Từ cuộc khủng hoảng ở Ukraina, nhận rõ hơn về quan hệ Mỹ - Nga?

(Baonghean) - Cuộc khủng hoảng ở Ukraina trong thời gian vừa qua đã có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhằm làm rõ vai trò - mối quan hệ của Nga, Mỹ trong cuộc khủng hoảng này, Thiếu tướng Lê Văn Cương đã có bài viết dành riêng cho Báo Nghệ An nhận định về vấn đề này

Tổng thống Obama đã đánh giá sai lệch tình hình Ukraine và về Tổng thống Putin. 	Ảnh Internet
Tổng thống Obama đã đánh giá sai lệch tình hình Ukraine và về Tổng thống Putin. Ảnh Internet
Những thăng trầm từ thời kỳ Liên Xô
Quan hệ Mỹ - Nga là quan hệ nối tiếp của Liên Xô - Mỹ từ 1991. Trước khi bàn về quan hệ Mỹ - Nga, chúng ta có thể nói qua quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ giai đoạn 1945 - 1991. Trong giai đoạn này, đây là quan hệ giữa 2 hệ thống đối lập Xã hội chủ nghĩa – Tư bản chủ nghĩa, là quan hệ quan trọng bậc nhất, là nhân tố chủ yếu quyết định cục diện thế giới, “thời tiết” chính trị, an ninh thế giới gần một nửa thế kỷ. Từ 1991, Nga tiếp thu vai trò của Liên Xô trong quan hệ với Mỹ nói riêng, với cộng đồng quốc tế nói chung.
Quan hệ Nga - Mỹ trong giai đoạn 1991-2013, phát triển thăng trầm, lên xuống và có thể chia làm 5 giai đoạn nhỏ: Giai đoạn nhỏ thứ nhất, từ 1991 - 1999. Đây là thời kỳ ông En-xin làm Tổng thống Nga, từ 10/7/1991 đến trưa ngày 31/12/1999 ông tự từ chức Tổng thống, trước khi hết nhiệm kỳ 6 tháng. Trong thời gian 9 năm ông En-xin tập trung mọi cố gắng, quyết liệt thực hành chính sách chống Cộng cực đoan, ông muốn xóa sạch những thành tựu 70 năm của Chủ nghĩa xã hội về mặt đời sống con người, cơ sở vật chất kinh tế kỹ thuật hùng hậu của Liên Xô.
Về mặt kinh tế, ông thực hiện liệu pháp “sốc 500 ngày”, nhằm chuyển kinh tế Liên Xô phát triển theo kinh tế thị trường theo mô hình Âu Mỹ. Đây là một sự dốt nát, ngộ nhận của En-xin. Bởi một nền kinh tế đã tồn tại 70 năm trong một cơ chế nặng nề không bao giờ trong 500 ngày chuyển thành nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như Mỹ và châu Âu được. Nhưng ẩn ý đằng sau liệu pháp “sốc 500 ngày” của En-xin là ông muốn xóa sạch, xóa hết mọi thành quả kinh tế, kỹ thuật của CNXH. Ông làm việc này trong gần 10 năm chống Cộng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, để chứng minh cho Mỹ và châu Âu, phương Tây rằng ông ta đã và đang đập phá triệt để mọi thành tựu, mọi di sản của Chủ nghĩa Cộng sản trong 70 năm qua. Thứ 2, ông quyết đưa nước Nga phát triển theo con đường của Mỹ và phương Tây, qua đó hy vọng Mỹ và phương Tây sẽ cứu trợ, bố thí hỗ trợ về kinh tế kỹ thuật. Nhưng Mỹ và phương Tây không tin vào một kẻ đã trở cờ, đã phản bội lại đồng bào, đồng chí của mình như En-xin. Họ chỉ hứa, khuyến khích En-xin đập phá mọi thành tựu của CNXH, chứ không mở hầu bao cho En-xin. Vào những năm cuối nhiệm kỳ 1997-1998, có lẽ En-xin mới ngộ ra ông ta đã sai lầm và bị phương Tây lừa dối. Sau 9 năm cầm quyền En-xin đã đẩy nước Nga xuống vực thẳm. Mỹ vào năm 1999 chỉ xếp Nga ngang với Ai Cập, Mêhicô, Nam Phi... Mỹ xem thường Nga đến mức không mời Nga tham gia giải quyết các vấn đề của châu Âu. Đây là giai đoạn bi đát nhất của nước Nga dưới thời En-xin!
