Trung Quốc đang gây mất ổn định khu vực

(Baonghean) - Trong năm qua và đầu năm nay, hình ảnh vệ tinh và các nguồn khác nhau cho thấy Trung Quốc ráo riết tiến hành những hoạt động nhằm cải tạo, bồi đắp, biến các bãi đá trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép thành đảo nhân tạo, xây các công trình trên các “đảo” đó. Chương mới này của cuộc xung đột từng kéo dài nhiều năm khiến nhiều bên càng thêm lo ngại về an ninh quốc gia và khu vực, chủ quyền quốc gia, giao thương quốc tế. Các quan chức, chuyên gia từ nhiều nước cũng đặt ra những khả năng khác nhau về mục đích của những hoạt động này.
Chưa từng có tiền lệ
Theo các nguồn thông tin, Trung Quốc đã và đang cải tạo, xây dựng ở 6 bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Biển Đông. Ngoài ra, đầu tháng 2/2015, Philippines cáo buộc TQ tiến hành nạo vét ở bãi Vành Khăn (Mischief Reef) tại địa điểm gần Philippines nhất so với các lần trước đây TQ tiến hành cải tạo các bãi đá. Tờ Tạp chí phố Wall đã đặt hình ảnh vừa mới công bố với hình ảnh đầu năm 2014 để thấy rõ quy mô cải tạo, bồi đắp. Chẳng hạn, trên bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef), TQ mở rộng diện tích đất lên 10 lần, gấp ba lần đảo Ba Bình của Việt Nam do Đài Loan đang chiếm giữ vốn có diện tích lớn nhất ở Trường Sa. Trên bãi đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) cách Philippines 210 hải lý và cách TQ 660 hải lý, TQ cũng đã xây xong một đảo nhân tạo với diện tích hơn 70,000 m2, bằng diện tích của 14 sân bóng đá, có cả hai bến tàu, bãi đáp trực thăng, một nhà máy xi măng. TQ cũng đang mở rộng đáng kể những công trình tương tự ở Gạc Ma và Đá Gaven (Gaven Reefs).
Trên các bãi đá, “trước đây họ chỉ có vài trạm nhỏ, thì nay họ đã có hẳn những hòn đảo hoàn chỉnh, với bãi đáp trực thăng, đường băng, bến tàu và trang thiết bị phục vụ cho những đội quân lớn đồn trú” – ông James Hardy, biên tập viên của tạp chí quân sự IHS Jane’s Defence Weekly nói. Nhất là phạm vi cải tạo trên bãi đá Chữ Thập mở rộng đến mức có thể xây cả đường băng. Các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TQ trên Biển Đông được coi là “chưa có tiền lệ”. 
Các hoạt động này của TQ khác với các hoạt động xây dựng của các nước khác như Việt Nam, Philippines. TQ đang tiến hành cải tạo, bồi đắp các bãi đá, làm thay đổi hẳn điều kiện địa chất của chúng, biến chúng thành các đảo lớn hoặc ít nhất là các đảo nhân tạo. Qua đó, chúng có thể làm thay đổi hẳn vị thế pháp lý của các bãi đá theo luật quốc tế. Còn các nước khác chỉ xây dựng các công trình cần thiết nhất để phục vụ cuộc sống, phòng thủ, không cải tạo, bồi đắp, không làm thay đổi điều kiện địa chất của các đảo hoặc bãi đá, không thay đổi vị thế pháp lý của chúng.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. 	Ảnh Internet
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Ảnh Internet
Để làm gì?
Nhiều chuyên gia, cũng như các quan chức của các nước cho rằng, đây là một chiến dịch được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có mục đích quân sự, cho phép TQ thực thi yêu sách về “đường chín đoạn” một cách mạnh mẽ hơn nhiều. Các đảo nhân tạo đó được ví như “những tàu sân bay không thể bị đánh chìm”; “chuỗi các tiền đồn có năng lực chiến đấu trên không và trên biển ở trung tâm vùng biển Trường Sa”. Các tiền đồn này sẽ giúp TQ kiểm soát hầu hết Biển Đông, một trong những tuyến thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất với giá trị khoảng 5000 tỷ USD và cả khoảng không gian trên biển. TQ có thể dựa trên các đảo nhân tạo này để thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tương tự như họ đã làm cuối năm 2013 trên biển Hoa Đông khi có tranh chấp với Nhật Bản. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, lợi thế quân sự từ những “đảo” này sẽ không nhiều do chúng nằm xa Trung Hoa đại lục, là những mục tiêu cố định, lại thiếu năng lực phòng thủ, vì vậy, sẽ dễ bị đối phương tiêu diệt khi có chiến sự. Họ cũng nghi ngờ khả năng chúng sẽ giúp TQ thiết lập ADIZ.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những lợi thế phi quân sự do các đảo nhân tạo mang lại cho TQ, ví dụ các tàu cá, tàu hải giám, các dàn khoan di động, tàu khai thác dầu có thể dừng chân trú ngụ hoặc nạp nhiên liệu ở đây. Theo ông Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách hàng hải TQ tại Viện Công nghệ Massachusetts, chúng có thể làm bàn đạp để TQ lặp lại các hành động như giàn khoan Hải Dương 981, nhất là khi vào tháng trước, TQ tuyên bố đã tìm thấy một lượng lớn khí đốt tự nhiên ở Biển Đông. 
