Bài thuốc chữa bệnh từ quả vải

Theo Thanh Thanh (vov.vn)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vải là loại quả quen thuộc trong mùa Hè, ngoài làm món ăn cũng có một số bài thuốc từ quả vải rất hiệu quả.

Quả vải là loại quả thơm ngon và bổ dưỡng. Không chỉ có thế, từ lâu vải được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc từ quả vải và những lưu ý khi dùng.

Tổng quan về quả vải

Cây vải được trồng ở khắp Việt Nam, còn thấy ở Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, phía bắc Ấn Độ.

Quả vải thu hoạch vào tháng 5-6 dùng ăn tươi hay sấy khô, hoặc đóng hộp dùng dần. Hạt vải thái mỏng phơi hay sấy khô dùng làm thuốc với tên lệ chi hạch.

Trong áo hạt (tử y) ta thường gọi là múi vải có chất đường chủ yếu là glucoza (66%); một ít dưới dạng sacaroza (5%); protein 1,5%; chất béo 1,4%; vitamin C (trung bình 40mg trong 100g dịch áo hạt); vitamin C2, vitamin A và B (hai thứ vitamin này thường chỉ thấy trong áo hạt tươi, khô thì thường mất đi), axit xitric.

Trong hạt vải (lệ chi hạch) có tanin 1-1,5%, độ tro 1-1,2%, độ ẩm 10-12%, chất béo 5-6%. Trong hạt vải có metylenxyciopropyglyxin.

vai_0.jpg
Quả vải mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe.

Công dụng và liều dùng của quả vải

Bài viết trên website Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, áo hạt được dùng ăn và làm thuốc từ lâu đời. Trong tài liệu cổ người ta cho rằng, áo hạt vị ngọt, chua, tính bình hay ôn, không có độc. Nó có tác dụng nuôi huyết, làm hết phiền khát, tiêu thũng, chữa những bệnh mụn nhọt, ăn nhiều đẹp nhan sắc nhưng trong tác giả cổ cũng có tác giả lại nói rằng, ăn nhiều thì phát nhiệt, chảy máu cam và đau răng (Mậu Hy Ưng và Hoàng Cung Tú). Ngày dùng 10-16g áo hạt khô.

Hạt vải (lệ chi hạch) cũng là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Theo tài liệu cổ, lệ chi hạch vị ngọt, chát tính ôn, không độc. Hạt vải có tác dụng tán hàn, thấp kết khí, là thuốc chữa âm nang sưng đau (thoát vị). Nó còn dùng chữa ỉa chảy của trẻ em. Ngày dùng từ 4 đến 8g dưới dạng bột hay sắc uống.

Ngoài ra, người ta còn dùng hoa, vỏ thân và rễ sắc lấy nước súc miệng chữa bệnh viêm họng, đau răng.

Một số bài thuốc có quả vải

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn GS.TS Phạm Xuân Sinh một số bài thuốc từ vải:

Đau bụng, buồn nôn: Đem hạt vải nướng chín, bóc vỏ ngoài ăn với số lượng khoảng 6 - 8g/lần. Ngày 2 lần.

Đau dạ dày: Hạt vải 3g (chế như trên), mộc hương 2g. Tán bột mịn, uống với nước ấm. Ngày 2-3 lần.

Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh: Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g tán bột mịn, ngày 6-8g uống với nước muối loãng hoặc nước cơm. Ngày 2 lần.

Phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ) như kim châm: Hạt vải thái phiến như trên, sao đen, đại hồi vi sao đồng lượng (4-8g) tán bột mịn, uống với rượu ấm, ngày 3 lần. Uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.

Sán khí ở nam giới (thoát vị bẹn, viêm đau tinh hoàn): Hạt vải chế biến như trên, sao vàng, tiêu hồi (sao qua), quất hạch (hạt quýt) sao vàng.

Cả 3 vị đồng lượng, tán bột mịn, uống với nước ấm, ngày 2-3 lần, mỗi lần 6-8g.

Trẻ em theo tuổi giảm liều

Chúng ta cũng có thể chỉ dùng riêng hạt vải đốt thành than, hòa vào rượu uống, với liều 4-6g. Hoặc lấy hạt vải đã chế biến theo cách trên, trần bì, đồng lượng 10g, sao vàng, lưu huỳnh 3g. Dùng dưới dạng bột mịn. Chia 2 lần uống trong ngày.

Tiêu chảy do tỳ hư: Quả vải 7 quả, đại táo 5 quả. Sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

Trị nấc: Quả vải 7 quả, gừng tươi 6g, đường đỏ 4g. Sắc uống.

Răng sưng đau: Quả vải xanh, thêm ít muối ăn hoặc đốt tồn tính, tán mịn, xát vào chân răng.

Một số lưu ý khi ăn vải

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn nguồn Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết:

- Người tiêu dùng tuyệt đối không ăn quả vải xanh, vải chưa chín hẳn, tránh ăn hạt vải hoặc nhai, cắn phải hạt vải.

- Người tiêu dùng không nên ăn vải lúc đói vì hàm lượng đường trong vải tươi sẽ khiến đường huyết tăng đột ngột, dẫn đến gây viêm nhiệt hoặc các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Theo đó, để đảm bảo an toàn người dân nên ăn vải sau bữa ăn để tránh hạ đường huyết.

Viện dinh dưỡng cũng lưu ý thêm, người dân ở vùng trồng vải cần có sẵn đường glucose để phòng trường hợp hạ đường huyết nếu nghi ngờ ngộ độc do ăn vải./.

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.