Yên Thành hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

Văn Trường 11/11/2022 09:40

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, huyện Yên Thành tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Yên Thành thực hiện tuyên truyền lưu động ngày chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Văn Trường.

Nỗ lực chuyển đổi số

Sau khi được tập huấn về chuyển đổi số, từ ngày 1/8, xã Trung Thành đã triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Ông Trần Thượng Hoàn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, trích ngân sách hỗ trợ các công chức mua máy vi tính xách tay, phối hợp với VNPT Yên Thành để cài đặt các phần mềm chuyên dụng, triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng...

(Hiện nay, xã nhập được các dịch vụ công trên nền tảng số gồm các lĩnh vực hồ sơ công dân, chính sách nông nghiệp, tư pháp, văn hóa…). Sắp tới xã đang tiếp tục thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân ở xa giảm thiểu được thời gian.

Hiện nay xã Trung Thành đã thực hiện cổng dịch vụ công và một cửa điện tử. Ảnh: Văn Trường.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Từ tháng 6/2022, huyện Yên Thành đã thực hiện thí điểm chuyển đổi số ở một số xã. Các xã đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Đồng thời, huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao nhận thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng số cho lãnh đạo các cơ quan đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Huyện phối hợp với VNPT và các đoàn thể, địa phương vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt các nền tảng dịch vụ số. Thời gian qua, VNPT Yên Thành đã hỗ trợ xây dựng cổng thông tin điện tử cho huyện, các xã, tập huấn về dịch vụ hành chính công, hệ thống iOffice và chữ ký số quản lý văn bản điện tử cho 39/39 xã, thị trấn trên địa bàn.

Cung cấp các dịch vụ chữ ký số và biên lai điện tử cho chính quyền huyện, xã; Cung cấp dịch vụ cho ngành Giáo dục như hệ sinh thái vnEdu, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, giáo án điện tử… Với ngành Nông nghiệp, VNPT Yên Thành cung cấp các giải pháp kiểm tra nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, quản lý sản phẩm OCOP…

Tất cả cán bộ, công nhân viên huyện Yên Thành trong một buổi tập huấn về chuyển đổi số. Ảnh: Văn Trường.

Huyện Yên Thành đã ký thỏa thuận hợp tác với VNPT Yên Thành, theo đó trong thời gian tới đơn vị này sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin cùng các giải pháp chuyển đổi số gồm: Hệ thống điều hành thông minh IOC; Hệ thống phòng họp không giấy tờ VNPT eCabinet; các giải pháp Đô thị thông minh…

BOX: Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện Chương trình hành động, công tác chuyển đổi số của huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm này, có 37/39 xã đã thực hiện một cửa điện tử, 100% xã sử dụng chữ ký số, 100% xã đã sử dụng hệ thống iOffice xử lý văn bản.

Hướng tới chính quyền điện tử

Xác định vai trò chuyển đổi số đối với thực tế hiện nay, huyện Yên Thành yêu cầu lãnh đạo và tất cả cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá trong cải cách hành chính.

Huyện chủ trương ưu tiên chuyển đổi số trong phát triển chính quyền số, đặc biệt là cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường và ưu tiên chuyển đổi số trong phát triển kinh tế. Việc số hóa ở các phòng, ban và địa phương được đẩy mạnh để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của huyện và của tỉnh nhằm phục vụ cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo các xã phối hợp với VNPT Yên Thành trong công tác chuyển đổi số. Ảnh: Văn Trường.

Huyện Yên Thành đặt mục tiêu trong thời gian tới, 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; Thực hiện kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.

Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường mạng. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

Huyện phấn đấu, phát triển kinh tế số chiếm khoảng trên 5 - 10% GRDP, 80% người dân trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, trên 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử…

Huyện Yên Thành đã thực hiện cổng dịch vụ công và một cửa điện tử. Ảnh: Văn Trường.

Để phát triển hạ tầng kỹ thuật, cập nhật số hóa phục vụ chuyển đổi số, huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước; Trang thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng mạng LAN, mạng Internet tốc độ cao… Cùng đó, địa phương này đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của cấp trên.

Thực hiện có hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh (trục kết nối liên thông hệ thống quản lý danh mục dùng chung, định danh điện tử, hệ thống giám sát, cơ sở dữ liệu)… Yên Thành cũng sẽ tiếp tục khai thác và vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý điều hành: Hệ thống Cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử, chữ ký số, hội nghị truyền hình trực tuyến…

Với ngành Nông nghiệp VNPT Yên Thành cung cấp các giải pháp check nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, quản lý sản phẩm OCOP… Ảnh: Văn Trường

Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, xã trên địa bàn phải được tăng cường; Người đứng đầu các cơ quan phải chủ động, theo dõi giám sát quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Ưu tiên kinh phí cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công nhân viên các cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Chuyển đổi số để đổi mới giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn

15/10/2022

10 xu hướng chuyển đổi số đáng quan tâm nhất trong năm 2022

18/10/2022

Mới nhất
x
Yên Thành hướng tới xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO