Khởi đầu mới cho mối quan hệ Mỹ - Sri Lanka

(Baonghean) - Ngày 2/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến công du đến quốc đảo Ấn Độ Dương Sri Lanka. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đến Sri Lanka kể từ năm 2005. Sau quãng thời gian dài căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, Mỹ đang muốn khởi động lại quan hệ với nhà lãnh đạo mới của quốc gia có vị trí chiến lược bậc nhất tại Ấn Độ Dương là đương kim Tổng thống Maithripala Sirisena. Đây được đánh giá là bước đi cần thiết và đúng lúc, trong bối cảnh Ấn Độ Dương đang dần trở thành điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng mới giữa các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. 	Nguồn: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. Nguồn: Reuters
Mối quan hệ Mỹ - Sri Lanka vốn đã trục trặc trong nhiều năm qua, và trở nên căng thẳng khi Mỹ được Liên Hợp quốc bảo trợ điều tra về cuộc chiến ly khai ở Sri Lanka, bất chấp sự phản đối của Colombo. Thế nhưng, kể từ khi nhậm chức Tổng thống hồi đầu tháng 1 năm nay, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã đưa ra cam kết hàn gắn quan hệ với phương Tây cũng như thúc đẩy hợp tác song phương với các nước, trong đó có Mỹ.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ đến Sri Lanka chỉ 4 tháng sau khi nước này có nhà lãnh đạo mới đã cho thấy quyết tâm cải thiện quan hệ với quốc đảo Ấn Độ Dương. Thể hiện là trong các cuộc gặp với các quan chức chính phủ và Tổng thống Sirisena, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh rằng, nhiều cơ hội lớn đang mở ra cho quan hệ song phương Mỹ - Sri Lanka. Ông Kerry cũng khẳng định, Mỹ đang có ý định mở rộng, tăng cường quan hệ đối tác với Sri Lanka, đồng thời Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ cho Sri Lanka. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hai nước sẽ bắt đầu tiến hành đối thoại quan hệ đối tác thường niên và giới chức các bộ Tài chính, Thương mại Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Sri Lanka.
Thực ra xét về mục đích, chính quyền Mỹ quan tâm đặc biệt Sri Lanka vào thời điểm này không phải là điều khó hiểu. Sri Lanka vốn có vị trí địa chiến lược tại vùng biển Ấn Độ Dương. Quốc đảo này nằm cách bờ biển Ấn Độ khoảng 40 dặm, nằm trên tuyến đường vận chuyển dầu tấp nập từ Trung Đông tới châu Á. Với vị trí quan trọng trên hành lang Ấn Độ Dương, cùng với sự phát triển qua lịch sử của hàng hải và thương mại, Sri Lanka tuy nhỏ bé nhưng đã trở thành đối tượng để các cường quốc nhắm tới. Sri Lanka được ví như “viên ngọc treo” ở vành tai New Delhi, là điểm quan trọng tại “sân sau” mà Ấn Độ đang muốn củng cố lại vị thế và ảnh hưởng. Hay với Trung Quốc, Sri Lanka cũng là một viên ngọc quý trong chuỗi ngọc trai mà Bắc Kinh đang thiết lập, hướng tới “con đường tơ lụa trên biển”.
Nhìn tổng thể, Ấn Độ Dương có diện tích 75 triệu km2, lớn thứ 3 sau Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, có vai trò quan trọng hàng đầu với an ninh, hàng hải, nguồn năng lượng dự trữ khoáng sản… Ấn Độ Dương có các tuyến đường biển quan trọng nối Trung Đông, châu Phi và Đông Á với châu Âu và châu Mỹ, đồng thời có các tuyến vận chuyển dầu khí và các sản phẩm dầu khí quan trọng. Vì thế, chứng kiến các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga tăng tốc đến Ấn Độ Dương thì có lẽ nào cường quốc như Mỹ có thể ngồi yên?! Nhất là trong bối cảnh, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đang muốn xúc tiến mạnh hơn chiến lược xoay trục sang châu Á. Dù trọng tâm là Thái Bình Dương nhưng chắc chắn, Ấn Độ Dương - một điểm nóng cạnh tranh mới cũng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Washington.
Trong khi đó đối với Sri Lanka, mở ra giai đoạn quan hệ mới với Mỹ đồng nghĩa quốc đảo này sẽ thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư, từng bước trở lại trường quốc tế như khẳng định của Tổng thống Sirisena vừa qua. Ngoại trưởng nước chủ nhà Samaraweera trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ cũng cam kết rằng, Sri Lanka sẽ trở thành một “nền dân chủ nghị viện chính thức” và là một “thiên đường cho các nhà đầu tư”. Thực tế, chính quyền mới tại Sri Lanka cũng sớm nhận ra được lợi thế của vị trí địa chiến lược của quốc gia mình. Thời gian qua, Sri Lanka đang phải “đi thăng bằng trên dây” trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ; đến nay, với sự góp mặt của Mỹ, Sri Lanka chắc chắn sẽ lại bị cuốn vào vòng xoáy mới. 
Việc của chính quyền mới có lẽ sẽ là cân đối lợi ích và chính sách đối ngoại quốc gia, để vừa giữ vững chủ quyền, vừa không bị phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào. Một dẫn chứng là dư luận đã thấy sự cứng rắn khi Tổng thống Sri Lanka vừa qua bất ngờ cấm tàu Trung Quốc neo đậu tại các hải cảng của nước này hay lệnh cho dừng một dự án bất động sản trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.
Như vậy, bất chấp mối quan hệ nồng ấm giữa người tiền nhiệm và Trung Quốc, Tổng thống Maithripala Sirisena đã có một sự điều chỉnh chính sách mới khi trở nên thân thiện hơn với Ấn Độ. Và món quà mà Sri Lanka nhận được sau đó không phải là sự giận dữ hay lạnh nhạt của Trung Quốc mà lại là một khoản tiền viện trợ mới trị giá 1 tỷ USD mà Bắc Kinh dành cho Colombo. Vì thế, giữa vòng vây của các cường quốc đang muốn tranh thủ vị trí địa chiến lược của Sri Lanka, quốc đảo này có lẽ đang tiếp tục có những cân nhắc thiệt - hơn và điều chỉnh một chính sách đối ngoại phù hợp sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần này.
Phương Hoa

tin mới

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

(Baonghean.vn) - Ứng cử viên Nghị viện châu Âu thuộc đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Pháp) Mathieu Valais cho rằng, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Emmanuel Macron về việc gửi quân đội NATO đến Ukraine là "vô trách nhiệm", và trên thực tế sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp.  

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí.