Thị xã Cửa Lò nỗ lực thực hiện 'mục tiêu kép'
(Baonghean) - Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp đã khiến du lịch thị xã Cửa Lò bị ảnh hưởng nặng nề. Để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh một cách tốt nhất, đồng thời duy trì các nghề truyền thống là mục tiêu mà thị xã biển đã và đang hướng tới.
Phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở trong phòng, chống dịch
Cùng với những hình thức tuyên truyền như trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, Zalo, Facebook... trước tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo công tác tuyên truyền đến tận người dân, một trong những hình thức được thị xã Cửa Lò phát huy hiệu quả nhất đó là tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở đã, đang phát huy vai trò tích cực, tiên phong trong cung cấp kịp thời các thông tin hữu ích về công tác phòng, chống dịch bệnh đến người dân.
Đài Truyền thanh phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) đẩy mạnh công tác truyền thông về COVID - 19 trên hệ thống truyền thanh. Ảnh: Thanh Hiền |
Suốt thời gian qua, hệ thống truyền thanh phường Nghi Thủy hoạt động gần như hết công suất, nhằm cung cấp cho người dân những thông tin đầy đủ và mới nhất về tình hình dịch COVID-19.
Trao đổi với anh Nguyễn Đắc Tuấn - Bí thư Đoàn phường kiêm phụ trách Đài Truyền thanh của phường, được biết: Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND phường đã chỉ đạo Đài Truyền thanh xây dựng bản tin tuyên truyền trên 13 cụm loa không dây đặt tại các khối vào lúc 5h30 buổi sáng và 17h30 buổi chiều. Các bản tin hằng ngày của Đài Truyền thanh phường đều dành phần lớn thời lượng để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19. “Đặc biệt, chúng tôi còn thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến các trường hợp nhiễm mới; những tín hiệu khả quan trong công tác phòng, chống dịch để tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Chủ nhà hàng ở dọc biển ký cam kết đóng cửa, tạm dừng kinh doanh theo quy định. Ảnh tư liệu Thanh Phúc |
Ngoài ra, bằng cách tạo nhóm trên Zalo, Facebook các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh từ nguồn chính thống được tổng hợp, cập nhật liên tục, kịp thời để thông tin đến người dân. Đài xây dựng chuyên mục hỏi đáp về dịch COVID-19; thông tin kịp thời các văn bản khẩn, thông báo mới của UBND thị xã, của phường về việc không tụ họp đông người và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; những dấu hiệu nhận biết bệnh COVID-19...”, anh Tuấn chia sẻ.
Nói về vai trò của truyền thanh cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thể thao và Truyền thông thị xã Cửa Lò cho biết: Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, 100% phường trên địa bàn thị xã chỉ đạo Đài Truyền thanh tăng thời lượng phát thanh về phòng, chống dịch COVID-19. Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, người dân có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho ngư dân. Ảnh tư liệu P.V |
Mặc dù cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật của nhiều Đài Truyền thanh cơ sở còn thiếu thốn; cán bộ truyền thanh đa số làm việc kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách, song bằng trách nhiệm với công việc, họ đều tham gia tích cực vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đài Truyền thanh cơ sở ở thị xã Cửa Lò đã phát huy được “sứ mệnh” của mình trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan trong cộng đồng.
Giữ gìn nghề truyền thống
Có thể thấy rõ rằng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, cũng như nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, dịch vụ, thị xã Cửa Lò đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, hầu như tất cả các hoạt động du lịch đều dừng hẳn để phòng, chống dịch bệnh. Và chính thời điểm này, người dân thị xã lại có nhiều thời gian hơn, tâm huyết hơn cho việc gìn giữ, phát huy những nghề truyền thống. Một trong những nghề mà chúng tôi muốn nhắc tới là nghề sản xuất nước mắm.
Có mặt tại nhà gia đình bà Lê Thị Xê (SN 1959) và ông Nguyễn Huy Quang (SN 1957) ở khối 2 (Nghi Tân), ngay trước nhà, vợ chồng bà Xê tận dụng ngay khoảng sân nắng nhất để làm nơi “trưng bày” hơn 80 thùng chượp nước mắm. Và điều đặc biệt là không giống như nhiều gia đình hiện nay vẫn đang sử dụng các thùng nhựa hoặc thùng xi măng để muối chượp, mà những thùng chượp của gia đình bà Xê đã được thay thế bằng những chum sành có nắp đậy cẩn thận. Theo lời bà Xê kể thì cả hai ông bà đều biết đến nghề làm nước mắm từ khi còn rất nhỏ, bởi cả hai bên nội ngoại ông bà đều theo nghề này, sống cùng nghề và làm giàu, nuôi con ăn học thành đạt cũng từ nghề này.