Về mặt pháp luật quốc tế, dù các hoạt động nói trên của TQ không giúp củng cố cơ sở pháp lý cho các yêu sách của nước này trên Biển Đông, nhưng qua đó TQ muốn thay đổi hiện trạng hiện có, và nếu các nước liên quan không làm gì để bảo vệ chủ quyền, thời gian trôi qua, các sự việc đã rồi đó sẽ dần dần bám rễ trong tập quán quốc tế, thậm chí có thể trong luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, một số chuyên gia lập luận, liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với TQ, bằng cách biến đổi hoàn toàn các bãi đá, TQ đã “giả mạo chứng cứ” mà Tòa trọng tài thường trực của LHQ cần xem xét để ra phán quyết. Trong khi đó, từ trước tới nay rất thiếu những cuộc khảo sát địa chất trên vùng Biển Đông, và giờ thì không thể tiến hành chúng trên những “đảo” mà TQ đã cải tạo căn bản như vậy. Tuy nhiên, ông Dutton, một chuyên gia về TQ lại không lo ngại lắm về chứng cứ, vì theo ông, Mỹ đã thu thập nhiều tài liệu trước khi TQ cải tạo các bãi đá. 
Trung quốc phủ nhận, hay là “nước đổ đầu vịt”
Chính phủ các nước có chủ quyền và lợi ích chính đáng ở Biển Đông đều có cùng quan điểm cho rằng những đòi hỏi của Bắc Kinh ở Biển Đông là thiếu cơ sở và những tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết theo phương thức hòa bình. Thế nhưng, TQ vẫn phớt lờ và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ở các đảo chiếm đóng trái phép. Daniel Russel, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nói, “điều này làm bất ổn tình hình, trái với cam kết của TQ đối với các nước ASEAN”. Còn theo báo The Guardian, ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã dùng những từ ngữ khá nặng nề rằng, đây là một phần trong nỗ lực “hung hăng” của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền vô lý của mình. Chính phủ Philippines đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc xây dựng của TQ ở khu vực đang tranh chấp, mới đây nhất trong tháng 2 đã nộp đơn chính thức phản đối việc này. Hồi đầu tháng 2, một số ngoại trưởng các nước khối ASEAN bày tỏ lo ngại xung quanh việc cải tạo đảo ở Biển Đông. Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Obama nói: “TQ không nên bắt nạt các nước như Việt Nam hay Philippines trong vấn đề hàng hải, mà cần nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”.
Mặc dù vậy, TQ vẫn tiếp tục hành động, cho rằng điều này phù hợp với chủ quyền của TQ. Bộ trưởng Ngoại giao TQ từ chối bình luận về các hình ảnh vệ tinh, mà nhắc lại các tuyên bố trước đây rằng TQ có chủ quyền đối với các khu vực đang tiến hành xây dựng, các hoạt động nhằm cải thiện cuộc sống của những người làm việc trên đó.  Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 27/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, các hành động của nước này tại các bãi cạn và các vùng biển lân cận mà nước này tuyên bố chủ quyền là "có lý, chính đáng và hợp pháp" và rằng, thái độ của Bắc Kinh là "kiềm chế và có trách nhiệm". Bắc Kinh cũng không muốn các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản can dự vào tranh chấp ở Biển Đông. Điều này dễ hiểu, vì trong vấn đề này, với lợi thế nước lớn trên bàn đàm phán, TQ luôn muốn giải quyết song phương với các nước có tuyên bố chủ quyền nhằm “chia để trị”.
Các bên cần hành động thế nào?
Hiện nay, Tòa trọng tài thường trực đang xem xét vụ kiện của Philippines đối với TQ về các yêu sách trên Biển Đông. Tuy nhiên, người ta dự đoán TQ sẽ phủ nhận phán quyết của tòa, và các nước, kể cả Mỹ cũng không có nhiều phương án ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động bồi đắp, xây dựng trên các bãi đá ở Biển Đông. Các hành động phản đối sẽ chỉ dừng ở những lời lẽ yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng, và TQ sẽ bỏ ngoài tai - Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc nhận định. Ông nói, “việc điều động các tàu quân sự của Hải quân Mỹ sẽ được coi là hành động leo thang và mang lại nhiều rủi ro”. Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, trên nhiều phương diện khác nhau, sẽ khó đáp trả TQ ở Biển Đông nếu cứ để tình trạng này tiếp tục mở rộng. 
Đối với Việt Nam, việc TQ mở rộng cải tạo, bồi đắp, xây dựng trên các đảo nhân tạo là vấn đề rất nghiêm trọng, đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam.  Chúng ta gìn giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là để cho Trung Quốc lấn tới như vậy. Trước tình hình này, theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của Chính phủ, cần áp dụng mạnh mẽ tất cả biện pháp đấu tranh như đã làm trong sự kiện giàn khoan. Không chỉ thế, cần nâng đấu tranh ở mức cao hơn nữa, chẳng hạn như tăng cường phản đối lên các tổ chức LHQ; làm rõ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển của Trung Quốc.
Đặc biệt, hồ sơ pháp lý cũng như các căn cứ pháp lý của Việt Nam rất đầy đủ, mạnh mẽ để thực hiện những hành động pháp lý, bằng con đường pháp luật quốc tế để giải quyết vấn đề này, dù là đơn phương hay liên kết với các nước có cùng lợi ích trong khu vực Biển Đông, nhất là cùng với Philippines. Điều này không phải bây giờ mới đặt ra, mà ngay từ khi TQ đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Về mặt căn cứ pháp lý cũng như mặt địa lý, địa mạo, hàng hải, việc để cho quốc tế phân định càng tăng vị thế, lợi thế của Việt Nam.
Nguyên Lâm 
Hà Nội

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.