Giai đoạn 2, quan hệ Mỹ - Nga 2000 - 2002. Đây có thể gọi là tuần trăng mật ngắn ngủi của Nga – Mỹ, nó liên quan đến sự kiện ở Mỹ diễn ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2011 vào Tòa tháp đôi và Trụ sở Bộ Quốc phòng. Ngay sau vụ tấn công khủng bố này, Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi điện chia buồn với nhân dân và chính quyền Mỹ. Tổng thống Putin cam kết với Tổng thống Mỹ lúc này là ông “Bush con” cam kết sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, một tín hiệu ấm cúng từ Điện Kremly đến Nhà Trắng
Đáp lại thái độ tích cực và thân thiện của Nga, trong thời gian này, Mỹ đã có 5 việc làm đáp trả lại với thái độ tích cực, xây dựng với Nga. Mỹ thông cảm với Nga hơn với vấn đề Chesnia, công nhận Nga có nền kinh tế thị trường và ủng hộ Nga gia nhập WTO, Mỹ đồng ý cho Nga làm Chủ tịch G8, đồng ý cho Nga có vai trò bình đẳng hơn trong việc giải quyết các vấn đề châu Âu và NATO, giảm chỉ trích Nga về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đáp lại Nga cũng tạo mọi điều kiện hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan. Giai đoạn trăng mật này diễn ra trong vòng 3 năm (từ 2000 - 2002).
Giai đoạn 3, (2003 - 2008), đây là giai đoạn Mỹ - Nga ăn miếng, trả miếng. Tháng 3/2003, chính quyền Tổng thống Bush đã lừa dối nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới rằng chính quyền Tổng thống Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và quan hệ với tổ chức khủng bố của Binladen. Đây là cái cớ để Mỹ tiến hành xâm lược Irắc. Cuộc xâm lược này đã bị cộng đồng quốc tế, kể cả một số nước đồng minh của Mỹ cũng kịch liệt phản đối. Mỹ cho rằng Nga có vai trò to lớn trong việc tập hợp lực lượng, lôi kéo cả Đức, Pháp chống Mỹ xâm lược Irắc. Để trả thù Nga, Mỹ tiến hành 5 việc trong thời gian này. Thứ nhất, là tiến hành các cuộc cách mạng màu sắc ở “sân sau” của Nga, đó là “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, “cách mạng cam” ở Ukraina, “cách mạng hoa Tuylip” ở Kyrgyzstan. Thứ 2, Mỹ tiến hành 2 đợt kết nạp các nước Đông Âu và Bantic vào NATO. Thứ 3, Mỹ xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa NMD ở Đông Âu, xây dựng hệ thống radar cảnh báo sớm ở Cộng hòa Séc. 2 việc làm này Mỹ đã vi phạm cam kết với Liên Xô năm 1990 sau khi bức tường Beclin sụp đổ, Mỹ cam kết với Liên Xô lúc đó rằng, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông Âu và sẽ không thiết lập thêm các căn cứ quân sự ở Đông Âu. Chính 2 việc làm này đã đẩy Nga đến chân tường. Việc làm thứ 4, là Mỹ lôi kéo các nước sân sau của Nga, các nước Trung Á ngả theo Mỹ và phương Tây, xa rời Nga. Việc thứ 5 là Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, phê phán về vấn đề dân chủ, nhân quyền, ủng hộ lực lượng đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Putin.  Đỉnh điểm là ngày 8/8/2008, Mỹ đã xúi dục và hậu thuẫn mọi mặt cho Gruzia tấn công Ápkhazia. Nga đã phản công lại và công nhận nền độc lập Áp khazia và Nam Ossetia. Để đáp lại hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu, Nga tuyên bố triển khai tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander với tầm bắn 500 km, vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Nga đã đưa tổ hợp tên lửa đạn đạo Topol M, liên tục trong 2 tháng Nga đã thử tên lửa Topol M RS12M có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và thử tên lửa đạn đạo RSM 54  mang 10 đầu đạt hạt nhân với tầm bắn 11 - 12 ngàn km. Tháng 11/2008, Nga phối hợp với Venezuela tập trận hải quân ngay tại vùng biển phía sau lưng Mỹ. 2 năm cuối nhiệm kỳ 2 của Tổng thống “Bush con”, 2007-2008, quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991. 