Anh Nguyễn Đình Hà (phường Nghi Thủy) đã khởi công đóng mới đôi tàu với tổng số vốn đầu tư lên tới 15 tỷ đồng. Ảnh: Đài Cửa Lò |
Với bà Xê, nghề như ăn vào máu thịt, có ốm, có đau với nghề thật đấy nhưng chưa bao giờ ông bà nghĩ đến chuyện “nghỉ hưu”. Nhất là thời điểm dịch bệnh, dù các nghề khác có lao đao, nhưng nghề làm nước mắm của ông bà vẫn trụ vững, hàng vẫn đi đều đều, khách ngày nào cũng gọi điện đặt mua, và khách của ông bà dù gần hay xa vẫn chủ yếu là khách quen. Vì thế, ông bà luôn tâm niệm: Mình làm nghề là vì cái tâm, vì muốn gìn giữ nghề cha ông để lại.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến du lịchthị xã Cửa Lò bị ảnh hưởng nặng nề, dường như mất trắng trong mùa Hè 2021. Hầu hết các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại thị xã Cửa Lò đều xuất thân từ ngư dân. Không chịu ngồi yên, cùng với mở rộng nhiều ngành nghề truyền thống như sản xuất nước mắm, hậu cần nghề cá...; nhiều hộ còn bỏ tiền đóng tàu thuyền lớn, quyết tâm ra khơi bám biển. Tiêu biểu như đội tàu của anh Nguyễn Đình Hà (phường Nghi Thủy) đã khởi công đóng mới đôi tàu với tổng số vốn đầu tư lên tới 15 tỷ đồng. Mỗi chiếc tàu có chiều dài 25,10m, công suất máy 1.500 CV, nay đã hạ thủy và cập Cảng Cửa Lò. Đây là đôi tàu đánh bắt xa bờ thứ 23 của phường Nghi Thủy, cũng là một trong những đôi tàu khai thác hải sản có chiều dài và công suất máy lớn nhất trên địa bàn thị xã hiện nay.
Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Lê Thị Xê ở khối 2, phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò). Ảnh: Thanh Hiền |
Từ đầu năm đến nay, thị xã đã triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất ước đạt 5.068 tỷ đồng, đạt 46% so với kế hoạch HĐND thị xã, tăng 6,4% so với cùng kỳ; trong đó, ngành dịch vụ ước đạt 1.515 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng ước đạt 3.237 tỷ đồng. Riêng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm được mùa, tổng sản lượng khai thác ước đạt 9.020 tấn hải sản các loại, đạt 56,6% KH năm, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, toàn thị xã đã hạ thủy thêm 4 tàu có công suất trên 1.100 CV.
Để ổn định đời sống cho người dân, trong 6 tháng cuối năm, thị xã tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện đề phòng, ứng phó trong mọi trường hợp. Thực hiện nghiêm biện pháp "5K", truy vết, cách ly các trường hợp từ vùng dịch về, giám sát chặt các khu vực, địa điểm cách ly và phát huy năng lực Tổ COVID-19 cộng đồng. Có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kêu gọi thu hút đầu tư, gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào vị trí đất thị xã thuận lợi nhất là khu vực hai bên Đại lộ Vinh - Cửa Lò, quốc lộ ven biển, vị trí đất đã có mặt bằng sạch.
Tuyến đường ven biển được đầu tư đã mở rộng không gian đô thị thị xã Cửa Lò. Ảnh tư liệu Mai Hoa |
Đảng ủy, cấp chính quyền các phường đẩy mạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy, hải sản để tạo bền vững nền kinh tế. Phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Rà soát, đánh giá và có kế hoạch để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả ra diện rộng, giải pháp tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cây trồng có năng suất và hiệu quả kinh tế phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm công nghiệp, TTCN thị xã. Đa dạng hóa các hình thức bán hàng, tăng cường quảng bá, bán hàng qua hệ thống internet, kết nối với siêu thị, trung tâm thương mại để bán các mặt hàng OCOP đã được thị trường công nhận.