm qua, ủy ban điều tra đã không thể tìm ra được bằng chứng, vết tích, mảnh vỡ nào của chiếc tên lửa đất đối không. Còn nếu đã tìm được ra rồi, tôi cho rằng câu chuyện này sẽ sớm kết thúc. Bởi Mỹ và phương Tây luôn chờ chực để đưa ra những bằng chứng cáo buộc Nga, họ chẳng có lý do gì để không công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông? 
Trong câu chuyện này, tôi cho rằng có 2 vấn đề có thể xảy ra. Hoặc ủy ban điều tra không tìm thấy gì, điều này vô lý. Hoặc ủy ban điều tra đã tìm được bằng chứng, mảnh vỡ nào đó của tên lửa không đối không nhưng họ không thể công bố được. Bởi nếu công bố thì chẳng khác nào kết luận kẻ gây ra thảm họa là Kiev, và Kiev phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyện này. Vì vậy theo tôi, ủy ban điều tra sẽ “không bao giờ” tìm ra nguyên nhân thực sự về thảm họa hàng không xảy ra vào ngày 17/7 năm ngoái, trừ phi có một mảnh vỡ của tên lửa đất đối không được tìm thấy. 
P.V: Nhân kỷ niệm 1 năm xảy ra thảm kịch, Mỹ và các đồng minh phương Tây có dự định đưa vụ kiện ra Tòa án quốc tế, nhưng Nga đã lên tiếng phản đối. Thiếu tướng có thể bình luận gì về phản ứng của Nga và dự báo câu chuyện này rồi sẽ đi đến đâu, kết thúc như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng việc đưa thảm kịch MH17 ra Tòa án quốc tế là cả một vấn đề lớn. Cho dù tòa án có bị chi phối bởi thế lực nào đi chăng nữa thì đối với một phiên xử, người ta vẫn phải căn cứ vào những chứng cứ chính xác, đầy đủ thì mới có thể buộc tội được. Bởi như người ta vẫn thường nói “án tại hồ sơ”, nên không thể dựa vào lời vu cáo vô căn cứ của bất kỳ một phía nào được.
Còn tại sao Nga lại lên tiếng phản đối? Theo tôi, sở dĩ Nga chỉ đưa ra lời bình luận rất đơn giản là phủ định vô số lời buộc tội của Mỹ và phương Tây. Bởi như tôi đã nói, 2 lần Cục tác chiến của Nga đã thông báo với thế giới rằng trong quan sát không lưu đã có ảnh rõ ràng chiếc máy bay Su25 gần MH17 và sau đó 15 phút thì chiếc máy bay xấu số này nổ tung trên bầu trời Donbass. Tôi tin trong kỹ thuật quan sát không lưu, đã giữ được hình ảnh đầy đủ, nhưng với người Nga, nhất là Putin, họ rất cẩn trọng, kín đáo và khôn ngoan. Nga thường chỉ tung ra những chứng cứ ở phút chót. Tôi dự đoán rằng, nếu như Mỹ và các đồng minh tiếp tục hung hăng đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, đến khi đỉnh cao của mâu thuẫn thì Nga sẽ tung ra toàn bộ chứng cứ của họ nhằm lật tẩy mọi trò lừa bịp của phương Tây. Như vậy, việc Nga lựa chọn thời điểm thích hợp sẽ là nước cờ cao tay mà phương Tây có thể chưa tính đến. 
Như chúng ta đã biết, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin khi đã làm chuyện gì thì Mỹ và đồng minh khó trốn tránh được.
Còn nhớ vụ 21/8/2013, Mỹ đã đạo diễn cho lực lượng đối lập ở Syria dùng vũ khí hóa học chống người biểu tình, sau đó đổ thừa cho quân chính phủ nhằm tạo cớ phát động cuộc chiến tranh nhắm vào Syria. Tiếp đó là các vụ việc xảy ra vào ngày 29/8/2013 và ngày 31/8/2013, 2 tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ một tàu chiến của Mỹ đóng ở bờ biển ngoài khơi Tây Ban Nha, mục tiêu là dinh thự của Tổng thống Bashar Al-assad. Tuy nhiên, khi cách bờ biển Syria khoảng 200 km thì bị tên lửa bắn chặn lại. Sau đó Nga đã thông báo với chính quyền Mỹ là tên lửa do Nga bắn. Nhưng để giữ thể diện cho Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Nga khi đó đề xuất với người đồng cấp Mỹ rằng hãy để Tel Aviv nhận trách nhiệm về một vụ thử tên lửa không thành công. Nếu Nga không bắn rơi 2 tên lửa vào ngày 29 và 31/8/2013, thì chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc “bão táp” của Mỹ và phương Tây nhắm vào Syria. Đó là cách vô cùng khôn ngoan để người Nga hãm phanh những hành động hung hăng của Mỹ.
Hay vụ 10/4 năm ngoái, khi tàu chiến Donald Cook được trang bị vũ khí tối tân bậc nhất của Mỹ, trong đó có 21 tên lửa đạn đạo Tomahawk vừa hạ thủy vào năm 2005 kéo vào gần Crime. Ngay lập tức Nga điều máy bay Su 24 không mang vũ khí bay 2 vòng trên tàu chiến của Mỹ. Điều đặc biệt là ở vòng đầu tiên, toàn bộ màn hình rada trên tàu chiến đều thể hiện rõ ràng máy bay Su 24, tuy nhiên đến vòng thứ 2, toàn bộ màn hình trên tàu chiến hiện đại này đều bị vô hiệu. Sau đó tàu Donald Cook phải lủi thủi kéo về quân cảng ở Romania. Hậu quả của việc này là 27 sỹ quan cấp úy và cấp tá làm việc ở trên tàu chiến Donald Cook xin xuất ngũ. Lý do họ đưa ra là không thể cá cược sinh mệnh với vũ khí của Nga được. Đây là cuộc chiến tranh điện từ lần đầu tiên Nga dùng để cảnh cáo Mỹ và họ đã thành công.
Sở dĩ tôi đưa ra 2 ví dụ trên để minh họa rằng, một khi Nga đã hành động thì Mỹ và phương Tây cũng sẽ khó lòng chống đỡ nổi một khi cứ vô cớ chèn ép Nga. Còn về thảm kịch MH17, có lẽ sắp tới đây vẫn chưa lên đến đỉnh cao. Và Nga đang chờ Mỹ và đồng minh còn giở trò gì nữa, và khi đến thời điểm thích hợp, Moscow sẽ tung ra toàn bộ chứng cứ để vạch rõ kẻ chủ mưu và thực hiện hành vi này là chính quyền Kiev. 
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Cảnh Nam (Thực hiện)

tin mới

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.