Giai đoạn 4, từ 2009 đến mùa Thu 2013. Bốn năm này có hai giai đoạn khác nhau. 2009 - 2010, quan hệ Mỹ - Nga bắt đầu ấm lên thông qua biểu hiện của 2 phía. Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên đã gửi điện chúc mừng Obama trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 44 của Hoa Kỳ, và hứa sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên mọi vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đáp lại thịnh tình của Nga, Mỹ đã có một số động tác mang tính xây dựng, tích cực, như: tháng 2/2009, người phát ngôn Nhà trắng nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét việc trì hoãn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Đông Âu. Đáp trả lại, Nga cũng tuyên bố hoãn triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở Bêlarut và Kaliningrat. Tháng 2/2009, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng chưa kết nạp Ukraina vào NATO. Giữa tháng 2/2009, tại Hội nghị an ninh ở Đức, Phó Tổng thống Mỹ Jonbaider tuyên bố làm nức lòng cả thế giới, đặc biệt là Nga, rằng: Mỹ cần hợp tác với Nga, Mỹ phản đối những mối lợi mà NAO thu được từ những thiệt hại của Nga. Đây là tuyên bố tích cực nhất kể từ năm 1991 đến tháng 2/2009. 
Ngày 5/5/2009, dưới sức ép của Mỹ, tại cuộc họp ở cấp bộ trưởng khối NATO, NATO quyết định mời Nga trở lại làm đối tác, chấm dứt sự gián đoạn quan hệ Nga - NATO sau cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia vào tháng 8/2008. Đặc biệt là sự kiện ngày 6/3/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hary Clinton tặng người đồng cấp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một vật “bấm nút bắt đầu lại”. Sự kiện này là biểu tượng cho mối quan hệ Mỹ - Nga bắt đầu lại có vẻ như tốt đẹp hơn, tạo mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Tại Hội nghị G20 ở Anh, Tổng thống Obama đã nói rằng: Không thể xây dựng lá chắn tên lửa ở Đông Âu mà không thảo luận với Nga, và NATO đã đi quá xa, quá nhanh trong việc mời Ukraina, Gruzia gia nhập NATO.  Cuối năm 2009 là thời kỳ ấm cúng và tuần trăng mật lần thứ 2 lại xuất hiện trong quan hệ Nga - Mỹ. Kết thúc thời  kỳ trăng mật này là ngày 8/4/2010, tại Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama đã ký hiệp định cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 2, còn gọi là Star 2. Đây có thể gọi là thời kỳ trăng mật ngắn ngủi lần thứ 2 giữa Nga - Mỹ.
Đến năm 2011-2013, quan hệ Nga - Mỹ lại rơi vào “băng giá”, biểu hiện một loạt việc Mỹ làm cho Nga bất bình. Mỹ đã lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, làm mất ổn định chính trị, xã hội, nhằm tiến hành cái gọi là “cách mạng trắng” lật đổ chính quyền của Putin và Dmitry Medvedev. Mỹ đã lợi dụng cái gọi là Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ để cung cấp nguồn tài chính và hậu thuẫn mọi mặt để lực lượng đối lập ở Nga tổ chức hoạt động chống phá, can thiệp và nội  bộ Nga chống lại chính quyền Putin và Dmitry Medvedev, làm sai lệch kết quả bầu cử vào Duma quốc gia Nga... Đến cuối năm 2011, Mỹ đã có những biểu hiện cực kỳ tiêu cực trong việc chống phá Nga. Để phản công lại, ngày 1/11/2012, Nga yêu cầu tổ chức Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ phải đóng cửa ở Nga. Ăn miếng, trả miếng, tháng 11/2012, Thượng viện Mỹ thông qua “Dự luật Magnitsky” nhằm mục đích chống Nga. 26/12/2012, Thượng viện Nga thông qua “Dự luật cấm các gia đình Mỹ nhận con nuôi của Nga”.
Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, tháng 11/2011, Mỹ triển khai kế hoạch xây dựng tên lửa tại khu vực sát Nga, đáp lại Putin và Dmitry Medvedev đã cảnh báo đanh thép: Nga sẽ bố trí tại ranh giới với NATO hệ thống tên lửa tấn công chiến lược hiện đại bậc nhất để hủy diệt mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngày 14/12/2012, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đã ký lệnh bố trí đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và 400 binh lính ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng để đương đầu với Syria nhưng thực chất là để sẵn sàng tấn công tập hậu vào sườn Tây Nam của Nga.
Trong năm 2013, có thể chia làm 2 giai đoạn: tháng 5, 6, 7, 8, Nga - Mỹ căng thẳng, bất bình trong việc giải quyết xung đột ở Syria và chương trình hạt nhân của Iran. Đến tháng 9, 10, 11, Nga - Mỹ hợp tác hiệu quả với nhau trong việc thực hiện sáng kiến của Putin đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình ở Syria. Chính không xảy ra cuộc chiến ở Syria là kết quả hợp tác của Nga - Mỹ. Ở đây cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Nga ở Syria. Sau này họ tiếp tục hợp tác với nhau trong vấn đề đưa ra thỏa thuận về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran, đây cũng có thể gọi là thời kỳ tuần trăng mật ngắn ngủi thứ 3, trong vòng 3 tháng của Nga và Mỹ.
