Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng 19/7, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo; sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp có thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN
6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá. Trong đó, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 35,03% so với kế hoạch. UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3003 nhiệm vụ, đã hoàn thành 1384 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch.
Trong quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 163 quyết định kinh doanh; đã sửa đổi, hoàn thiện 2 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 74 quy định kinh doanh.
Đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều giải pháp cụ thể, kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại 63 tỉnh, thành phố có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.
Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023.
NGHỆ AN XÁC ĐỊNH "3 TĂNG, 2 GIẢM, 2 KHÔNG" TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Đối với Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm nên có sự chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng thời Ban chỉ đạo đã họp đề ra các nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả bước đầu.
Tỉnh đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên 6 nhiệm vụ chính: Công tác cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ công chức; Cải cách tài chính công; Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính với phương châm hành động “3 tăng”: tăng tính công khai minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường giải quyết TTHC qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; “2 giảm”: giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; “2 không”: không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra về cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính và chế độ công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo phương châm “5 có, 3 không”, gồm: Có trách nhiệm cao với công việc được giao; có kiến thức, kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ; có tính sáng tạo, làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; Không quan liêu; không có hành vi, thái độ tiêu cực trong thi hành công vụ; không chủ nghĩa cá nhân, thực dụng.
TIẾP TỤC CẮT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa như mong muốn, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Thể hiện là vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản, chậm tham mưu văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính còn chậm; còn 676 quy định kinh doanh, 800 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hoá; hơn 600 thủ tục hành chính chưa được phân cấp; việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa nghiêm, mới đạt 1,4%.
Còn xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, công chức, viên chức chưa có động lực giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy còn mang tính cơ học nhiều hơn; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra, nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xem vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết và thời gian giải quyết bao lâu.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, tập trung vào các thủ tục vướng mắc hiện nay như: tiếp cận vốn, thủ tục đất đai, thủ tục nhà ở, hoàn vốn, 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; rà soát đội ngũ cán bộ, xem ai né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì xử lý theo quy định, ai làm tốt thì phải khen thưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về công vụ tại các cấp. Sau cuộc họp, các cấp phải tổ chức rà soát, quán triệt tinh thần của hội nghị xuống tận cơ sở. Đánh giá các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp thì có hiệu quả đến đâu, rút ra bài học kinh nghiệm.
Các cấp, các ngành cần coi việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đối thoại, đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn. Khẩn trương triển khai các quy định cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Nghị định 29.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường quản lý công chức, công vụ, kịp thời xử lý sai phạm và khen thưởng, động viên; khuyến khích người dân, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và nhấn mạnh, người đứng đầu phải phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.