Cơ hội nhìn lại công tác dạy nghề

(Baonghean) - Cứ 2 năm một lần, Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn tỉnh được tổ chức. Qua hoạt động này, đội ngũ đào tạo nghề có thể tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là hoạt động nhằm đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của các cơ sở đào tạo nghề.  
Trên cơ sở lựa chọn những giáo viên đạt thành tích xuất sắc nhất từ cấp cơ sở, hội giảng giáo viên dạy nghề 2014 có sự tham gia của 51 giáo viên đến từ 14 đơn vị dạy nghề với các nghề: hàn, thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, cơ khí chế tạo, công nghệ ô tô, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, may thời trang, trồng trọt, du lịch - khách sạn, lái xe cơ giới đường bộ và chăn nuôi thú y. 
Bài giảng chăn nuôi thú y của thầy Hồ Văn Bình - giáo viên Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật miền Tây.
Bài giảng chăn nuôi thú y của thầy Hồ Văn Bình - giáo viên Trường TC nghề Kinh tế kỹ thuật miền Tây.
Hội giảng năm nay có nhiều điểm mới từ số lượng bài giảng đến tiêu chí chấm thi, đánh giá. Số lượng bài giảng được thiết kế, xây dựng dưới dạng tích hợp cả phần lý thuyết và thực hành chiếm tỷ lệ cao, trên 80% (43/51 bài dự thi). Đây được coi là tín hiệu đáng mừng, bởi thực tế hiện nay, nhiều giáo viên dạy nghề ở Nghệ An còn ngại áp dụng và yếu về khả năng dạy tích hợp. Theo bà Hồ Thị Châu Loan - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), năm nay, bài giảng được bốc thăm từ ngân hàng đề thi thay vì trình giảng một bài giảng giáo viên tự chọn và luyện tập sẵn như trước đây, nhờ đó, có thể đánh giá chính xách hơn về năng lực của giáo viên dự thi.
Việc đánh giá bài giảng được tiến hành ngay sau khi giáo viên hoàn thành phần thao giảng nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực. Hơn nữa, trong thành phần Ban Giám khảo, ngoài các nhà giáo là tiến sỹ, thạc sỹ, nhà giáo ưu tú có thâm niên giảng dạy, phong phú kiến thức về sư phạm từ các trường có uy tín trên địa bàn như Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt - Đức… còn có sự xuất hiện của những chuyên gia đến từ các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Du lịch dầu khí Phương Đông, Công ty cổ phần May Halotex… “Với những đổi mới, hội giảng năm nay tạo điều kiện cho giáo viên các bộ môn trong trường dạy nghề có cơ hội thể hiện khả năng trình giảng của mình, đồng thời học hỏi, đúc rút  nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm từ các trường bạn. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy nghề của mỗi nhà trường, góp phần nâng chất lượng dạy nghề trên toàn tỉnh” - bà Hồ Thị Châu Loan chia sẻ.
Tham gia hội giảng lần này, thầy Nguyễn Trọng Thắng - Giáo viên Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng tâm sự: “Qua các hoạt động tại hội giảng, tôi được gặp gỡ những thầy, cô giáo trẻ nhưng có những ứng dụng công nghệ linh hoạt để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề. Đây chính là sự bổ túc để chúng tôi đúc rút kinh nghiệm, tìm ra được phương pháp dạy nghề hữu ích…”. Trong khuôn khổ hội giảng, bài giảng “Hàn không vát mép ở vị trí đứng” của thầy Thắng đã được Ban Giám khảo đánh giá rất cao và trao giải Nhất bởi áp dụng nhuần nhuyễn, sinh động phần lý thuyết và thực hành ngay trong bài giảng. Còn cô Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giáo viên nghề quản trị Lễ tân, Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An, người đạt giải Nhì cho biết: “Để bài giảng đạt hiệu quả cao, tôi thường xuyên trao đổi nội dung với bạn bè, đồng nghiệp, kịp thời bổ sung kiến thức, kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người truyền nghề”.
Trưởng Ban tổ chức Hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi tỉnh Nghệ An năm 2014, ông Đặng Cao Thắng -  Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hội giảng giáo viên dạy nghề là một hình thức sinh hoạt chuyên môn hết sức cần thiết và cũng đã gặt hái được nhiều thành công: Chất lượng hội giảng cao và cách thức tổ chức tốt hơn các lần trước. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các trường trong việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên tham gia. Đặc biệt, hội giảng đã tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các giáo viên dạy nghề trên địa bàn, tạo điều kiện cho họ thể hiện tài năng, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt trong các cơ sở đào tạo nghề”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi lần này vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế được Ban Tổ chức thẳng thắn chỉ ra. Cả tỉnh có 65 cơ sở dạy nghề thì chỉ có 14 đơn vị tham gia, đây là con số ít ỏi so với yêu cầu. Các đơn vị tham gia hội giảng và đạt thành tích cao tập trung ở nhóm các trường trung cấp, cao đẳng nghề, chưa có sự tham gia tích cực của các trung tâm dạy nghề, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề ngoài công lập và trung tâm dạy nghề cấp huyện. Và cũng vì thiếu sự tham gia của các trung tâm dạy nghề cấp huyện, nên một số ngành, nghề gắn với nông dân, nông thôn như thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi… không có giáo viên tham gia hoặc nếu có cũng rất ít và chất lượng chưa cao. Một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư trang, thiết bị giảng dạy, chưa cập nhật và đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy để phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, tiến bộ kỹ thuật và sự phát triển của khoa học công nghệ. Một số giáo viên vẫn chưa thực sự đầu tư cho tiết giảng, nên vẫn còn những bài giảng đơn điệu, ít gợi mở, chưa hấp dẫn với học sinh... 
Hàng năm, các cơ sở đào tạo nghề  trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho gần 92 nghìn học viên ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Tính đến ngày 30/9/2014, tổng số giáo viên dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh là 2.227 người. Ngoài việc tăng số lượng, quy mô đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy, giáo trình... các trường đã có những giải pháp chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên đa số mới tốt nghiệp ra trường và một số chuyển từ nghề khác sang nên thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác giảng dạy.
Trong khi đó có nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn, nhưng lại chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Một số giáo viên còn hạn chế về trình độ Ngoại ngữ, Tin học. Kỹ năng dạy học của một số giáo viên còn hạn chế, nhất là ở các cơ sở dạy nghề mới thành lập và khối các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Do đó, bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, thì những hạn chế của hội giảng giáo viên dạy nghề tỉnh năm 2014 cũng phản ảnh khách quan về chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành có những kế hoạch, chính sách hợp lý điều chỉnh cơ cấu dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và trên 75% vào năm 2020 theo kế hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh.
Minh Quân

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.