Như vậy, quan hệ Nga - Mỹ từ 1991 - 2013 trải qua 4-5 giai đoạn thăng trầm lên xuống.
Quan hệ Mỹ - Nga từ cuộc khủng hoảng ở Ukraina
Cuộc khủng hoảng ở Ukraina bắt đầu từ ngày 21/11/2013, lúc đó, Tổng thống Yanukovych tuyên bố rằng, tạm hoãn việc ký hợp tác với châu Âu. Lấy cái cớ này, Mỹ và châu Âu kích động các lực lượng đối lập ở Ukraina tiến hành biểu tình và đỉnh cao là bạo loạn vũ trang chống lại chính quyền Yanukovych. Ngày 22/2/2014, Mỹ và Tây Âu thực hiện đảo chính vi hiến ở Ukraina lật đổ chính quyền ông Yanukovych, dựng lên chính quyền thân Mỹ ở Ukraina. Đó là một cuộc đảo chính – không thể nói khác được, bởi Hiến pháp Ukraina lúc đó quy định rằng một Tổng thống chỉ bị miễn nhiệm khi đã có 75% đại biểu quốc hội biểu quyết đồng ý. Tại cuộc họp sáng 22/2/2014, chỉ có 72,5% đại biểu Quốc hội Ukraina đồng ý phế truất Tổng thống Yanukovych, thế mà Mỹ và Tây Âu đã ủng hộ lực lượng đối lập đảo chính, lật đổ một Tổng thống được bầu cử dân chủ. Chính thắng cử của Yanukovych năm 2010 từng được cả nước Mỹ và châu Âu thừa nhận, thế nhưng họ lại lật đổ ông vào ngày 22/2/2014, và dựng nên chính quyền gồm Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ môi trường... là những phát xít mới. Mỹ đã dựng lên chính quyền là những người mà tháng 12/2013, đã đứng ở Quảng trường Maidan kêu gọi người dân Ukraina: “Các bạn hãy cầm lấy vũ khí bắn vào bọn lợn Nga, bọn lợn Đức, Do Thái”...  Việc này bộc lộ bản chất phản nhân văn, phản tính nhân đạo, dân chủ của Mỹ. Đây là sự kiện điển hình, chứng tỏ rằng chính quyền Oasinhtơn chưa bao giờ ủng hộ lực lượng dân chủ nào ở trên hành tinh này, họ chỉ ủng hộ những con người nào, thể chế nào phục vụ lợi ích của họ.
Xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina này đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga xuống vực thẳm. Nga cho rằng Mỹ tiến hành cuộc đảo chính phản dân chủ, dựng ra chính quyền phát xít mới chống Nga, cố kéo Nga vào canh bạc Ukraina để làm suy yếu Nga. Ngược lại, Mỹ cho rằng Nga sáp nhập Crưm từ Ukraina, ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông... Qua đó, chúng ta thấy rằng, việc rối loạn chính trị ở Ukraina đã phản ánh bản chất của Mỹ và đồng thời khoét sâu, đẩy quan hệ giữa hai cường quốc Nga - Mỹ xuống vực thẳm. 
Quan hệ Nga - Mỹ sẽ đi đến đâu?
Trong những ngày gần đây, thế giới đang nín thở, những tuyên bố của Tổng Thư ký NATO, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, của 28 bộ trưởng các nước châu Âu và Nga... dư luận thế giới có cảm giác như Nga và Mỹ đang cận kề của một cuộc xung đột lớn. 
Quan hệ Mỹ - Nga sẽ đi về đâu? Không chỉ người Mỹ, người Nga mà cả thế giới đều quan tâm. Vì đây là 2 cường quốc có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới. Cho dù vấn đề an ninh phi truyền thống và vấn đề quan hệ “sức mạnh mềm” có quan trọng bao nhiêu thì vẫn xếp dưới sức mạnh quân sự an ninh truyền thống, “sức mạnh cứng” với hạt nhân, là bộ 3 vũ khí hiện đại: tên lửa hành trình, vũ khí hạt nhân, tàu ngầm và tàu sân bay... vẫn là nhân tố chủ yếu để phân vai, xác định vị trí các quốc gia trên sân khấu chính trị, an ninh thế giới. Vực thẳm khó khỏa lấp trong quan hệ Mỹ - Nga là hai cường quốc này thiếu lòng tin đối với nhau. Mỹ không tin Nga và Nga càng không tin Mỹ. Không tin nhau, nhưng họ cần nhau để giải quyết các vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, hạn chế vũ khí tấn công chiến lược... Nếu không có Nga thì Mỹ sẽ không giải quyết rốt ráo các điểm nóng trên thế giới và cuộc chiến chống khủng bố. Ngược lại Nga cũng rất cần sự hợp tác của Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng, quan hệ lợi ích sinh tử của Nga. Về tài chính, Nga cần Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Nga tạo mọi điều kiện để thu hút FDI từ 3 trung tâm kinh tế này để chuyển mô hình kinh tế của Nga từ dựa xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô chuyển sang nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao trong hàng hóa dịch vụ...
Hiện tại và tương lai, Nga gắn với châu Âu và nước Mỹ, đây là hướng phát triển chủ yếu của Nga. Về quốc phòng an ninh, Nga và Mỹ đều cần đến nhau. Trong điều kiện Trung Quốc đang trỗi dậy và đang thách thức vai trò của Mỹ trên nhiều lĩnh vực trọng yếu. Mỹ rất cần mối quan hệ ổn định với Nga, để không phải cùng một lúc đối phó với 2 siêu cường là Trung Quốc và Nga. Ngược lại Nga cũng cần ổn định quan hệ với Mỹ để tập trung phát triển kinh tế, tránh một cuộc chạy đua quân sự tốn kém, ảnh hưởng đến công cuộc chấn hưng của nước Nga.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra một số nhận xét sau: Để bảo vệ lợi ích chiến lược, chủ quyền và phát triển của quốc gia, trong điều kiện diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc mới nổi trên thế giới, Nga cần hợp tác với Mỹ, và Mỹ cần hợp tác với Nga. Mỹ và Nga cần nhau, nhưng họ thiếu lòng tin đối với nhau. Trong quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ thường ở thế chủ động, trong nhiều trường hợp Nga ở thế bị động đối phó. Từ năm 1991 đến nay, Mỹ luôn có nhiều hoạt động chèn ép thu hẹp không gian chiến lược của Nga, can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, làm cho Nga suy yếu. Trung Quốc luôn là một ẩn số lớn trong quan hệ Nga - Mỹ, người Nga không bao giờ quên một thời Trung Quốc đã từng bán đứng họ để đi với Mỹ, Mỹ đã cũng từng một thời thành công trong việc dùng con bài Trung Quốc để chống Liên Xô, do đó sự biến thiên thăng - giáng trong quan hệ Mỹ - Nga luôn chịu quan hệ tác động của Mỹ - Trung và quan hệ Trung - Nga.
Tất cả những điều trình bày ở trên, có thể dự báo khái quát quan hệ Mỹ - Nga trong thời gian tới như sau: Mỹ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu. Hai vấn đề này tạo ra hố ngăn cách quan hệ Mỹ - Nga, làm cho mối quan hệ giữa Điện Kremli và Nhà Trắng tiếp tục lên xuống thất thường.
Cho dù vấn đề Ukraina có nghiêm trọng đến bao nhiêu thì Mỹ và Nga cũng cố gắng tìm cách tránh đối đầu quân sự. Vì thế xác suất xảy ra đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ thông qua cuộc khủng hoảng ở Ukraina sẽ khó xảy ra. Bản thân Nga cũng hoàn toàn không muốn lao vào cuộc chiến tranh với Mỹ, ngược lại trong bối cảnh của Mỹ hiện nay cũng không đủ sức để tham gia một cuộc chiến với sức mạnh tổng lực của Nga hiện nay.
Do đó Ukraina có căng thẳng đến đâu đi chăng nữa, tình hình miền Đông Ukraina có đi đến đâu, thì Nga và Mỹ sẽ dùng hết phanh hãm ở hai bên bờ vực thẳm để không lao vào xung đột, nhưng Nga và Mỹ sẽ bắt đầu rơi vào một thời kỳ băng giá kéo dài, có thể nói là ở ngưỡng của cuộc chiến tranh lạnh. Điều này sẽ làm tổn hại lợi ích của Nga và Mỹ, sớm muộn, quan hệ Nga - Mỹ cũng dần dần khôi phục lại, vì trước mắt họ là cả một núi vấn đề cần phải giải quyết, những khó khăn kinh tế của Mỹ, Nga, việc trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đang lấn cả Mỹ và Nga, rồi chủ nghĩa khủng bố... họ cần hợp tác với nhau, nhưng quan hệ Nga - Mỹ vẫn còn những thăng trầm, khó khăn!
Thiếu tướng Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học - Bộ Công an)

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.